Sau Tết luôn là giai đoạn sôi động của thị trường lao động, khi nhiều nhân sự quyết định "dứt áo ra đi" để tìm kiếm cơ hội mới. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp ráo riết tuyển dụng, lấp đầy những vị trí bị bỏ trống. Nhưng tại sao xu hướng này lại phổ biến đến vậy? Liệu quyết định nhảy việc sau Tết có thực sự là một chiến lược khôn ngoan?
Thưởng Tết là lí do duy nhất “níu kéo” nhân sự đến sau Tết
Một trong những lý do lớn nhất khiến nhân sự quyết định gắn bó với công ty đến sau Tết chính là khoản thưởng cuối năm. Thưởng Tết không chỉ là phần thưởng tài chính mà còn là sự ghi nhận đối với quá trình làm việc trong suốt một năm qua. Vì vậy, ngay cả khi đã có ý định rời đi, nhiều người vẫn cố gắng "nín nhịn" đến sau Tết để đảm bảo mình nhận được đầy đủ quyền lợi.
Việc nhảy việc ngay trước Tết có thể khiến nhân sự chịu thiệt thòi lớn về tài chính. Khi gia nhập công ty mới, họ phải chấp nhận mức lương thử việc chỉ khoảng 80% lương chính thức và thường không có thưởng Tết hoặc chỉ nhận một phần nhỏ. Điều này vô tình tạo ra áp lực tài chính trong giai đoạn chuyển đổi, đặc biệt với những ai có nhiều khoản chi tiêu dịp đầu năm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể chờ đến sau Tết để rời đi. Một số trường hợp, môi trường làm việc độc hại hoặc những áp lực không thể chịu đựng nổi sẽ khiến nhân sự quyết định nghỉ ngay lập tức. Anh C.D (25 tuổi, Marketing Executive) chia sẻ: "Ở phòng của mình có một bạn nhân sự mới nhảy việc ngay trước Tết. Khi được hỏi lý do, bạn ấy bảo rằng môi trường ở công ty cũ quá toxic, khiến bạn không thể tiếp tục đồng hành dù biết rằng mình sẽ mất thưởng Tết”.
Có thể thấy, với những ai đặt sự phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần lên hàng đầu, thưởng Tết không còn là yếu tố quan trọng, mà thay vào đó, việc tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn trở thành ưu tiên hàng đầu.
Muôn kiểu lo lắng của nhân sự nhảy việc đến công ty mới
Rời bỏ một công ty cũ đồng nghĩa với việc bước vào một môi trường hoàn toàn mới, giống như việc bóc một túi mù (blind bag) mà không biết bên trong sẽ là bất ngờ thú vị hay một món đồ không mong muốn. Sự phấn khích xen lẫn hồi hộp này là điều mà hầu hết những người vừa nhảy việc đều trải qua.
Nhiều người khi nhảy việc mong muốn công ty mới sẽ có văn hóa thân thiện, đồng nghiệp hòa đồng và sếp tâm lý. Nếu đã từng gắn bó lâu với công ty cũ và có những mối quan hệ tốt đẹp, họ dễ hình thành kỳ vọng rằng môi trường mới cũng sẽ tương tự. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có một nét văn hóa riêng, và quá trình hòa nhập đòi hỏi thời gian cũng như sự cởi mở để thích nghi với những điều mới mẻ. Dù đã quyết tâm rời đi, không ít nhân sự vẫn không tránh khỏi việc so sánh với nơi làm việc trước đó. Những câu hỏi như “sếp mới có dễ tính không?”, “đồng nghiệp có thân thiện không?”, hay “công ty mới có thực sự tốt hơn không?” vô tình tạo ra áp lực tâm lý, khiến quá trình thích nghi trở nên khó khăn hơn.
Việc nhảy việc cũng đồng nghĩa với việc thiết lập lại từ đầu: làm quen với quy trình mới, xây dựng mối quan hệ mới và thích nghi với những thay đổi về chế độ làm việc. Với một số người, đây là cơ hội để học hỏi và phát triển, nhưng với những người khác, đó có thể là giai đoạn đầy áp lực.
Chị H.A (22 tuổi, Content Writer) chia sẻ về cảm giác này: "Ngày đầu tiên đi làm sau khi nhảy việc, mình rất mong đợi đồng nghiệp mới sẽ chào đón mình nhiệt tình, cảm giác giống như đang mở một túi mù mà không biết bên trong có phải là 'bias' của mình không. Nhưng thực tế thì... hơi hụt hẫng vì môi trường mới khác xa những gì mình tưởng tượng”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân sự lựa chọn đúng môi trường làm việc mới và khiến cho họ cảm giác như mình đúng là đã thuộc về nơi này. Trường hợp của chị T.D (24 tuổi, Account Executive) là một ví dụ điển hình: “Môi trường công ty cũ rất tốt và mình cảm thấy rất tự hào khi là một phần của công ty, tuy nhiên mình chuyển môi trường mới để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội phát triển hơn. “Trộm vía” là công ty mới mình cũng được chào đón nồng nhiệt bởi đồng nghiệp, sếp thì tận tình chỉ bảo, cơ hội phát triển lại rất tiềm năng”.
Mở ra nhiều cơ hội cho các nhân sự đang tìm kiếm việc làm
Việc nhiều người nhảy việc sau Tết không chỉ là xu hướng cá nhân mà còn tạo ra sự dịch chuyển lớn trong thị trường lao động. Khi một lượng lớn nhân sự rời đi, các doanh nghiệp buộc phải mở rộng tuyển dụng để nhanh chóng lấp đầy những vị trí trống.
Anh T.B (27 tuổi, HR) chia sẻ về giai đoạn tuyển dụng sau Tết của công ty: “Sau Tết là khoảng thời gian dịch chuyển nhân sự lớn nhất của công ty mình. Lượng đơn xin nghỉ việc tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc bộ phận nhân sự phải gấp rút tìm kiếm ứng viên thay thế. Công ty mình thường bắt đầu quá trình tuyển dụng ngay từ trước Tết để đảm bảo không bị thiếu hụt nhân sự quá lâu. Bản thân mình cũng nhận thấy rằng số lượng ứng viên quan tâm đến các vị trí mới tăng đột biến trong khoảng tháng 2 và tháng 3”.
Điều này tạo ra cơ hội lớn cho những người đang tìm kiếm công việc mới. Các công ty thường có ngân sách tuyển dụng đầu năm và sẵn sàng đưa ra những đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân sự chất lượng. Nếu biết tận dụng cơ hội, những người tìm việc có thể tiếp cận được nhiều lựa chọn và đàm phán mức lương tốt hơn.
Hơn nữa, do nhu cầu tuyển dụng tăng cao, quy trình tuyển dụng sau Tết thường diễn ra nhanh chóng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Điều này giúp ứng viên rút ngắn thời gian chờ đợi và có cơ hội bắt đầu công việc mới sớm hơn.
Nội dung: Kim Yến
Minh hoạ: Huy Mai
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!