Nhân sự agency nói gì về bài viết “Phụ nữ dành 200 giờ mỗi năm cho những việc không quan trọng trong công ty” rầm rộ trên LinkedIn?

Trong bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có những công việc nhỏ nhặt, “không tên” như ghi chú cuộc họp, tạo bản trình chiếu (Powerpoint),... Và trên thực tế, những nhân sự chịu trách nhiệm cho công việc này phần lớn là nữ giới. Bài viết mới đây do tài khoản chính thức của LinkedIn đăng tải đã chia sẻ rằng: "Phụ nữ dành trung bình 200 giờ mỗi năm cho những công việc không đóng góp cho việc thăng tiến".


Bài viết đã nhận được hơn 3,5 nghìn lượt tương tác và thu hút sự bình luận từ đông đảo người dùng. Sự việc này khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu những công việc kể trên có phải là trách nhiệm của nhân sự nữ?"


Hãy cùng các nhân sự đến từ TBWA\Group Vietnam, Chiic Digital, MediaCom - GroupM YouNet Group phân tích về chủ đề này!



Trong quyển sách "The No Club: Putting a Stop to Women's Dead Work", các tác giả đã chỉ ra rằng phụ nữ thường được giao những công việc không đóng góp cho việc thăng tiến (non-promotable work). Trong một cuộc phỏng vấn với tờ "Welcome to the Jungle", tác giả Lise Vesterlund giải thích rằng công việc không thể thăng tiến là những nhiệm vụ giúp ích cho tổ chức, doanh nghiệp nhưng không giúp nhân sự tiến đến vị trí cao hơn trong sự nghiệp. 


Thông thường, loại công việc này có 3 dạng:

- Không đóng góp trực tiếp vào sứ mệnh của doanh nghiệp: Đó là những đầu việc như tổ chức các buổi tiệc tại văn phòng, phục vụ trong các buổi họp nội bộ,... không góp phần tạo ra doanh thu hay mang lại khách hàng mới cho doanh nghiệp.

- Những công việc "vô hình": Đơn cử như việc nhân sự sẽ chuẩn bị các slide thuyết trình nhưng không trực tiếp đứng ra trình bày, do đó hầu hết mọi người sẽ không biết rằng nhân sự chính là người làm các slide đó.

- Không yêu cầu kỹ năng nào đặc biệt: Những đầu việc không giúp nhân sự thể hiện được năng lực hay trình độ của bản thân



Từ đó, các tác giả của quyển sách cho biết phụ nữ dành nhiều hơn 200 giờ mỗi năm cho các công việc "vô ích" này, tương đương với một tháng làm việc. Nghiên cứu của các tác giả cũng chỉ ra rằng 48% phụ nữ thường tự nguyện đảm nhận các công việc này và 44% các nhà quản lý có xu hướng giao những đầu việc này cho nữ giới.


Tính cách tỉ mỉ, cẩn thận của phụ nữ phù hợp với những công việc nhỏ nhặt


Chị Phương Uyên - Senior HR Executive tại YouNet Group cho biết: "Thông thường, các nhân sự nữ có tính cách, năng lực để thực hiện những công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mẩn, chi tiết,... nên được gắn mác là những 'hậu cần' đối với hầu hết dự án. Họ thường đảm nhận những việc như ghi chú biên bản cuộc họp, sắp xếp phòng ốc trước cuộc họp, chuẩn bị thức ăn - đồ uống,... Sự gắn mác này xuất phát từ việc phụ nữ thường được xem là hậu phương, sinh ra đã có sẵn tính cách chu toàn. Do đó, dù tập thể lớn hay nhỏ thì phụ nữ luôn được xem là người làm những việc không tên, đồng thời phải đảm đương, vận hành công việc liên quan trực tiếp đến quá trình vận hành sản phẩm/dịch vụ của công ty."


Từ góc nhìn của bản thân, chị Thiều Mai - Senior Account Manager tại TBWA\Group Vietnam chia sẻ: "Thật ra điều này cũng tùy vị trí của họ ở trong team như thế nào nữa. Ví dụ như nếu đảm nhận vị trí Account Executive, nhân sự sẽ là người làm việc xuyên suốt dự án. Do đó, việc ghi chú các cuộc họp với khách hàng, tạo kế hoạch timeline cho công việc, trình bày proposal với khách hàng,... cũng đều thuộc phạm vi công việc (scope of work) của nhân sự. Thế nhưng trong môi trường agency thì các bạn Account đa phần là nữ, vô tình chung khiến phái nữ là người làm các công việc đó nhiều hơn."



Thế nhưng, chị Phương Uyên cho rằng nhân sự nữ nên làm rõ những công việc này có phải là trách nhiệm, bổn phận của mình trong công ty hay không. "Thứ nhất, nhân sự cần tách bạch 'trách nhiệm - responsibility' và ' chấp nhận thực thi - acceptable'. Nếu các công việc kể trên được ghi chú rõ ràng trong hợp đồng lao đồng, bản mô tả công việc (JD) thì đương nhiên đó là trách nhiệm của bản thân nhân sự, đồng thời những đầu việc này cũng đóng góp một phần vào quá trình vận hành bộ máy của toàn công ty. Ví dụ như các nhân viên tea lady (phục vụ trà nước) trong doanh nghiệp được giao phó trách nhiệm chăm sóc văn phòng, hỗ trợ event. Đó vừa là trách nhiệm, vừa giúp mọi người trong công ty gắn kết với nhau, xây dựng văn hóa nội bộ lành mạnh.



Ngược lại, nếu đó chỉ là những công việc phát sinh, không có trong JD thì điều này chỉ nên dừng ở việc 'chấp nhận thực thi - acceptable'. Đa phần nhân sự nữ sẽ có tư duy hỗ trợ, vì thế họ sẽ đồng ý giúp sắp xếp công việc, lên kế hoạch để tiết kiệm thời gian, hỗ trợ công việc được tiến hành suôn sẻ, vận hành hiệu quả hơn."


Trong agency, bất kể công việc nhỏ nhặt đến mấy cũng đều quan trọng


Trên thực tế, những công việc được đánh giá là "nhỏ nhặt" như ghi chú cuộc họp, lập kế hoạch,... đều rất quan trọng và cần thiết trong doanh nghiệp. "Những cuộc họp dù ngắn hay dài thì lượng thông tin trao đổi qua lại vẫn rất nhiều. Nếu không được ghi chú một cách đầy đủ và chi tiết thì rất dễ dẫn đến trường hợp thiếu hụt các đầu việc cần làm hoặc các vấn đề đã thống nhất. Điều này khiến cuộc họp dường như vô ích, quay trở lại vạch xuất phát ban đầu, thiếu sự hiệu quả và mất thời gian của nhiều người. Còn đối với vấn đề lập kế hoạch, mình xem nó như một bản đồ để đi đúng hướng. Nếu không được lên kế hoạch tỉ mỉ, mọi công việc sẽ trở nên rời rạc và khó đạt được mục tiêu chung đã đề ra ban đầu. Vì thế, theo mình những nhiệm vụ này không phải là nice-to-have (có cũng được, không có cũng không sao) mà là must-have (phải có) trong các công việc, dự án dù lớn hay nhỏ", chị Thanh Trúc - Manager, Content Strategy tại MediaCom-GroupM chia sẻ.


Chị Thiều Mai cũng cho biết: "Việc ghi chú và lập kế hoạch rất quan trọng trong bất kỳ việc gì. Mình luôn khuyến khích các bạn nhân sự rằng sau mỗi cuộc họp phải có một bản ghi chú để thống nhất những feedback từ khách hàng hoặc quá trình trao đổi giữa hai bên. Từ đó, mọi người có thể đi đúng hướng, không có trường hợp 'assume', mình tưởng thế này mình tưởng thế kia. Việc 'mình tưởng' khá tai hại trong quá trình làm việc, khiến nhân sự dễ làm sai việc. Còn nếu ghi chú và lên kế hoạch rõ ràng, mọi thứ sẽ dễ dàng cho tất cả mọi người làm theo hơn."


Không những giúp công việc chung của đội ngũ trở nên minh bạch, rõ ràng hơn mà những nhiệm vụ được cho là "nhỏ nhặt" ấy còn thể hiện sự chuyên nghiệp của nhân sự. "Trong một vài trường hợp, những công việc này giúp nhân sự kiểm tra chi tiết nhiệm vụ cần làm để tránh bỏ sót những đầu việc nhỏ, góp phần giúp hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả hơn, thể hiện tinh thần có trách nhiệm trong công việc của nhân sự. Ngoài ra, việc ghi chú trong cuộc họp cũng có thể trở thành bằng chứng, tiền đề cho các kế hoạch sau này của team. Thậm chí, nó còn khiến nhân sự trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt đối tác, được cấp trên đánh giá cao năng lực và tiến độ làm việc", chị Tường Vy - Account Manager tại Chiic Digital chia sẻ. 



Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Thiều Mai cho biết: "Việc ghi chú cuộc họp cho phép nhân sự tự sắp xếp và tổng hợp thông tin để có các bước tiến hành (next steps) đúng nhất. Nhân sự khi làm những công việc này có thể rèn luyện kỹ năng mềm (soft skill), khả năng hệ thống và quản lý mọi thứ,... Càng về lâu về dài, thói quen này giúp nhân sự chứng tỏ bản thân là một người thấu hiểu và biết cần phải làm gì trong dự án."


Bên cạnh đó, thói quen này còn góp phần thúc đẩy quá trình vận hành công việc của doanh nghiệp. "Không thể cứ sau mỗi lần họp, mỗi cá nhân lại phải tự đi nghe lại bản thu âm hoặc nhớ lại nội dung đã chia sẻ được. Điều này dễ dẫn đến việc tam sao thất bản, thiếu tính minh bạch và chính xác trong nội dung. Ngoài ra, thói quen lập kế hoạch trước khi vận hành sẽ giúp dự án/công việc luôn đi đúng hướng, tránh mất nhiều thời gian hoặc rơi vào tình huống 'vận hành ngược', tức việc thực thi không đúng mục tiêu ban đầu", chị Phương Uyên giải thích. 


Chị cũng nói thêm rằng làm các việc micro-task như thế này sẽ tạo điều kiện cho nhân sự rèn khả năng ghi nhớ chi tiết, cẩn thận và chỉn chu trong các công việc mình đảm nhận. "Để làm được những việc lớn lao hơn, trước mắt nhân sự cần bắt đầu với những điều nhỏ nhất. Đối với các nhân sự Junior, trưởng bộ phận hay phòng ban luôn ưu tiên chọn các ứng viên có nhiệt huyết, nhiệt tâm và hết mình trong công việc. Kết quả từ những việc nhỏ nhất cũng phản ánh khả năng tiến xa của một cá nhân trong sự nghiệp. Sau khi đã chắc tay với những việc nhỏ, các bạn Junior sẽ được giao những trọng trách lớn hơn, giúp các bạn tự tin và dám chịu trách nhiệm với công việc mình làm hơn. Từ level Junior, các bạn sẽ có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn sau này. Trên thực tế, các project owner hay Leader đều đã từng trải qua các công việc kể trên, dần dà họ mới tự tích lũy cho mình khả năng nhìn nhận vấn đề, đánh giá khả năng hiệu quả của công việc để được thăng tiến", chị Phương Uyên lý giải. 



Tuy nhiên, chị Thanh Trúc nhấn mạnh: "Không ai thăng chức cho bạn chỉ vì bạn làm tốt các công việc liên quan đến cuộc họp (meeting minute) và bản thân nhân sự cũng đừng mang suy nghĩ rằng những làm việc này sẽ được tăng lương, tăng chức. Thay vào đó, những dạng công việc này sẽ giúp ích cho nhân sự rất nhiều trong việc rèn luyện kỹ năng ghi chú, nắm bắt, chắt lọc và truyền tải thông tin. Đây chính là những kỹ năng rất quan trọng khi đi làm. Một khi đã nắm vững được điều này, nhân sự sẽ có nhiều cơ hội phát triển không chỉ trong công việc, sự nghiệp mà còn cả những vấn đề xã hội khác."



"Theo mình, nếu muốn giảm thiểu con số 200 giờ mà phái nữ phải làm những công việc nhỏ nhặt như trong bài viết của LinkedIn thì điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến quan niệm về quan hệ xã hội, bình đẳng giới hay chính tư duy của nhân sự nữ. Thế nhưng đối với những đầu việc hỗ trợ mật thiết cho công việc, liên quan đến sản phẩm/dịch vụ thì các nhân sự đều nên xem đó là trách nhiệm cần thiết", chị Phương Uyên nhận định.


Nhân sự agency nói gì về bài viết “Phụ nữ dành 200 giờ mỗi năm cho những việc không quan trọng trong công ty” rầm rộ trên LinkedIn?

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Creator | Advertising Vietnam

24 Thg 11 2022

Lưu

Cùng chuyên mục