Creative Typography (kiểu chữ sáng tạo) là nghệ thuật thiết kế và sáng tạo hình dáng chữ viết nhằm thể hiện tính thẩm mỹ và phong cách nhất định. Đến nay, đây vẫn là một trong những xu hướng thiết kế đồ họa được các nhà thiết kế và nghệ sĩ trên toàn thế giới sử dụng. 


Bên cách các tác phẩm nghệ thuật, Creative Typography cũng được ứng dụng rộng rãi trong các ấn phẩm truyền thông nhằm làm nổi bật thông điệp thương hiệu và thu hút người xem. Cùng điểm qua các print-ad thành công trong việc sử dụng Creative Typography!


1. EVIAN, Natural Spring Water 


Năm 2014, nước khoáng thiên nhiên EVIAN đã thực hiện loạt print-ad sáng tạo, lồng ghép tên thương hiệu với hình ảnh thiên nhiên để truyền tải câu chuyện thương hiệu “được lấy từ nguồn suối ngầm trên dãy Alps nước Pháp”. Print-ad sử dụng kiểu chữ 3D nằm xuôi theo con đường lên đỉnh núi Apls, bên cạnh các chi tiết được kết nối hài hòa đã tạo nên một “bức tranh” sinh động, thu hút. 



2. Avia, Find Your Time


Print-ad “Find Your Time” được công ty quần áo, giày và phụ kiện thể thao Avia hợp tác cùng Catch NY ra mắt vào năm 2015. 


Giới thiệu sản phẩm mới và kêu gọi mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi, tập luyện thể thao sau những bộn bề công việc và cuộc sống, print-ad đã lồng ghép khéo léo hình ảnh sản phẩm, nhân vật cùng thông điệp sử dụng kiểu chữ 3D sáng tạo.


 

3. Arnotts, rebrand


Năm 2014. Arnotts - nhà sản xuất bánh quy lớn nhất tại Úc quyết định thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Đứng trước thách thức tiếp cận mọi đối tượng trong khi logo cũ đã quá quen thuộc, Arnotts đã tung một ấn phẩm đặc biệt với slogan được tạo từ vụn bánh quy. Bên dưới slogan đã gắn với Arnotts hơn một thế kỷ là hình ảnh logo mới của thương hiệu, đi kèm thông báo A fresh new face with the same classic taste (tạm dịch: Một bộ mặt mới với cùng một hương vị cổ điển). 

4. Amnesty International, Leg


Leg là chiến dịch được thực hiện bởi Amnesty International (Tổ chức Ân xá Quốc tế) vào năm 2016, nhằm nâng cao nhận thức về những thiệt thòi của người mất chân tay vì bom mìn, đặc biệt là trẻ em. 


Thay vì trình bày nội dung ở dạng văn bản thông thường, Amnesty International đã liệt kê một loạt hoạt động mà nạn nhân của bom mìn không thể trải nghiệm theo hình ảnh một chiếc chân. Chính cách trình bày đặc biệt này đã giúp print-ad chạm đến cảm xúc của mọi người, khiến họ dừng lại xem và suy nghĩ về cách để giúp đỡ những nạn nhân này.




5. Mercedes, Gear


Mercedes ra mắt print-ad “Gear” vào năm 2014, quảng bá cho sự vượt trội của bánh răng xe. Print-ad gây ấn tượng bởi cách “chơi chữ” đặc biệt - thay F (fear) cũ kỹ thành G (gear) bóng loáng cùng thông điệp A small detail can change the game (tạm dịch: Một chi tiết nhỏ có thể thay đổi cuộc chơi). 



6. CVV, Doodle Heads


“Doodle Heads” được thực hiện bởi CVV - tổ chức phi lợi nhuận của Tây Ban Nha, chuyên cung cấp những thông tin, kiến thức liên quan đến sức khỏe tinh thần. 


Print-ad miêu tả tâm trí của những người trầm cảm bằng những nét vẽ lộn xộn, cho thấy họ thường cảm thấy cô đơn và suy nghĩ rất nhiều. Qua đó, CVV thông báo về tổng đài 24/7 của họ và kêu gọi những người trầm cảm giải tỏa cảm xúc thông qua các cuộc trò chuyện, tư vấn.  


7. Yellow May, Drive


Nhằm nâng cao nhận thức về số ca tử vong, thương tích và khuyết tật do tai nạn giao thông, năm 2019, tổ chức Yellow May đã thực hiện một print-ad sáng tạo lồng ghép chữ DIE (chết) trong DRIVE (lái xe). Với thông điệp Life can’t be taken in such a hurry (tạm dịch: Cuộc sống không thể vội vã), Yellow May kêu gọi mọi người lái xe chậm lại vì sự an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông. 



Tâm Thương | Advertising Vietnam