Vào năm 1960, Giáo sư Edmund Jerome McCarthy lần đầu giới thiệu mô hình Marketing Mix bao gồm Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm), Promotion (Khuyến mãi) trong quyển sách “Basic Marketing, A Managerial Approach”. Kể từ đó, chiến lược này đã giúp nhiều doanh nghiệp xác định, tối ưu hóa các yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận và thu hút khách hàng.


Chiến lược 4Ps trong thời đại kỹ thuật số


Ở thời điểm hiện tại, thông tin được truyền tải, lưu trữ và xử lý bằng các công nghệ số như máy tính, Internet, điện thoại di động và các thiết bị kỹ thuật số khác. Điều này đã thay đổi cách thức tiếp cận và thực hiện marketing, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, cho đến cách chăm sóc khách hàng,… để phù hợp với thời đại.


Vậy các doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược 4P như thế nào để phù hợp với bối cảnh thời đại? Việc xem xét các định nghĩa và đưa 4P vào hành vi tiêu dùng hiện đại đã giúp doanh nghiệp đạt được thành công như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau!


Product


Trong thời đại kỹ thuật số, định nghĩa về “Product” - Sản phẩm đã mở rộng ra ngoài ranh giới của hàng hóa vật chất và dịch vụ thông thường. Ngày nay, các sản phẩm được cung cấp đa dạng và phong phú, từ giải pháp phần mềm vô hình, được phân tích dựa trên dữ liệu, trải nghiệm đa phương tiện phong phú cho đến các hàng hóa vật lý truyền thống. Điều này phản ánh sự phát triển về sở thích và hành vi của người tiêu dùng khi họ ngày càng tìm kiếm chất lượng, sự tiện lợi và cá nhân hóa cao hơn trong trong sản phẩm của thương hiệu.


Sau thời gian gây ấn tượng với các chiến dịch hướng đến giới trẻ, Maybelline quay lại “đường đua” sáng tạo với dòng sản phẩm Fit Me Fresh Tint mới toanh và hướng đến một tệp đối tượng mới hơn, trẻ hơn chính là young Z (từ 16 - 22 tuổi). Thông điệp “Tint C mỗi sáng - Teen tươi mỗi ngày” phủ sóng mọi mặt trận truyền thông.



Cụ thể, Maybelline đã thành công trong việc tiếp cận thị trường của giới trẻ bằng cách sử dụng chiến lược linh hoạt. Fit Me Tint không chỉ được nhắc đến bởi các cộng đồng làm đẹp mà còn được các hot teens thiên về lifestyle như Jenny Huỳnh, Chao, Xoài Phạm, Linh Ka,... đề cập đến nhiều. Chưa dừng lại ở đó, thương hiệu còn tổ chức chuỗi sự kiện tại các địa điểm Young Z thường lui tới với concept "trả bài định lý TƯƠI" để quảng bá sản phẩm. Những chiếc booth này đã thu hút sự chú ý của đối tượng teens, dù có yêu thích makeup hay không, và giúp lan tỏa thông điệp "Tint C mỗi sáng - Teen tươi mỗi ngày" xuyên suốt chiến dịch.


Chiến dịch quảng bá sản phẩm Fit Me Tint của Maybelline đã nhận được phản hồi tích cực chỉ trong 1 tháng kể từ khi triển khai vào tháng 7/2023. Tổng lượt xem video trên TikTok và Facebook đạt 125 triệu views, tăng 23% lượt tương tác và 80% mức độ thảo luận so với các chiến dịch đó. Fit Me Tint cũng là sản phẩm bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop, Shopee và Lazada, đạt 160% doanh số mục tiêu. 




Place


Không chỉ tập trung vào các cửa hàng truyền thống, “Place” - Địa điểm hiện nay đã được mở rộng phạm vi tiếp cận sang môi trường trực tuyến: từ các trang web thương mại điện tử đến quảng cáo trong trò chơi và mạng xã hội. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi cách các thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng, trực tiếp mở rộng ra toàn cầu một cách dễ dàng. Trong bối cảnh thị trường ảo ngày càng phát triển và các chiến lược đa kênh cũng gia tăng mạnh mẽ, các doanh nghiệp phải xác định rõ vị trí của mình để nổi bật.


Hiện nay, nhiều thương hiệu sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt quảng cáo. Họ tự động hóa việc mua và bán không gian quảng cáo, cũng như quyết định thời điểm nào là hiệu quả nhất dựa trên nhiều yếu tố như hành vi người dùng, nội dung trang web và thời gian người dùng truy cập.


Một ví dụ về việc tiếp cận người dùng trên không gian số thành công là tờ The Economist. Với mục tiêu thu hút khán giả trẻ và đông đảo độc giả truy cập trang, nhóm đã sử dụng hình ảnh quảng cáo để tiếp cận 650.000 người và thuyết phục họ đăng ký tạp chí. Quảng cáo của The Economist nhắm đến các phân khúc khác nhau dựa trên hành vi của những người đăng ký hiện tại trên trang web, bao gồm các chủ đề như tài chính, chính trị, kinh tế, việc làm, công nghệ,... Sau đó, The Economist đã sử dụng phương pháp tiếp cận khách hàng mục tiêu dựa trên ngữ cảnh của họ (môi trường, sở thích, thói quen,..) để đặt quảng cáo vào đúng người, đúng nơi. Chiến dịch đã mang lại kết quả đáng kể, khi The Economist thu hút được đạt được 325.000 người đăng ký chỉ trong vòng 9 ngày.


The Economist điều chỉnh quảng cáo theo sở thích cụ thể để thu hút độc giả


Price


Trong lĩnh vực quảng cáo công nghệ, nguyên tắc ‘Price’ - Giá đã trải qua một sự thay đổi đáng kể. Trước đây, giá cả được xác định dựa trên sự kết hợp của các yếu tố như chi phí sản xuất, nhu cầu và mức độ cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, chi phí trở thành một thực thể linh hoạt, thường được xác định theo thời gian thực. Một chiến lược giá linh hoạt khi giá bán của sản phẩm dao động dựa trên thị trường và nhu cầu của khách hàng. 


Quá trình đưa ra quyết định đằng sau chiến lược định giá linh động này diễn ra như sau: Đầu tiên, thương hiệu sẽ phát triển các thuật toán dựa trên công nghệ máy học (machine-learning). Những thuật toán này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển các mô hình thuật toán mới dựa vào nhu cầu thị trường và chiến lược của đối thủ cạnh tranh. Sau đó, thương hiệu sử dụng quá trình dựa trên dữ liệu để điều chỉnh giá sản phẩm liên tục trong vòng vài giây.


Ví dụ, chiến lược định giá của Apple trong thời đại kỹ thuật số là sự linh hoạt và sáng tạo trong việc định giá sản phẩm. Apple chú ý đến chất lượng và trải nghiệm người dùng, không chỉ bán sản phẩm mà còn bán cảm giác độc đáo và đẳng cấp. Bằng cách duy trì mức giá cao, họ tạo ra hình ảnh sang trọng và chất lượng, thu hút những khách hàng đang tìm kiếm sự độc đáo và đổi mới. Sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và mong muốn của thị trường đã giúp Apple giữ vững vị thế là một thương hiệu đáng tin cậy và thanh lịch.



Ông lớn Apple triển khai một số chiến lược về giá điển hình như sau:


  • Định giá linh hoạt: Apple sử dụng một hệ thống định giá linh hoạt, cho phép khách hàng lựa chọn từ các phiên bản sản phẩm với các mức giá khác nhau. Đơn cử như trong dòng sản phẩm iPhone, Apple cung cấp các phiên bản với đa dạng dung lượng lưu trữ và giá cả, từ đó khách hàng có thể chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình.



  • Chiến lược giá trọn gói: Apple cũng áp dụng chiến lược giá trọn gói (bundling) bằng cách kết hợp các sản phẩm/dịch vụ lại với nhau và định giá theo gói. Ví dụ, người dùng có thể đăng ký các gói Apple One để truy cập đa dạng dịch vụ với mức giá ưu đãi hơn việc sử dụng các dịch vụ riêng lẻ.



  • Chiến lược giá phụ thuộc vào nền tảng: Apple tận dụng nền tảng sinh lợi từ việc bán phần cứng để tạo ra thu nhập từ các dịch vụ đi kèm. Ví dụ, việc bán iPhone không chỉ mang lại lợi nhuận từ việc bán sản phẩm, mà còn tạo ra thu nhập liên quan đến ứng dụng, dịch vụ và nền tảng hệ sinh thái của Apple.


Promotion


Promotion” - Khuyến mãi đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ cùng với các phương pháp quảng cáo đa dạng. Các kênh truyền thống như TV và báo in đã được chuyển đổi và đôi khi bị vượt mặt bởi quảng cáo kỹ thuật số. Trong lĩnh vực kỹ thuật số, "Khuyến mãi" bao gồm các chiến dịch quảng cáo được nhắm mục tiêu thông qua nhiều kênh khác nhau như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và nền tảng quảng cáo. Các thuật toán tiên tiến và phân tích dữ liệu được sử dụng để tạo ra các chương trình khuyến mãi cá nhân hóa dành cho từng người dùng dựa trên hành vi, sở thích và lịch sử truy cập của họ. Mục tiêu không chỉ là truyền tải thông điệp mà còn tương tác với người tiêu dùng, nâng cao phạm vi tiếp cận và tỷ lệ chuyển đổi.


Chiến lược Marketing của Unilever về Promotion


Unilever đã tận dụng mạng xã hội để thu hút khách hàng và quảng cáo sản phẩm của mình thông qua chiến dịch "Unilever 25" nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập công ty. Điểm nổi bật của chiến dịch này là cuộc thi "Gen Z Design, Thiết kế tương lai" được tổ chức cho các bạn trẻ nhằm lan toả những thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng. Các tác phẩm đẹp mắt được thực hiện trên bao bì của các sản phẩm quen thuộc của Unilever như OMO, P/S, Lifebuoy. Người tham gia có thể chia sẻ thiết kế của mình lên mạng xã hội để lan tỏa thông điệp rộng rãi hơn. Unilever cũng hỗ trợ Quỹ Vững vàng Việt Nam bằng cách đóng góp 1.000 đồng cho mỗi lượt like/share và tặng phần quà đặc biệt cho 1000 bài dự thi có thông điệp ý nghĩa và có hơn 500 lượt tương tác. 


Unilever hỗ trợ Quỹ Vững vàng Việt Nam bằng cách đóng góp 1.000 đồng cho mỗi lượt like/share


Chiến dịch này đã giúp Unilever tăng cường nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng, đồng thời gắn kết với cuộc sống của người Việt và lan tỏa giá trị sống tích cực.


Quảng cáo và công nghệ quảng cáo đã trải qua những biến đổi đáng kể, nhưng 4Ps vẫn giữ vững vai trò quan trọng của mình, dù trong một môi trường phức tạp và năng động hơn nhiều. Các thuật toán tiên tiến và phân tích dữ liệu thời gian thực đã làm thay đổi cách hiểu về "Sản phẩm", tạo điều kiện cho việc điều chỉnh linh hoạt về "Giá" và cung cấp nhiều "Địa điểm" thông qua các nền tảng kỹ thuật số khác nhau để quảng cáo được hiển thị.


"Quảng cáo" đã phát triển thành một chiến lược đa kênh, bao gồm từ mạng xã hội đến mua hàng theo chương trình. Trong khi biên giới quảng cáo tiếp tục mở rộng vào lĩnh vực kỹ thuật số, 4Ps đóng vai trò như một la bàn hướng dẫn các doanh nghiệp vượt qua mê cung phức tạp của tiếp thị hiện đại. Về bản chất, chúng là DNA của thương mại kỹ thuật số - không thay đổi nhưng linh hoạt, hướng dẫn các doanh nghiệp đi đến thành công trong quá trình phát triển.


Linh Phương


Cập nhật các thông tin hữu ích qua Newsletter!