Nhân sự agency tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập thời "bão giá"

Nguy cơ lạm phát đã được cảnh báo từ đầu năm nay, do những yếu tố như giá cả dầu mỏ thế giới và ảnh hưởng toàn cục của cuộc chiến sự Nga - Ukraine. Nhân sự agency cũng đang cảm nhận những ảnh hưởng của lạm phát lên đời sống như giá xăng dầu tăng cao, thực phẩm đội giá khiến mỗi bữa trưa bình dân trở nên đắt đỏ, ngay cả nhiều hãng đồ uống cũng tăng giá do “biến động thị trường”. 


Cơn “bão giá” đầu năm nay đã ảnh hưởng thế nào đến giới agency? Hãy cùng nhân sự đến từ ZEE, Mekong Communications, 1990 AgencyBiz-Eyes trải lòng về vấn đề này.



Lạm phát “ăn bớt” bữa trưa


Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, giá lương thực toàn cầu 2022 đã tăng 23% so với năm ngoái do ảnh hưởng của lạm phát. Con số này đồng nghĩa mọi mặt hàng thực phẩm đều đồng loạt tăng giá, kể cả tiền ăn trưa hay phí ship ứng dụng giao hàng cũng bị điều chỉnh để ứng phó với “biến động thị trường”. 


Trên thực tế, lạm phát đang “ăn bớt” bữa trưa của nhân viên văn phòng. Nếu trước đây họ có thể mua bữa trưa với giá trung bình khoảng 30.000 VNĐ, thì bây giờ con số bỏ ra phải gấp đôi như thế. “Chi tiêu văn phòng đã tăng 20-30% hoặc hơn. Tôi từng đặt quy định mỗi ngày chỉ được phép dùng 100-150 nghìn đồng cho đời sống công sở nhưng mức phí đó là không thể trong hoàn cảnh này”, anh Yang, Creative Lead tại ZEE Agency cho biết. Trong khi đó, Mỹ Duyên, Account Intern tại Mekong Communications cũng hé lộ mức chi tiêu rơi vào khoảng 100-300 nghìn đồng cho tiền ăn 3 bữa, tiền trà sữa/đồ ăn vặt, tiền xăng xe… “Con số đó đã tăng lên 20-30% so với trước đây. Chi tiêu văn phòng bỗng dưng đội giá buộc mình phải cắt giảm các khoản khác như mua sắm, giải trí, gặp gỡ bạn bè,... Tài chính bỗng dưng eo hẹp khiến mình phải đắn đo nhiều trong việc quản lý chi tiêu”, Mỹ Duyên nói. 



Không chỉ “ăn bớt” bữa trưa, lạm phát kéo dài còn có nguy cơ đẩy nhân sự ra khỏi các địa điểm, thói quen ăn uống quen thuộc. “Thường thì, nhân sự agency hay có tâm lý ‘thôi kệ ăn đi đã, nghĩ nhiều mệt đầu’ và đặt đồ ăn mà với giá tiền vượt mức đề ra. Vì ăn uống cùng nhau nên có chuyện gom đơn, mọi người ăn gì thì mình ăn nấy, cứ ăn tất rồi sao cũng được. Tâm lý đó làm nhân sự quên luôn cái giá phải trả là bao nhiêu”, anh Yang chia sẻ về thói quen ăn giữa ngày của đại đa số nhân sự agency. 


Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thói quen ăn uống đó bị… ép phải điều chỉnh. “Việc lựa chọn bữa trưa trở nên siết sao hơn để cân đối chi tiêu theo ngày. Mình phải chắc chắn ăn uống đúng với số tiền mà mình nghĩ”, anh Trần Phúc Vinh, Account Supervisor tại 1990 Agency chia sẻ. Vì giá bữa trưa đắt đỏ tại các hàng quán trung tâm, nhiều nhân sự chọn cửa hàng tiện lợi làm địa điểm ăn uống mới. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi như GS25, Ministop, 7-Eleven, FamilyMart đều đang ghi nhận nhu cầu tăng vọt. Mì ăn liền giá rẻ, bánh mì sandwich và hộp cơm trưa là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại đây, theo khảo sát của Korean Times.


 

“Lương bất biến giữa dòng đời vạn giá”


Theo khảo sát của công ty tư vấn nhân sự Talent Net (Việt Nam) tiến hành trên 120 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có trên 50% doanh nghiệp chấp nhận giải pháp tăng lương để giúp nhân viên xoay sở trong thời kỳ lạm phát. Thế nhưng con số 50% chỉ bao gồm các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng, công nghệ, dược phẩm,... và vắng bóng các agency quảng cáo. Cho đến nay, chính sách tăng lương hỗ trợ lạm phát vẫn chưa được nhiều agency Việt áp dụng.  “Mình thấy lương có vẻ bất biến giữa dòng đời vạn giá. Việc sống với bảng giá chi tiêu mới nhưng mức lương lại cũ khiến nhân sự phải thắt lưng buột bụng. Lúc này sẽ có hai kiểu nhân sự được phân ra: Một bên lấy đây làm động lực để cố gắng nhiều hơn, tăng chức và thoả mãn được chi tiêu hiện tại. Một bên vì không đáp ứng được mức lương mong muốn nên dễ dẫn đến bất mãn, thôi việc để nhảy sang một nơi có mức lương phù hợp hơn với nhu cầu chi tiêu”, anh Yang nói. 


Nhiều nhân sự cho rằng không thể phàn nàn vì agency không chịu tăng lương. “Nếu lạm phát xảy ra, các agency cũng gặp nhiều khó khăn từ chi phí vận hành doanh nghiệp đến việc phải đối mặt với xu hướng cắt giảm chi phí cho truyền thông quảng cáo. Khó khăn không chỉ với nhân sự mà với cả ngành nghề này. Điều quan trọng là nhân viên thấu hiểu và đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn lạm phát”, Leo Lewis, Account Supervisor tại Biz-Eyes nói. 



Trong khi đó, chị Thủy Trần, Marketing Team Leader tại 1990 Agency cho rằng khá vô lý nếu nhân sự đòi tăng lương vì “giá cả thiết yếu tăng cao”. “Tôi nghĩ mức lương sẽ thay đổi tùy theo năng lực cá nhân và đóng góp của nhân sự dành cho công ty. Nếu cảm thấy mức lương đó không còn phù hợp với năng lực và những cống hiến đã trao cho doanh nghiệp, thì nhân sự có thể thỏa thuận lại với cấp trên một mức lương phù hợp với nhu cầu và mong muốn. Đó là tiêu chí để tăng lương, chứ không thể điều chỉnh lương tăng giảm dựa vào giá cả những chi tiêu thiết yếu hằng ngày”, chị Thủy Trần nói. 


Lạm phát tăng cao không phải là thời điểm đo lường độ “hào phóng” hay “tử tế” của agency dựa vào việc lãnh đạo có tăng lương hay đưa ra bất kì chính sách hỗ trợ nào. “Tôi nghĩ rằng giá cả không có xu hướng giảm, mà sẽ dần trở thành một khung chi tiêu mới. Nhưng đây sẽ là cơ hội để nhìn nhận lại tiềm lực tài chính của bản thân thay vì phàn nàn và trách móc một bên khác”



Tăng lương không phải là giải pháp


Theo phân tích đầu năm của CNBC, khi tổng mức chi tiêu của dân công sở tăng hơn 7%, thì ví tiền của họ vẫn bị thất thoát về lâu về dài bất chấp mức lương có được cải thiện hay không. Ông Greg McBride, Giám đốc cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Bankrate, bình luận: “Hãy nhìn lại năm 2021. Đây là năm ghi nhận tăng trưởng tiền lương tốt nhất trong nhiều năm qua. Nhưng ngay cả trong một năm như vậy, tài chính của dân công sở vẫn không khá lên là mấy. Mức chi tiêu của họ thậm chí tăng còn nhanh hơn và lương tăng cũng chẳng ích lợi gì”.


Chính vì vậy, việc chống cằm chờ lương tăng là một quyết định không… khôn ngoan. “Thay vì chờ lương tăng - một quyết định phải trông chờ vào người khác, nhân sự nên chủ động tự mình thay đổi thói quen chi tiêu và cả năng suất lao động. Cụ thể, chúng ta có thể đối mặt với lạm phát đó bằng cách chi tiêu dựa trên nhu cầu cao-thấp trong ngày, có bảng theo dõi sát sao và lên cả kế hoạch chi tiêu ngắn hạn và dài hạn. Thay vì vung tiền quá trán, biết so sánh về giá và biết so sánh với tiềm lực tài chính hiện tại cũng là cách mình đối đầu với thực trạng lạm phát ngày nay”, anh Vinh nói. 



Trong khi đó, anh Leo Lewis cho rằng dân công sở nên hạn chế tối đa những phát sinh không cần thiết. “Thay vì đi ăn ngoài thì có thể tự nấu ăn, vừa healthy vừa tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, có thể tìm hiểu thêm về đầu tư sinh lời, tránh để nguồn tiền của mình bị động”, anh Leo Lewis chia sẻ. 


Cũng có một số ý kiến cho rằng, cơn “bão” lạm phát này sẽ không xuất hiện rồi biến mất như chưa từng tồn tại. Ngược lại sẽ thiết lập một mức giá chi tiêu mới, một con số sinh hoạt “bình thường mới” mà tất cả mọi người sẽ làm quen dần. Lúc này, “thắt lưng buột bụng” là giải pháp cần nhưng chưa đủ, đa dạng hóa nguồn thu nhập mới là việc người lao động nói chung, giới agency quảng cáo nói riêng cần phải tập trung. Theo anh Vinh, 3 quy tắc chi tiêu lúc này sẽ là: Chi tiêu thông minh, Tiết kiệm đúng chỗ, Đa dạng nguồn thu. “Đây là lúc để xem mức độ “gồng” của ví tiền. Nếu không chấp nhận mức lương cũ, mà cũng không thể “ăn vạ” thế giới vì lạm phát, thì chỉ còn cách là chăm chỉ để nâng mức lương để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu”, anh Vinh nói. 


Nhân sự agency tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập thời "bão giá"

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

25 Thg 07 2022

Lưu

Cùng chuyên mục