Hợp tác thương hiệu là một trong những chiến lược tiếp thị được nhiều tập đoàn và công ty trên thế giới áp dụng để tạo ra những sản phẩm đặc biệt, tiếp cận tệp khách hàng mới và thúc đẩy doanh số. Cùng khám phá hợp tác thương hiệu là gì và những lợi ích to lớn doanh nghiệp thu được khi áp dụng chiến lược này qua bài viết sau đây. 


Hợp tác thương hiệu là gì? 


Hợp tác thương hiệu là chiến lược tiếp thị được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tạo nên các sản phẩm hoặc dịch vụ sở hữu nhiều tên thương hiệu khác nhau như một phần của liên minh chiến lược (strategic alliance). Hình thức này còn được gọi là quan hệ đối tác thương hiệu, đồng thương hiệu hoặc hợp tác thương hiệu, bao gồm sự tham gia của ít nhất hai công ty khác nhau. 


Khi thực hiện chiến lược hợp tác thương hiệu, các thương hiệu thành phần cùng nỗ lực để thực hiện mục tiêu chung được đề ra. Mỗi thương hiệu trong một liên minh chiến lược đều đóng góp bản sắc riêng để tạo ra sự kết hợp thương hiệu độc nhất như các logo ấn tượng, bộ nhận diện thương hiệu hoặc các phối màu độc đáo. 


Pepsi và Biti's Hunter ra mắt phiên bản giầy hợp tác quốc tế đặc biệt vào năm 2018


Tại sao nhiều doanh nghiệp lại sử dụng hợp tác thương hiệu?


Hợp tác thương hiệu giúp hai hoặc nhiều thương hiệu có thể tận dụng sức mạnh thị trường sẵn có của nhau để tác động đến nhận thức, tạo sự hào hứng cho người tiêu dùng về một sản phẩm kết hợp và khiến họ trả giá cao hơn. Hợp tác thương hiệu cũng đồng thời giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp ít bị sao chép bởi đối thủ khi tung ra thị trường. 


Giống như cách mà thương hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton hợp tác với tựa game Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends) để thiết kế trang phục cho các nhân vật trong game và cả chiếc cúp vô địch của giải đấu năm 2019. Qua đó, Louis Vuitton tạo được dấu ấn với 99.6 triệu người xem trên toàn thế giới, trong khi League of Legends cũng thu hút một lượng lớn người chơi mới vào game để sở hữu trang phục Louis Vuitton cho nhân vật của mình. 


Trang phục được Louis Vuitton thiết kế cho nhân vật qiyana trong game League of Legends


Sự kiện lớn nhất trong năm của League of Legends giúp Louis Vuitton tăng độ nhận diện thương hiệu với hơn 99.6 triệu người xem trên toàn thế giới


Bộ cảm biến Nike+iPod của Apple và Nike là ví dụ điển hình cho việc hợp tác thương hiệu thông minh giữa hai doanh nghiệp. Sản phẩm này sử dụng cảm biến để tạo một kết nối không dây giữa giày chạy của Nike và iPod, giúp người dùng theo dõi các chỉ số luyện tập ngay trên màn hình nghe nhạc của mình. 


Sự kết hợp thông minh giữa Nike và Apple trong bộ sản phẩm Nike+iPod


Không chỉ liên kết tên và thương hiệu, hợp tác thương hiệu cũng có thể là sự chia sẻ về công nghệ hay thông qua việc sáp nhập, mua lại công ty như một cách để chuyển sang một công ty và thương hiệu nổi tiếng hơn. 


Những lợi ích của hợp tác thương hiệu 


Hợp tác thương hiệu là chiến lược hữu ích cho nhiều doanh nghiệp khi các hoạt động truyền thông riêng lẻ không còn hiệu quả, hướng đến các mục tiêu chính như giành thị phần, tăng nguồn doanh thu và nâng cao nhận thức của khách hàng.


Trong hầu hết các chiến lược hợp tác thương hiệu, hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng tạo nên các sản phẩm hoặc dòng sản phẩm dành riêng cho khách hàng của mình. Điều này giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu do người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tâm lý muốn trải nghiệm các sản phẩm độc đáo và sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để mua các sản phẩm này. 


Vào năm 2012, Taco Bell và Frito-Lay đã cùng nhau tạo nên một sản phẩm với sự kết hợp những gì tinh túy nhất của hai công ty đặt tên là Locos Tacos: với vỏ ngoài phô mai của bánh Doritos (sản phẩm của Frito-Lay) và nhân bánh Tacos (loại bánh truyền thống của Mexico, sản phẩm chủ lực của Taco Bell). Kết quả là đã có hơn 450 triệu chiếc bán ra trong năm đầu tiên. 


Locos Tacos: sản phẩm kết hợp những gì tinh túy nhất của Taco Bell và Frito-Lay


Mỗi thương hiệu đều có thị phần và tệp khách hàng của riêng mình trong hoạt động kinh doanh, điều này vô tình làm cho doanh nghiệp bị hạn chế trong việc tiếp cận nhiều khách hàng hơn ở các lĩnh vực khác nhau. Thông qua hợp tác với một thương hiệu khác, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến những người dùng nằm ngoài lĩnh vực và biến họ thành khách hàng, đạt lợi thế về thị phần so với các đối thủ cùng ngành. 


Việc hợp tác với một hoặc nhiều thương hiệu khác còn giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và tạo dấu ấn trong lòng khách hàng. Sản phẩm cũng được người dùng tin tưởng hơn bởi được đi kèm với nhiều thương hiệu khác nhau, đảm bảo độ nhận diện thương hiệu và doanh thu cho doanh nghiệp so với truyền thông riêng lẻ. 


Năm 2012, Red Bull đã hợp tác cùng GoPro tổ chức sự kiện "Stratos" để quảng bá thông điệp về một lối sống tự do và phiêu lưu mạo hiểm, phù hợp với hình ảnh của hai thương hiệu. Vận động viên nhảy dù người Úc Felix Baumgartner đã nhảy từ một quả cầu helium cách mặt đất 24 dặm và máy quay GoPro trên người anh đã ghi lại toàn bộ quá trình này. Baumgartner đã phá ba kỷ lục thế giới và nhận được rất nhiều sự công nhận của giới truyền thông, giúp Red Bull và GoPro tạo được ấn tượng mạnh với khách hàng.


Quá trình nhảy từ quả cầu helium khổng lồ xuống mặt đất của Felix Baumgartner - thể hiện lối sống tự do và phiêu lưu mạo hiểm của Red Bull và GoPro


Những lưu ý khi thực hiện chiến lược hợp tác thương hiệu


Mặc dù việc hợp tác thương hiệu mang lại nhiều lợi ích, các marketer nên lựa chọn đối tác thương hiệu thật cẩn thận trước khi bắt đầu các hoạt động truyền thông. Doanh nghiệp cần xem xét đến các yếu tố như: hình ảnh thương hiệu, danh tiếng và sản phẩm kinh doanh của đối tác trước khi đặt bút ký bất kỳ hợp tác thương hiệu nào. 

 

Tiêu biểu như việc công ty đồ chơi Đan Mạch LEGO đã phải chấm dứt hợp đồng quảng cáo với Shell (công ty dầu khí đa quốc gia tại Anh và Hà Lan) sau việc “ông lớn” ngành dầu mỏ bị tổ chức môi trường Greenpeace lên án vì kế hoạch đặt giàn khoan dầu tại Bắc Cực, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật tại đây. Video phản đối hợp tác giữa LEGO và Shell năm 2014 đã đạt hơn 6 triệu lượt xem trên YouTube. Khiến LEGO phải nhanh chóng dừng hợp tác với đối tác lâu năm là Shell để bảo vệ hình ảnh thương hiệu. 


Video phản đối hợp tác giữa LEGO và Shell do tổ chức môi trường Greenpeace đăng lên YouTube thu hút hơn 6 triệu lượt xem vào năm 2014


Bước đầu tiên của chiến lược hợp tác thương hiệu là từ từ tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ có dấu ấn của cả hai thương hiệu trước khi công bố và quảng bá rộng rãi. Bằng cách này doanh nghiệp sẽ có thời gian theo dõi phản ứng từ thị trường và thực hiện các thay đổi cần thiết. 


VinCommerce hợp tác với Phúc Long để tạo nên mô hình "Kiosk Phúc Long" ngay tại các cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, giúp gia tăng doanh thu cho cả hai thương hiệu


Cần lưu ý rằng các sản phẩm hợp tác thương hiệu thường bị hạn chế về người dùng so với sản phẩm riêng lẻ của doanh nghiệp. Do đó, các công ty phải xem xét liệu việc hợp tác thương hiệu có mang lại lợi ích và sản phẩm có đủ sức hấp dẫn đối với khách hàng của cả hai hay không. 


Mặc dù có vẻ như không liên quan nhưng sự hợp tác giữa Covergirl và Star War vào năm 2015 được coi là một chiến lược khác biệt và độc đáo. Hợp tác này giúp Covergirl quảng bá được bộ sưu tập mỹ phẩm của mình đến với khán giả yêu thích văn hóa đại chúng và Star War có cơ hội đưa thương hiệu tiếp cận đến nhiều khán giả trước khi ra mắt bộ phim Star Wars: The Force Awakens một tháng sau đó. 


Sự kết hợp khác biệt giữa Covergirl và Star War giúp cả hai tạo dấu ấn đối với khách hàng


Tạm kết 


Hợp tác thương hiệu là chiến lược được nhiều tập đoàn và công ty trên thế giới sử dụng nhờ vào lợi ích to lớn mà nó mang lại như gia tăng thị phần, thúc đẩy doanh thu hay độ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xem xét và lựa chọn kỹ lưỡng đối tác thương hiệu nếu muốn chiến lược hoạt động hiệu quả và tạo dấu ấn đối với khách hàng. 


Minh Hoàng | Advertising Vietnam