Nhưng liệu trào lưu nhạc RAP trong quảng cáo Tết Việt có thực sự đem lại hiệu quả kích thích thị giác và ấn tượng ghi nhớ trong đầu khách hàng như mong muốn của nhãn hàng hay chỉ để bắt nhịp với xu hướng chung một cách “tốn kém”? Lưu ý quan trọng dưới đây cho các marketer khi sử dụng nhạc RAP trong TVC quảng cáo Tết Việt sẽ giúp tìm ra cách thức giao tiếp hiệu quả tới khách hàng mục tiêu mà nhãn hàng hướng đến trong dịp lễ hội 1 năm có 1 lần này của người Việt. 


Câu từ chạy quá nhanh – khó nhớ!


Dòng nhạc RAP nổi bật với lối sử dụng flow từ đồng âm giữa các câu với nhau trên nền giọng đọc nhanh và nhấn nhá một cách tự do, cá tính. Điều khiến RAP trở nên phá cách là việc sử dụng các từ ngữ theo kiểu “American slangs”như DM, PM, fancy… cũng là một đặc trưng nổi bật khiến bài nhạc trở nên cool ngầu và thu hút hơn. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc các thông điệp truyền thông quảng cáo của sản phẩm / dịch vụ được truyền tải qua ngôn từ RAP sẽ trở nên khó hiểu dẫn đến khó nhớ hơn đối với những khách hàng ngoài 30 tuổi ít tiếp xúc với ngôn ngữ trẻ trên thế giới. 


Những câu chữ RAP cũng được viết theo lối “thẳng thắn” và “bộc trực” đặc trưng của dòng nhạc đôi khi cũng sẽ khiến nhiều khách hàng “sống truyền thống” ít cảm nhận được “cảm xúc đặc biệt” từ TVC trong khoảng thời gian cận Tết này. Và vì vậy mà quảng cáo có thể ít để lại được những ấn tượng sâu sắc hợp tâm trạng. Thay vào đó chỉ kích thích thị giác người xem bởi sự sôi động của hoạt hoạ và ca sĩ hát nhưng lại khó để lưu lại được ấn tượng ghi nhớ về sản phẩm trong tâm trí người xem – người tiêu dùng.


Gương mặt KOLs/ ca sĩ quyết định ảnh hưởng của quảng cáo!


Có một sự thật rằng dù sự thành công và độ viral của King of RAP hay RAP Việt đều không thể phủ nhận nhưng không phải tất cả mọi người đều xem và biết hết tất cả các gương mặt ca sĩ RAP trong chương trình. Thậm chí có rất nhiều đối tượng khách hàng trên 27 tuổi cũng không nhớ nổi mặt 4 vị huấn luyện viên chứ đừng nói đến các thí sinh tham dự ngay cả với một số gương mặt nổi bật như Tlinh, GDucky, ICD… Vì vậy một quảng cáo mang tính phổ rộng cao như quảng cáo Tết nên cân nhắc thật kĩ càng các gương mặt ca sĩ / KOLs sử dụng bởi họ cũng chính là những “đại sứ thương hiệu” đại diện cho hình ảnh và giá trị cốt lõi của thương hiệu cũng như truyền tải thông điệp truyền thông mà nhãn hàng mang đến cho khán giả - người xem. 


Độ phủ sóng của các nghệ sĩ RAP thường chỉ có ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định mà nếu TVC không phải nhắm đến một đối tượng khách hàng “niche” nào đó thì nên thận trọng khi sử dụng hình ảnh của các nghệ sĩ đặc biệt này. TVC Tết thường được chạy quảng cáo phổ biến trên các online media chanels hay thậm chí kênh truyền hình VTV, truyền hình cáp. Vì vậy, muốn hiệu quả thì cần một hình ảnh đại sứ thương hiệu phổ biến hơn để từ người già đến trẻ nhỏ, từ miền núi đến thành phố đều có thể tiếp cận một cách dễ hiểu và cảm xúc nhất. 


Credit image thedmonline.com


Thay vì chạy theo những trào lưu quảng cáo mới mang tính bề nổi một cách tốn kém thì việc đánh giá sâu bên trong những giá trị cốt lõi của một nhãn hàng để tìm ra cách thức giao tiếp hiệu quả với khách hàng mục tiêu mới là điều quan trọng nhất. Sự thành công của một quảng cáo TVC không nằm ở việc chịu chi bao nhiêu, mang bao nhiêu sự “trendy” vào bên trong rồi lồng ghép brand một cách cứng nhắc, chỉ đơn giản để “bắt trend” mà không đọng lại được kí ức gì cho người xem. Sự thành công nằm ở việc có bao nhiêu thông điệp truyền thông “chạm” đến tâm trạng và cảm xúc của khách hàng vào dịp lễ Tết để họ nhớ mãi, từ đó tạo nên một sợi dây gắn kết cảm xúc đặc biệt giữa khách hàng với nhãn hàng một cách sâu sắc nhất. 


-

Update 27/01/2021 từ admin: Bài viết của bạn Camellia Nguyen có sử dụng hình ảnh của thương hiệu khác, nên đã được admin thay thế.