Thị trường trà sữa Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua đã trải qua nhiều thay đổi lớn. Bắt đầu từ một trào lưu, trà sữa nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ.
Tuy nhiên, sự phát triển đầy bất ngờ này dẫn đến tình trạng bão hòa thị trường, buộc các thương hiệu phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân khách hàng. Đây cũng là lúc các thương hiệu nội địa thể hiện rõ sự vượt trội của mình, nhằm chiếm lĩnh thị trường và trở thành những cái tên quen thuộc với người tiêu dùng.
Trend hot đến mấy cũng “bão hòa”
Vào giữa năm 2010, trà sữa đã thực sự tạo nên một cơn sốt chưa từng có tại Việt Nam. Các thương hiệu quốc tế như Gong Cha và KOI Thé cùng hàng loạt cửa hàng trong nước đua nhau ra đời, phủ sóng khắp các con phố. Hương vị độc đáo, đa dạng topping đã nhanh chóng chinh phục giới trẻ. Đến năm 2017, cơn sốt này đạt đến đỉnh điểm, khi mà việc tìm một quán trà sữa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều tuyến phố trung tâm tại Hà Nội và Sài Gòn thậm chí còn được mệnh danh là "phố trà sữa" vì sự tập trung dày đặc của các cửa hàng.
Gong Cha là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan (Trung Quốc), gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 thông qua hình thức nhượng quyền
Trong đó, Dingtea hiện đang dẫn đầu với mạng lưới rộng khắp, bao gồm 80 cửa hàng tại Hà Nội và gần 200 cửa hàng trên toàn quốc. TocoToco cũng không hề kém cạnh với khoảng 66 và 124 cửa hàng (Theo website Dingtea và TocoToco). Còn ở thị trường TP.HCM, vị trí dẫn đầu đang thuộc về Hot & Cold, Hoa Hướng Dương và Phúc Long.
Nhưng kể từ năm 2018, thị trường trà sữa Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu bão hòa. Đến năm 2019, sự cạnh tranh gay gắt khiến nhiều thương hiệu phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 và 2021, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng lao đao.
Năm 2023 chứng kiến sự suy giảm đáng kể của nhiều thương hiệu trà sữa. Theo báo cáo của Vietdata, doanh thu của chuỗi trà sữa TocoToco đạt gần 380 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022, tương đương mất khoảng 77,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi sau thuế của chuỗi âm liên tiếp 3 năm, trong đó lỗ lớn nhất là năm 2023 với hơn 112 tỷ đồng. Trước đó, từ năm 2021-2022, mức lỗ lần lượt là hơn 77 tỷ và 54 tỷ đồng.
Thuộc nhóm định vị cao cấp nhất nhì thị trường, chuỗi cửa hàng Koi Thé cũng giảm doanh thu và lãi lần lượt là 35,6 tỷ và 25 tỷ đồng. Dù ghi nhận doanh thu giảm trong năm ngoái, lợi nhuận của Ding Tea (chủ yếu ở miền Bắc) và Bobapop (phần lớn tại miền Nam) lại không bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, Ding Tea chỉ mất 0,9 tỷ đồng, riêng Bobapop cải thiện 1,1 tỷ lãi trước thuế.
Năm ngoái, thị trường trà sữa chứng kiến sự sụt giảm doanh số của nhiều thương hiệu do sức mua giảm và cạnh tranh ngày càng gay gắt
Nhìn chung, thị trường trà sữa, đặc biệt tại các đô thị lớn, đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt. Việc các cửa hàng mọc lên như nấm đã khiến thị trường bão hòa, dẫn đến tình trạng thừa cung vượt cầu. Để thu hút khách hàng trong bối cảnh này, nhiều cửa hàng buộc phải tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đẩy giá thành sản phẩm xuống thấp và gây áp lực lên doanh thu.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường trà sữa khiến các thương hiệu phải tìm kiếm những lợi thế cạnh tranh riêng. Trong khi các thương hiệu cao cấp như KOI Thé và The Alley đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm chi tiêu, nhiều thương hiệu khác vẫn tăng trưởng rất tốt nhờ vào việc không ngừng đổi mới sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Việc ra mắt các dòng sản phẩm mới như trà đậm vị và đầu tư vào không gian quán độc đáo giúp các thương hiệu này thu hút được nhiều khách hàng hơn.
“Quân bài mới” của thị trường trà sữa gọi tên các thương hiệu nội địa
Thói quen tiêu dùng của người Việt đang có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực F&B. Theo báo cáo gần nhất của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê, số lượng nhà hàng và quán cà phê đóng cửa trong nửa đầu năm nay lên tới 30.000 cửa hàng. Song song đó, theo khảo sát của 2.360 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ có 41,7% người thỉnh thoảng uống nước tại quán, 32,3% người khác chỉ đến 1-2 lần/tuần. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu và ưu tiên những nhu cầu thiết yếu hơn.
Thị trường dịch vụ ăn uống bên ngoài chứng kiến sự sụt giảm đáng kể nhu cầu trong năm qua
Mặc dù doanh số của một số chuỗi trà sữa lớn có dấu hiệu giảm sút, thị trường này vẫn mở rộng nhờ sự gia nhập của nhiều thương hiệu mới và các thương hiệu cũ “lấn sân” vào các thị trường tỉnh thành. Do đó, xét trên mặt bằng chung, thị trường này vẫn còn tiềm năng.
Một trong số ít thương hiệu ghi nhận kết quả kinh doanh tăng và đạt con số bứt phá phải kể đến Mixue - chuỗi trà sữa và kem nhượng quyền đến từ Trung Quốc. Theo số liệu từ Vietdata, doanh thu của Mixue năm ngoái tăng gấp 2,6 lần so với năm trước, đạt hơn 1.257 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của công ty này còn tăng 3 lần sau một năm, lên tới 204 tỷ đồng. Sự thành công này có thể lý giải bởi mô hình nhượng quyền linh hoạt, chi phí đầu tư thấp và mạng lưới rộng khắp với hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc sau 5 năm có mặt tại Việt Nam.
Bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam vào năm 2018, chỉ sau chưa đầy 5 năm, Mixue thông báo chạm mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam
Cơn sốt trà sữa nhưng đậm vị cũng tạo nên một “làn gió mới” trên thị trường này, tạo điều kiện cho các thương hiệu Việt Nam như Phúc Long, Phê La, Katinat, Cheese Coffee,... phát triển mạnh mẽ. Việc người tiêu dùng ưa chuộng hương vị đậm đà, truyền thống đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước không ngừng sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm trà sữa ô long, trà đen đậm vị,... Sự đa dạng của các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn góp phần nâng cao vị thế của trà sữa Việt trên thị trường.
Nhắc đến phân khúc “trà đậm vị”, thương hiệu kể đến đầu tiên phải kể đến là Phúc Long. Ngay từ khi ra mắt, thương hiệu này đã có thế mạnh nổi bật về sản phẩm có hương vị đậm vị trà nổi bật, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Phúc Long khi thương hiệu này chính thức trở thành một thành viên của tập đoàn Masan. Kết quả kinh doanh trong năm của Phúc Long cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo của Masan, doanh thu của Phúc Long đạt 1.535 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 17% đến 41% trong năm 2024, đạt mức từ 1.790 tỷ đồng đến 2.170 tỷ đồng. Mạng lưới cửa hàng của Phúc Long cũng được mở rộng đáng kể với kế hoạch mở thêm từ 30 đến 60 cửa hàng mới.
Tại thị trường Việt Nam, Phúc Long luôn là thương hiệu nổi bật trong phân khúc "trà đậm vị”
Với trọng tâm là phát triển và nâng tầm dòng trà ô long đặc sản Đà Lạt, Phê La cũng xây dựng hình ảnh của mình trong phân khúc "trà đậm vị". Sau 4 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu này sở hữu 31 cửa hàng (tính đến đầu tháng 9/2024) và liên tục có kế hoạch mở rộng, đặc biệt là mô hình quán trà, cà phê nguyên chất pha chế thủ công. Theo báo cáo của Vietdata năm 2023, Phê La đạt doanh thu gần 300 tỷ đồng với khoảng 57 tỷ lợi nhuận. Tháng 6 vừa qua, Phê La bất ngờ thông báo mở quán từ 4h sáng để phục vụ các bạn trẻ đi uống trà sữa sáng sớm, đón bình minh, thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ.
Tuy nhiên, phải đến khi Phê La xuất hiện, cụm từ "trà sữa đậm vị" mới thực sự trở thành mô hình kinh doanh mới trong ngành F&B
“Cơn sốt” trà sữa tưởng chừng đã lắng xuống bất ngờ trở lại mạnh mẽ với một diện mạo hoàn toàn mới. Sự sáng tạo trong việc kết hợp các nguyên liệu, đặc biệt là trà Ô long, đã thổi một làn gió tươi mát vào thị trường đồ uống. Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nội địa mới với những công thức độc đáo không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn chứng tỏ sự linh hoạt và thích ứng của ngành F&B Việt Nam trước những xu hướng mới.
Như Quỳnh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.