Hiện nay, không ít người gặp phải hội chứng sợ nghe tiếng chuông, lúng túng khi có cuộc gọi đến. “Nỗi ám ảnh” nói chuyện qua điện thoại khiến nhiều nhân sự tìm đủ mọi cách để né tránh việc phải nhấc máy. Bên cạnh các lý do phổ biến như ngại giao tiếp, tự ti về giọng nói hay khả năng diễn đạt, ghi nhớ kém… hội chứng sợ nghe điện thoại của nhân sự còn bắt nguồn từ những sự cố trong quá khứ.


Chuẩn bị tinh thần vài tiếng trước khi nhận cuộc gọi 2 phút


Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, xu hướng sử dụng cuộc gọi ngày càng trở nên ít phổ biến trong cả đời sống lẫn môi trường công sở. Khi đã quen với các phương thức giao tiếp bằng văn bản, không ít người cảm thấy bối rối, thậm chí sợ hãi trước những cuộc gọi. Tuy vậy, tính chất của một số công việc trong môi trường agency, chẳng hạn như Account, đòi hỏi các nhân sự phải giao tiếp thường xuyên qua điện thoại, góp phần khiến “nỗi ám ảnh” ngày càng lớn hơn. Một số người cho biết, họ thường phải chuẩn bị tinh thần vài tiếng trước khi tiếp nhận cuộc gọi chưa đầy 2 phút. 


Chị Linh Giang - Account Executive tại Bratus Agency chia sẻ: “Mình đã lấy hết sự can đảm để chuyển từ Designer - một vị trí có thể tránh những cuộc gọi, sang làm Account - công việc bắt buộc phải nghe điện thoại. Ban đầu sẽ khá đáng sợ, giọng mình run lẩy bẩy đến mức người nghe phải hỏi mình có ổn không. Bên cạnh đó, tâm trạng hồi hộp vì nói chuyện với người lạ còn khiến mình nói lắp. Do đó, trước khi gọi cho khách hàng, mình thường uống chút nước, hít thở sâu và chắc chắn bản thân đã bình tĩnh. Nhưng đôi lúc, mình cũng mong rằng khách hàng sẽ báo bận và chuyển qua hình thức nhắn tin.”


Giọng run rẩy, nói lắp, tâm trạng hồi hộp... là những "triệu chứng" mà chị Linh Giang gặp phải mỗi lần trao đổi điện thoại với người lạ


“Nỗi ám ảnh” của việc giao tiếp qua điện thoại khiến nhiều nhân sự phải tìm đủ mọi cách để né tránh. Anh Hoàng Lâm - Account Executive tại Box Studio cho biết: “Mỗi khi nhận được những cuộc gọi không mong muốn, mình thường thoái thác bằng cách giả vờ đang họp, đang chạy xe, hoặc có công việc cần xử lý gấp.”


Để né tránh việc phải tiếp nhận những cuộc gọi bất chợt, một số nhân sự thường đợi gọi nhỡ, sau đó tra cứu số điện thoại trên Zalo để biết người gọi là ai. Kế đến, họ sẽ đợi đối phương gọi lại rồi mới lựa chọn có bắt máy hay không. Chị Quỳnh Trang - Academic tại UDA thường có xu hướng chỉnh điện thoại về chế độ im lặng. “Nếu có số máy lạ gọi tới, mình sẽ tìm đủ mọi cách để tra nguồn gốc của số điện thoại ấy. Đôi khi, mình đưa luôn điện thoại cho người ngồi gần nghe máy hộ”, chị chia sẻ.


Sợ gọi điện vì ám ảnh tâm lý


Bên cạnh những lý do phổ biến như ngại giao tiếp, nỗi lo không truyền tải được suy nghĩ, tự ti về giọng nói và khả năng diễn đạt, ghi nhớ kém… một số nhân sự còn mắc hội chứng sợ nghe điện thoại vì sự cố trong quá khứ. Chị Linh Giang chia sẻ: “Mình nhận ra bản thân sợ gọi điện thoại từ khá sớm, vì khi còn nhỏ mình đã ngại giao tiếp với người lạ. Nhưng lúc đó, mình vẫn chưa hoàn toàn ‘xa lánh’ những cuộc gọi. Chỉ đến khi bị quấy rối qua điện thoại bàn ở nhà, mình mới dần ngại nghe máy rồi không muốn liên lạc với người lạ. Suốt những năm cấp 3 hay đại học, khi cần gọi điện để hỏi về vấn đề nào đó thay ba mẹ thì mình thường sẽ đưa điện thoại cho chị gái.” Sự kiện ấy đã gây ra nỗi ám ảnh tâm lý, làm cản trở công việc và cuộc sống của chị Linh Giang đến tận bây giờ. 


Kể về trải nghiệm đáng nhớ khi phải nhận cuộc gọi feedback từ khách hàng, anh Hoàng Lâm cho biết: “Với tính cách có phần hơi nóng nảy, mình đã từng nổi giận và tranh cãi trực tiếp cùng khách hàng qua điện thoại, bởi vì họ đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu hơi vô lý. Nhưng may mắn là sau đó, công ty và khách vẫn có thể tiếp tục hợp tác.” Đây cũng chính là sự kiện khiến anh Hoàng Lâm phải e dè khi khách hàng gọi điện, luôn ưu tiên nhắn tin và trao đổi bằng văn bản hơn.  


Từ trải nghiệm "nổi nóng" với khách hàng qua điện thoại, anh Hoàng Lâm luôn ưu tiên nhắn tin để trao đổi công việc


Những cuộc gọi thường gây ra áp lực nhất định cho người thực hiện, vì nó đòi hỏi cả hai bên phải hoàn toàn tập trung vào nội dung cuộc trò chuyện, trong khi nhiều phương thức biểu đạt cảm xúc và ngôn ngữ bị hạn chế. Trái lại, giao tiếp bằng tin nhắn có thể giúp con người có nhiều thời gian để suy nghĩ, đồng thời biểu đạt được nhiều hơn.


Theo chị Linh Giang, giao tiếp bằng tin nhắn thường được ưu tiên hơn so với gọi điện vì các thông tin được hiển thị rõ, lâu dài, khiến nhân sự có thể đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi phản hồi. Tin nhắn cũng dễ dàng được ghi chú, chuyển tiếp đến nhiều người khi cần thiết. Trong quá trình trao đổi, một số nội dung như hình ảnh, link, file brief… sẽ giúp hai bên dễ hiểu ý nhau hơn, điều mà khó có thể truyền tải qua cuộc gọi.


“Ngoài ra, khi giao tiếp qua điện thoại, đôi lúc mình sẽ gặp phải những đối tượng nói giọng vùng miền, khiến mình không thể nghe hiểu. Ngược lại, giọng mình thỉnh thoảng hơi đặc do nghẹt mũi cũng sẽ khiến người nghe thấy không thoải mái. Đường truyền bị lỗi, mất sóng cũng là vấn đề. Nên nếu được lựa chọn, mình vẫn ưu tiên nhắn tin hơn”, chị chia sẻ. 


Còn đối với anh Hoàng Lâm, tin nhắn luôn là phương thức trao đổi thuận tiện hơn trong công việc, vì sau mỗi cuộc gọi, nhân sự vẫn cần recap, xác minh lại các thông tin, nội dung qua email hoặc tin nhắn để có cơ sở tiếp tục làm việc. “Để có thể trao đổi qua điện thoại một cách hiệu quả thì mình cũng cần thời gian chuẩn bị nội dung. Mình không phải là một người có thể phản ứng hoặc đưa ra quyết định ngay lập tức khi tiếp nhận những thông tin quá mới lạ, mà cần thời gian để xem xét, suy nghĩ.


Bên cạnh đó, khối lượng công việc của các bạn làm agency như mình là tương đối lớn, vừa phải làm việc với khách, vừa phải làm việc với internal, chạy song song nhiều dự án cùng một lúc. Do đó, mình không thích những cuộc gọi làm gián đoạn hết tất cả những công việc mà mình đang làm.” 


Làm sao để vượt qua nỗi sợ?


Hội chứng sợ gọi điện thoại không những gây ra bất tiện trong công việc, mà còn khiến các nhân sự bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Chị Quỳnh Trang chia sẻ: “Lúc còn là sinh viên năm 2, mình đã từng đánh mất một công việc dạy tiếng Anh cho trung tâm vì từ chối cuộc gọi offer. Lúc ấy mình cũng tiếc lắm, vì sợ không dám nghe máy, vì nghĩ họ sẽ phản hồi lại qua email, nhưng rồi cơ hội cũng trôi qua. Mặc dù giờ mình cũng hơi ngại nghe điện thoại, nhưng chắc sẽ cân nhắc tình huống hơn.”


Hội chứng sợ nghe điện thoại có khả năng gây cản trở đối với công việc của một số nhân sự


Không thể phủ nhận rằng, cuộc gọi vẫn nắm giữ một vai trò quan trọng trong giao tiếp. Do đó, nhiều nhân sự vẫn nỗ lực để vượt qua nỗi sợ nói chuyện điện thoại. Chia sẻ về trải nghiệm “chiến đấu” với hội chứng này, chị Linh Giang nói: “Mình đã cố gắng điều chỉnh lại mindset của bản thân, không thể trốn tránh thì phải học cách thích nghi và đối diện. Mình đã luyện tập bằng cách nói chậm lại, tập hít thở sâu, giao tiếp nhiều hơn với mọi người xung quan để quen với việc nói thay vì viết. Ngoài ra, mình tin rằng việc sợ nghe điện thoại không phải khiếm khuyết, chỉ do mình chưa quen và những áp lực tâm lý mắc phải thôi. Nếu đủ kiên trì thì từ từ mọi thứ sẽ ổn. Người đối diện nếu thật sự lắng nghe, họ cũng sẽ kiên nhẫn để mình bình tĩnh lại.


Dù từng rất sợ điện thoại, mình vẫn yêu quý việc được chia sẻ và tư vấn đến mọi người. Mình không phải là người ngại lên tiếng, mình chỉ bị ám ảnh với việc bị quấy rối ở độ tuổi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nó. Vậy nên, mình sợ hãi và chọn cách trốn tránh. Nhưng sau đó, khi mình bị trầm cảm và thực hành nhiều thứ để thoát khỏi căn bệnh này, mình cảm nhận được giá trị của việc giao tiếp. Đó là lý do mình buộc bản thân phải đối diện, dù đôi lúc sự sợ hãi vẫn dâng lên.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai