Trong môi trường công sở, các nhân sự thường không tránh khỏi chuyện bị sếp “vay tiền” cho các khoản chi nhỏ lẻ như mua đồ online, nhận đơn hàng, hay thậm chí là ứng tiền trước để thực thi dự án. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp trên chẳng may quên phải trả lại khoản tiền ấy, không ít người cảm thấy e dè, ngại mở lời đòi nợ sếp.


Ngại đòi nợ vì sợ sếp mất lòng


Tiền nong là chuyện tế nhị và khó nói đối với người Việt. Do đó, nhiều nhân sự thường rơi vào những trường hợp éo le khi sếp nhờ mua đồ, nhận hàng giùm nhưng… quên trả lại tiền. Chị Bích Tuyền - Social Executive tại N&D Agency chia sẻ: “Sếp mình là một người nghiện shopping online, nên cứ một đến hai ngày thì sẽ có đơn hàng giao đến nhờ mình nhận giúp. Có lần, mình phải nhận đến bốn đơn hàng cho sếp trong cùng một ngày. Đa phần, sếp sẽ nhớ gửi tiền trước để mình nhận giùm, nhưng cũng có lúc sếp ‘diễn tuồng’ bận bịu công việc, quên trả cho mình.


Với những lần đầu, mình cảm thấy chuyện này cũng khá bình thường. Nhưng dần về sau, mình cứ thắc mắc vì sao sếp lại hay quên phải trả tiền. Lúc đó mình nghĩ, chẳng lẽ mình bị sếp bom hàng trong chính ‘ngôi nhà thứ hai’, và bối rối không biết sẽ ‘nhắc nợ’ với sếp như thế nào. Giữa bạn bè, tiền bạc đã là chuyện khá nhạy cảm mỗi khi nhắc đến. Còn trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới thì vấn đề này lại càng khó xử hơn.”


Thường xuyên nhận hàng giúp cấp trên nhưng bị quên trả tiền, chị Bích Tuyền cho biết bản thân cảm thấy bối rối khi phải "nhắc nợ" sếp


Thường xuyên được sếp nhờ “săn sale”, mua đồ giúp, khiến cho khoản nợ cứ ngày một tích tụ, chị Đ.T - Account Executive cho biết: “Vì nổi tiếng là ‘cú đêm’ trong công ty nên cứ mỗi tháng đúng dịp siêu sale của các sàn thương mại điện tử, đồng nghiệp cùng team hoặc sếp sẽ nhờ mình săn sale lúc 12h đêm. Mỗi lần đặt hàng thì sếp đều nói ‘em săn sale giúp chị, mai chị gửi lại tiền sau’, nhưng mình mãi vẫn không thấy ‘ngày mai là ngày nào’. Mình cảm thấy mệt mỏi lắm, nhưng vì tính cách không biết từ chối nên cũng đành đồng ý hết lần này đến lần khác.” 


Anh B.L - Social Executive chia sẻ, bên cạnh việc mua đồ ăn, nhận đơn hàng cho sếp, các nhân sự làm việc tại agency sản xuất còn thường xuyên gặp trường hợp phải ứng tiền cá nhân đi mua đạo cụ: “Chắc hẳn ai nhìn vào cũng nghĩ mình đi làm vì đam mê, bởi có job mình đã phải ứng trước khoảng gần chục triệu. Nhắc lại mà ‘rén’, vì lúc đó rất sợ bị quỵt”. 


Cả nể và sợ mất lòng, nhiều nhân sự thường chần chừ, e ngại, không dám mở lời đòi nợ sếp. Một số người còn lo lắng sẽ bị sếp “đì” trong tương lai. Đối với những món đồ lặt vặt và ít tiền, đôi khi chị Đ.T cũng đành ngậm ngùi coi đó như “quà biếu sếp”. Còn chị Bích Tuyền chia sẻ: “Sếp mình cũng thỉnh thoảng order đồ ăn hoặc mời nước nhân viên cả văn phòng mà không nhân dịp gì, nên mình cảm thấy việc trả tiền trước cho một vài đơn hàng của sếp cũng không thành vấn đề. Mình cũng thường bao biện cho hành vi ngại đòi nợ sếp với những lý do như ‘sếp bận việc nên quên chưa trả lại tiền cho mình’.”


Đòi tiền cấp trên sao cho tinh tế?


Nhiều người cho rằng, việc đòi nợ sếp có thể gây mất lòng, nhưng nếu không đòi thì lại… mất vốn. Do đó, các nhân sự thường áp dụng những biện pháp tinh tế để vừa có thể lấy được khoản tiền sếp ứng trước, vừa không làm “mích lòng” cấp trên. Đối với chị Bích Tuyền, việc giao tiếp giữa sếp và nhân viên luôn có một “bức tường” ngăn cách, không chỉ trong việc mượn tiền, đòi nợ mà kể cả những trao đổi liên quan đến công việc. “Mình thường sẽ giải quyết vấn đề bằng cách nhắc khéo về đơn hàng cũ mỗi khi sếp nhờ mình nhận thêm một vài đơn mới. Ví dụ như: ‘Đơn hàng hôm trước em đặt trên bàn không biết sếp kiểm tra chưa?’. Khi gợi nhớ về đơn hàng cũ, sếp tinh ý sẽ chủ động hỏi về phần thanh toán”, chị chia sẻ.


Nhân sự ngại đòi nợ sếp vì sợ gây mất lòng, nhưng nếu không đòi thì lại… mất vốn


Còn đối với chị Đ.T, cách xử lý khôn khéo khi sếp quên trả tiền chính là dựa vào “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”: “Mình sẽ chọn đúng thời điểm để nói. Chẳng hạn như khi order đồ ăn cùng sếp, mình sẽ bảo ‘em cấn trừ vào phần chị nhờ em đặt hôm trước nhé’, thế là giải quyết được những khoản nhỏ lẻ. Tần suất mình bị sếp nhờ mua đồ khá nhiều, nhưng lần nào cũng nhắc thì dễ bị ngại hoặc gây mất thiện cảm, nên mình thường tổng hợp đơn lại một lần và chờ đến cuối tháng, nhân lúc sếp đang rảnh rỗi thì trình ‘bản báo cáo’ này lên.” 


Việc thường xuyên cả nể, không dám mở lời đòi nợ sếp có thể khiến mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trở nên căng thẳng hơn vì mập mờ, thiếu sòng phẳng trong chuyện tiền bạc. Chị Bích Tuyền cho biết: Trong trường hợp sếp là ‘con nợ’ của mình thì mình sẽ chủ động trong việc ghi lại những đơn hàng đã chi trước và nhắc khéo sếp để một trong hai bên không bị khó xử. Việc mình cố gắng rõ ràng, sòng phẳng nhất có thể trong chuyện tiền nong cũng sẽ giúp cho bản thân không cảm thấy khó chịu khi sếp tiếp tục nhờ nhận hàng, hoặc lúc phát sinh các vấn đề ngoài dự tính.”


Còn đối với chị Đ.T, việc nhắc nợ sếp thường dễ hơn đòi tiền bạn bè: Theo mình, nếu có đủ dũng khí đòi nợ sếp, thì sếp sẽ trả tiền còn nhanh hơn cả đám bạn, vì bạn bè thường dây dưa nợ nần. Mình cũng hay thiếu nợ tiền order đồ ăn của sếp lắm, mà sếp mình thì sẽ đòi nợ thẳng thừng chứ chẳng ngại ngần gì”.


Một số nhân sự cho rằng, việc nhắc sếp trả tiền không quá khó khăn nếu biết cách mở lời tinh tế


Không phải lúc nào sếp cũng là người “nợ nần” nhân viên. Đôi khi, các nhân sự còn học được cách đòi nợ duyên dáng từ cấp trên của mình. Chị Bích Tuyền chia sẻ: Mình từng gặp trường hợp bất khả kháng khi đặt tiệc cho mọi người trong văn phòng nhân dịp 8/3 vừa rồi nhưng bị phát sinh chi phí vượt quá ngân sách. Lúc đó, sếp là người kịp thời cho mình mượn tiền để chi trả phần phát sinh đó. Khoảng hơn 1 tuần sau, trong lúc mình đang nhắc nợ một bạn khác trong công ty, sếp đã ‘mượn gió bẻ măng’ gợi nhớ lại khoản tiền đã cho mình vay. Với tâm thế vừa thật vừa đùa, sếp tạo cho mình cảm giác thoải mái về một vấn đề vốn đã khá nhạy cảm. Mình nể EQ của sếp mình thật sự!”


Có lẽ, việc đòi nợ sếp không quá “đáng sợ” như nhiều người vẫn lầm tưởng, bởi trong đa số trường hợp, cấp trên thường quên trả tiền vì lu bu nhiều việc. Chuyện sếp “thiếu nợ” cũng có thể là một phép thử để các nhân sự nhìn nhận lại cấp trên của mình. Theo chị Bích Tuyền, nếu sếp cố tình không nhớ việc trả nợ cho nhân viên thì đó là một người sếp xấu tính, khó hợp tác trong cả công việc lẫn cuộc sống. “Có thể mình sẽ từ chối việc mua đồ giùm hay nhận các đơn hàng cho vị sếp này bởi nó khiến mình cảm thấy không thoải mái”, chị chia sẻ.


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai