Với vô vàn những thương hiệu hiện có trên thị trường, mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp là phải xây dựng cho mình một hình ảnh thu hút, khác biệt và dễ nhận biết đối với người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống thương hiệu được đánh giá là một chiến lược không chỉ giúp doanh nghiệp thể hiện cá tính mà còn gắn kết mối quan hệ giữa thương hiệu với công chúng, tạo nên những giá trị bền vững cho doanh nghiệp.


Brand system (hệ thống thương hiệu) là gì? 


Thuật ngữ “brand system” (hệ thống thương hiệu) và “brand identity” (bộ nhận diện thương hiệu) thường được đưa ra thảo luận và trong nhiều trường hợp được đánh giá là giống nhau. Trong khi brand identity thường tập trung vào các yếu tố trực quan hướng tới khách hàng như logo, bao bì hay nhãn hiệu, brand system bao gồm tất cả các yếu tố trực quan lẫn bộ khung giao tiếp, giúp cung cấp định hướng rõ ràng và nhất quán về chân dung và câu chuyện của toàn bộ doanh nghiệp. Nói cách khác, brand system giúp khắc hoạ sâu hình ảnh của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng trong quá trình họ tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng những sản phẩm, dịch vụ từ doanh nghiệp đó. Cụ thể, một hệ thống thương hiệu bao gồm:

  • Tên thương hiệu được sử dụng nhằm xác định thương hiệu giữa hàng loạt cái tên khác trên thị trường.
  • Định vị thương hiệu dựa vào sự phân tích đối thủ cạnh tranh, phân khúc khách hàng và đối tượng mục tiêu để đưa ra chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp.
  • Chiến lược thương hiệu là một kế hoạch giới thiệu thương hiệu đến với thị trường mục tiêu và thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng.
  • Thiết kế nhận diện bao gồm các yếu tố liên quan đến thiết kế và hình ảnh của thương hiệu giúp xác định và phân biệt thương hiệu trong tâm trí khách hàng. 
  • Trụ cột truyền thông (Communication Pillar) còn được hiểu là bộ khung giao tiếp hay cách truyền đạt thông tin bằng văn bản và hình ảnh, được sử dụng xuyên suốt trong quá trình truyền thông và lan toả thông điệp của thương hiệu đến khách hàng.



Một ví dụ điển hình trong việc xây dựng một hệ thống thương hiệu nhất quán có thể kể đến Airbnb. Với nhiều đối tượng khách hàng đa dạng trải dài từ khách du lịch bụi, du khách gia đình, gia đình, người lớn tuổi cho đến các nhân viên đi công tác, nền tảng này đã linh hoạt “biến hoá” các thiết kế và nội dung truyền thông của mình để phù hợp với đặc điểm của mỗi đối tượng nhưng vẫn đảm bảo được tính nhất quán giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu. Chìa khoá của sự kết hợp khéo léo và tính nhất quán nằm ở hệ thống thương hiệu vốn được thương hiệu này hết sức coi trọng khi thiết kế lại ứng dụng Airbnb. Một hệ thống ngôn ngữ thiết kế mới, bao gồm các bộ công cụ và các thành phần cho phép thương hiệu sử dụng nhanh chóng các từ ngữ, thiết kế, kỹ thuật được quy định theo tiêu chuẩn đã được Airbnb phát triển một cách chi tiết và dùng làm căn cứ cho mọi hoạt động truyền thông sau này.


Vì sao doanh nghiệp cần xác định hệ thống thương hiệu? 


Hệ thống thương hiệu có tác động trực tiếp và nhất quán đến toàn bộ các kênh online và offline của doanh nghiệp, giúp truyền đạt sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp rõ ràng hơn. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận, “len lỏi” sâu vào trong tâm trí và định hình trải nghiệm nhất quán, chất lượng cho khách hàng. Một hệ thống nhận diện thương hiệu tốt sẽ mang đến cho người tiêu dùng những giá trị cảm nhận cả về mặt lý tính lẫn cảm tính, từ đó xây dựng nên lòng tin khách hàng và tâm lý mong muốn sở hữu sản phẩm.


New Logo & Brand Identity for H+J by Spy — BP&O

Xây dựng bộ hệ thống thương hiệu thu hút, khác biệt và dễ nhận biết đối với người tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp nổi bật trên thị trường


Quan trọng hơn hết, hệ thống thương hiệu giúp giá trị thương hiệu tăng trưởng một cách bền vững, đồng thời tạo ra lộ trình phát triển thương hiệu theo thời gian. Có một hệ thống rõ ràng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã có sẵn bộ công cụ cần thiết để phát triển và cải tiến trong tương lai. Nhờ đó, quá trình thay đổi của thương hiệu sẽ được nhân viên, khách hàng cũng như công chúng đón nhận dễ dàng hơn.


Làm thế nào để xây dựng hệ thống thương hiệu một cách hiệu quả? 


Đứng trước sự phát triển không ngừng của xã hội, các doanh nghiệp buộc phải tạo ra những thay đổi trong thương hiệu để thích nghi với xu thế và tồn tại lâu dài trong một thị trường nhiều biến động. Theo MarcomCentral, dưới đây là 3 bước cho phép các doanh nghiệp xây dựng một hệ thống thương hiệu hiệu quả:

  1. Tập hợp các yếu tố thương hiệu: Hệ thống thương hiệu không chỉ đơn giản là tạo ra hình ảnh hoặc văn bản truyền thông. Mục đích của chúng là tập hợp, sắp xếp các yếu tố này để đảm bảo được tính nhất quán và tạo điều kiện cho những thay đổi của thương hiệu trong tương lai.
  2. Xây dựng tiêu chuẩn thương hiệu (style guide): Khi đã hoàn thành việc tập hợp các yếu tố cấu thành hệ thống nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp cần phải xây dựng những nguyên tắc cụ thể và hướng dẫn sử dụng các tài sản trực quan như logo, kiểu chữ, bảng màu, tiếng nói thương hiệu hay chân dung khách hàng. Style guide sẽ đóng vai trò như một nền tảng của hệ thống thương hiệu, giúp các nhân sự trong tổ chức có một định hướng rõ ràng trước khi thực hiện các hoạt động sản xuất, truyền thông liên quan đến thương hiệu một cách nhanh chóng và nhất quán.
  3. Lựa chọn công cụ lưu trữ và quản lý hệ thống thương hiệu: Điều quan trọng sau khi đã hoàn thiện hệ thống thương hiệu là các nhà quản lý cần phải lựa chọn một công cụ quản lý tài sản kĩ thuật số phù hợp. Công cụ này đóng vai trò như một “thư viện đám mây” được trình bày một cách đơn giản, trực quan và hữu ích. Việc tận dụng một nền tảng lưu trữ chung giúp doanh nghiệp có thể tải lên, sắp xếp, lưu trữ, quản lý cũng như chia sẻ những thông tin và tài sản của thương hiệu ở một nơi tập trung. Nhờ đó, nhân viên trong doanh nghiệp dễ dàng truy cập những thông tin liên quan đến thương hiệu khi cần, cộng tác và duy trì kết nối ở bất cứ nơi nào họ đang làm việc.

Theo MarcomCentral

Thảo Vy