Nhìn lại 6 tuyến nội dung nổi bật đã lên sóng Advertising Vietnam năm 2022

2022 đang sắp khép lại sau nhiều sự kiện và diễn biến mới trong thị trường Quảng cáo Truyền thông. Trong một năm qua, đội ngũ Advertising Vietnam đã sản xuất gần 2000 bài viết và có hàng nghìn giờ tìm tòi những thông tin mới và bổ ích về ngành. Dưới đây là 6 tuyến bài do đội ngũ làm nội dung của Advertising Vietnam triển khai trong năm nay, bao gồm: We are Creators, Giảng viên, Ad Office, Hiểu Luật quảng cáo, Case Study và Real Agency Life.


Cùng bài viết sau đây tìm hiểu về “kho” kiến thức do Advertising Vietnam tích lũy trong năm qua để phục vụ độc giả! 



Ra mắt We are Creators vào năm ngoái, Advertising Vietnam tiếp nối thành công khi mang đến 24 câu chuyện sáng tạo từ các creators có sức ảnh hưởng tại Việt Nam trong năm nay. Khi nghĩ về nghệ sĩ sáng tạo, có một kiểu rập khuôn rằng họ phải gắn với một loại nghệ thuật đặc trưng nào đó như hoạ sĩ, nhà điêu khắc, thiết kế đồ hoạ. We are Creators 2022 đã mở rộng phạm vi tiếp cận, tìm kiếm và kết nối với những nhà sáng tạo “ẩn danh” đến từ nhiều ngành nghề trên toàn quốc. 


Đó là cậu bé Đức Sinh tự mô tả mình là một “unschool boy”, dành toàn bộ thời gian cho sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm của em không gói buộc trong một hình thức nào, thay vào đó được thể hiện bằng nhiều phương thức như hội hoạ, lắp ráp, cắt ghép giấy khác nhau. Không bằng lời nói mà bằng những tạo tác đầy màu sắc của mình, Đức Sinh đã khiến nhiều “nghệ sĩ” người lớn chợt nhớ lại cái thời mà niềm đam mê của họ vẫn đang ở trạng thái đơn thuần, trong sáng nhất.


Trái ngược với định nghĩa “nền công nghiệp sáng tạo”, nơi mọi sản phẩm đều có thể đổi chác thành tiền, Thư Hoàng - chàng sinh viên năm 3 đại học Ngoại Thương kiêm chủ kênh Instagram Chuyện Đại Học đạt 4,5 nghìn người theo dõi đã nhận xét rằng: “Nhà sáng tạo nhỏ có thể không kiếm ra tiền, nhưng sẽ nhận về những lợi ích vô giá”. Những lợi ích Thư Hoàng nhắc đến chính là khả năng tự học hỏi và xây dựng kinh nghiệm sáng tạo cho mình trước khi thực sự bước vào thị trường lao động. “Thỉnh thoảng một sản phẩm sáng tạo lại xuất phát từ những mong muốn rất nhỏ, như cách tôi đã mong ghi lại hành trình phát triển bản thân trên giảng đường và chia sẻ chúng với cộng đồng cùng trang lứa. Vì vậy mà Chuyện Đại Học mới ra đời”



We are Creators không chỉ trò chuyện với những nhà sáng tạo full-time, mà còn kết nối với cả những nhân sự tay ngang như …. các nhà khoa học U40 tại Bảo tàng Hải dương học. Đằng sau những bài đăng viral trên mạng xã hội lại là một nhóm hướng dẫn viên du lịch và nhà khoa học đang mày mò làm content cho người trẻ. “Chúng tôi không có chuyên môn về truyền thông, quảng cáo hay marketing”, nhóm làm nội dung của Bảo tàng Hải dương học thú nhận. Câu chuyện mà họ chia sẻ tại We are Creators đã đưa một cái nhìn khác về cách làm sáng tạo. 


Bằng cách mở rộng phạm vi tiếp cận, đội ngũ nội dung Advertising Vietnam mong mang đến cho độc giả một thế giới sáng tạo nhiều sắc thái hơn. Ở đó, Creator không còn là những danh xưng dành cho người có sản phẩm sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số, mà là danh xưng cho bất kỳ ai đang cần mẫn nghĩ ra ý tưởng độc đáo mới mỗi ngày.   



Trong năm qua, Quảng cáo nói riêng và các ngành nghề khác nói chung đã chứng kiến một làn sóng biến động. Làn sóng này đã bắt đầu âm ỉ từ Đại dịch Covid, dữ dội hơn với hàng loạt sự kiện như suy thoái, lạm phát và đứt quãng chuỗi cung ứng trong năm 2022. Việc thay đổi mô hình làm việc và phát sinh những vấn đề mới là không tránh khỏi. Tiếp nối nhiệm vụ của năm 2021, Real Agency Life tiếp tục phản ánh đời sống nhân sự Agency qua những chia sẻ của người trong ngành Tiếp thị Quảng cáo.  


Trong năm qua, Real Agency Life đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận tích cực xoay quanh một số chủ đề nổi cộm. Đó là trào lưu Quiet Quitting hay còn được gọi với cái tên Nghỉ việc trong im lặng, dùng để chỉ một tình trạng nhân sự không có ý chí làm việc và chỉ muốn cống hiến ở mức tối thiểu cho công ty. Trong bài viết “Xu hướng Quiet Quitting: Khi người trẻ phản kháng với việc lãng mạn hoá workaholic” ra mắt vào tháng 8 năm nay, đội ngũ phụ trách tuyến Real Agency Life đã “giải oan” cho những nhân sự bị cáo buộc “Quiet Quitting”. Các nhân sự trẻ tuổi mang đến một định nghĩa mới về năng suất và cống hiến. Theo đó, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ đã là năng suất, dù nhân sự có OT hay tan làm đúng giờ. Và việc cống hiến chỉ có lợi khi đó là do nhân sự tự nguyện lựa chọn, chứ không phải một tiêu chuẩn đặt ra để quyết định khiển trách hay khen thưởng nhân viên. 



Không chỉ quanh quẩn ở những chủ đề gây tranh luận trong giới nhân sự, Real Agency Life còn giải đáp những câu hỏi tưởng chừng đơn giản như hiếm khi được trả lời chuẩn chỉnh như: “Muốn trở thành Senior, nhân sự phải làm gì?”, “Intern tại Agency có phải chỉ đi bưng trà rót nước?” hay vô cùng căn bản như “Ý tưởng sáng tạo rốt cuộc đến từ đâu?” 


Mỗi câu hỏi đều sẽ được nhân sự làm việc tại agency trả lời dựa trên chính kinh nghiệm và những quan sát cá nhân, sau đó đối chiếu với nhiều chia sẻ khác để tạo ra một bức tranh toàn cảnh và khách quan nhất cho độc giả. 



Tại Việt Nam, “Camera chạy bằng cơm” là một cụm từ ám chỉ những người hàng xóm thích “hóng hớt” đủ thứ chuyện từ trong nhà ngoài ngõ. Ad Office của Advertising Vietnam định vị tuyến bài là một chiếc “camera” như thế, nhưng “chạy” bằng chính đội ngũ làm nội dung và “hóng hớt” chuyện của giới agency sáng tạo. 


Ad Office cập nhật những vấn đề “hóc búa” của người đi làm agency. Đó có thể là nỗi khổ của toàn thể người lao động hoặc cũng là nỗi niềm riêng của dân Sáng tạo Quảng cáo. Là một tuyến bài mới triển khai từ cuối năm, Ad Office đã xuất bản tổng cộng 16 bài viết, đặt lên bàn thảo luận 16 câu chuyện “tiến thoái lưỡng nan” như “Nhân sự nghỉ phép nhưng sếp vẫn giao việc”, “Sợ đồng nghiệp soi mói, nhiều nhân sự khai lương thấp hơn thực tế” hay “Đi làm cả ngày chỉ để mong được về nhà lướt TikTok, nghịch điện thoại”. 



Vẫn là góc khai thác nhân sự agency, Ad Office khác với Real Agency Life ở nội dung mang tính chất đời sống hơn, cách tiếp cận cũng hóm hỉnh hơn nhằm đem lại những giờ phút giải trí cho độc giả. 



Người làm tiếp thị quảng cáo thường có một câu nói quen thuộc: “Làm gì thì làm, cứ phải hiểu khách hàng trước đã”. Trong năm qua, thị trường quảng cáo nổi lên nhiều vụ kiện cáo hay những tranh cãi không hồi kết về việc “Quảng cáo như thế này thì đúng hay sai”. Nhận thấy tính cần thiết của việc hiểu luật quảng cáo, đội ngũ nội dung Advertising Vietnam đã triển khai một tuyến bài cùng tên, với mong muốn hỗ trợ các marketer tối ưu hoá hiệu quả công việc. 



“Làm gì thì làm, Hiểu luật trước đã” là thông điệp mà tuyến bài Hiểu Luật Quảng Cáo muốn truyền tải tới độc giả. Đội ngũ nội dung đã tham vấn ý kiến của Luật sư để mang đến những kiến thức về Luật quảng cáo, sử dụng chính các quy định của Luật pháp Việt Nam để đánh giá tính đúng sai tùy vào mỗi trường hợp cụ thể. Những thắc mắc như “Influencer nhận hợp đồng quảng cáo nhưng thổi phồng chức năng sản phẩm thì xử phạt thế nào”, “Những nhà sáng tạo bị ăn cắp chất xám thì có được Pháp luật bảo vệ không” hay “Mức phạt Marketer cần biết khi dán poster quảng cáo sai quy định”. Mọi vấn đề sẽ được Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco lý giải trong tuyến Hiểu Luật Quảng cáo của Advertising Vietnam.  



Khi thưởng thức một chiến dịch quảng cáo, khán giả với tâm thế người xem có thể sẽ chỉ dừng lại ở những ấn tượng bề nổi. Tuy nhiên, với vị trí là người trực tiếp làm chiến dịch, mỗi một hoạt động xuất hiện trên thị trường sẽ cần được mổ xẻ như bóc vỏ một củ hành tây. Ở đó, các thông tin về Bối cảnh, Nhu cầu, Ý tưởng lớn, Cách thực thi, Kết quả sau cùng sẽ tuần tự bày ra trước mặt. Marketer có thể học hỏi những kinh nghiệm phù hợp với mình, tự đối chiếu và ứng dụng ngược lại vào trong công việc. Chính vì nhu cầu đó của nhân sự, Advertising Vietnam vẫn duy trì và cải tiến cho tuyến bài Case Study - Một trong những tuyến nội dung chủ chốt nhằm phân tích các chiến dịch nổi cộm trên thị trường Việt. 


Trong năm qua, tuyến bài Case Study đã xuất bản tổng cộng 13 bài viết, điểm mặt gọi tên các chiến dịch Quảng cáo Tiếp thị nổi bật trong 2022. Ở bài viết Case Study Shay Nắnggg, đội ngũ Advertising Vietnam đã phân tích cách thương hiệu Skin Aqua Tone Up UV hợp tác cùng ca sĩ AMEE, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và rapper Obito tung music video (MV) Shay Nắnggg. Bài hát được ca ngợi với ca từ bắt tai, nhưng cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tên gọi chưa chính xác về mặt ngữ pháp. Từ Case Study Shay Nắnggg, độc giả có thể tìm hiểu chiến lược quản trị rủi ro từ tên gọi bài hát phá cách để mang về chục triệu lượt xem. 



Không thể không kể đến Campaign Sống lại cảm giác Gà - Chiến lược tiếp thị hoài niệm đưa Gunny Origin trở thành “huyền thoại mới” trên đường đua game Việt. Nhận thấy tầm quan trọng của ký ức cùng lợi thế 13 năm gắn bó với gen X và gen Y, VNG sử dụng Tiếp thị hoài niệm trong chiến dịch ra mắt Gunny Origin vào cuối năm 2021. Đây cũng chính là phiên bản game mobile tiếp nối tượng đài game bắn súng tọa độ Gunny Web từng làm điên đảo giới xạ thủ vào năm 2009. Từ bài viết này, marketer có thể rút các ý tưởng cho một chiến dịch ra mặt sản phẩm mới với cơ sở khách hàng sẵn có, để làm vừa thổi được không khí mới mẻ vừa vẫn duy trì những giá trị cốt lõi trước đây của thương hiệu và sản phẩm. 



Nền công nghiệp Tiếp thị Quảng cáo được cho là có tốc độ thay đổi chóng mặt trong gần 1 thập kỷ trở lại đây. Các kênh quảng cáo truyền thống như truyền hình vô tuyến, báo giấy, phát thanh đã dần nhường chỗ cho các kênh mới như mạng xã hội, podcast và nền tảng phát trực tuyến. Ngày nay, các nhà quảng cáo phải thử nghiệm chiến lược mới, thay đổi kế hoạch tiếp thị kỹ thuật số vì sự phân mảnh của các nền tảng truyền thông xã hội. Trong hành trình nâng cấp đó, có nhiều xu hướng mới ra đời, cũng có nhiều sai phạm không tránh khỏi đến từ thương hiệu. 


Nhằm mang đến những quan điểm sâu sắc về một nền công nghiệp thay đổi quá nhanh, Advertising Vietnam đã triển khai tuyến bài Giảng viên, quy tụ những Tiến sĩ, Thạc sĩ hiện đang công tác và giảng dạy tại các trường Đại học/Cao đẳng trên toàn quốc. 



Cho tới thời điểm hiện tại, Giảng viên đã triển khai một chuỗi 5 bài viết đề cập đến các sự kiện của thị trường Quảng cáo. Trong bối cảnh kỳ thi THPT Quốc gia vừa kết thúc, Trưởng khoa Báo chí (ĐH KHXH&NV) thầy Huỳnh Văn Thông đã mang đến một cái nhìn bao quát về ngành nghề, khách quan chỉ ra những điểm hấp dẫn của Truyền thông và những mặt trái khó phủ nhận tại thị trường lao động Việt Nam. “Có một cái bệnh lạ của doanh nghiệp là “không tham gia vào việc đào tạo sinh viên nhưng đòi hỏi vô lối”, thầy Huỳnh Văn Thông chia sẻ như thế khi đề cập đến câu chuyện doanh nghiệp yêu cầu sinh viên ngành quảng cáo truyền thông mới ra trường phải có kinh nghiệm thực tiễn. Thầy cũng lần lượt bóc tách các lí do gây ra tình trạng thừa sinh viên nhưng thiếu nhân tài của ngành Truyền thông quảng cáo, từ đó cùng nghĩ ra giải pháp để cải thiện câu chuyện muôn thuở này. 


Ngành nghề quảng cáo xưa nay vẫn tìm kiếm nhiều chất liệu sáng tạo mới mẻ để đưa vào trong chiến dịch. Thế nhưng, bài phỏng vấn với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ đã hé lộ một mặt trái khác của câu chuyện “sử dụng chất liệu văn hoá dân tộc trong quảng cáo”. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng “cuộc chơi này sẽ đầy thách thức ở thị trường Việt Nam”. “Chúng ta có nhiều vùng miền, nhiều tộc người và tôn giáo đa dạng, quan điểm giá trị của các cộng đồng cũng có một số điểm chưa thực sự khớp nhau. Đấy là chưa kể còn nhiều ngộ nhận giữa tôn vinh và chiếm dụng”, Phó giáo sư phân tích.   


Trước một nhịp độ thay đổi quá nhanh với nhiều cái mới ra đời, có lẽ vai trò của “kiến thức nền tảng” sẽ ngày càng được củng cố. Trong tuyến bài Giảng viên, mọi vấn đề sẽ được cắt lát và phân tích dựa trên cơ sở những kiến thức của các thầy cô, để từ đó có thể cùng nhau nghiền ngẫm lại tính đúng sai, mặt trái mặt phải của một vấn đề tưởng chừng như đã bị bình thường hoá. 


Một năm 2022 đã qua. Đội ngũ nội dung Advertising Vietnam xin gửi lời cảm ơn đến các quý độc giả đã đồng hành. Với những hướng khai thác mới mẻ, Advertising Vietnam hy vọng tiếp tục được độc giả yêu mến và ủng hộ trong tương lai.

 


Nhìn lại 6 tuyến nội dung nổi bật đã lên sóng Advertising Vietnam năm 2022

Hằng Trần

Hằng Trần

Content Creator | Advertising Vietnam

31 Thg 12 2022

Lưu

Cùng chuyên mục