Thị trường quảng cáo năm 2019 không thiếu vắng những chiến dịch được đầu tư bài bản và gặt hái thành công cho nhiều thương hiệu. Nhưng nếu như chỉ nhìn vào mặt tích cực, chúng ta sẽ không nắm rõ bức tranh toàn diện về thế giới quảng cáo cũng như rút kinh nghiệm từ những sai lầm.


Bài viết dưới đây tổng hợp các quảng cáo gây tranh cãi trong năm 2019 từ các thương hiệu Tesla, Burger King, Cadbury, Gillette và những bài học rút ra dành cho marketer.


1. Gillette "lên lớp" khách hàng của mình


Những tuần đầu năm 2019, quảng cáo “We Believe” của Gillette liên tục hứng chịu chỉ trích của người xem vì nội dung nhạy cảm.



Nhằm hưởng ứng phong trào #MeToo chống quấy rối và bạo hành tình dục, Gillette kêu gọi những hành động chuẩn mực từ phái mạnh dành cho phụ nữ. Không may, quảng cáo này đã vấp phải những ý kiến trái chiều cho rằng thương hiệu cạo râu của nam giới đang tỏ ra thiếu tôn trọng với chính khách hàng mục tiêu của mình.


Bài học: Dũng cảm lên tiếng cho lẽ phải là một điều đáng ca ngợi. Tuy nhiên, thương hiệu nên tránh tình huống “vơ nắm cả đũa”, rất dễ khiến khách hàng của mình hiểu nhầm thông điệp và cảm thấy bị lên án.


2. Thanh sôcôla “phân biệt chủng tộc” của Cadbury


Thanh sôcôla với bốn tông màu của Cadbury khiến bạn liên tưởng đến điều gì?



Nhân Ngày Quốc khách Ấn Độ, “gã khổng lồ” bánh kẹo từ Anh Quốc đã ra mắt Unity Bar để tôn vinh sự đa dạng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này. Sản phẩm là sự giao thoa hài hoà màu sắc từ hai nguyên liệu chính: sôcôla trắng và sôcôla đen. Nó đại diện cho sự hoà hợp của những người thuộc nhiều đẳng cấp, tín ngưỡng, ngôn ngữ, khu vực và tôn giáo khác nhau.


Thay vì ủng hộ ý tưởng hoà bình của Cadbury, cộng đồng mạng đã có những phản ứng không mấy tích cực. Nhiều người đã chỉ trích Cadbury và yêu cầu hãy “chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc”. Thậm chí trên Twitter, họ còn gọi đây là “Ngày phân biệt chủng tộc của Cadbury”. Chẳng hề có sự pha trộn hài hoà nào ở đây cả, đó là sự chia rẽ chủng tộc và tôn giáo…ngay trên một thanh sôcôla.



Bài học: Tôn giáo, chủng tộc chưa bao giờ là chủ đề dễ dàng cho các thương hiệu khai thác ý tưởng. Không chỉ riêng Cadbury, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới cũng bao phen lận đận vì dính cáo buộc phân biệt chủng tộc như D&G trở thành con ghẻ tại Trung Quốc vì một đôi đũa hay Dove mắc lỗi khi kỳ thị màu da… Các thương hiệu luôn cần phải cân nhắc trước khi gắn bối cảnh chính trị xã hội vào quảng cáo của mình.


3. Burger King "quảng cáo như không quảng cáo"


Andy Warhol là cố hoạ sĩ nổi tiếng người Mỹ. Để tưởng nhớ về quá trình dân chủ hoá trong lĩnh vực nghệ thuật của Andy, Burger King đã thực hiện một video dài 4 phút chỉ để miêu tả cách ăn bánh hamburger của một diễn viên đóng vai Andy, đi kèm hashtag #EatLikeAndy (Hãy ăn như cách của Andy).



Bạn có thể dễ dàng nhận ra hai huyết điểm của quảng cáo này. Thứ nhất, “quảng cáo như không quảng cáo” đến nỗi người xem không thể hiểu sản phẩm của Burger King có vai trò gì trong video này. Thứ hai, Andy Warhol đã qua đời từ thập niên 80 và liệu có bao nhiêu người xem hiện nay nhận ra Andy là ai? Và hình ảnh của ông có thực sự liên quan đến một thương hiệu thức ăn nhanh?


Bài học: Kỳ vọng của người tiêu dùng ở mỗi quảng cáo là khám phá điều gì đó mới mẻ và thú vị hơn. Hãy đảm bảo chủ đề luôn đủ hấp dẫn và định vị thương hiệu xuyên suốt các sản phẩm truyền thông.


4. Màn ra mắt thê thảm của Tesla Cybertruck


Màn ra mắt mẫu xe bọc thép được mong đợi nhất năm 2019 - Cybertruck bỗng trở thành sự cố “muối mặt” nhất trong lịch sử thương hiệu Tesla và ban tổ chức.



Tháng 11/2019 tại Los Angeles, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk đã đích thân trình diễn độ bền kính chống đạn của Cybertruck trước khán giả. Vốn được cấu tạo từ thép không gỉ siêu cứng Ultra-Hard 30X Cold-Rolled cùng kính chống đạn của Tesla, Cybertruck sở hữu lớp vỏ ngoại thất có thể gọi là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, những lời quảng cáo hoa mỹ về chiếc kính chống đạn của Cybertruck đã bị phá vỡ chỉ bởi hai quả bóng thép…



Vậy mới nói người tính không bằng trời tính. Nhất là hiếm khi có một thương hiệu nhiệt tình muốn khách hàng “mục sở thị” chất lượng của sản phẩm đến như vậy. Sơ suất của Tesla là kiểm tra độ bền của tấm kính nhiều lần bằng búa tạ dẫn đến xuất hiện những vết nứt nhỏ trước khi lên sân khấu.


Bài học: Trong mọi sự kiện Product launch (PL – sản phẩm khởi chạy), các doanh nghiệp luôn muốn thể hiện những ưu điểm tốt nhất về sản phẩm của mình. Bạn có thể đưa ra dẫn chứng thiết thực nhất. Nhưng nếu không biết liệu nó có thực sự hoạt động hay không, hãy dè chừng! (Tất nhiên là không tính đến trường hợp, sự cố trên là chiêu trò truyền thông nhằm tạo sức hút của Telsa).


Kết


Chúng ta luôn hiểu rằng, không có quảng cáo xấu, chỉ có những ý tưởng chưa thực sự trọn vẹn. Thế giới quảng cáo muôn hình vạn trạng nếu như thương hiệu sơ suất trong cách truyền tải thông điệp thì kết quả "Sai một li, đi một chiến dịch".


Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Tổng hợp