OpenAI vừa chính thức ra mắt Codex, một bước đột phá trong lĩnh vực AI hỗ trợ lập trình khi được tích hợp trực tiếp vào nền tảng ChatGPT.
Khác với các công cụ AI lập trình trước đây vốn chỉ dừng lại ở việc gợi ý mã nguồn, Codex vượt xa hơn khi hoạt động như một “đồng nghiệp ảo” thực thụ, có thể tự động chạy thử nghiệm và tinh chỉnh mã cho đến khi đạt yêu cầu đề ra.
Sức mạnh của Codex
Cốt lõi của Codex là mô hình codex-1 - một phiên bản được tối ưu hóa từ mô hình lý luận o3, được thiết kế chuyên biệt cho kỹ thuật phần mềm. Theo OpenAI, codex-1 không chỉ tạo ra mã nguồn “sạch” và sát với yêu cầu hơn o3, mà còn nổi bật nhờ khả năng kiểm thử lặp đi lặp lại cho đến khi thu được kết quả chính xác - điều mà hầu hết các công cụ AI coding trước đây chưa thể thực hiện một cách toàn diện.
Đặc biệt, môi trường vận hành của Codex cũng được xây dựng một cách linh hoạt và an toàn. Toàn bộ quá trình diễn ra bên trong một máy tính ảo được bảo mật (Sandboxed) trên nền tảng đám mây. Một điểm mạnh đáng chú ý là khả năng tích hợp trực tiếp với GitHub, cho phép Codex được tải sẵn với các kho mã nguồn của người dùng. Nhờ đó, AI có thể nhanh chóng làm quen, phân tích và cộng tác hiệu quả trên chính codebase hiện có của lập trình viên.
Về mặt tính năng, Codex có thể thực hiện nhiều tác vụ lập trình phổ biến như viết tính năng đơn giản, sửa lỗi, trả lời câu hỏi liên quan đến codebase, và chạy kiểm thử, với thời gian xử lý dao động từ 1 đến 30 phút tùy độ phức tạp. Hệ thống được thiết kế để xử lý đồng thời nhiều yêu cầu kỹ thuật phần mềm mà không làm gián đoạn hoạt động của người dùng trên máy tính hay trình duyệt trong lúc Codex đang chạy nền.
Giao diện người dùng của Codex được thiết kế đơn giản
Song hành với khả năng xử lý mạnh mẽ, yếu tố an toàn cũng được OpenAI đặt lên hàng đầu. Ông Alexander Embiricos, Giám đốc Sản phẩm của công ty, cho biết Codex đã được tích hợp nhiều lớp bảo mật nghiêm ngặt. Theo blog chính thức, hệ thống có thể từ chối đáng tin cậy các yêu cầu tạo phần mềm độc hại và được vận hành trong môi trường “air-gapped” - cách ly hoàn toàn với Internet và API bên ngoài. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro lạm dụng, dù đồng thời cũng giới hạn phần nào tính linh hoạt của công cụ.
Hiện tại, Codex đang được triển khai cho người dùng ChatGPT Pro, Enterprise và Team, với kế hoạch mở rộng sang ChatGPT Plus và Edu trong thời gian tới. Giai đoạn đầu, người dùng sẽ được truy cập Codex một cách "hào phóng", nhưng trong vài tuần tới, OpenAI dự kiến áp dụng giới hạn tốc độ sử dụng và cung cấp thêm lựa chọn mua tín dụng để mở rộng khả năng truy cập.
Tầm nhìn dài hạn của OpenAI
Sự ra đời của Codex không chỉ là bước tiến công nghệ mà còn là chiến lược thể hiện rõ tham vọng của OpenAI trong cuộc đua giành thị phần AI lập trình - một lĩnh vực đang nóng lên từng ngày. Trong khi Google và Microsoft đều tuyên bố rằng khoảng 30% mã nguồn của họ hiện đã được viết bởi AI, thì các đối thủ như Anthropic (với Claude Code) và Google (với Gemini Code Assist) cũng đang tung ra những công cụ cạnh tranh. Đáng chú ý, Cursor, một nền tảng AI lập trình ngày càng phổ biến, đã đạt doanh thu hàng năm 300 triệu USD tính đến tháng 4, và hiện đang huy động vốn với mức định giá lên tới 9 tỷ USD.
Trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, OpenAI không chỉ ra mắt Codex mà còn được cho là đã hoàn tất thương vụ mua lại Windsurf - một nền tảng lập trình AI nổi bật khác - với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Hai động thái này cho thấy OpenAI đang quyết liệt xây dựng hệ sinh thái công cụ lập trình AI toàn diện, nhằm củng cố vị thế dẫn đầu trong kỷ nguyên phát triển phần mềm do AI dẫn dắt.
Không dừng lại ở việc gợi ý mã code, tác nhân AI này còn có thể trực tiếp chạy thử các đoạn code ngay trong máy ảo riêng biệt
Ông Josh Tobin, Giám đốc Nghiên cứu Agents tại OpenAI, đã chia sẻ tầm nhìn dài hạn của công ty: “Chúng tôi muốn các agent lập trình AI của mình trở thành những ‘đồng đội ảo’ thực thụ, có thể tự động hoàn thành các nhiệm vụ mà trước đây kỹ sư phần mềm phải mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày để xử lý.” Trên thực tế, ngay trong nội bộ, OpenAI đã bắt đầu ứng dụng Codex để tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại, tạo khung cho các tính năng mới và hỗ trợ soạn thảo tài liệu kỹ thuật.
Tất cả những nỗ lực này là một phần trong chiến lược lớn hơn của OpenAI nhằm mở rộng hệ sinh thái sản phẩm xoay quanh ChatGPT. Trong vòng một năm qua, công ty đã lần lượt giới thiệu các công cụ như nền tảng video AI Sora, agent nghiên cứu Deep Research, và agent duyệt web Operator. Những sản phẩm này không chỉ giúp thu hút thêm người dùng trả phí, mà với Codex, OpenAI còn kỳ vọng có thể tăng doanh thu bằng cách khuyến khích người dùng chi trả thêm để mở rộng mức sử dụng.
Tuy nhiên, bất chấp các bước tiến rõ rệt, điều quan trọng cần ghi nhớ là các agent lập trình AI, cũng như phần lớn hệ thống AI tạo sinh hiện nay, vẫn còn tồn tại hạn chế. Một nghiên cứu gần đây từ Microsoft chỉ ra rằng ngay cả những mô hình hàng đầu như Claude 3.7 Sonnet hay o3-mini vẫn gặp khó khăn trong việc gỡ lỗi phần mềm một cách ổn định và đáng tin cậy. Dẫu vậy, điều này dường như không làm giảm sự kỳ vọng từ các nhà đầu tư, khi thị trường AI lập trình vẫn đang chứng kiến những khoản rót vốn lớn và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Như Quỳnh (Theo TechCrunch)
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.