"Nhà sáng tạo nhỏ có thể không kiếm ra tiền, nhưng sẽ nhận về nhiều lợi ích vô giá"

Trong những năm gần đây, Nền kinh tế Sáng tạo (Creator Economy) đã trở thành khái niệm quen thuộc với nhiều người. Hiểu đơn giản, Creator Economy đề cập đến hoạt động của các nhà sản xuất nội dung trên nền tảng trực tuyến. Bằng cách tự sáng tạo những nội dung có giá trị, bản thân nhà sáng tạo trở thành một Influencer (người có tầm ảnh hưởng) trong lĩnh vực của mình. Sức ảnh hưởng này giúp họ tiếp cận với các hoạt động thương mại như tiếp thị liên kết hoặc truyền thông, quảng cáo cho nhãn hàng. Điều kiện gia nhập dễ dàng cùng những cơ hội mà thị trường này mang lại đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sáng tạo độc lập, thúc đẩy họ tham gia và lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.


Nhắc đến Influencer (người có tầm ảnh hưởng), nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những ngôi sao nổi tiếng hay nhà sáng tạo nội dung sở hữu hàng trăm nghìn người theo dõi. Trên thực tế, cộng đồng Influencer được phân chia đa dạng tùy thuộc vào mức độ phủ sóng. Bên cạnh nhóm Influencer lớn (Macro Influencer, Mega Influencer), nhóm Influencer vừa và nhỏ, đặc biệt là những Nano Influencer (sở hữu từ 3 nghìn đến 10 nghìn người theo dõi) chiếm số lượng đông đảo nhất. Theo MF Vietnam, tỷ lệ tương tác của các Nano Influencer đạt 9,2%, cao gấp 5 lần so với con số khiêm tốn 1,8% của Macro Influencer.


Dù vậy, có rất ít cơ hội để các nhà sáng tạo thuộc nhóm này “kiếm được tiền” từ những nội dung mà mình tạo ra. Vậy đâu là động lực giúp họ tiếp tục lan tỏa giá trị và duy trì tương tác với người theo dõi?


Cùng trò chuyện với Thư Hoàng - chàng sinh viên năm 3 đại học Ngoại Thương sở hữu kênh Instagram Chuyện Đại Học đạt 4,5 nghìn người theo dõi. Đây là một “điểm đến” trên nền tảng Instagram cung cấp những kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên, bước đầu làm quen với môi trường đại học. Với kho thành tích đáng ngưỡng mộ: tuyển thẳng Đại học Ngoại Thương (FTU), Top 5 FTU It's Me hạng mục Nét bút truyền thông, Top 7 MT Kickstart Program 2022,... Thư Hoàng cũng chia sẻ những kinh nghiệm học tập, rèn luyện của chính bản thân qua các chủ đề: “Hành trình học tiếng Anh để đạt 9+ kì thi THPTQG”, “Chinh phục danh hiệu Sinh viên 5 tốt đâu có khó”, “Những app cực tiện ở đại học hay dùng”,.... Những nội dung này giúp người theo dõi có thêm tư liệu để trau dồi bản thân từ đó làm hành trang trải nghiệm một thời sinh viên đáng nhớ. 



Có thể gọi Chuyện Đại Học là kênh nội dung “trách nhiệm hữu hạn một mình tôi” vì Thư Hoàng đảm nhiệm mọi khâu trong quy trình sản xuất: từ lên ý tưởng và định hướng nội dung đến hình ảnh hoá nội dung đó qua tranh vẽ minh hoạ. Tuy dành nhiều thời gian để phát triển kênh, Thư Hoàng chỉ xem đây là một dự án cá nhân để chia sẻ và lan tỏa những thông tin giá trị, cậu cho biết “chưa có kế hoạch thương mại hóa kênh” và vẫn “ưu tiên việc học hơn” ở thời điểm hiện tại: “Nếu may mắn trong tương lai, độ nhận diện của kênh bùng nổ, mình sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn để phát triển kênh. Tuy nhiên, mình ưu tiên việc học ở trường và tốt nghiệp với kết quả mong muốn để đảm bảo cuộc sống cũng như công việc sau này.”



Tua ngược về những năm THCS, THPT, Thư Hoàng tự nhận mình là một người có xuất phát điểm khá bình thường. Để chinh phục tấm vé “tuyển thẳng Ngoại Thương” theo hình thức xét tuyển học bạ, Thư Hoàng đã không ngừng nỗ lực đầu tư vào kết quả học tập ba môn Toán - Lý - Anh của lớp 12. 


“Bắt đầu từ một học sinh THCS chỉ biết ‘Hello, How are you, I'm fine thank you and you?’ Những năm cuối THPT, mình xác định phải nâng cao điểm trung bình tiếng Anh để đậu vào Ngoại Thương. Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi bằng việc trau dồi ngoại ngữ mỗi ngày và lấy học tập làm niềm vui, điểm trung bình môn học này đã tăng dần từ mức 8,4 đến 9,6 và cuối cùng là 10,0 vào học kỳ II lớp 12. Thành quả đầy mãn nguyện khi mình được tuyển thẳng Đại học Ngoại Thương Cơ sở II với số điểm ​​trúng tuyển 28,04.” 


Hành trình truyền cảm hứng này cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Thư Hoàng thành lập kênh Instagram Chuyện Đại Học. Đây là một studygram (tài khoản Instagram chuyên về chủ đề học tập) chia sẻ những trải nghiệm tại giảng đường đại học Ngoại Thương đến các bạn học sinh cấp 3, sinh viên. 


“Có hai lý do mình quyết định mở kênh. Đầu tiên là mong muốn lan toả và chia sẻ những kinh nghiệm tại môi trường đại học đến các lứa sinh viên sau này. Thêm nữa, mình may mắn có đủ nguồn lực để xây dựng và phát triển một trang truyền thông mang dấu ấn cá nhân.”



Theo Thư Hoàng, nguồn lực ở đây là bộ kỹ năng về sáng tạo nội dung bao gồm nắm bắt insight người theo dõi, phát triển ý tưởng và hình ảnh hoá thông điệp. Chủ nhân kênh Chuyện Đại Học đã luyện tập những kỹ năng này thông qua hoạt động tại các câu lạc bộ truyền thông ở cả bậc phổ thông và Đại học.


Nhận thức được những thế mạnh sáng tạo, đặc biệt là lợi thế về thẩm mỹ và hình ảnh, Thư Hoàng chọn phát triển trang mạng xã hội của riêng mình trên nền tảng Instagram. “Giao diện lưới của Instagram giúp mình ‘khoe’ được hình ảnh chính của các bài đăng, từ đó thu hút sự chú ý từ khán giả mục tiêu. Ngoài ra, nhờ kho tính năng đa dạng đặc biệt là Instagram Story, mình có thể tương tác nhiều hơn với người theo dõi, chia sẻ và nắm bắt được những vấn đề mà các bạn đang gặp phải và lên kế hoạch phát triển nội dung để giải đáp những vấn đề đó.”


Giao diện bắt mắt của kênh studygram Chuyện Đại Học


Ấn tượng đầu tiên khi phát hiện “góc nhỏ” Chuyện Đại Học là những bài đăng được đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh. Thư Hoàng phân chia nội dung trên trang bằng các series bài đăng theo mùa với nét vẽ đơn giản và đáng yêu. Đơn cử, những bài đăng mùa xuân - mùa tuyển sinh sẽ có màu sắc tươi sáng, gợi cảm giác vui vẻ, trong khi những bài đăng vào mùa đông mang tông màu tối, đem lại cảm giác gần gũi và ấm áp. Khởi chạy từ cuối tháng 08/2021, đến nay, Chuyện Đại Học đã sở hữu hơn 4,5 nghìn người theo dõi, xuất bản 90 bài viết và lượng tương tác trung bình là 200 cho mỗi bài đăng. 



Chọn chia sẻ những trải nghiệm của chính bản thân tại môi trường đại học, Thư Hoàng cho biết quy trình sản xuất nội dung không quá phức tạp, gồm 5 bước. Trong đó khâu minh hoạ chiếm phần lớn thời gian, cũng chính là công đoạn giúp duy trình nhận diện, lợi thế của Chuyện Đại Học với những tài khoản studygram trên thị trường.


Bắt đầu với việc tìm kiếm cảm hứng từ mạng xã hội, những quan sát trong cuộc sống hàng ngày hoặc insight của người theo dõi thông qua khảo sát trên Instagram Story, Thư Hoàng sẽ phát triển và diễn giải ý tưởng thành nội dung. Tiếp theo, cậu hình ảnh hoá ý tưởng bằng các hình ảnh minh hoạ bằng cách tham khảo ý tưởng hình ảnh trên Behance, Pinterest và các kênh TikTok (Convecho, Be, Chono,…), kết hợp cùng công cụ phối màu Coolors sau đó tiến hành vẽ trực tiếp trên trackpad. Cuối cùng là bước đăng bàiseeding - trả lời bình luận của người theo dõi để tăng tương tác và chia sẻ lại bài đăng ở các nhóm cộng đồng trên Facebook để tăng mức độ tiếp cận. 



Xây dựng nhận diện cho kênh studygram từ con số 0, hành trình chinh phục độc giả của Chuyện Đại Học không chỉ “trải đầy hoa hồng”. Đối với Thư Hoàng đây là quá trình cậu phải liên tục làm mới mình, tối ưu hoá quy trình và đúc rút kinh nghiệm. Thách thức lớn nhất là những hạn chế về mặt ý tưởng khi chỉ mới lấn sân sang lĩnh vực sáng tạo nội dung. Ngoài ra còn là những khó khăn về duy trì tiến độ sản xuất ổn định trong quỹ thời gian sinh viên hạn chế. 


Chọn một lối đi riêng giữa lĩnh vực studygram đầy cạnh tranh, hơn ai hết Thư Hoàng nhận thức rõ những bất lợi và hạn chế trong quy trình sản xuất nội dung hiện tại. Trong khi nội dung các kênh thường nghiêng về hướng chia sẻ kinh nghiệm chung hay sử dụng những hình ảnh thiết kế đơn giản, Chuyện Đại Học lại được triển khai dưới dạng “nhật ký” với hướng tiếp cận gần gũi và hình ảnh vẽ tay thủ công cho mỗi bài đăng. “Mình từng nghĩ đến nhiều giải pháp để giúp tăng tốc độ sản xuất và số lượng bài đăng ví dụ như dùng luôn ảnh stock hay đơn giản hóa lại hình ảnh, nhưng sau cùng vẫn chấp nhận chậm một chút để giữ lợi thế cạnh tranh và nhận diện kênh nhất quán. Và mình tin rằng người theo dõi sẽ hài lòng với những nội dung đầu tư nhiều công sức, chất xám.”



Ngoài ra, để duy trì cảm hứng và nâng cấp chất lượng của kênh, Thư Hoàng cũng không ngừng học tập. Mấu chốt là lắng nghe khán giả để nắm bắt tâm lý của nhóm đối tượng mục tiêu và có những điều chỉnh phù hợp. 


“So với thời gian đầu lập kênh, khối lượng nội dung trong một bài đăng đã tăng lên khá nhiều đạt 7 đến 10 trang trung bình ở mỗi bài. Không chỉ về số lượng mà chất lượng cũng được mình đầu tư và chăm chút. Bên cạnh việc thu thập cảm hứng từ các nền tảng mạng xã hội, mình dành thời gian trò chuyện với các bạn đồng niên và lắng nghe ý kiến góp ý từ độc giả.


Còn về hình ảnh, kho nhân vật của kênh đã được đa dạng hoá hơn, nét vẽ và các chi tiết nhỏ cũng được chăm chút hơn. Bắt đầu bằng việc đi nét theo những hình ảnh đơn giản có sẵn bằng công cụ hỗ trợ (pentool), mình tô màu theo palette mẫu, chắc tay hơn một tí thì mình dùng thẳng trackpad để vẽ theo. Thời gian gần đây mình đã tự tin sáng tạo ra những thứ mình thích dựa trên ảnh gốc, tập tành đổ bóng, phối màu đa dạng. Nhờ vào việc bền bỉ luyện tập và nghiên cứu các tác phẩm, mình có thể đánh giá khả năng vẽ của bản thân đã phát triển hơn trước rất nhiều.”



• Hầu hết các nhà sáng tạo tập sự hoặc mới nổi đều gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống - khi những công sức sáng tạo vẫn chưa mang lại giá trị quy đổi đáng giá nhưng vẫn phải bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết. Bạn đánh giá thế nào về thực trạng này?


Mình xem quá trình phát triển Chuyện Đại Học như một bước chạy đà, chuẩn bị cho tương lai gia nhập thị trường lao động. Vì vậy mình không đặt nặng lượng tương tác hay những giá trị thực nhận mà tập trung làm thật tốt từng nội dung, trăn trở làm sao để truyền tải hay nhất, hiệu quả nhất đến độc giả.


Trên thực tế, nhờ vào Chuyện Đại Học mà mình “nhận” được rất nhiều. Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển kênh, mình đã học được kha khá kỹ năng cần thiết để làm đẹp CV trong mắt nhà tuyển dụng. Đầu tiên là các kỹ năng chuyên môn như viết lách, thiết kế, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Tiếp đến, những kỹ năng mềm như quản lý và sắp xếp công việc cũng được mình hoàn thiện và tối ưu theo thời gian. Nhờ sức ảnh hưởng của kênh, mình cũng nhận được nhiều khóa học chuyên môn từ đó có cơ hội bổ sung thêm kiến thức. 


Trên tất cả, điều đáng nhớ và tự hào nhất trong suốt quá trình thành lập và phát triển kênh có lẽ là sự tin yêu và ủng hộ từ các bạn học sinh - sinh viên. Đối với mình, họ không chỉ là những độc giả, người theo dõi mà giống như những người bạn vậy! Các bạn thoải mái chia sẻ cùng mình những câu chuyện cá nhân, tin tưởng tìm đến những lời khuyên từ mình và thỉnh thoảng còn bắt chuyện cùng mình trên sân trường. Những vinh dự đó là minh chứng cho những gì mình đã và đang làm là có giá trị và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và mình rất tự hào về điều đó.


• Trong tương lai khi phải tốt nghiệp đại học, có lẽ những trải nghiệm của bạn sẽ không còn phù hợp với tệp khách hàng mục tiêu của kênh. Bạn có định hướng và kế hoạch gì cho Chuyện Đại Học trong 3-5 năm tới?


Bên cạnh hiện diện như một trang studygram, mình xem Chuyện Đại Học như quyển “nhật ký” trong hành trình phát triển bản thân, ghi lại những suy nghĩ, trải nghiệm của chính mình một cách chân thật nhất. Sau này, khi mình trưởng thành, những khán giả mục tiêu hiện tại cũng sẽ cùng mình trưởng thành. Vì vậy, mình sẽ tiếp tục cập nhật những trải nghiệm khi đi làm hay những kế hoạch, định hướng trong tương lai. Mình luôn quan niệm rằng những trải nghiệm mà đích thân mình trải qua, chìm đắm thì mới có được những cái nhìn, những cảm nhận và chia sẻ đúng đắn nhất. 


• Lời khuyên của bạn đến các bạn trẻ để có một thời sinh viên ý nghĩa?


Hãy thử thật nhiều và trải nghiệm thật nhiều để không hối tiếc. Mình tự nhận thời sinh viên của mình khá “lăn xả” và thú vị nhờ đó mà mình gặp được nhiều người, học hỏi được nhiều điều và chọn lọc được những gì mà mình yêu thích nhất để tiếp tục đào sâu, phát triển trong tương lai. 


Một CEO đã chia sẻ thế này trong buổi training cho team mình: khoảng thời gian còn sôi sục nhiệt huyết tuổi trẻ thì cứ thử đi, bởi không ai xác định được đam mê thật sự của bản thân ngay từ đầu cả, nếu thất bại thì thử lại, còn cả tuổi trẻ phía trước để khám phá bản thân trước khi thu mình trong vòng luẩn quẩn cơm - áo - gạo - tiền. 


"Nhà sáng tạo nhỏ có thể không kiếm ra tiền, nhưng sẽ nhận về nhiều lợi ích vô giá"

Lý Tú Nhã

Lý Tú Nhã

Senior Content | Advertising Vietnam

01 Thg 09 2022

Lưu

Cùng chuyên mục