Nhà “vẽ” thơ Lai Thượng Hưng: “Tác phẩm bắt trend rất dễ trở nên nhảm nhí nếu tác giả suy nghĩ chưa ‘chín’ hoặc không đủ năng lực”

“Sẽ có lúc, lòng lạc loài hết thảy

Gieo mầm nào cũng chẳng thấy nở hoa

Nhưng xin hiểu, đời như sông, cứ chảy

Không-may này, cũng sẽ thành hôm-qua…”


Cứ thế nhẹ nhàng và chan chứa niềm lạc quan, mỗi bài thơ của anh Lai Thượng Hưng từng chút một an ủi tâm hồn người đọc. Chọn theo đuổi thơ ca trong thế giới liên tục cho ra đời nhiều hình thức sáng tạo mới, nhà thơ Lai Thượng Hưng đem vào bức tranh muôn hình muôn vẻ của ngành sáng tạo nội dung một mảng màu tươi sáng từ tiếng nói tôn vinh những “điều tốt lành nho nhỏ, một nét vẽ hiện đại từ cách sử dụng teencode hay tranh minh hoạ kỹ thuật số trong thơ.


Sáng tác thơ ca trong thời hiện đại có điều gì đặc biệt? Thơ liệu có phải chỉ phản ánh tiếng nói đơn phương của người viết về sự vật, sự việc? Làm thơ có nhất định phải tuân theo niên luật một cách chặt chẽ? Tìm kiếm câu trả lời từ anh Lai Thượng Hưng - người viết đã đồng hành với thơ ca hơn 6 năm và từng hợp tác với các nhãn hàng lớn như Cocoon, Grab, Ngân hàng SCB, Fami,... 


 

Thơ của Lai Thượng Hưng luôn cất lên một thanh âm vui vẻ hướng đến những điều dung dị trong cuộc sống như tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình hay vài khoảnh khắc ngẫu hứng của thiên nhiên tươi đẹp. Qua đó, anh ôm ấp nỗi lo về cơ ngơi sự nghiệp và sự cô đơn lẻ bóng của những người trẻ hiện đại. Đọc thơ của Lai Thượng Hưng, người ta thấy “cưng cưng” (từ của nhà thơ), thấy như được yêu thương vỗ về. 


Lai Thượng Hưng không chỉ làm thơ, anh còn chụp ảnh, vẽ minh hoạ cho tác phẩm và viết tay những dòng thơ thành tranh. Tháng 2/2017 là thời điểm lần đầu anh chia sẻ các bài thơ của mình lên Facebook cá nhân dưới định dạng tranh vẽ, nhận được sự mến mộ nhiệt thành của bạn bè lẫn cộng đồng mạng. Khoảng 7 tháng sau, anh lập fanpage và nhãn hàng đầu tiên đã tìm đến. Nửa năm tiếp theo, Lai Thượng Hưng nghỉ công việc văn phòng, chính thức theo đuổi sự nghiệp Content Creator toàn thời gian.  


Ban đầu, những bức ảnh “vẽ thơ nhằm giúp anh lưu trữ và tìm kiếm lại từng bài thơ một cách dễ dàng hơn, đồng thời là cách để anh luyện tập song song nhiều kỹ năng và kiểm tra lại tác phẩm của mình lần cuối trước khi đăng tải. Lâu dần, những bức ảnh ấy trở thành tấm áo, khoác thêm vẻ gợi cảm và hình tượng cho từng vần thơ anh viết. Đây cũng chính là yếu tố khiến người đọc yêu thích và ghi nhớ thơ của Lai Thượng Hưng.  



Khi còn là một cậu sinh viên, Lai Thượng Hưng đặt bút làm thơ con cóc như bao bạn bè đồng trang lứa. Về sau, thơ đối với anh thành trang nhật ký, nơi anh gửi gắm tâm tư, thổ lộ cảm xúc và truyền tải suy nghĩ của bản thân về mọi chủ đề. Giữa sở thích chụp ảnh, vẽ vời và làm thơ, chàng trai Lai Thượng Hưng đã chọn thi ca làm thể loại nội dung chính để phát triển trên trang cá nhân. Không phải do thi ca gieo lại một niềm rung cảm đặc biệt - vì mỗi loại hình sáng tạo lại có cái hay và cái gợi cảm của riêng nó, Lai Thượng Hưng “bầu bạn” với thơ vì nhận ra khả năng có phần nổi bật hơn của bản thân ở lĩnh vực này. Đồng nghĩa rằng với thơ, anh có thể giao tiếp hiệu quả hơn với thế giới nội tâm.  



Sáng tác thơ như viết nhật ký, Lai Thượng Hưng đem cá tính và kiểu nói chuyện thường ngày vào cách hành văn. Ở thơ của anh, người đọc dễ dàng bắt gặp nhiều từ ngữ người miền Nam hay dùng như “nghen”, “hổng”, “nè”,... hay tiếng lóng và teencode như “phây” (Facebook), “hi hi”, “thoy (thôi), “gấu (cách gọi người yêu),... Lai Thượng Hưng chia sẻ rằng đó là cách anh giao tiếp hàng ngày, là ngôn ngữ anh thường xuyên lắng nghe. “Tôi không thể đóng vai một người có cá tính khác để viết về góc nhìn của mình được. Tôi cứ là chính mình khi viết mà thôi”, anh giãi bày. Bằng cách này, tác phẩm của anh toát lên nguồn cảm hứng mới mẻ và trẻ trung, góp phần đưa thơ ca trở nên gần gũi hơn với thế giới hiện đại, tách dần “vỏ bọc” hàn lâm và quy tắc của nó từ xưa đến nay.



Tuy nhiên, vấn đề sử dụng tiếng lóng hay teencode vào văn bản vẫn đối mặt với nhiều tranh cãi rằng sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Lai Thượng Hưng nói: “Teencode thực sự tồn tại trong xã hội Việt Nam. Nó xuất hiện một cách tự nhiên trong tiến trình phát triển của xã hội. Nó độc đáo, nó đem lại niềm vui nhưng cũng nhận về sự phản đối, tuỳ từ ngữ. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận rằng nó phản ánh một phần văn hoá của cuộc sống trực tuyến, và từng là ngôn ngữ giao tiếp phổ biến của cả một thế hệ”. Nhưng sử dụng chứ không lạm dụng, Lai Thượng Hưng vẫn cân nhắc vài yếu tố trước khi quyết định đem một từ teencode vào tác phẩm, tuyệt đối không tùy tiện như trong giao tiếp hàng ngày. Anh tuân theo ba quy tắc: phải đem lại cảm hứng vui vẻ cho câu thơ, tác giả cảm thấy đặc biệt thích thú và phù hợp với chủ đề bài thơ đang khai thác. 



Viết về những điều tốt lành nho nhỏ và những niềm hạnh phúc “bé tí”, Lai Thượng Hưng lấy chữ “vui làm kim chỉ nam cho công việc sáng tạo. Nghe chia sẻ về hành trình 6 năm đi cùng thi ca của anh, sẽ thấy rõ một Lai Thượng Hưng thực sự tận hưởng công việc, thực sự say mê vùng trời sáng tạo của riêng mình - nơi anh được viết, được vẽ, được chụp ảnh mọi khoảnh khắc đầy rung cảm trong cuộc sống. Hầu như trước mọi câu hỏi về cách giải quyết một vấn đề gặp phải trong sự nghiệp, Lai Thượng Hưng đều trả lời rằng điều quan trọng nhất vẫn là người viết đã cảm thấy vui trong quá trình sáng tạo. Người đọc có thể hưởng ứng tác phẩm hoặc không. Nhãn hàng có thể từ chối ý tưởng hoặc không. Nhưng tác giả nhất định phải tận hưởng quá trình làm ra chúng để tự mình rút ra được cái hay - cái dở.    


Ấy vậy mà, khi niềm vui đi xa, buồn bã và tiêu cực ở lại, Lai Thượng Hưng vẫn sáng tác. Đối với anh, hỷ nộ ái ố của con người là đáng trân trọng và là điều dĩ nhiên phải có. Con người không tránh được buồn phiền mà thậm chí còn học được nhiều thứ hơn từ nó. “Tôi sáng tác khi buồn thậm chí còn nhiều hơn khi vui. Nhưng tôi không phô ra nỗi buồn ấy, tôi chọn cách hoá thân thành một tri âm, tri kỷ và tự hỏi người bạn ấy sẽ nói gì để an ủi khi chứng kiến bản thân tôi tiêu cực lúc đó. Và rồi tôi viết - những dòng thơ động viên chính mình.” Nguồn cảm hứng cho cách sáng tác này đơn giản xuất phát từ việc anh tìm thấy niềm vui trong nó, thấy cuộc đời dễ thương và nhiều ý nghĩa hơn. “Thật may mắn và biết ơn khi tác phẩm mà mình viết vì niềm vui cá nhân lại có thể đem lại niềm vui cho người khác. Đây là một động lực cộng hưởng, cổ vũ tôi tiếp tục sáng tác để tôn vinh muôn điều tích cực như vậy nhiều hơn nữa. - Lai Thượng Hưng bộc bạch. 


Đối mặt với trend (xu hướng), Lai Thượng Hưng cũng chọn cách tiếp cận có phần cá nhân như vậy. Là một Content Creator, thay vì buộc bản thân chạy theo trend, Lai Thượng Hưng đề cao sự phù hợp của trend với tiếng nói tác giả cũng như sở thích bạn đọc. Ngoài ra, anh thường cân nhắc có nên bắt trend hay không ngay từ khoảnh khắc đầu tiên anh được tiếp cận với chúng. “Nếu tôi bị trend thu hút ngay lập tức và hiểu được thông tin mà xu hướng đó đang đề cập, ắt tôi sẽ có cảm hứng và tự đi tìm hiểu thêm về nó để tiếp tục xây dựng ý tưởng. Quá trình này diễn ra chủ quan lắm. Nhưng tôi có lời khuyên dành cho các creator rằng nên để mọi thứ diễn ra tự nhiên, đừng ép bản thân bắt trend khi suy nghĩ chưa đủ ‘chín‘, năng lực chưa đủ tới. Nếu không, sản phẩm rất dễ trở nên tào lao, nhảm nhí. - nhà thơ thẳng thắn. 



Phải thấy vui khi sáng tác nhưng tuyệt nhiên không sáng tác chỉ vì vui. Lai Thượng Hưng bật mí đa số tác phẩm của anh đều ra đời khi anh buộc bản thân ngồi vào bàn làm việc và cầm bút lên. “Những lần ‘tức cảnh làm thơ‘ hiếm khi tìm đến với tôi. Nhưng một vài khoảnh khắc ngẫu hứng lại rất hay xảy ra khi tôi tập trung viết một cách nghiêm túc. Đôi khi, vài chi tiết ngẫu hứng này lại làm nên cái hay nhất của bài thơ”, anh nói. Anh tự nhận mình là người không phải lúc nào cũng tràn trề cảm hứng, cũng chẳng phải người dễ nảy sinh ý tưởng. Do đó, đối với anh, thay vì chờ cảm hứng tới để bắt đầu sáng tạo thì phải bắt tay vào thực hành thì ý tứ thi ca mới xuất hiện. 



Những lần buộc bản thân ngồi vào bàn làm việc để viết thường diễn ra mỗi ngày và tuân theo kế hoạch thời gian cụ thể. Thay vì xây timeline đăng bài, Lai Thượng Hưng lên thời gian biểu cho các việc cần làm trong ngày. Hay nói cách khác, anh ưu tiên đảm bảo thời gian sáng tác đều đặn mỗi ngày hơn cam kết về số lượng tác phẩm cuối. Anh giải thích: “Chạy theo timeline đăng bài khiến chất lượng tác phẩm của tôi không ổn định. Nhiều khi, đến giờ đăng bài mà thành phẩm lại chưa thực sự hoàn thiện, bản thân thấy rất áp lực. Tôi nhận ra một điều thế này: nếu mình đủ chú tâm, đủ khả năng và đủ kiên nhẫn thì tác phẩm cuối sẽ tự đưa câu trả lời. Cứ mải mê sáng tạo mà không phải bận tâm nhiều đến thời lượng hoàn thành giúp người viết như tôi tận hưởng quá trình sáng tác và thấy hài lòng với thành quả hơn. Với tôi bây giờ, việc tạo ra ít hay nhiều sản phẩm không còn quan trọng bằng lượng thời gian đã bỏ ra để ‘sống‘ cùng tác phẩm”. 



Quy trình hợp tác với nhãn hàng lại đòi hỏi người sáng tạo đáp ứng timeline gửi bài chặt chẽ hơn. Ngoài ra, tác phẩm cuối còn cần có sự dung hoà giữa yêu cầu nhãn hàng và quan điểm cá nhân của tác giả. Đối mặt với những vấn đề này, Lai Thượng Hưng cho biết cách giải quyết hiệu quả nhất chính là “sự thảo luận. Người sáng tạo nên bàn bạc rồi thống nhất với nhãn hàng về những nội dung cần đề cập và nội dung không được phép xuất hiện trong tác phẩm. Khi xảy ra mâu thuẫn, hãy làm rõ mọi nguồn cơn bằng những cuộc đối thoại rõ ràng, trình bày quan điểm cá nhân theo thiện chí muốn tác phẩm trở nên tốt hơn.



Đã chấp nhận làm việc với nhãn hàng là chấp nhận dấn thân vào một cuộc chơi khác, không phải của riêng mình nữa. Thế nên phải kiên nhẫn, phải biết trao đổi, biết cân bằng và học cách chấp nhận một số điều khác bản thân mình thường ngày.” - Lai Thượng Hưng kết luận. 




Nỗi buồn không phải “ngọn núi duy nhất mà Lai Thượng Hưng phải vượt qua trong sự nghiệp thi ca của mình. Nhà thơ đã từng đối mặt với không ít lần mất phong độ khiến khả năng sáng tác rơi vào “vực sâu”. Những lúc như vậy, một câu viết cũng không xong, một từ nghĩ cũng không ra. Nhà thơ loay hoay tìm cách đặt dấu câu sao cho phù hợp, chật vật sửa thanh âm của từng tiếng trong bài. Lâu dần, anh tập làm quen với điều này và hiểu rằng chúng là một phần không thể thiếu của thế giới sáng tạo.


Tắt máy tính đi và thay đổi không gian xung quanh, tìm một cuốn sách để đọc, mở một bài nhạc mới mà nghe, xách ba lô lên và ghé thăm những vùng đất mới,... là những cách mà Lai Thượng Hưng áp dụng khi phong độ sáng tác đi xuống dốc. Ngoài ra, lúc này, file ghi chép của anh bỗng chốc trở thành một bảo bối thần kì. Đọc lại file, anh sẽ tìm thấy những ý tưởng đã từng khiến bản thân say mê đến nhường nào. Anh cứ thế bắt đầu với con chữ đầu tiên cho từng chủ đề mới. Đến khi cảm hứng đủ đầy, Lai Thượng Hưng quay lại chăm chút tác phẩm đang dang dở ban đầu. 




Thế nhưng, tâm sức mà tác giả bỏ ra không thể tác động hoàn toàn đến cảm tình của khán giả về tác phẩm. Với Lai Thượng Hưng, anh cho rằng mức độ đón nhận của người đọc không có thang đo định lượng, thậm chí nằm ngoài khả năng đánh giá chính xác của nhà sáng tạo. Theo anh, lượt thích, chia sẻ hay bình luận về tác phẩm sẽ có ý nghĩa với các nhãn hàng nhưng không bao giờ phản ánh được toàn bộ giá trị của một tác phẩm. 


Người đọc luôn có cách đón nhận tác phẩm của riêng họ mà nếu may mắn thì tác giả sẽ biết. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra thơ của mình được xăm lên cơ thể một ai đó, được lưu lại trong điện thoại, được in ra làm bưu thiếp gửi tặng người thân,... Những chuyện không ngờ ấy xảy ra rất nhiều lần với các tác phẩm nhận ít lượt tương tác nhất trên trang cá nhân của tôi. Tất cả tình cảm vô hình của người đọc đó, làm sao tác giả có thể cân đo đong đếm được? Đối với tôi, nó thực sự đáng giá”. Lai Thượng Hưng nói thêm: “Đúng là thi ca ra đời từ tiếng nói cá nhân của tác giả. Thế nhưng, với mỗi một người đọc, nó lại hiện diện thành một phiên bản riêng. Tùy theo cách khán giả đón nhận, tác phẩm ngẫu nhiên đóng một vai trò khác, mang một ý nghĩa khác trong câu chuyện cuộc đời của chính khán giả đó”.    



Đúc kết từ hành trình 6 năm làm thơ, Lai Thượng Hưng không ngần ngại tự nhận mình “chẳng rút ra một quy tắc hay công thức sáng tạo nào. Theo anh, nhà sáng tạo không nên rập khuôn tác phẩm trong chuẩn mực hay quy tắc cụ thể, trừ khi hợp tác với nhãn hàng. Họ chỉ cần thoả mãn bản thân một câu hỏi: Tác phẩm đã thực sự khiến mình hài lòng hay chưa? Nếu chưa, hãy cất nó lại để tiếp tục chăm chút và phát triển hơn nữa. “Trải qua 6 năm làm thơ nghe có vẻ dài, nhưng tôi vẫn chỉ là một ‘mầm non sáng tạo’ thôi. Còn phải thử, phải làm nhiều, phải ‘bung xõa‘ hơn nữa thì mới khám phá được hết giới hạn của bản thân. Vậy nên tốt nhất đừng đặt ra quy tắc gò bó mình làm gì. Tôi muốn theo đuổi nghề viết thật dài hơi. Tôi muốn có một sự nghiệp 60 năm với nó. Tất cả những gì tôi sở hữu hiện tại chỉ mới chiếm 10% cuộc hành trình.” - Lai Thượng Hưng chia sẻ.


Về niên luật của thi ca - điều mà nhà thơ nào cũng phải tuân theo, anh nói rằng điều quan trọng hơn lại là luật lệ tại sân chơi mà nhà thơ lựa chọn để thể hiện tác phẩm. Thơ có thể rất hàn lâm, cũng có thể mang vẻ bình dị. Thơ có thể xuất hiện ở những tờ báo lớn, công trình nghiên cứu khoa học nhưng cũng có thể được viết trên bản tin tổ dân phố, được chia sẻ qua những cuộc hội thoại hàng ngày. Tùy theo cách mà thi ca xuất hiện, tác giả tự thân sẽ phải diện cho nó những y phục khác nhau. Lai Thượng Hưng giải thích thêm rằng lĩnh vực sáng tạo rất muôn hình vạn trạng và thi ca cũng chỉ là một lựa chọn trong số đó. Vậy nên, bất kể ai cũng có quyền tùy hứng làm thơ, miễn họ biết sân chơi họ chọn cho tác phẩm của mình ở đâu. Hơn nữa, thế giới thi ca còn sở hữu thể thơ tự do không tồn tại niên luật, cho phép các tác giả thoải mái sáng tạo.    



Nhìn lại hành trình đã đi qua, Lai Thượng Hưng dành một từ “trân trọng. Mỗi bài thơ kể cả từng non nớt cũng đều phản ánh một cột mốc phát triển trên sự nghiệp của anh. Thay vì chối bỏ, Lai Thượng Hưng nhìn nhận mọi tác phẩm như một “khu vườn sáng tạo rộng lớn. Tại thời điểm vài năm trước, anh chỉ đủ khả năng chăm bẵm một “mầm cây” ý tưởng nhỏ. Qua thời gian, khi năng lực có đủ và tư duy vừa “chín, anh mới có thể nuôi dưỡng cả một khu vườn toàn những cây trưởng thành, hay nói cách khác là biến hoá bài thơ cũ thêm trọn vẹn hoặc phát triển nó thành nhiều ý tứ hơn. “Một tác phẩm đã từng được sáng tác không đồng nghĩa rằng nó sẽ chết cứng tại một thời điểm. Khi tác giả đủ giỏi hơn sẽ có khả năng cho nó một đời sống khác, hoặc không thì ‘tái chế‘ nó theo nhiều hình thức sáng tạo mới như tranh vẽ, bài hát, video,...” - anh nói thêm. Tư duy này dường như đã không ngừng “vẽ đường chỉ lốicho “mầm non sáng tạo Lai Thượng Hưng trên con đường say mê cống hiến vì nghề viết suốt những năm qua, và hơn 50 năm có lẻ nữa.  


“Sao phải tự giới hạn chính mình

rồi bỏ qua điều từng mơ ước

Sao phải sợ tiến lên phía trước

để ngắm nhìn trời đất bao la…

Ta còn tuổi trẻ mà ta

để sai - để sửa, để mà lớn lên…”


Nhà “vẽ” thơ Lai Thượng Hưng: “Tác phẩm bắt trend rất dễ trở nên nhảm nhí nếu tác giả suy nghĩ chưa ‘chín’ hoặc không đủ năng lực”

Trang Ngọc

Trang Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

06 Thg 04 2023

Lưu

Cùng chuyên mục