Để có thể đặt bước tiến đầu tiên vào thị trường ngành Quảng cáo - Truyền thông, điều đầu tiên nhân sự cần làm chính là vượt qua kỳ phỏng vấn và thử việc của các nhà tuyển dụng. Trong bối cảnh tuyển dụng đầy tính cạnh tranh như hiện nay, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trong CV, cách trả lời phỏng vấn sẽ trở thành lợi thế của ứng viên.


Cùng tìm hiểu những chia sẻ của các nhân sự trong series "Real Agency Life" để hiểu hơn về cách vượt "ải" đầu tiên trong hành trình sự nghiệp!


Newbie cần trang bị gì khi tham gia phỏng vấn?


Để tham gia vào môi trường agency năng động, trước tiên nhân sự cần tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại các trang, nền tảng tuyển dụng như Adjob.asia, Ybox, LinkedIn,... hoặc qua mạng lưới người quen và bạn bè. Tiếp đó, ứng viên cần xác định vị trí mình yêu thích và phù hợp với agency như PR, Digital, Event, Production,... Chị Hoàng Chang làm việc tại T&A Ogilvy chia sẻ rằng mỗi agency sẽ rèn luyện cho nhân sự những kiến thức chuyên môn và kỹ năng khác nhau. Việc định hướng tốt ngay từ đầu sẽ giúp nhân sự có những trải nghiệm làm việc hiệu quả hơn. 


Tiếp theo, hãy chuẩn bị một CV thật cô đọng và phù hợp, tập trung vào các kỹ năng cơ bản mà vị trí công việc yêu cầu. CV sẽ bao gồm các dự án hoặc kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình làm thêm, hoạt động CLB/hội nhóm sinh viên,... Tất nhiên, cần đảm bảo tất cả kinh nghiệm này liên quan đến vị trí ứng tuyển. Cuối cùng, đừng quên thể hiện một thái độ tốt từ việc ứng tuyển đến đối đáp trong vòng phỏng vấn. 


Thông thường, quy trình tuyển dụng tại các agency chủ yếu dựa vào quy mô hoạt động. Các công ty lớn sẽ có 2 hoặc 3 vòng phỏng vấn, có thời gian đánh giá lâu hơn tầm 10 - 15 ngày so với các công ty quy mô nhỏ. Nhìn chung, một quy trình tuyển dụng cơ bản sẽ bao gồm các bước:



Tìm đọc bài viết chi tiết tại đây.


Những câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn


Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có xu hướng đặt câu hỏi theo mô hình ASK. Đây được xem là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Từ những ý tưởng nền tảng của nhà tâm lý học Benjamin Bloom (1956), hiện nay ASK đã được chuẩn hoá thành một mô hình đánh giá năng lực nhân sự đầy đủ, gồm 3 nhóm chính là Attitude (Thái độ), Skill (Kỹ năng) và Knowledge (Kiến thức). Chị Uyên Vũ - Senior Human Resources Generalist tại YouNet Group chia sẻ: “Dựa theo mô hình năng lực ASK, thông thường phía công ty sẽ khơi gợi để hiểu rõ hơn thái độ (Attitude), kỹ năng (Skills) và kiến thức (Knowledge) của ứng viên để xác định mức độ phù hợp của bạn với vị trí đang tuyển. Để khơi gợi ứng viên chia sẻ nhiều hơn, HR và Hiring Manager thường sử dụng các dạng câu hỏi:



Bên cạnh đó, chị Duyên Huỳnh - Associate Creative Director tại Dentsu McGarryBowen cũng chia sẻ: “Ngoài những câu hỏi chuyên môn về kỹ năng, trình bày dự án, kinh nghiệm, còn có những câu hỏi thuộc về dạng 'chỉ để hỏi ứng viên đó'. Nó là những câu hỏi xem họ có xác định được career path của mình hay không, cách họ giải quyết vấn đề, cách họ ứng xử, cách họ ra đi khỏi công ty cũ, tham vọng của họ, sở thích cá nhân, một điểm-riêng-dị-biệt nào đó. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như ánh mắt, sắc thái khuôn mặt, nhân tướng, body language để đánh giá nữa (dĩ nhiên vẫn trong giới hạn logic).” Không những thế, nhiều công ty cũng ứng dụng các bài test tính cách MBTI, DISC,... hay những bài kiểm tra liên quan đến kỹ năng mềm của ứng viên.


Cùng tìm hiểu những chia sẻ của các chuyên gia tuyển dụng và phỏng vấn tại đây.


Bài test là thước đo năng lực ứng viên


Theo khảo sát của AMA, có 70% các doanh nghiệp sử dụng các bài kiểm tra kỹ năng chuyên môn, 46% sử dụng các bài kiểm tra tính cách và 41% sử dụng các loại bài kiểm tra khả năng tính toán và tư duy ngôn ngữ cơ bản. Tuỳ theo nhu cầu doanh nghiệp mà sẽ có các hình thức kiểm tra khác nhau trong quy trình tuyển dụng.


Thông thường, bài test sẽ nằm ở bước thứ 3 sau khi ứng cử viên kết thúc buổi phỏng vấn. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ là nhân sự phải lần lượt tham gia ba loại bài kiểm tra khác nhau, rải rác ở trước và cả sau khi gặp mặt với nhà tuyển dụng. Số lượng và hình thức test sẽ tùy thuộc vào đặc trưng ngành nghề, vị trí và cả văn hóa tuyển dụng của công ty. Riêng với ngành quảng cáo, chị Duyên Huỳnh tiết lộ sẽ có 3 dạng bài kiểm tra chính chính: 

  1. Kiểm tra tư duy và kỹ năng mềm
  2. Kiểm tra kiến thức chuyên môn
  3. Kiểm tra ngẫu hứng



Trong đó, vì quảng cáo là ngành nghề đặc thù nghiêng về khả năng sáng tạo và tư duy, nên dạng kiểm tra đầu tiên là rất quan trọng. “Bài kiểm tra tư duy sẽ là những đánh giá chung về khả năng nhận thức và lý luận, tính cách, thái độ và phong cách làm việc. Từ đó nhà tuyển dụng có thể ‘chấm’ mức độ hợp cạ giữa ứng cử viên và agency để đưa ra quyết định cuối cùng”, chị Duyên Huỳnh nói. 


Dạng kiểm tra thứ hai là về chuyên môn/kiến thức ngành. Mục đích của bài kiểm tra là để nhà tuyển dụng hiểu được khả năng tiếp nhận brief của ứng viên, khả năng phân tích idea, hiểu yêu cầu, và cả cách trình bày ý tưởng, khả năng thuyết trình, ngoại ngữ, khả năng "chặt chém" khi pitching.


Dạng kiểm tra thứ ba là một chuỗi những yêu cầu ngẫu hứng để đánh giá khả năng phản xạ và nhạy của ứng viên. “Thông thường, dạng kiểm tra này thường đến từ người phỏng vấn có chuyên môn là creative (như art hoặc copywriter). Ứng viên có thể được yêu cầu vẽ bất cứ thứ gì để thử tài sáng tạo, hoặc sẽ có tình huống nhà tuyển dụng đưa một vế, ứng viên phải nhanh trí sáng tác vế còn lại để hoàn thành một câu slogan. Mặc dù người phỏng vấn thường nói rằng đây chỉ là một bài ‘kiểm tra cho vui’, nhưng thực ra vẫn có ảnh hưởng tới kết quả tuyển dụng vì nó hé lộ nhiều thứ cả về tư duy lẫn kỹ năng của người tham gia ứng tuyển”, chị Duyên Huỳnh chia sẻ. 


Các bài test năng lực sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về ứng viên


Bản chất agency chính là môi trường yêu cầu tính năng nổ, tốc độ thích nghi nhanh và vào guồng sớm để hoàn thành công việc. Và nhiều khi, các agency khi mở một đợt tuyển dụng, họ không tìm nhân sự giỏi nhất mà tìm người phù hợp nhất với môi trường agency và ngành hàng. Anh Trương Định Quốc, Strategic Planner tại Mango Digital cho rằng các bài test giúp các nhà tuyển dụng lọc được nhân sự theo hai tiêu chí chính: 1) Mức độ phù hợp với công việc và level đã ứng tuyển; 2) Có đủ kiên trì để được tuyển hay không, vì cuộc sống agency khá “cực” nên cần người thực sự nghiêm túc. “Đây là thước đo năng lực ở đa số công ty. Chính vì vậy, các ứng viên phải đầu tư hết mình vào các bài test cả về tư duy lẫn chuyên môn/kiến thức chuyên ngành”, anh Định Quốc nói.  


Khám phá bài viết chi tiết tại đây.


Có nên tìm hiểu thông tin về công ty trên mạng xã hội?


Những năm gần đây, không chỉ những HR mà ngay cả các ứng cử viên cũng chủ động rà soát, sàng lọc, tìm hiểu công ty và các nhân sự trước khi ứng tuyển vào công ty đó. Bên cạnh các nền tảng việc làm, nhân sự trẻ ngày nay có xu hướng nghiên cứu công ty bằng cách đọc review trên các hội, nhóm trên mạng xã hội. Cách “tập kích” này có hiệu quả không nhất là trong thời đại hỗn mang giữa tin thật và tin giả? 


Thông thường, một quy trình tìm việc sẽ gồm 5 bước chính: 

  1. Xác định định hướng nghề nghiệp
  2. Xác định khả năng bản thân
  3. Khoanh vùng công ty phù hợp với hai tiêu chí trên
  4. Nghiên cứu công ty từ nhiều nguồn khác nhau
  5. Xây dựng CV dựa trên những tư liệu vừa tìm được.


Trong đó, bước tìm hiểu công ty sẽ thay đổi theo từng thế hệ do những khác biệt về xã hội, công nghệ và cả kinh nghiệm/mối quan hệ trong ngành. Đa số nhân sự trẻ ngày nay lại thích tìm hiểu công ty từ nguồn Earned Media - nguồn thông tin dưới dạng review được đăng tải trên các hội, nhóm Internet và mạng xã hội. Các group review công ty và nhân sự xuất hiện nhan nhản trên Facebook, có số lượng thành viên dao động từ 10 nghìn đến hơn 400 nghìn người. Dần dà, việc “lượn lờ” đọc review mạng trước khi ứng tuyển vào công ty đã trở thành một điều lệ khó bỏ khi các nhân sự trẻ đi tìm việc làm. 


Nhân sự trẻ có xu hướng đọc review mạng trước khi ứng tuyển vào công ty


Khi tìm hiểu một doanh nghiệp, các nhân sự thường quan tâm đến các tiêu chí như văn hóa công ty, năng lực dẫn dắt của lãnh đạo và các cấp quản lý, khối lượng công việc, mức lương và tinh thần hợp tác của các đồng nghiệp. Anh Đỗ Đăng Thường - Creative Director tại The Purpose Group chia sẻ: “Văn hóa công ty sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi: Những đóng góp cũng như giá trị của những việc mình làm có thực sự là một phần của công ty đó không (hay chỉ là làm việc trả bài và nhận lương)? Thêm một điều nữa, biết được mình sẽ làm việc với ai (đồng nghiệp và sếp) mới là thực sự quan trọng, quan trọng hơn cả ‘khối lượng công việc’. Suy cho cùng, làm việc với những người cùng chung lý tưởng thì mới có thể tạo ra những giá trị chung, cho dù có làm nhiều, làm nặng thì nhân sự lúc ấy cũng sẽ sẵn lòng”. 


Tuy nhiên, không ai dám chắc review mạng sẽ phản ánh đúng các tiêu chí trên. Theo CNBC, đánh giá từ Internet không hoàn toàn phản ánh sự thật về một doanh nghiệp. Anh Tuấn Lê - Senior Strategic Planner tại ZEE Agency nhận xét: “Nếu xuất hiện những bình luận không tốt về một công ty, thì những bình luận đó thường chỉ có 50% tính xác thực. Đó chỉ là những ý kiến đến từ cá nhân, mà mỗi cá nhân thì đều khác biệt về tính cách, sở thích, thái độ và và cách nhìn nhận thế giới quan. Có người hợp công ty này nhưng sẽ không hợp với công ty khác. Mà kể cả những bình luận tích cực cũng chưa hẳn là đúng. Chẳng hạn như các review mạng hay bảo làm việc agency chill lắm, đi làm trễ tan làm sớm. Thế nhưng sự thật là agency vẫn có những quy định về giờ giấc làm việc, nhân sự vẫn phải đảm bảo số lượng giờ làm việc trong tuần”. 


Đồng quan điểm đó, chị Thúy Vy - Assistant to Managing Director tại Mango Digital cho biết tôn chỉ của mình khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội là chỉ tin mọi thứ ở mức 50%. “Những review dù đúng hay sai thì nó luôn xuất phát từ góc nhìn chủ quan của người viết, nên không thể hiện được toàn bộ văn hóa, phong cách của công ty. Liệu công ty này có thực sự như lời review không, liệu người này có thực sự làm ở đây hay không, liệu câu chuyện này có đúng hay không? Tất cả đều không thể chắc chắn được”, chị Thúy Vy nói.


Cùng tranh luận về xu hướng đọc review công ty qua bài viết thuộc chuyên mục Real Agency Life.


REAL Agency Life là series phỏng vấn độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế từ các bạn nhân sự tại các agency. Các bạn có thể đón đọc các bài viết cùng series tại đây.