Năm 2018 đi qua với nhiều chuyển động thú vị trong lĩnh vực marketing, quảng cáo. Chúng ta đã thấy được những chiến dịch được đầu tư chỉnh chu và chuyên nghiệp hơn so với những năm trước đó. Cùng Advertising Vietnam điểm lại những sự kiện truyền thông nổi bật nhất trong ngành Marketing trong năm vừa qua nhé!


1. "Cơn sốt" Baby Shark phủ sóng khắp mọi nơi và bắt đầu gây "ám ảnh"


Năm 2018 có thể nói là năm thành công nhất của trang thương mại Shopee với chiến dịch quảng cáo "gây ám ảnh" trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thị trường Philippine, Thái Lan. Bài hát Baby Shark vô cùng dễ thương dành cho thiếu nhi được "xào nấu" lại thành câu chủ đề "Cùng shop-pi-pi-pi-pi...Nào ta mua mua mua mua mua" thoạt đầu nghe vô cùng ấn tượng. Nhưng với độ phủ sóng rộng khắp, nhất là khi đang xem video trên YouTube hay lướt bản tin Facebook, câu hát của Shopee vang lên quá nhiều lần khiến người dùng cảm thấy ngán ngẩm.


Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sự thành công của chiến dịch này. Vào thời điểm bóng đá Việt Nam đang lên ngôi, Shopee đã chọn ngay thủ môn Bùi Tiến Dũng cho chiến dịch truyền thông của mình. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của nữ ca sĩ Bảo Anh để tăng thêm sức ảnh hưởng và lan tỏa từ những ngày đầu ra mắt. Không những thế, Shopee còn cao tay hơn khi "chịu chơi" mời luôn cả Blackpink (nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng) cho quảng cáo mới ngay sau khi "cơn sốt" Baby Shark vừa hạ xuống. "Thánh bắt trend" Shopee đã vượt qua Lazada và Tiki, trở thành trang web thương mại điện tử dẫn đầu về lượt truy cập và xếp hạng ứng dụng di động.


2. Đại chiến giữa Milo và Ovaltine: vô địch hay không vô địch?


Chúng ta từng thấy hai "ông lớn" trong ngành giải khát là Coca Cola và Pepsi từng có bao phen đối đầu gây cấn ở thị trường nước ngoài. Còn lần này, ngay tại thị trường Việt Nam, tấm áp-phích quảng cáo của hai thương hiệu được đặt đối diện nhau với hai thông điệp đối kháng nhau khiến mọi người thêm xôn xao.


Team xanh Milo với slogan "Nhà vô địch làm từ Milo" vừa được thực hiện không bao lâu thì team đỏ Ovaltine "đáp trả" lại ngay với khẩu hiệu "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích" - một cú "đá xoáy" vào thông điệp của Milo. Có thể nói rằng, nếu như không có cuộc chiến này thì liệu dư luận có chú ý nhiều đến hai chiến dịch này? Khắp các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook xuất hiện hàng loạt những nội dung truyền thông bắt trend cuộc đại chiến. Dù vô địch hay không vô địch thì nhớ vào đó mà thị trường marketing cũng đã có chút màu sắc khác biệt hơn rất nhiều.


3. "Trời ơi tin được không? Tiki sale 91 91 phần trăm"


Bài hát cho "Mùa sale huyền thoại" của Tiki tiếp tục là đại diện cho xu hướng marketing bằng Music Video tại thị trường Việt Nam. Nắm bắt tốt insights của người tiêu dùng Việt, bao gồm:

  • Thích giảm giá và quà tặng kèm
  • Muốn nhận hàng nhanh
  • Dễ bị hấp dẫn bởi những con số cụ thể
  • Thương hiệu nào được người nổi tiếng dùng thì vô cùng tin cậy



Tiki ấn định con số 91% cho mùa sale của mình, mời cặp đôi đang "hot" của truyền thông lúc đó là Trường Giang và Nhã Phương cho TVC quảng cáo, sử dụng KOLs hiệu quả, câu hát tạo ấn tượng cực mạnh "Trời ơi tin được không?". Và kết quả là chiến dịch được lan tỏa vô cùng rộng rãi. Bên cạnh đó, Tiki còn tạo sân chơi cho khách hàng với mini game hát và quay phim lại bài hát chủ đề của chiến dịch với phần thưởng hấp dẫn, thu hút lượng lớn người tham gia.


4. Grab thâu tóm Uber, chiếm thế độc tôn


Tháng 4 năm 2018, Uber chính thức ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Khi đang ở vị trí vượt trội về công nghệ cũng như chiếm được lòng tin của lượng lớn người dùng ở Việt Nam, Uber dần suy giảm và bị Grab thâu tóm một cách dễ dàng. Đây được đánh giá là thương vụ lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. Vị thế độc tôn của Grab cho ứng dụng gọi xe công nghệ tạm thời được thiết lập.


Tuy nhiên, sau khi có được vị thế đó, một vài dịch vụ của Grab khiến người dùng cũng như tài xế không cảm thấy thoải mái. Nhưng xét về chi phí ưu đãi cho người dùng thì các hãng Taxi truyền thống vẫn chưa đáp ứng được, nên đó là lí do vì sao người ta vẫn ưu tiên chọn Grab. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận tải Việt cũng nhân cơ hội này bước vào phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ. Điển hình là ứng dụng Vato của hàng xe Phương Trang. Có điều, với giao diện được đánh giá là không thân thiện với người dùng, khó sử dụng và mức phí chưa thỏa mãn nên để cuộc cạnh tranh này đến nay là hoàn toàn không có kết quả gì tốt đẹp cho Vato.


5. Go-Viet xuất hiện, Grab chính thức có đối thủ cạnh tranh


Đối thủ cạnh tranh của Grab bây giờ mới thực sự xuất hiện. Go-Viet, cái tên nghe tưởng chừng như là thương hiệu Việt 100% thế nhưng lại là sản phẩm của Go-Jek Indonesia. Bước vào thị trường Việt Nam và chọn tên vô cùng thuần Việt cùng màu sắc logo mang tính biểu tượng là điểm cộng đầu tiên cho thương hiệu này. Những ngày đầu tiên ra mắt, Go-Viet thực hiện chương trình giảm giá cực mạnh cùng dịch vụ hài lòng nên đã chiếm được cảm tình của phần lớn khách hàng.



Grab không còn độc quyền, Go-Viet có được lòng tin của khách hàng. Những cuộc cạnh tranh bắt đầu. Cả hai đưa ra các chương trình khuyến mãi khủng, khách hàng là được quyền chọn dịch vụ có lợi nhất cho mình.


6. VinFast - kế hoạch truyền thông hào nhoáng và xuất hiện tại Paris Motor Show


Lần đầu tiên tại Paris Motor Show, Vinfast - một nhãn hiệu xe đến từ Việt Nam gây chú ý với bạn bè quốc tế. Kế hoạch truyền thông hào nhoáng của VinFast không chỉ dừng lại ở việc chọn thị trường quốc tế là nơi ra mắt 2 mẫu xe đầu tiên. Độ "chịu chơi" của Vin Group còn thể hiện ở việc mời ngôi sao bóng đá Devid Beckham đại diện cho VinFast trong sự kiện lần này. Beckham là một tay chơi xe nổi tiếng, sở hữu hàng loạt những mẫu xe thuộc các thương hiệu siêu sang như Rolls-Royce, Bentley cho đến Range Rover, hay siêu xe như Lamborghini, Ferrari...



Vinfast ra mắt cùng kế hoạch truyền thông chỉn chu, đánh vào lòng tự tôn dân tộc, là mấu chốt thành công cho thương hiệu này. Vốn là thương hiệu Việt Nam, nhưng thay vì chọn đất nước mình là nơi ra mắt những sản phẩm đầu tiên, VinFast lại muốn đưa ra thị trường quốc tế. Nhầm truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng đây là sản phẩm của người Việt, định vị đây là một thương hiệu tốt. Dù cho sau khi ra mắt, lượng xe Vin Fast bán ra có nhiều hay không thì nhờ vào kế hoạch truyền thông chất lượng mà thương hiệu VinFast cũng đã được báo đài trong nước và quốc tế quan tâm đặc biệt, người ta biết được VinFast là thương hiệu xe của Việt Nam.


7. Facebook cùng bê bối lộ thông tin khách hàng


Facebook đã làm rò rỉ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Việt Nam có 427.446 tài khoản bị thu thập dữ liệu.


Sau khi vụ bê bối xảy ra, từ khoá “Delete Facebook” được tìm kiếm kỷ lục theo Google Trends. Làn sóng tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này bắt đầu xuất hiện. Cổ phiếu Facebook liên tục lao dốc, khiến thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ USD. Tài sản của CEO Mark Zuckerberg cũng vì thế mà tổn thất hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, mất mác lớn nhất mà Facebook gánh chịu từ sự việc này chính là lòng tin của người dùng.


8. Durex - nhạy cảm mà không phản cảm


Mang thương hiệu của dòng sản phẩm nhạy cảm, Durex không hế ngần ngại bắt trend và điều khiến người khác thích thú là sự sáng tạo không thể ngờ mà lại không hề phản cảm. Có mặt ở khắp nơi trên thế giới, riêng tại Việt Nam, nhãn hàng bao cao su 100 tuổi này không đầu tư nhiều vào những chiến dịch hoành tráng mà chỉ nhẹ nhàng bắt trend kịp lúc với ý tưởng thú vị khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm phục.





9. VietJet Air đón đội tuyển bóng đá Việt Nam bằng chuyến bay "xôi thịt"


Sau trận chung kết cúp U23 Châu Á, các cầu thủ Việt Nam trời về nước trên chuyến bay của hãng hàng không VietJet Air. Sẽ không có gì đáng nói nếu như hãng này không làm "lố" bằng cách tiếp đón đội tuyển với hình ảnh những nữ tiếp viên hàng không đang diện những bộ bikini có thể gợi cảm nhưng lại cực kỳ phản cảm.


Không chỉ gây phẫn nộ cho truyền thông trong nước, các tờ báo nước ngoài cũng lên bài chỉ trích hành động của VietJet. Làn sóng tẩy chay nhen nhóm xuất hiện, ban lãnh đạo hãng phải xin lỗi khách hàng và chịu mức phạt 40 triệu đồng từ Cục Hàng không Việt Nam. 


Ngọc Trâm / Advertising Vietnam