Từ những năm 1800, khi mà hình ảnh xuất hiện phổ biến trong các logo hơn là tên thương hiệu như ngày nay, P&G đã sử dụng hình ảnh của một người đàn ông Mặt Trăng được bao quanh bởi 13 ngôi sao làm biểu tượng của công ty. 



Theo đó, Mặt Trăng và các ngôi sao phản ánh cho khả năng độc đáo của công ty trong hành trình tìm kiếm và thấu hiểu những nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi khoảnh khắc trong ngày và trải qua nhiều thế hệ. Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến khi có một vài tin đồn bắt đầu lan truyền trong cộng đồng vào những năm 1980. Họ cho rằng người đàn ông Mặt Trăng là đại diện của một con quỷ hai sừng và số “666” đảo ngược trong logo là tên của một loài thú dữ trong truyền thuyết. Thậm chí, con số 13 cũng bị xem là một con số xui xẻo. Trong nhiều năm, người ta đồn đại logo của P&G là dấu hiệu cho thấy công ty này ủng hộ và thực hành chủ nghĩa Satan.


Từ trước đến nay, tôn giáo luôn là một vấn đề tế nhị và có ảnh hưởng lớn đến từng đường đi nước bước của các tập đoàn đa quốc gia trong việc đảm bảo cho tên tuổi thương hiệu. Những lời đồn thổi xoay quanh chủ nghĩa Satan trong logo của P&G đã khiến người tiêu dùng bắt đầu xao động niềm tin. Thậm chí, P&G phải đối phó với khoảng 300 cuộc gọi mỗi ngày của khách hàng yêu cầu lời giải thích rõ ràng về vấn đề này. 


Đứng trước lời ra tiếng vào, P&G đã làm gì?


Thực tế là họ đã không làm gì cả. Ban quản lý công ty đã quyết định giữ lại logo của mình trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Có thể giải thích cho hành động liều lĩnh này của P&G vì một số lý do như sau:


Thứ nhất, bảo vệ giá trị thật sự thương hiệu. Được thành lập từ năm 1857, P&G có một bề dày lịch sử kinh doanh lâu đời và logo của họ được xem là một phần của hành trình này. Việc thay đổi logo có thể không truyền tải đầy đủ những thông điệp mà P&G muốn gửi gắm đến đối tượng mục tiêu, thậm chí còn khiến khách hàng hiện tại dao động và thay đổi thương hiệu.


Thứ hai, động thái thay đổi logo ngay lập tức sẽ làm dấy lên nhiều nghi vấn và tin đồn nặng nề hơn. Mọi người có thể nghĩ rằng “P&G đã thay đổi logo vì đã bị mọi người lật tẩy ý định thật sự của mình” và hành động này được chính là một “lời xin lỗi” khách hàng. Tuy nhiên, với lựa chọn quyết đoán khi giữ lại logo, P&G đã chứng minh cho người tiêu dùng thấy rằng công ty này rất vững chắc và đáng tin cậy, sẵn sàng đối mặt với những câu chuyện được thêu dệt một cách vô căn cứ như vậy.


Suy cho cùng, đây có thể là một “thuyết âm mưu” của một bộ phận nào đó để tẩy chay P&G vì trên thực tế không hề có bằng chứng nào cho thấy ban lãnh đạo hay nhân viên của tập đoàn hàng tiêu dùng này sùng bái chủ nghĩa Satan. Cho đến năm 1991, P&G đã thiết kế lại biểu tượng đơn giản hơn, “chải chuốt” lại phần râu tóc của người đàn ông trên Mặt Trăng một cách tinh tế nhưng vẫn giữ được thông điệp mà công ty muốn truyền tải. 



Bất chấp những cáo buộc sai lầm về những yếu tố quái dị trong quá khứ, năm 2013, P&G quyết định mang biểu tượng Mặt Trăng trở lại vào logo mới và gắn liền với tên thương hiệu. 



Có thể thấy rằng, mặc dù hứng chịu những lời đồn đại trong một thời gian dài nhưng P&G vẫn sẵn sàng đương đầu với dư luận và vươn lên trở thành một trong những tập đoàn tiêu dùng hàng đầu thế giới như hiện nay. 


Cùng xem lại hành trình thay đổi logo của P&G từ năm 1851 đến nay:



Tổng hợp