Overlay Ads (quảng cáo lớp phủ) hay còn được biết đến với cái tên "In-video Overlay Ads" là loại hình quảng cáo đơn giản nhất của YouTube, cho phép doanh nghiệp hiển thị banner quảng cáo trong video đang phát. Với hình thức quảng cáo này, doanh nghiệp có thể đính kèm liên kết sản phẩm, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu.


Hình thức quảng cáo lớp phủ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì nó không làm gián đoạn trải nghiệm xem video của người xem. Nếu quảng cáo trong luồng (Skippable in-stream ads/ TrueView ads) sẽ mở ra một tab khác, buộc người dùng phải dừng lại để xem quảng cáo thì quảng cáo lớp phủ chỉ chiếm một diện tích nhỏ ở góc dưới video. 


Ví dụ về quảng cáo lớp phủ trên YouTube


Dưới đây là các bước tạo Overlay Ads trên YouTube:


1. Tạo biểu ngữ (banner) phù hợp


Quảng cáo lớp phủ trên YouTube xuất hiện ở bên dưới video ở định dạng hình ảnh, văn bản hoặc kết hợp cả hai. Các marketer có thể dễ dàng thiết kế biểu ngữ trên các nền tảng như Canva hoặc Photoshop.


Người dùng có thể tìm kiếm nhiều mẫu thiết kế (template) trên Canva


Thông số kỹ thuật khi thiết kế:

  • Kích thước hình ảnh: 468x60 hoặc 728x90 pixel
  • Loại tệp: Ảnh tĩnh định dạng .PNG hoặc .JPG
  • Kích thước tệp: 150kb.


2. Tạo chiến dịch quảng cáo trên Google Ads


Trước đây, người dùng có thể tự tạo quảng cáo lớp phủ bằng cách truy cập vào YouTube Studio và đăng tải quảng cáo. Thế nhưng hiện nay, theo chia sẻ từ tài khoản Đinh Văn Hải trên mục Google Ads Trợ giúp, người dùng phải liên hệ với đội ngũ kinh doanh Google Ads để được tư vấn cài đặt quảng cáo.



3. Chọn tệp khán giả muốn tiếp cận


Khi thực hiện quảng cáo trên YouTube, doanh nghiệp sẽ muốn tiếp cận những người có khả năng quan tâm và muốn mua sản phẩm. Do đó, marketer cần cân nhắc lựa chọn tệp khách hàng mục tiêu hoặc nhân khẩu học một cách cẩn thận. Marketer có thể dựa vào một số yếu tố như:

  • Nhóm nhân khẩu học: Chọn độ tuổi, giới tính, tình trạng con cái hoặc thu nhập hộ gia đình của đối tượng mà bạn muốn tiếp cận.
  • Thông tin nhân khẩu học chi tiết: Tiếp cận người dùng dựa trên các đặc điểm chung phổ biến, chẳng hạn như sinh viên, chủ nhà hoặc những người mới làm cha mẹ.
  • Mối quan tâm: Chọn trong số các danh mục đối tượng có sẵn để tiếp cận những người quan tâm đến các chủ đề nhất định, ngay cả khi họ có thể đang truy cập các trang về chủ đề khác.
  • Phân khúc dựa trên dữ liệu của bạn: Tiếp cận nhiều người xem hơn trên YouTube và các đối tác video của Google dựa trên hoạt động tương tác trước đây của họ với video, quảng cáo dạng video hoặc kênh YouTube.


Điều chỉnh đối tượng mục tiêu trên Google Ads


Bên cạnh đối tượng mục tiêu, marketer cũng cần xem xét giá cả cho mỗi cú nhấp chuột (Cost Per Click, Pay Per Click), thời lượng (ngày bắt đầu và kết thúc quảng cáo),... Marketer cũng cần lưu ý rằng quảng cáo lớp phủ chỉ hiển thị trên màn hình máy tính, không xuất hiện trên các thiết bị như điện thoại và TV.


4. Chạy chiến dịch quảng cáo


Sau khi đã hoàn tất các bước trên, marketer có thể bắt đầu chạy chiến dịch quảng cáo lớp phủ trên YouTube.


Để Overlay Ads mang lại hiệu quả tốt nhất, trang Hubspot đã liệt kê các bí quyết như sau:

  • Giữ cho quảng cáo đơn giản và dễ đọc: Khi sử dụng Google Ads, marketer cần tuân thủ các yêu cầu về chất lượng hình ảnh, tránh tình trạng bị gỡ bỏ quảng cáo. Nếu khiến người dùng cảm thấy khó chịu, họ sẽ tắt ngay quảng cáo thay vì dành thời gian đọc và tìm hiểu về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Đừng PR, hứa hẹn quá mức: Trong quảng cáo lớp phủ, marketer không nên đưa ra những câu nói quá về chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Khi khách hàng tiềm năng cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu về sản phẩm, họ sẽ nhấn vào quảng cáo và được điều hướng đến trang đích (landing page). Nếu nội dung trên trang đích không thể mang lại những giải pháp hiệu quả như quảng cáo, thương hiệu sẽ mất uy tín và trông không đáng tin cậy.
  • Sử dụng những câu Call-To-Action hấp dẫn: Một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ có thể gia tăng hiệu quả của quảng cáo.
  • Điều hướng người dùng đến trang đích: Landing page (trang đích) là yếu tố quan trọng trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số của doanh nghiệp. Khi người dùng click vào đó, họ muốn tìm hiểu những thông tin quan trọng, hấp dẫn. Do đó, marketer cần thiết kế trang đích với đầy đủ thông tin về thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ, thậm chí có thể tặng cho người xem một món quà (voucher, sản phẩm dùng thử,...) nhằm gia tăng sự uy tín, thúc đẩy họ trở thành khách hàng.


Ví dụ về trang đích


  • Thử nghiệm nhiều định dạng quảng cáo khác nhau: Google Ads cho phép chạy nhiều chiến dịch cùng lúc trên YouTube, do đó marketer có thể cân nhắc kết hợp nhiều định dạng quảng cáo khác như quảng cáo trong luồng phát (In-stream ads), thẻ được tài trợ (sponsored card), quảng cáo khám phá (Discovery ads), quảng cáo đệm (Bumper ads),...


Cách Bumper Ads hiển thị trên YouTube


Theo Global Media Insight, hiện nay YouTube có hơn 2,6 tỷ người dùng hoạt động. Việc triển khai các quảng cáo trên nền tảng sẽ giúp thương hiệu tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, góp phần gia tăng doanh số và mức độ nhận diện.


Bài viết có sử dụng các nguồn sau:


Kim Ngọc / Advertising Vietnam