Đầu tháng 4 vừa qua, TikTok ra thông báo về việc cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp SME để tối ưu hoá giải pháp quảng cáo và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhưng nếu phải kể đến việc truyền thông trên các mạng xã hội, Facebook vẫn là một nền tảng sở hữu lượng người sử dụng lớn và có nhiều công cụ tối ưu dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. 


Vậy hãy cùng Advertising Vietnam tìm hiểu những điểm khác biệt về cách thức quảng cáo trên Facebook và TikTok để có sự chuẩn bị phù hợp dành cho các marketer. 


Tài khoản quảng cáo 


Về mặt tiếp cận khách hàng, TikTok có một chút khác biệt so với Facebook. Trên Facebook, fanpage là đại diện cho doanh nghiệp hoặc thương hiệu. Và mục tiêu chính của các marketer là khiến người dùng liên tục tương tác và theo dõi các nội dung trên fanpage. 



Tại TikTok, nền tảng này cho phép doanh nghiệp có khả năng tự chạy quảng cáo với self - service ad platform (nền tảng chạy quảng cáo cá nhân) gồm hai tài khoản không liên kết được với nhau: tài khoản cá nhân và tài khoản quảng cáo. Điều này có nghĩa là khi người xem tương tác với các nội dung quảng cáo của doanh nghiệp trên Tiktok, lượt xem và theo dõi sẽ không được lưu lại. 



Ngoài ra, các chức năng theo dõi việc chuyển đổi của người dùng trên TikTok cũng chưa được tinh vi như Facebook, lượng người xem đối với các nội dung ngoài ứng dụng cũng sẽ không được cập nhật. Do vậy các marketer phải dành thời gian để update danh sách khách hàng liên tục hoặc tập trung vào hoạt động trong ứng dụng thay vì hướng người dùng đến các nền tảng bên ngoài. 



Đối với cả hai nền tảng này, người dùng vẫn có thể để lại bình luận trên nội dung quảng cáo, nhưng riêng với TikTok - doanh nghiệp phải thông qua agency để trả lời các bình luận, điều này tạo nên sự khác biệt mà các nhà quảng cáo cần chú ý đến trong mục tiêu truyền thông. 


Khác biệt trong cách xác định khách hàng mục tiêu 


Do là nền tảng còn tương đối mới, nên việc xác định khách hàng trên TikTok còn khá đơn giản. Hiện tại, nền tảng này cung cấp 15 sở thích chia thành 102 mục khác nhau. Sở thích sẽ chỉ ra sự quan tâm của người dùng và đi sâu vào các mục riêng để góp phần vẽ nên chân dung khách hàng. Nhưng phần lớn các sở thích này liên quan đến các nội dung phổ biến trên TikTok so với những gì hiện có trên các social platform khác. 



Đối với Facebook, nền tảng này cung cấp các công cụ chi tiết hơn để doanh nghiệp có thể dễ dàng xác định đúng đối tượng mà quảng cáo muốn nhắm đến. Địa điểm, tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ sử dụng, sở thích, các vấn đề khách hàng quan tâm và một loạt các tùy chỉnh khác để giúp nội dung quảng cáo được hiệu quả hơn. 



Facebook còn cung cấp thêm công cụ “Quảng cáo tìm kiếm khách hàng tiềm năng”, giúp doanh nghiệp tìm kiếm được những người dùng có thể quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của họ và thu thập thông tin từ các khách hàng này. Đây là tính năng tuyệt vời để các marketer có thể hiểu rõ khách hàng tiềm năng và đạt được mục tiêu kinh doanh khi đứng trước số lượng người dùng khổng lồ của Facebook. 



Không những thế, có một điểm khác biệt lớn là trên TikTok, vẫn chưa có mục để nhắm vào đối tượng B2B hoặc sản phẩm cung cấp thông tin (info products). Cách duy nhất để nhắm đến đối tượng này là tạo và đăng tải các nội dung, sau đó Tiktok sẽ tìm kiếm khách hàng cho doanh nghiệp. 


Cách để tận dụng việc quảng cáo trên TikTok là đọc bình luận và dẫn dụ người xem qua các phễu nội dung, từ đó các marketer có thể xác định được sở thích và các mục tương ứng cho quảng cáo Tiktok của mình, nhằm tiếp cận đúng các khách hàng mục tiêu.  


Nội dung quảng cáo 


Một khác biệt nữa giữa TikTok và Facebook là cách mà người dùng phản ứng với các nội dung quảng cáo. 


Với Facebook, người dùng đã tương đối quen thuộc với các loại quảng cáo trên nền tảng này, do đó các doanh nghiệp và thương hiệu đòi hỏi phải tạo ra các loại nội dung hấp dẫn và thu hút khách hàng hơn để họ không bỏ đi trong vài giây đầu tiên. 


Nhưng một ưu thế dành cho các quảng cáo trên Facebook là marketer có thể thử nghiệm nhiều hình thức quảng cáo khác nhau được cung cấp sẵn: Bài đăng (facebook post), viral video, quảng cáo bộ sưu tập (Collection Ads), quảng cáo tương tác (Canvas Ads) ,... đến khi tìm ra nội dung giữ chân được khách hàng và khiến họ tìm hiểu thêm về sản phẩm.



Trên TikTok, người xem thường không hài lòng với sự cứng nhắc và rập khuôn mà các quảng cáo mang lại. Do đó, một video quảng cáo được quay bằng điện thoại sẽ đáng tin cậy và quen thuộc với người xem trên nền tảng này hơn, mang lại cảm giác giống với các nội dung mà họ thường xem trên điện thoại của mình. 



Do là một nền tảng hướng đến cộng đồng, nên việc tạo được sự kết nối với người xem sẽ rất quan trọng nếu doanh nghiệp muốn bán được hàng trên TikTok. Những video quảng cáo có thể dài đến tận 1 phút nhưng độ dài từ 35-45 giây vẫn là tốt nhất trên nền tảng này. Trước khi doanh nghiệp chạy quảng cáo, nên thử nghiệm video dưới dạng một bài đăng bình thường, dùng từ 10 đến 15 video để tìm nội dung hoạt động hiệu quả, sau đó chuyển chúng sang tài khoản quảng cáo và bắt đầu tiếp cận đến khách hàng.