Sản phẩm là giải pháp mà thương hiệu đưa ra nhằm giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Chính vì vậy, có thể nói vấn đề càng thú vị, càng nghiêm trọng thì càng tôn lên được sự ấn tượng của giải pháp. Theo hướng tiếp cận này, các thương hiệu sẵn sàng cho vấn đề ‘thống trị’ quảng cáo của mình.


Các thương hiệu sau đây đã vô cùng thông minh khi "ném" vấn đề vào một tình huống vô cùng thú vị, phi thực tế và ‘bùm’! sản phẩm của chính họ xuất hiện rồi giải quyết gọn ghẽ các câu hỏi khó nhằn.


Xbox: Life is Short


Xbox là một thương hiệu trò chơi video được sáng tạo bởi Microsoft. Thương hiệu cung cấp máy chơi game, game và dịch vụ phát trực tuyến. Thời điểm ra mắt quảng cáo này, Xbox đang cạnh tranh với một thương hiệu game tại gia nổi tiếng khác là PlayStation.


Life is Short gây chú ý với cách đặt vấn đề độc đáo của nó. Khung cảnh mở đầu đoạn quảng cáo là một phụ nữ sinh ra một bé trai. Sau khi ra khỏi bụng mẹ, cậu bé lập tức bay phóng lên không trung, trải qua các giai đoạn của cuộc đời như thiếu nhi, thanh niên, già đi một cách vô cùng nhanh chóng rồi cuối cùng lao thẳng xuống mồ. Dòng tagline hiện lên ngay sau đó với thông điệp của nhãn hàng: 'Life is short, play more' (Tạm dịch: Cuộc đời thật ngắn ngủi, chơi nhiều hơn đi).



Sau khi ra mắt, quảng cáo này nhanh chóng trở nên viral. Microsoft đã cài thêm một mã theo dõi vào video để thống kê được số lượt chia sẻ clip. Kết quả rất đáng ngạc nhiên, có tổng cộng hơn 1 triệu lượt chia sẻ. Đây là một con số khổng lồ, chưa từng có trong ngành quảng cáo thời bấy giờ.


Reebok: Escape the Sofa


Một chiến dịch đáng nhớ khác cũng sử dụng hướng tiếp cận là kịch tính hóa vấn đề để quảng cáo đến từ thương hiệu thể thao nổi tiếng Reebok. Đoạn phim ngắn kể về một người đàn ông ốm yếu cố gắng đứng dậy khỏi sofa và ngay lập tức anh ta bị chính chiếc ghế của mình xô ngã xuống sàn. Ghế sofa cố gắng hút chặt người đàn ông này khi anh cố với lấy túi thể thao và trốn ra ngoài. Và thế là một cuộc vật lộn xảy ra khi một bên cố gắng tháo chạy và bên còn lại là chiếc sofa ráo riết tìm cách ngăn chặn. May mắn thay, chiếc ghế bị mắc vào ngưỡng cửa và cuối cùng anh đã trốn thoát được. 



Cách kể chuyện có thể nói là ‘điên rồ’, nhưng điều này đã giúp Reebok truyền tải thông điệp theo chiều hướng nhẹ nhàng và hài hước. Mục tiêu của chiến dịch là cảnh báo mọi người về việc tập luyện thể thao, phải cố gắng thoát ra những cám dỗ trong cuộc sống khiến ta thụ động như ngồi hàng giờ xem tivi hay nằm ườn trong nhà…. Một điểm sáng nữa trong quảng cáo này chính là tên nhãn hàng chỉ xuất hiện đúng hai lần, bằng cách đó Reebok đã tinh tế lồng ghép thương hiệu mà không cần trực tiếp giới thiệu sản phẩm. 


Kết quả, ‘Escape the Sofa’ đã mang về cho thương hiệu vô số giải thưởng, bao gồm giải vàng tại Cannes Film Festival 2002 và giải bạc tại Clio Awards 2003.


Tide: Miracle Stain: no stain is sacred


Chiến dịch quảng cáo này của Tide được Saatchi & Saatchi New York thực hiện trong thời điểm Super Bowl (Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ) diễn ra.



Đoạn phim ngắn kể về một người hâm mộ đội San Francisco 49ers bị dính một vết bẩn lên chiếc áo mà anh mặc nhằm cổ vũ cho đội nhà. Điều đáng nói vết bẩn này lại có hình dạng giống với cựu hậu vệ Joe Montana nổi tiếng của 49ers. Chính vì thế, vết bẩn trên áo cổ động này viên nhanh chóng tạo nên cơn sốt cho giới truyền thông, hàng ngàn người hâm mộ đội 49ers từ khắp nơi trên thế giới kéo đến để bày tỏ sự kính trọng đối với vết bẩn và cầu nguyện cho sự thắng lợi của đội nhà trước trận đấu lớn. Cuối cùng điều này bị dập tắt khi người vợ - một người hâm mộ đội đối thủ Baltimore Ravens, rửa sạch vết bẩn này với Tide (Trận đấu năm đó đội Ravens đã giành chiến thắng trước đội 49ers). Ngay sau đó thông điệp của Tide được hiện lên: 'No stain is sacred' (Tạm dịch: Không có vết bẩn nào là thiêng liêng cả).


Theo Deck of Brilliance