Thế nào là một quảng cáo gây sốc thành công? Liệu quảng cáo gây sốc có thể dễ dàng triển khai và đạt được thành công vượt bậc ở Việt Nam? Hãy tìm hiểu ở bài viết dưới đây để tìm được câu trả lời.

Thế nào là một quảng cáo gây sốc?

Theo Dahl, Daren W và các cộng sự của ông, Quảng cáo gây sốc là quảng cáo cố tình hoặc vô tình làm giật mình, gây cảm xúc mạnh tới người xem bằng cách vi phạm các tiêu chuẩn giá trị của xã hội và lý tưởng cá nhân.

Các khái niệm về quảng cáo gây sốc được các nhà nghiên cứu đưa ra rất khác nhau, đó là gây khó chịu, là gây cảm xúc mạnh, khiêu khích, gây sốc và gây tranh cãi, vv. Mặc dù các nhà khoa học đề cập khác nhau ở khái niệm, nhưng định nghĩa quảng cáo gây sốc về cơ bản đều cùng chung một lời giải thích đó là sự thu hút về cảm xúc được sử dụng trong thông điệp.

Một quảng cáo có thể gây sốc thông qua hình ảnh xuất hiện trên quảng cáo, màu sắc của quảng cáo, âm thanh của quảng cáo hay thông qua nội dung quảng cáo. 

Quảng cáo gây sốc được thiết kế chủ yếu để vượt qua khuôn khổ của những quảng cáo phổ biến, theo khuôn mẫu. Chúng thường được thiết kế trái lại với những yêu cầu, quy tắc thường thấy của một quảng cáo để thu hút sự chú ý và tạo tiếng vang.

Những chiến dịch quảng cáo gây sốc rất khó để kiểm soát hay điều hướng dư luận, nếu không chuẩn bị đầy đủ những phương án phòng bị giải quyết các tình huống phát sinh thì các doanh nghiệp rất dễ lao đao, hoảng loạn và dẫn tới những quyết định vội vàng, sai lầm.

Thế nào là một quảng cáo gây sốc thành công?

Đối với dạng quảng cáo gây sốc, khi các doanh nghiệp sử dụng dạng quảng cáo này, ranh giới giữa thành công và khung hoảng vô cùng mong manh. Có thể nói, trong nhiều trường hợp đây còn được coi là một “Trò chơi mạo hiểm”, “Được ăn cả, ngã về không” đối với các nhà truyền thông.

Để nhận biết được là quảng cáo gây sốc này đã thành công hay thất bại, người nhìn nhận cũng cần phải là người có tri thức trong ngành, xem xét về nhiều yếu tố, nhiều phương diện, cân đo giữa được và mất mới có thể đánh giá chính xác. Nhiều khi chính những người trong doanh nghiệp vẫn đang nhầm lẫn giữa thành công và thất bại.

Vậy như thế nào là một quảng cáo gây sốc thành công?

Để xem xét được một kế hoạch truyền thông có thành công hay không, tuyệt nhiên ta phải so sánh chúng với mục tiêu đã đặt ra ban đầu. Mà thông thường mục tiêu của các dự án truyền thông thường là: gia tăng nhận thức về doanh nghiệp, về sản phẩm, một sự kiện, hay một chương trình nào đó. Xét theo mục tiêu này thì một quảng cáo gây sốc sẽ được coi là thành công dựa trên những tiêu chí sau:

  • Lan truyền rộng rãi: Quảng cáo tạo hiệu ứng Viral lớn đối với công chúng, với dư luận, được bàn luận và truyền miệng rộng rãi trên các nền tảng online hoặc offline
  • Truyền tải đúng thông tin: Người tiếp nhận thông tin nhớ đúng thông tin mà người truyền tải muốn. Ví dụ như doanh nghiệp đó cần công chúng nhớ tên thương hiệu của mình, nhớ tên sản phẩm hay thông điệp nào đó.
  • Ảnh hưởng tích cực đến quyết định mua: Sau chiến dịch, mọi người không chỉ nhớ tên thương hiệu mà sẽ lựa chọn mua khi họ có nhu cầu. Nghĩa là dù quảng cáo đó có mang lại cảm xúc tiêu cực hay tích cực cho người xem thì khán giả đó vẫn sẵn sàng mua sản phẩm của doanh nghiệp. Có thể khách hàng có thiện cảm với doanh nghiệp hoặc nếu là cảm xúc không tích cực thì cũng không mấy ảnh hưởng đến quyết định mua hay đến mức phải tẩy chay.
  • Không phát sinh nhiều chi phí: Các quảng cáo gây sốc rất dễ bị cho là phản cảm dẫn tới bị chỉ trích, nhiều quảng cáo không may bị phạt. Đôi khi chi phí dành cho các khoản phạt, chi phí giải quyết khủng hoảng truyền thông quá lớn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Các chi phí phải trong tầm kiểm soát, dự trù trước mới được coi là một chiến dịch thành công.
  • Không ảnh hưởng đến định vị ban đầu: Đặc biệt là những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng và dìn giữ. Gây sốc để thu hút cũng quan trọng nhưng nhất định không được đánh mất đi bản sắc riêng, giá trị cốt lõi của thương hiệu. Đặc biệt, không được quên đi chữ P quan trọng nhất trong 4P đó là củng cố chất lượng sản phẩm, dịch vụ mỗi ngày.

Xem thêm các quảng cáo ấn tượng: 8 ý tưởng cho nội dung quảng cáo thu hút

Quảng cáo gây sốc của calvin klein

Vậy quảng cáo gây sốc có thể thành công ở Việt Nam không?

Để trả lời được câu hỏi này trước hết, chúng ta cần nhìn nhận những Case Study quảng cáo gây sốc đã từng thành công, thất bại trên thế giới. Chúng ta có thể nhìn nhận ra những sự thật sau đây:

  • Một xã hội càng phát triển, cạnh tranh càng mạnh mẽ, quảng cáo gây sốc càng khó để thành công.

Tại sao trong bối cảnh thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh, quảng cáo gây sốc càng là một sự lựa chọn rủi ro? Bởi mức độ chọn lọc doanh nghiệp lúc này đã nâng lên ở mức rất cao, doanh nghiệp nào có vẻ “Không vừa mắt” với công chúng sẽ dễ dàng bị đào thải.

Người tiêu dùng đã có quá nhiều sự lựa chọn. Minh chứng dễ hiểu nhất cho sự thật này phải nói đến thị trường Trung Quốc, Hàn quốc. Ta có thể thấy những người nổi tiếng dù đã có tiếng tăm đến đâu nhưng chỉ cần một scandal đồn thổi không hay cũng có thể bị tẩy chay ngay lập tức, hoặc những người nổi lên bởi tai tiếng khó có thể tồn tại được trên thị trường. Tương tự những nhãn hàng của họ cũng vậy.

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, sự tiếp nhận, chấp nhận các doanh nghiệp mới, ngôi sao mới nổi lên bằng sự tai tiếng còn dễ dãi. Chính vì điều này nên ngày nay đã có rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn “chiêu trò” để có thể nổi bật.

  • Xã hội với tư tưởng khắt khe hạn chế hoảng cáo gây sốc.

Đối với những quốc gia có văn hoá, tư tưởng khắt khe như các nước hồi giáo, các nước Châu Á thì việc làm nên một quảng cáo gây sốc càng bị hạn chế. Ví dụ như những quảng cáo được coi là bình thường tại nước ngoài nhưng sang Châu Á thì trở thành quảng cáo phản cảm và ngược lại.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tư tưởng khắt khe, sẽ là thách thức cũng như cơ hội dành cho các quảng cáo gây sốc. Tuy nhiên so với các nước khác trong cùng Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thì Việt Nam vẫn rất "dễ tính".

Quảng cáo này của Victory Secret vô cùng nổi tiếng và được ca ngợi về sự sáng tạo, nhưng tại Việt Nam, những quảng cáo như thế này chắc chắn không được chấp nhận.

Quảng cáo viên trắng da của RITANA, được chấp nhận tại Việt Nam nhưng trên thế giới, dạng quảng cáo này vô cùng nhạy cảm, được coi là phân biệt chủng tộc.

  • Luật pháp ảnh hưởng cực lớn tới khả năng gây sốc của quảng cáo

Luật pháp quyết định rất lớn đến khả năng gây sốc của quảng cáo. Mỗi một quốc gia có một bộ luật riêng dành cho quảng cáo. Tại Việt Nam cũng vậy, điều luật dành cho các TVC quảng cáo, Billboard quảng cáo, quảng cáo ngoài trời… khá khắt khe nên để tạo ra một quảng cáo vừa sốc vừa tuân thủ mọi quy định của pháp luật là vô cùng thách thức.

Tuy nhiên tại Việt Nam, mức phạt dành cho các quảng cáo vi phạm được đánh giá là “Chưa mạnh tay” khiến cho một số doanh nghiệp “Tình nguyện” để bị phạt, miễn sao họ có thể nổi!

Tạm kết: Dựa trên các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quảng cáo gây sốc ta có thể kết luận. Quảng cáo gây sốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng thành công khi triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh những rủi ro có thể gặp phải thì thị trường Việt Nam vẫn quá "Dễ tính", vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tạo sự khác biệt. 

Quảng cáo gây sốc thành công tại Việt Nam

Quảng cáo gây sốc của hãng bột giặt ABA


Một TVC 30 giây với tiêu đề: "Bóng chuyền" lại có hơn 52 triệu lượt xem, một con số ấn tượng mà bất kì doanh nghiệp nào cũng mơ ước. Tuy gây sốc nhưng ABA lại được chấp nhận tại Việt Nam, và đã đạt đủ các tiêu chí về quảng cáo gây sốc thành công như đã nêu trên. Mọi người hãy đoán xem tại sao TVC này lại được coi là một quảng cáo gây sốc? Tại sao TVC này lại thu hút đến vậy?

Để thực hiện được những dự án quảng cáo gây sốc khó nhằn, không thể thiếu những lời cố vấn của các Agency am hiểu pháp luật. WeWin Media là Agency quảng cáo có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án lớn, có thể là một sự lựa chọn tốt cho bạn.

Đàm Hường | WeWin Media