Để đảm bảo tiếp thị hiệu quả đến khách hàng mục tiêu, mỗi chiến dịch quảng cáo đều được nghiên cứu và phát triển dựa trên insight của những nhóm đối tượng nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mạng xã hội đã làm mờ ranh giới giữa các nhóm độ tuổi, dẫn đến nhiều vụ việc gây tranh cãi khi những nội dung quảng cáo chịu sự kiểm soát về độ tuổi lại được đăng tải lên các nền tảng công khai, không phân loại người dùng như Facebook, TikTok,...


Được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây có thể kể đến sự kiện một đội ngũ truyền thông phim Việt Nam sử dụng cảnh cắt trong bộ phim để quảng bá. Đáng chú ý, bộ phim có chứa cảnh khoả thân, bán khoả thân của nữ diễn viên chính, được dán nhãn 18+ (C18) theo Luật Điện ảnh 2022. Song, ekip lại sử dụng chính những phân cảnh này làm từ liệu truyền thông. Cụ thể vào ngày 30/1, fanpage bộ phim đã đăng tải đoạn clip nữ diễn viên dội nước vào người, lộ toàn bộ vòng một, thu hút hàng nghìn bình luận và tương tác từ người dùng.


Khi làm truyền thông cho những dự án, ngành hàng đặc biệt chịu sự kiểm soát về đối tượng khán giả, marketer cần lưu ý những gì? Cùng Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, giải đáp những vấn đề trên qua bài viết dưới đây! 


Những nội dung quảng cáo chịu sự kiểm soát về độ tuổi


1. Quảng cáo nhạy cảm, trái với thuần phong mỹ tục


Luật sư Hà Huy Phong cho biết, theo quy định tại khoản 14 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo là: “Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.” 


Ngoài ra, Điều 32 Luật Điện ảnh 2022 cũng áp dụng các mức phân loại phim dựa trên độ tuổi người xem. Theo đó, loại T18 (18+) là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên. 


“Như vậy, hành vi sử dụng các hình ảnh 18+ để quảng cáo trên các nền tảng không phân loại độ tuổi có thể khiến các đối tượng dưới 18 tuổi tiếp cận được các nội dung không phù hợp với lứa tuổi, từ đó tạo cho các em có suy nghĩ, lời nói, hành đồng trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường của trẻ em” - luật sư Hà Huy Phong kết luận.


Mẫu quảng cáo từng bị xử phạt với lỗi "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam"


Trường hợp các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định tại khoản 14 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sẽ bị phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng (mức phạt đối với cá nhân vi phạm). Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo.


2. Quảng cáo rượu bia


Về lĩnh vực quảng cáo, luật sư chia sẻ pháp luật có quy định một số hạn chế đối với quảng cáo rượu bia


Cụ thể, Điều 12 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 quy định quảng cáo bia và rượu dưới 15 độ không được có nội dung hướng đến người chưa đủ 18 tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai. 


Ngoài ra, một số trường hợp không được thực hiện quảng cáo bao gồm:

  • Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
  • Phương tiện giao thông;
  • Trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em;
  • Quảng cáo rượu bia ngoài trời phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học;
  • Quảng cáo rượu bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.


Quảng cáo rượu bia phải có thông tin cảnh báo phòng, chống tác hại của rượu, bia


Theo luật sư, những quy định trên nhằm đảm bảo nội dung quảng cáo rượu bia, đồ uống có cồn tiếp cận đúng đến đối tượng mục tiêu - người dùng đủ 18 tuổi. Trong điều kiện các nền tảng mạng xã hội vẫn chưa áp dụng rộng rãi chính sách giới hạn độ tuổi, marketer cần lưu ý khi triển khai các chiến dịch quảng cáo hoặc chèn thêm những thông tin cảnh cáo như “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”.


Lưu ý khi triển khai quảng cáo bị kiểm soát độ tuổi 


Khi thực hiện quảng cáo bị hạn chế độ tuổi của đối tượng tiếp nhận quảng cáo, các marketer cần lưu ý:


  1. Xác định xem mặt hàng dự định quảng cáo có bị giới hạn đối tượng tiếp nhận quảng cáo hay không? Nếu có thì những điều kiện giới hạn là gì?
  2. Xây dựng nội dung quảng cáo phù hợp với các điều kiện giới hạn theo quy định của pháp luật.
  3. Lựa chọn phương tiện quảng cáo phù hợp với các điều kiện giới hạn theo quy định của pháp luật.
  4. Áp dụng các biện pháp để hạn chế đối tượng không phù hợp tiếp cận nội dung quảng cáo theo quy định của pháp luật.


Lý Tú Nhã