SMS marketing, Email marketing, Telemarketing là những cách tiếp thị qua các thiết bị kỹ thuật số. Tựu chung lại là hình thức gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc trực tiếp gọi điện cho khách hàng nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ. 


Thế nhưng, không phải người dùng nào cũng cảm thấy vui vẻ khi nhận được những kiểu tiếp thị như vậy. Theo "Private Citizen", các nhà tiếp thị qua điện thoại thực hiện 148 triệu cuộc gọi rác mỗi ngày. Và trong một năm, Ủy ban Thương mại Liên bang nhận được gần 18.000 đơn khiếu nại về các nhà tiếp thị qua điện thoại. 


Nguyên tắc gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo là gì? Luật quảng cáo đặt ra yêu cầu gì đối với các hình thức quảng bá tiếp này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau. 


Thủ pháp cá nhân hoá của các nhà làm tiếp thị 


Theo số liệu của Statista, gần 55% lưu lượng truy cập toàn cầu được tạo từ thiết bị di động, không bao gồm máy tính bảng. Mobile Marketing và các phân nhánh của nó như Email Marketing, SMS Marketing và Telemarketing vì vậy mà trở thành những mũi nhọn hàng đầu trong chiến lược tiếp thị của nhãn hàng. 


Theo chia sẻ của anh Phan Huỳnh Khánh Duy, Giám đốc eSMS tại Công ty TNHH công nghệ VIHAT, đằng sau mỗi tin nhắn, thư điện tử hay cuộc gọi quảng cáo mà người dùng nhận được là một quy trình tiếp thị 4 bước đã được lên kế hoạch rõ ràng: 


  • Bước 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng: Chọn ra danh sách khách hàng tiềm năng kèm thông tin liên lạc.


  • Bước 2: Thiết lập cấu trúc cho tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử. Đối với SMS Marketing, nội dung quảng cáo sẽ đi theo thứ tự như: Tên thương hiệu, Tên khách hàng, Đề cập ưu đãi hoặc phiếu mua hàng, Điều kiện, Ngày hết hạn, Tùy chọn không tham gia.


  • Bước 3: Chọn thời điểm chạy chiến dịch.


  • Bước 4: Đo lường sự thành công của chiến dịch bằng cách theo dõi tỷ lệ nhấp với Google Analytics, đo lường phần trăm khách hàng nhấp vào liên kết, Tỷ lệ hủy đăng ký, Chi phí cho mỗi chuyển đổi, Theo dõi việc sử dụng phiếu giảm giá. 



Anh Phan Huỳnh Khánh Duy cho rằng, ưu điểm hàng đầu của các hình thức tiếp thị này chính là cá nhân hoá thông tin quảng cáo. “Sau khi doanh nghiệp bạn đã chuẩn bị danh sách khách hàng được phân nhóm rõ ràng và thiết lập mọi thông tin cần thiết về thông điệp, nội dung, marketer chỉ cần nhấn nút “Gửi” là những nội dung đó nhanh chóng nằm gọn trong mục tin nhắn ở điện thoại của khách hàng”, anh Duy nói. Ngoài ra, loại hình này còn giúp thương hiệu “tàng hình" chiến lược, vì chỉ diễn ra trong không gian chỉ có thương hiệu - khách hàng nên các đối thủ cạnh tranh khác sẽ không “học lỏm” ý tưởng tiếp thị. 


Tuy nhiên, quảng bá trên các không gian kỹ thuật số… khá riêng tư như hộp tin nhắn SMS, hòm thư điện tử, lịch sử cuộc gọi liệu có gây ra hiệu ứng ngược? 


Dấu vết trên Internet


Mặc dù liệt kê hàng loạt các ưu điểm như chi phí thấp, dễ sử dụng, tỷ lệ click cao, anh Khánh Duy thừa nhận rằng phản ứng khách hàng không phải lúc nào cũng niềm nở. “Khi thấy các tin nhắn, email, cuộc gọi quảng cáo, một số khách hàng sẽ có tâm lí nghĩ rằng đây là thông tin spam, quảng cáo rác, không đáng tin cậy, thông tin lừa đảo. Và vì vậy, họ thường có thái độ e ngại, lười trao đổi hoặc phớt lờ thông tin. Một số tiêu cực hơn thì sẽ trở nên khó chịu bực bội vì thường xuyên bị spam, cuối cùng là xoá, chặn các tin nhắn, email, cuộc gọi từ số lạ”, anh Khánh Duy nói. 



Một số người thậm chí còn nghi ngờ là thông tin liên lạc của mình đã bị rò rỉ, đổi chác nên mới nhận những cuộc gọi từ các nhãn hàng không mấy liên quan. Anh Khánh Duy cho biết, có khá nhiều cách lấy thông tin khách hàng, song, marketer chỉ thường gói gọn trong 4 cách phổ biến nhất:  


Cách 1: Lấy Data khách hàng bằng cách mời gọi đăng ký Email nhận ưu đãi khi truy cập Website.


Cách 2: Cách lấy Data khách hàng qua Biểu mẫu đăng ký mua hàng

Ví dụ: Nội dung chính của Form đăng ký là để khách hàng đặt trước sản phẩm trước ngày đặt hàng chính cùng với một số ưu đãi dành riêng cho họ.


Cách 3: Lấy Data từ thông tin khách hàng để lại khi xem tin tức

Ví dụ: Khi người dùng đọc thông tin trên blog, fanpage, marketer bắt đầu có thể đưa ra những yêu cầu nhỏ như: Đăng ký Email để đọc đầy đủ nội dung bài viết, hay đăng ký để nhận/ tải tài liệu…


Cách 4: Lấy Data khách hàng từ mạng xã hội

Ví dụ: Lấy từ hình thức trực tiếp như tặng eBook trên Fanpage, group. Hoặc dùng công cụ quét tệp KH trên các nơi có chứa KH tiềm năng. 


Như vậy, các thông tin của khách hàng, miễn là từng tiết lộ trên Internet thì đều có thể nằm trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp để tiến hành SMS Marketing, Email Marketing hoặc Telemarketing. 


“Các quy định pháp lý không hạn chế số lần gửi tin nhắn quảng cáo


Theo Luật sư (LS) Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, mặc dù người dùng đang rất đau đầu với các thể loại quảng cáo theo kiểu spam, các quy định hiện nay lại chưa không chế về số lần gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo. Tuy nhiên, người dùng có quyền từ chối nhận và các marketer có trách nhiệm tôn trọng quyền đó của người dùng. 


Cụ thể, tin nhắn quảng cáo phải có thông tin cho phép Người sử dụng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo. Mọi cuộc gọi điện thoại quảng cáo đều phải có đầy đủ thông tin về người thực hiện cuộc gọi điện thoại quảng cáo (gồm tên, địa chỉ) và được giới thiệu đầu tiên trước khi cung cấp nội dung quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước.



Để tăng tính minh bạch, thư điện tử quảng cáo phải bao gồm: (a) Thông tin về Người quảng cáo bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ địa lý, địa chỉ Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (nếu có); (b) Thông tin về Người quảng cáo bằng thư điện tử phải được thể hiện một cách rõ ràng và đặt liền trước phần lựa chọn cho phép Người sử dụng từ chối nhận thư điện tử quảng cáo.


Về phía marketer, họ không được phép gọi điện thoại, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong Danh sách không quảng cáo (Danh sách người không muốn nhận quảng cáo). “Người làm quảng cáo chịu trách nhiệm và phải có biện pháp kiểm tra việc sự cho phép của người dùng trước khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo. Có giải pháp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo theo quy định. Ngoài ra, Người quảng cáo cũng có nghĩa vụ lưu trữ thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận từ chối của người sử dụng để phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian tối thiểu là 01 năm”, LS Hà Huy Phong nói. 


Hằng Trần