Người lao động trên cả nước đang dần bước vào "kỳ nghỉ Tết" thứ hai trong năm với 5 ngày nghỉ liên tục vào dịp lễ 30/4 và 1/5. Tuy đây là quyền lợi chính đáng, nhiều nhân sự vẫn không được tận hưởng kỳ nghỉ này một cách trọn vẹn vì vẫn còn khối lượng công việc lớn, deadline hay thậm chí là các cuộc họp đang cận kề. Do đó, các nhân sự buộc lòng phải chuẩn bị tinh thần chạy task xuyên lễ để đảm bảo hoàn thành công việc.


Vừa đi chơi vừa kề cạnh máy tính, ngủ không thẳng giấc vì... đợi feedback


Anh H. - Nhân viên truyền thông chia sẻ: “Vì đặc thù công việc ngành truyền thông nên mình dường như không có ngày nghỉ và phải luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc. Kể cả trong dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, dù đang nghỉ lễ nhưng nếu sếp hay khách hàng ‘réo’ tên thì mình vẫn phải có mặt.”


Còn đối với chị P.H - Copywriter: “Ngay sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, mình sẽ có lịch họp và brainstorm cho dự án nên bản thân mình cần dành thời gian để chuẩn bị, suy nghĩ nhằm đảm bảo công việc thuận lợi hơn sau kỳ nghỉ lễ. Thật ra, mình cũng đã quen với việc vừa nghỉ lễ vừa chạy task. Với tính chất môi trường agency, thông thường sẽ có nhiều trường hợp brief phát sinh đột xuất trước lễ mà nhân sự cần thực hiện gấp.”


Chị A.T - Copywriter Executive cho biết: “Trong kỳ nghỉ này, mình vẫn phải nghĩ idea cho dự án sẽ nộp ngay sau lễ, vẫn phải làm file thuyết trình. Thậm chí trong những ngày trước lễ, account vẫn đặt lịch họp brief gấp để làm xuyên kỳ nghỉ. Ngoài ra cũng có những dự án mà deadline vào ngày 5/5, vì thế, nếu mình không chạy task trong dịp lễ này thì sẽ không kịp. ‘Ôm việc’ trong lễ khiến mình cảm thấy kỳ nghỉ bị gián đoạn và không được trọn vẹn, trong khi mình đã trông đợi rất lâu và thậm chí còn xin nghỉ phép trước cả tháng.”


Nhiều nhân sự không được tận hưởng kỳ nghỉ lễ một cách trọn vẹn vì vẫn còn khối lượng công việc lớn chưa giải quyết xong


Truyền thông, quảng cáo là một ngành đòi hỏi các nhân sự cần phải cập nhanh thông tin nhanh chóng, theo sát những dự án chưa hoàn thành. Vì thế, các nhân sự trong ngành này hầu hết đều phải chuẩn bị tinh thần làm việc liên tục trong kỳ nghỉ. “Do đặc thù công việc, hầu như chẳng khi nào mình không mang theo laptop bên người. Trong các kỳ nghỉ, mình phải vừa đi chơi vừa kề cạnh máy tính, ngủ cũng không thẳng giấc vì không biết khi nào sẽ có feedback. Chưa kể, đầu óc luôn phải nhảy số để giải quyết vấn đề phát sinh. Được mỗi ngày nghỉ mà cũng phải làm thì sẽ bất công và khiến nhân sự dễ bị burn out”, chị A.T chia sẻ.



"Dù là lễ hay Tết, còn task là còn làm"


Tuy phải “ôm việc” và chạy task trong kỳ nghỉ, nhiều nhân sự lại không nhận được những quyền lợi đền bù. Anh H. chia sẻ: “Công ty mình không có khái niệm tăng lương khi làm thêm giờ, nên nếu nhân sự còn việc thì dù là lễ hay Tết vẫn phải làm. Đối với ngành truyền thông, khi có quá nhiều task cần phải hoàn thành thì các nhân sự thường có xu hướng chủ động làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc.” 


Chị A.T cũng gặp tình trạng tương tự: “Phải làm việc xuyên lễ 30/4 và 1/5, nhưng không được công ty thưởng thêm gì thì mình thấy hơi tủi thân, bên cạnh đó cũng không thấy hào hứng làm việc cho lắm”.


Lễ 30/4 và 1/5 là một trong những kỳ nghỉ có hưởng lương được bộ luật Lao động quy định. Do đó, nhiều người cho rằng, nhân sự có quyền từ chối task để bảo vệ quyền lợi chính đáng này. Anh H. cho biết: “Từ chối nhận việc là một chuyện, sếp và khách hàng có cho phép không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cá nhân mình nghĩ là nên từ chối, nhưng nếu bản thân có bị sếp giao việc thì mình vẫn sẽ phải lủi thủi đi làm.” 


Các nhân sự trong ngành truyền thông, quảng cáo hầu hết đều phải chuẩn bị tinh thần làm việc liên tục trong kỳ nghỉ


Bên cạnh việc phải chạy task một cách bất khả kháng, nhiều nhân sự cũng nhân cơ hội này để làm job freelance kiếm thêm thu nhập. Anh H. cho biết: “Thật ra lúc đầu mình cũng có lên kế hoạch cho kỳ nghỉ với hội bạn, nhưng gần tới ngày thì giá vé máy bay hay vé xe đều đã được bán hết hoặc quá đắt đỏ khiến cho chuyến đi không thể diễn ra. Nên dịp lễ này, ngoài task chính trong công ty thì mình cũng chọn ở nhà 'cày' job ngoài để kiếm thêm thu nhập. Lý do chính chắc là do mình nghèo. Có thời gian nghỉ nhiều nên khối lượng công việc mình làm cũng sẽ được nhiều hơn.”


Để tránh phải mang theo deadline trong kỳ nghỉ, các nhân sự đã chọn làm việc thêm giờ trước đó vài ngày, thậm chí vài tuần để giải quyết hết những công việc được giao. “Trước nghỉ lễ, mình làm việc nhiệt huyết và ‘hăng máu’ hơn rất nhiều, có thể làm xong cùng lúc 3-4 task khác nhau trong ngày. Bởi lẽ, mình có động lực cụ thể để làm, đó là được về quê với gia đình và đi chơi lễ. Nhưng vì tính chất công việc, mình cũng khá quen với ‘guồng task’, đi chơi nhưng cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để chỉnh sửa nội dung, hình ảnh cho dự án”, chị T.N - Freelance PR Executive chia sẻ.


Còn đối với chị P.H: “Các nhân sự công ty mình đều lường trước được là sẽ phải ‘khổ sở’ làm việc trong lễ, nên mọi người đã chuẩn bị từ nhiều tuần, tranh thủ làm nhanh những đầu việc tồn đọng. Vì thế, trước lễ là thời gian mà mọi người hào hức làm việc và 'chạy' task đi có được một kỳ nghỉ trọn vẹn”. 



"Quan điểm về work-life balance của giới trẻ hiện nay đã khác"


Một số người cho rằng, sự trỗi dậy của xu hướng workaholic (tham công tiếc việc) trong đội ngũ nhân sự trẻ hiện nay đã bình thường hóa chuyện làm việc trong kỳ nghỉ lễ. “Mình không thấy workaholic là một tư tưởng sai, nhưng điều đó nên đến bằng sự tự nguyện của nhân sự, chứ không phải doanh nghiệp bình thường hoá điều đó và bắt ép một cách vô hình. Điều này sẽ gây ra tình trạng burn out khi nhân sự phải liên tục làm việc trong thời gian dài, đặc biệt gây ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của nhân sự ngành truyền thông”, chị A.T nhận định.


"Work-life balance còn tuỳ thuộc vào tính chất công việc của mỗi người", chị P.H nói.


Chị P.H cho rằng, quan điểm về work-life balance của giới trẻ hiện nay đã khác. Nếu như ngày trước, work-life balance được cho là sáng đi làm tối đi chơi, tách biệt giữa trạng thái làm việc và nghỉ ngơi, thì bây giờ, nhiều người quan niệm work-life balance có nghĩa là dung hòa công việc và cuộc sống vào nhau một cách hợp lý. Nhân sự vừa tận hưởng niềm vui riêng, vừa “catch-up” công việc. “Mình nghĩ work-life balance còn tùy thuộc vào tính chất công việc của mỗi người. Ví dụ như ngành quảng cáo, có rất nhiều loại task mà tụi mình phải theo sát mỗi ngày. Mình nghỉ lễ nhưng dự án đó vẫn phải chạy, chứ nó có dừng lại được đâu.”


Chia sẻ về câu chuyện tham công tiếc việc, chị T.N cho biết: “Khi đã quá quen với cường độ làm việc rồi, thì bản thân mình sẽ thấy hơi thiếu nếu như không làm gì đó, và thường hay mở điện thoại/laptop lên để kiểm tra đi kiểm tra lại xem có sót task gì không. Dù vậy, mình không ủng hộ ‘phản xạ’ này cho lắm, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến khoảng thời gian mà mình đã hứa sẽ tự thưởng cho bản thân. Nên có hai cách mình áp dụng cho kỳ nghỉ lễ này để thay đổi ‘phản xạ’ đó. Đầu tiên là cố gắng OT, làm xong ít nhất là 80-90% task trước lễ và sau lễ. Thứ hai, chủ động chia sẻ tình trạng bản thân (đang rất mệt mỏi, cần nghỉ ngơi,...) và đề xuất dời deadline một số task sao cho phù hợp với mức độ ưu tiên công việc, tình trạng bản thân và kế hoạch chơi lễ.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai