Từ một trang mạng xã hội nghề nghiệp, có ý kiến cho rằng LinkedIn đang bắt đầu “nhuốm màu" Facebook. Các bài đăng về đời sống riêng tư và giải trí trở nên phổ biến hơn trên nền tảng vốn chỉ dành cho cộng đồng định hướng việc làm. Thay đổi này của LinkedIn đang nhận lại phản ứng trái chiều. Một số bình luận tỏ ý gay gắt, rằng họ không muốn có thêm một Facebook nữa.  


Định nghĩa “chuyên nghiệp" trở nên mập mờ 


Được thành lập vào năm 2003, LinkedIn lúc này là nơi chia sẻ lý lịch và một công cụ kết nối với đồng nghiệp. Sau này, nền tảng bổ sung newsfeed và giới thiệu nó như một tính năng để người dùng đăng văn bản và video. Nhưng nhìn chung, các nội dung chỉ gói gọn trong chủ đề công việc, thị trường, doanh nghiệp và các tin tức tuyển dụng. 


Định hướng nội dung của LinkedIn được duy trì trong suốt gần 2 thập kỷ. Cho đến khi các tài khoản mạng bắt đầu để ý rằng giữa những bài đăng nghề nghiệp, bỗng dưng xuất hiện những content rất riêng tư. Không có vấn đề gì với việc đăng tải một content có chức năng giải trí, nhưng sẽ là chuyện đáng bàn nếu chúng hiện diện ở một nền tảng nghiêm túc và chuyên nghiệp như LinkedIn. 


Không có vấn đề gì với việc đăng tải một content có chức năng giải trí, nhưng sẽ là chuyện đáng bàn nếu chúng hiện diện ở một nền tảng nghiêm túc và chuyên nghiệp như LinkedIn


Sofía Martín Jiménez, 30 tuổi, từng sử dụng LinkedIn như một công cụ để tìm kiếm nhân sự tài năng. Những dữ liệu về lý lịch của một nhân sự do nền tảng này cung cấp giúp công việc của cô dễ dàng hơn. Trên tờ The New York Times, cô Jiménez nói rằng nguồn dữ liệu đó đang bị “chen ngang". “Nó trở nên lộn xộn, đứt quãng bởi những cập nhật đời sống riêng tư của mọi người. Bạn có thể bắt gặp trên newsfeed LinkedIn về cách vượt qua nỗi buồn sau khi mất người thân hay cách để đối phó với bệnh tật. Ý tôi là, than thở về bệnh tật trên LinkedIn ư?”, cô Jiménez nói. 


Theo The New York Times, sự thay đổi nội dung này bắt đầu diễn ra kể từ đại dịch. Lora Kelley, cây bút chuyên mục Doanh nghiệp nói rằng khi giãn cách “lấy cắp" những tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, các nhân viên bắt đầu đổ lên LinkedIn để bù đắp cho những gì đã mất. Hơn nữa, tình trạng nhập nhằng giữa đời sống riêng tư và đời sống công việc cũng là một chất xúc tác khiến LinkedIn dịch chuyển về nội dung. “Ranh giới giữa cuộc sống văn phòng và gia đình trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Nếu trong cuộc đời thực đã không tách bạch, khó giữ được sự rạch ròi trên không gian ảo", Lora Kelly lập luận. 


Ranh giới giữa cuộc sống văn phòng và gia đình trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết


Liệu sự dịch chuyển nội dung này có thể đổ lỗi hoàn toàn cho thời thế? Và LinkedIn nói gì về việc “đánh mất điểm đặc trưng” và bị người dùng nhận xét là “hao hao Facebook”? 


Vẫn đi theo mục tiêu “cung cấp cơ hội kinh tế" cho người dùng


Với câu hỏi rằng mở rộng các nội dung riêng tư có phải là một chiến lược phát triển mới của LinkedIn, câu trả lời là “không nằm trong kế hoạch”. Ngay cả các lãnh đạo cấp cao của LinkedIn cũng thừa nhận là họ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của những nội dung bất thường, chệch ra khỏi sắc thái và hướng đi của nền tảng. Daniel Roth, Phó chủ tịch kiêm tổng biên tập của LinkedIn cho biết: “Đầu đại dịch, chúng tôi bắt đầu thấy những nội dung mà chúng tôi thực sự chưa từng thấy trước đây. Người dùng bỗng đăng nhiều về sức khỏe tâm thần, kiệt sức và căng thẳng. Đây là những bài đăng bất thường, những nhân viên chuyên nghiệp bỗng trở nên rất người với những tổn thương", ông Roth nói. 


Đối với những bài đăng riêng tư, LinkedIn không có quy định rõ ràng về việc nên hay hạn chế đăng tải. “Về nội dung cá nhân của người dùng, chúng tôi sẽ không can thiệp quá nhiều vào đó”, ông Roth nói. Tuy nhiên, ông Roth cho biết nền tảng sẽ khuyến khích những cá nhân có sức ảnh hưởng chia sẻ những chủ đề về lãnh đạo, nghề nghiệp, thăng tiến,... để đảm bảo nền tảng vẫn đi đúng định hướng ban đầu. 


Ông Roth cho biết nền tảng sẽ khuyến khích những cá nhân có sức ảnh hưởng chia sẻ những chủ đề về lãnh đạo, nghề nghiệp, thăng tiến


Owens, người đại diện của LinkedIn nói rằng công ty sẽ thực hiện một số cải tiến để đảm bảo mọi người nhìn thấy nội dung có liên quan đến dữ liệu ứng tuyển viên, nhân sự,...“LinkedIn ra đời không nhằm mục đích phục vụ nhu cầu giải trí. Sứ mệnh của nó là trở thành không gian cung cấp các cơ hội kinh tế cho người dùng", bà Owens nhấn mạnh định hướng của LinkedIn. 


Thế nhưng, nhiều người đặt ra câu hỏi, nếu mục tiêu sử dụng Linkedin của người dùng đã thay đổi, thì nền tảng này có nên thay đổi để thích nghi theo? 


Bảo thủ hay thích nghi? 


Sự thay đổi nội dung không phải do công ty khởi phát, mà là do định nghĩa của người dùng về “môi trường chuyên nghiệp" đã bắt đầu thay đổi. Trong một cuộc khảo sát với khoảng 2.000 người lao động vào đầu năm nay, LinkedIn phát hiện ra rằng 60% nói rằng định nghĩa của họ về “chuyên nghiệp” đã thay đổi kể từ khi đại dịch bùng nổ. Với họ, nơi làm việc không chỉ là nơi trao đổi công việc mà còn là không gian tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần. Việc chia sẻ thông tin cá nhân trên LinkedIn giúp họ có cảm giác thân thuộc và giải toả. “Nếu mục đích sử dụng LinkedIn đã thay đổi, thì sự tồn tại của nền tảng này có lẽ sẽ phải thích nghi theo", ông Zheng, người có hơn 100.000 người theo dõi trên LinkedIn chia sẻ với The New York Times. 


Vấn đề này đã đưa ra cho LinkedIn một bài toán. “Họ phải vừa chiều chuộng nhu cầu thể hiện và giãi bày bản thân của người lao động, vừa phải duy trì không khí chuyên nghiệp của nền tảng”, ông Zheng nói. Tờ The New York Times còn chỉ ra rằng việc phân bổ nội dung như thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ thu hút lượng tương tác của người dùng trên LinkedIn. 


Giải quyết bài toán này, LinkedIn đã bắt đầu chương trình mời những người có sức ảnh hưởng tham gia đồng sáng tạo. Trước đây, những người có ảnh hưởng trên LinkedIn thường là những “nhà lãnh đạo tư tưởng”, giống như các chuyên gia kinh doanh hoặc giám đốc điều hành, những người đăng lời khuyên cho hàng triệu người theo dõi. Gần đây hơn, những người sáng tạo nội dung từ TikTok và YouTube, bao gồm các ngôi sao như Mr. Beast, cũng đã tham gia LinkedIn.


“Nếu mục đích sử dụng LinkedIn đã thay đổi, thì sự tồn tại của nền tảng này có lẽ sẽ phải thích nghi theo"


Quy tắc của LinkedIn với ý tưởng nội dung mới này chính là, cộng tác nhưng không nên để những nội dung cá nhân viral hơn nội dung chuyên nghiệp. Kể cả khi mở rộng định hướng, ông Roth cho rằng không nên tạo cảm giác LinkedIn là một nền tảng truyền thông xã hội giống như TikTok hay Facebook. “Những bài đăng liên quan đến thị trường lao động vẫn nên là nội dung nổi bật, viral chứ không phải là các câu chuyện cá nhân”, ông Roth nói. 


Hằng Trần