Ăn vặt là một hoạt động thường thấy trong môi trường công sở, được xem là cách để các nhân sự kết nối và trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, khi ăn vặt trở thành một văn hóa không thể thiếu của cuộc sống văn phòng, nhiều người thường bị kéo vào vòng xoáy chi tiêu không kiểm soát, khiến những bữa xế trở thành nỗi “ám ảnh”. 


Người tốn tiền, kẻ tăng cân vì ăn vặt triền miên


Ngày nay, chuyện ăn vặt ở văn phòng đã trở thành một thói quen phổ biến đối với nhiều nhân sự. Theo nghiên cứu của CareerBuilder vào năm 2017, hơn 50% nhân viên văn phòng thường xuyên ăn vặt trong giờ làm việc. Bên cạnh lý do “chống đói”, nhiều người cũng xem việc đặt đồ ăn cùng đồng nghiệp như một cách để giải tỏa căng thẳng. Chị Phương An - Product Assistant chia sẻ: “Ở văn phòng của mình, trà sữa và bánh tráng là hai món hôm nào cũng có, giống như một bữa ăn không thể thiếu trong ngày. Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 7, mọi người sẽ đặt đồ uống vào buổi sáng, xế chiều thì chuyển sang ăn vặt. Có những hôm ‘cao điểm’, mình bị sếp bắt gặp đi nhận đồ ăn của shipper trên 5 lần một ngày.”


Chị Phương An và các đồng nghiệp uống trà sữa với tần suất 6 ngày trên một tuần, chỉ trừ Chủ Nhật.


Còn đối với anh Bảo Long - Social Executive tại N&D Agency: “Cứ 3 giờ chiều là trong nhóm sẽ có người cất tiếng than đói, rủ uống trà sữa. Có lần, công ty mình còn mua đến cả triệu tiền cá viên chiên cho nhân sự. Những bữa ăn tuy chỉ có 10 - 12 người, nhưng lại order một lượng thực phẩm khổng lồ: 4 cái pizza, 2 phần gà gia đình, 6 hộp súp, chưa kể còn có cơm, miến, mì ý và hải sản. Mình không dám nhớ lại ngày hôm ấy, cảm giác bản thân đã tăng 2 ký sau khi nạp hết đống đồ ăn.”


Khi ăn vặt đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống văn phòng, các nhân sự thường bị “cuốn” vào vòng xoáy chi tiêu không kiểm soát. Chỉ đến cuối tháng hoặc khi lâm vào cảnh “cháy túi”, nhiều người mới nhận ra bản thân đã tốn tiền và chịu nhiều “hệ quả” từ thói quen này. Anh Nhật Minh - Marketing Executive chia sẻ: “Mình ngỡ ngàng khi tính ra con số hơn một triệu tiền ăn vặt cho mỗi tháng. Bên cạnh đó, mình còn hay được đồng nghiệp ở văn phòng mời ăn uống nên bị tăng cân rất nhiều. Sau khoảng thời gian work from home vì dịch bệnh, mình trở lại văn phòng và đã tăng 8kg chỉ trong vòng 5 tháng.”


Cùng chung tình trạng vừa tốn kém, vừa tăng cân vì ăn vặt, anh Bảo Long cho biết, chỉ riêng chi phí uống trà sữa đã rơi vào khoảng 1 triệu mỗi tháng. Nếu tính thêm các món “phát sinh” như bánh tráng trộn, đá bào, cá viên chiên hay kem thì con số sẽ là 1,7 triệu đồng. “Trước đây, để cải thiện vóc dáng, mình rất siêng tập gym và ăn uống hợp lý nên đã giảm được khoảng 25kg trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, sau 6 tháng đi làm tại công ty và bị vướng vào vô vàn cám dỗ, mình nhanh chóng tăng thêm 15kg.”


Tuy từng là người "cầm đầu" công cuộc ăn quà vặt tại công ty, nhưng vì sức khỏe và cân nặng, anh Bảo Long đã buộc mình phải tỉnh táo trước những cám dỗ từ trà sữa, bánh tráng,...


Chi khoảng 2 triệu đồng tiền ăn vặt hàng tháng, chị Phương An bày tỏ: “Hằng ngày nạp nhiều đường với sữa, cộng thêm thức khuya làm việc nên da mình bị nổi mụn khá nhiều, phải khám chữa một thời gian. Do đó, ngoài tốn tiền ăn, mình còn phải tốn tiền trị mụn vì ‘thú vui phù phiếm’ đó nữa.”


Khi ăn không phải vì đói


Bên cạnh lý do ăn vặt để giảm stress và nạp năng lượng, nhiều nhân sự còn rơi vào hoàn cảnh “ăn theo phong trào” vì ngại từ chối khi đồng nghiệp rủ rê. Theo chị Phương An, hiệu ứng đám đông và nỗi sợ mất lòng chính là nguyên nhân khiến nhiều nhân sự bị cuốn vào vòng lặp “order”: “Khi được rủ đặt đồ ăn, mình luôn luôn đồng ý. Mình chỉ từ chối trong một vài trường hợp đặc biệt, ví dụ như đồng nghiệp order Gongcha nhưng mình đã mua Phúc Long rồi.” 


Anh Nhật Minh chia sẻ bản thân cũng thường xuyên bị đồng nghiệp lôi kéo đặt đồ ăn, đồ uống: “Khoảng thời gian work from home, những bữa ăn trong ngày mình đều sẽ tự nấu, ăn vặt cũng ở mức hạn chế tối thiểu thôi. Nhưng từ lúc quay trở lại văn phòng thì chuyện ăn vặt không chỉ là vì thấy đói nữa rồi. Lúc mọi người ăn, mình cũng ăn theo, rồi người này ép, người kia mời, mình ngại từ chối nên cứ phải ăn liên tục.


Ăn vặt văn phòng là cách để mọi người rời khỏi máy tính, cùng trò chuyện và kết nối với nhau. Trong khi cả phòng đang ăn uống vui vẻ mà mình không tham gia thì cũng giống như tự cô lập vậy đó. Thế nên, mình cảm thấy ‘sợ’ mỗi lúc đồng nghiệp rủ ăn cái này, uống cái kia, bởi nếu từ chối thì sẽ mất đi một cơ hội để kết nối với mọi người. Còn khi chấp nhận đặt món chung, mình sẽ vừa tốn tiền, vừa tăng cân, mà nhiều lúc cũng không cảm thấy đói lắm nữa.”


Mặc dù có những lúc không muốn tham gia bữa xế tại văn phòng, anh Nhật Minh vẫn thường xuyên rơi vào cảnh "buộc phải ăn" vì sợ mất cơ hội gắn kết cùng đồng nghiệp


Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng “sợ” bị đồng nghiệp rủ rê order. Đối với một số người, những lời mời ăn vặt ấy chính là thú vui và động lực của họ khi đi làm. “Ăn vặt là nét đặc trưng của đời sống văn phòng. Không khí từ trước khi order cho đến lúc nhận nước, nhận món là những khoảnh khắc hằng ngày rất thú vị. Bên cạnh ăn vặt, Haidilao cũng là một truyền thống của văn phòng mình. Làm việc mệt quá thì rủ nhau đi ăn Haidilao, chạy xong sự kiện cũng tới Haidilao, ai có tin vui sẽ ăn mừng ở Haidilao. Giống như tất cả mọi người đều chỉ đang tìm một cái cớ để cùng nhau trò chuyện, ăn uống sau giờ làm thôi vậy” - chị Phương An chia sẻ.


Việc luôn “hòa mình” vào sự rủ rê của đồng nghiệp cũng được coi là một cách gián tiếp để kết bạn, cởi mở, gắn kết giữa nhân sự với công ty nói chung và đồng nghiệp nói riêng. Anh Bảo Long cho rằng: “Nếu như bạn mới bắt đầu vào làm ở một công ty và ngại bắt chuyện với các nhân sự, hãy rủ họ uống trà sữa hoặc mời họ ăn món nào đó. Đấy có thể là một chủ đề để bắt đầu cuộc trò chuyện của bạn với đồng nghiệp rồi.”


Trong trường hợp nhân sự muốn tránh tham gia những bữa ăn vặt văn phòng, cũng có những cách để họ tự “giữ mình” trước mọi cám dỗ. Theo anh Nhật Minh, sử dụng lý do bản thân đang giảm cân hoặc có vấn đề về sức khỏe là một phương pháp hữu hiệu để khéo léo từ chối những lời mời thiện chí. Ngoài ra, anh Bảo Long cũng chia sẻ một cách để nói không trước lời rủ rê ăn uống mỗi khi bản thân có dấu hiệu “núng nính”:


“Bước một là cau mày, nhăn mặt. Sau đó, bạn cần nhìn vào màn hình máy tính, gõ thật nhanh. Cuối cùng, hãy nói với tông giọng trầm lắng: ‘Tôi đang bận, để hôm khác đi’. Mình đã thử và thành công, đồng thời cũng tiết kiệm được kha khá tiền để sắm những món đồ cần thiết hơn cho cuộc sống cá nhân.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai