Theo một nghiên cứu của CareerBuilder, 78% người lao động sử dụng toàn bộ hoặc hầu hết thu nhập của họ để chi tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng “cháy túi, cạn tiền” thấp thỏm chờ lương của nhiều nhân sự, một số người lại thoải mái, thành thơi tiêu pha bởi số dư tài khoản vẫn còn “thừa”.


Khi cuối tháng không phải là “ác mộng”


Cuối tháng được coi là một thời điểm “nhạy cảm” đối với nhiều nhân sự, bởi lẽ đây là giai đoạn phải cân bằng giữa các khoản chi tiêu và số tiền còn lại trong ví trước khi nhận được tháng lương kế tiếp. Theo một nghiên cứu của CareerBuilder, 78% người lao động sử dụng toàn bộ hoặc hầu hết thu nhập của họ để chi tiêu hàng tháng, với các khoản phí bao gồm trả tiền thuê nhà, mua thực phẩm, trả nợ và các chi phí hàng ngày. Theo anh Đức An - Senior Account Executive tại ZEE Agency, các nhân sự trong ngành quảng cáo thường rất áp lực mỗi khi đến cuối tháng, bởi đây là giai đoạn phải chi tiêu nhiều cho công việc, mối quan hệ và mục đích cá nhân, nên dễ gặp vấn đề tài chính.


“Để tránh chật vật trong khoảng thời gian này, mình thường sẽ có một khoản dự trù để back-up cho trường hợp xài hết tiền lương của tháng trước. Khoản dự trù này đến từ tiền tiết kiệm của mình trong mỗi tháng và các thu nhập khác”, anh Đức An chia sẻ.


Theo anh Đức An, ngoài việc biết "kiếm nhiều hơn tiêu" thì việc chi tiêu hợp lý là một yếu tố quan trọng hơn cả để tiền luôn dư mỗi tháng


Bên cạnh tình trạng “cháy túi, cạn tiền” thấp thỏm chờ lương của nhiều nhân sự, một số người lại thoải mái, thành thơi bởi số dư tài khoản vẫn còn “thừa”: “Cuối tháng nào mình cũng còn dư tiền. Không phải do mình chi tiêu quá tiết kiệm, mà đơn giản là vì không có thời gian để xài. Công việc thì quá nhiều, deadline còn chưa xong thì lấy đâu ra thời gian để tiêu tiền hay làm những việc khác”, chị Hồng Ngọc - Content Creator chia sẻ.


Còn đối với anh Danh Phạm - Graphic Designer tại The 50 Studio: “Cuối tháng không quá đáng sợ, nhưng vẫn là thời gian khiến mình bận tâm kha khá. Bởi trước hết mình cần phải xem xét lại chi tiêu trong một tháng qua có hợp lý hay không, rồi sau đó chuẩn bị sẵn sàng để thanh toán một số khoản sinh hoạt phí cố định cho tháng tiếp theo. Tuy nhiên, với số tiền dự trữ luôn sẵn sàng trong ví, mình khá an tâm đối mặt với những khoản chi tiêu trên.”


Ví đã đầy lại càng “dày” thêm


Mặc dù luôn trong trạng thái dư giả, các nhân sự vẫn tìm kiếm nguồn động lực để tăng thêm thu nhập, chi tiêu thoải mái hơn. Kể về trải nghiệm của bản thân, anh Danh Phạm chia sẻ: 


“Mình không muốn cho bản thân quá hài lòng với cuộc sống hiện tại, luôn phải có một điều gì đó khiến mình không ngừng phấn đấu. Do đó, mình thường đặt mục tiêu kiếm đủ tiền để mua một sản phẩm giá trị trong khoảng thời gian nhất định. Sau mỗi lần hoàn thành một cột mốc, mình sẽ nâng dần cấp độ lên.


Cụ thể là gần đây, mình đặt mục tiêu mua được một chiếc PC đồ hoạ cấu hình cao trong thời gian 3 tháng. Vậy là trong 2 tuần đầu tiên, mình đã sửa sang lại portfolio, tức tốc tìm cả công việc part time lẫn freelancer. Hai tháng rưỡi tiếp theo, mình làm việc hết công suất, có khi làm đến bốn job cùng một lúc. Vì bận rộn quá nên mình cũng không còn thời gian để tham gia những buổi đi chơi, hoặc chi tiêu những khoản không quá cần thiết. Tuy nhiên, mình không tiết kiệm quá cực đoan mà vẫn chiều chuộng bản thân ăn ngon, chơi vui vào mỗi cuối tuần. Kết quả là 3 tháng vừa kết thúc, mình vừa kiếm được tiền mua PC, vừa dư ra một khoản tiền an toàn cho sinh hoạt.”


"Mình luôn thủ sẵn trong người khoảng 2 job, thu nhập của mỗi job đều đủ để mình chi tiêu trong một tháng nhằm đề phòng bất trắc", anh Danh Phạm chia sẻ


Do tài khoản vẫn dư giả dù lương chưa về, các nhân sự “rủng rỉnh” thường trở thành đối tượng để mượn tiền mỗi dịp cuối tháng. Chia sẻ về câu chuyện này, anh Đức An nói:


“Xung quanh mình có khá nhiều người gặp tình trạng ‘chưa hết tháng đã hết tiền’, và mình thường xuyên trở thành đối tượng ‘được’ vay nợ. Điều này xảy ra khi họ không kiểm soát được chi tiêu và không có những dự trù về cash flow (dòng tiền), dẫn đến ‘cháy túi’. Vì thế, để khắc phục tình trạng thì mọi người cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn.”


Còn theo chị Hồng Ngọc, một vài đồng nghiệp xung quanh thường có thói quen bung xõa, ăn một bữa lớn mỗi khi vừa nhận lương, để rồi chấp nhận số phận “nhịn xài tiền” vào cuối tháng. Đi làm không sợ gì, chỉ sợ các đồng nghiệp hay rủ: sáng nay ăn gì, uống sinh tố không, đến chiều thì hỏi uống trà sữa không. Mình luôn chi tiêu hợp lý để không xảy ra tình trạng đầu tháng còn tiền, cuối tháng hết tiền. Chỉ có mình cho đồng nghiệp mượn tiền, chứ ít khi nào mình là người đi mượn. Bên cạnh đó, việc có nhiều nguồn thu nhập cũng giúp cho tài khoản của mình luôn ổn định”, chị Hồng Ngọc chia sẻ.


Chị Hồng Ngọc cho biết bản thân luôn chia tiền ra hai thẻ khác nhau để kiểm soát chi tiêu tốt hơn


Chi tiêu thoải mái nhưng tiền vẫn phải dư


Tuy dư giả mỗi tháng, nhưng không có nghĩa là các nhân sự lúc nào cũng phải “thắt lưng buộc bụng”. Họ vẫn dành cho bản thân những phần thưởng xứng đáng với công sức lao động bỏ ra. Anh Danh Phạm cho biết bản thân thường dành đến hai phần ba số tiền trong khoảng sinh hoạt phí mỗi tháng cho đồ ăn, chỉ một phần ba còn lại là dành cho tiền nhà, tiền di chuyển và mua sắm,… “Đôi khi mình sẽ dùng lố khoảng tiền này cho những bữa ăn ngẫu hứng, rồi phải ngậm ngùi giảm bớt vào tiền mua sắm.”


Nhờ ý thức về tiền bạc từ rất sớm nên chị Kim Anh - Communications Executive tại Manta Sail Training Center gần như không có trải nghiệm tiêu xài hoang phí nào. Chị chia sẻ: “Chỉ có một lần mình xuống tay đầu tư đắt đỏ cho bản thân, đó chính là mua dịch vụ chăm sóc da và mỹ phẩm cao cấp với tổng chi phí là 20 triệu đồng. Mình đã lên kế hoạch chi tiết và tích luỹ dần cho lần ‘xuống tay’ đó, thế nên mình thấy rất hạnh phúc khi bỏ ra số tiền như vậy.”


"Nghe có vẻ khó tin nhưng nhờ ý thức về tiền bạc từ rất sớm nên mình gần như không có trải nghiệm tiêu xài hoang phí nào", chị Kim Anh chia sẻ


Còn đối với chị Hồng Ngọc, khoản chi “thoáng tay” nhất chính là tiền đi du lịch: “Mục tiêu tiết kiệm của mình là được đi du lịch thoải mái. Cứ sau vài tháng làm việc, mình sẽ bỏ ra khoảng chục triệu để đi du lịch. Nếu có thời gian thì mình đi những chỗ xa hơn, còn không thì sẽ đi một nơi nào đó trong nước.”


Tuy chi tiêu khá lành mạnh, không bị mua sắm quá tay, nhưng anh Đức An vẫn có một số trải nghiệm “vung tay quá trán” trong những cuộc đi chơi. “Mình từng bỏ ra khoảng chục triệu cho một buổi tối, theo mình thì khá là hoang phí. Hai đến ba triệu là mức mà mình cảm thấy vừa đủ cho một buổi đi chơi như vậy. Nhưng khi con số lên đến chín hay mười triệu thì ngay lập tức, mình phải ‘vắt tay lên trán’, lập tức cân đối lại chi tiêu và rút kinh nghiệm cho lần sau”, anh Đức An kể.


Top 5 K-Dramas/Films Starring Krystal Jung That Prove Her Outstanding  Versatility - Kpopmap

Quản lý tài chính hiệu quả luôn là một bài toán khiến nhiều nhân sự "đau đầu"


Để vừa có thể “nuông chiều” bản thân với những nhu cầu tiêu pha, vừa giúp ví tiền chưa vơi hết đã lại đầy, các nhân sự luôn có bí quyết kiểm soát tài chính cá nhân bằng việc xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý, tối ưu hóa nguồn thu nhập. Đối với chị Kim Anh, muốn có dư mỗi tháng thì bản thân phải luôn tuân theo quy tắc “Chi trả cho bản thân trước khi chi tiêu": “Mọi người thường có thói quen nhận lương thì sẽ mang đi chi tiêu, có dư mới bỏ vào tiết kiệm, còn mình thì làm ngược lại. Khi nhận được lương, mình ngay lập tức bỏ một khoản vào tiết kiệm rồi sau đó mới chi tiêu trong số tiền còn lại. Nhờ vậy, tháng nào mình cũng luôn có một khoản dư”.


Với cách phân chia thu nhập tương tự, anh Đức An đã sử dụng phương pháp “chia trứng làm ba giỏ” để quản lý dòng tiền tốt hơn.


“Mình không để tiền vào một thẻ duy nhất, mà luôn chia ra thành ba tài khoản. Một tài khoản mình dùng để tiết kiệm và trả những chi phí cố định. Đây cũng là tài khoản nhận lương mỗi tháng. Thẻ thứ hai mình dùng để chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Còn tài khoản thứ ba, mình kết nối với các app online để quán triệt việc mua sắm hằng tháng. 


Khi mỗi tài khoản vơi đi, hoặc có dấu hiệu ‘chạm đáy’ thì đó sẽ là dấu hiệu để mình cân đối và hạn chế chi tiêu lại. Việc dùng chung một tài khoản sẽ khiến chúng ta dễ tiêu xài mất kiểm soát. Tiền dù nhiều vào đầu tháng cũng sẽ vơi đi rất nhanh”, anh cho biết.


Theo anh Danh Phạm, bí quyết để chi tiêu thoải mái mà tiền vẫn còn khi lương chưa về, không phải nằm ở con số thu nhập có đủ “khủng” hay không, mà là bởi cách quản lý chi tiêu, mức sống và sự hài lòng của mỗi người với khoản thu nhập mình kiếm được:


“Thực ra mình thấy có rất nhiều người kiếm được số tiền khiêm tốn, nhưng họ vẫn không hề ‘cháy túi’ mà còn sống rất hạnh phúc. Ngược lại, có những người tuy thu nhập khổng lồ nhưng tháng nào cũng nghe họ than thở về chuyện tiền bạc. Do đó theo mình, người dư giả không nhất thiết là người có nhiều tiền, mà là người biết chi tiêu hợp lý số tiền mình đang có.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai