Việc sao chép, đạo nhái hình ảnh hoặc ý tưởng vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối trong giới sáng tạo. Đặc biệt với lĩnh vực truyền thông quảng cáo, các sản phẩm thương mại đôi khi lại được tạo nên từ việc “copy - paste” một ý tưởng hoàn toàn… phi thương mại.


Tại Việt Nam, dù chưa có vụ việc đạo nhái quảng cáo nào được xử lý chính thức, thị trường sáng tạo vẫn luôn tranh cãi về câu chuyện vay mượn, đạo nhái và ăn cắp ý tưởng. Theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, “Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam hiện chỉ bảo hộ cho tác phẩm mà không bảo hộ cho ý tưởng”. Do đó, một số trường hợp sản phẩm sáng tạo, quảng cáo có sự tương đồng nhưng sẽ không bị xử lý vi phạm. 


Vậy những trường hợp đạo nhái quảng cáo nào sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, cùng giải đáp qua những chia sẻ của luật sư Hà Huy Phong!


Sao chép hoàn toàn hoặc một phần tác phẩm gốc là vi phạm luật SHTT


Theo luật sư Hà Huy Phong, việc tạo nên một tác phẩm mới giống một phần/hoàn toàn tác phẩm gốc hoặc hành vi cắt xén, sửa đổi tác phẩm gốc là xâm phạm quyền tác giả. 


Cụ thể, Điều 28 Luật SHTT 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2022 chỉ ra các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong đó bao gồm: sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào (xâm phạm quyền nhân thân được quy định tại Điều 18, Luật SHTT sửa đổi 2022); sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào (xâm phạm quyền tài sản được quy định tại Điều 18, Luật SHTT sửa đổi 2022);... 


Ở đây cần lưu ý định nghĩa “sao chép” được quy định theo pháp luật là “việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (theo Khoản 10, Điều 1, Luật SHTT sửa đổi 2022). Đồng nghĩa, một hành vi được xác định là “sao chép” khi và chỉ tác giả tạo ra một sản phẩm mới là bản sao (dưới bất kỳ hình thức nào) của một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gốc. Đơn cử, nếu một nhà sáng tạo đăng tải video ngắn chia sẻ về bài thơ anh vừa sáng tác, sau đó thương hiệu biến bài thơ đó thành kịch bản, lời thoại trong TVC quảng cáo thì đó là hành vi “sao chép”. 


Tháng 5/2022, Audi Trung Quốc và agency M&C Saatchi đã phải xin lỗi công khai khi nội dung quảng cáo sao chép "từng câu từng chữ" từ bài thơ mà người ảnh hưởng Beida Mange đăng tải trên Douyin


Điều này tạo nên những bất cập khi xử lý trường hợp còn lại: sao chép ý tưởng. 


“Sao chép ý tưởng khó xử lý theo pháp luật”


Trong thực tiễn áp dụng, cụm từ “sao chép ý tưởng” thường được dùng để miêu tả những sản phẩm mới có ý tưởng giống với sản phẩm gốc nhưng cách thực thi, tiếp cận có sự điều chỉnh và thay đổi để tạo ra hai phiên bản khác nhau. Đơn cử trong âm nhạc, nhiều MV của nghệ sĩ Việt bị cáo buộc là “sao chép ý tưởng” từ các MV của nghệ sĩ quốc tế. Trên thực tế, các MV này chỉ có sự giống nhau về bố cục khung hình. Ngoài ra, các đạo cụ set-up, trang phục nghệ sĩ,... đã được thay đổi để phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt. 


Hay gần đây, bộ ảnh chụp KOLs quảng bá cho một thương hiệu điện thoại nổi tiếng đã bị tố là lấy cảm hứng sáng tạo từ một bộ ảnh được thực hiện trước đó. Cụ thể, hình ảnh nhân vật được chỉnh màu âm bản, chi tiết chữ viết tay cùng các thiết kế bao quanh khung ảnh được cho là có điểm tương đồng giữa hai bộ ảnh.


Với những trường hợp như trên, luật sư Hà Huy Phong nhận định: “Luật SHTT hiện chỉ bảo hộ cho tác phẩm mà không bảo hộ cho ý tưởng, việc các hình ảnh quảng cáo, chiến dịch sáng tạo có ý tưởng giống nhau nhưng không khớp với định nghĩa ‘sao chép’ của Luật SHTT khó để xử lý theo pháp luật.”


Như vậy, một sản phẩm sáng tạo được pháp luật đánh giá là xâm phạm quyền tác giả khi và chỉ khi được chỉnh sửa dựa trên tác phẩm gốc. Hành vi tham khảo ý tưởng để tạo nên một phiên bản khác chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành. 


Với hai trường hợp kể trên, luật sư chỉ ra một số điểm cần lưu ý đối với nhà sản tạo để vừa đảm bảo bản quyền tác giả, vừa không vi phạm các quy định của pháp luật khi tham khảo ý tưởng. 


Những lưu ý đối với nhà sáng tạo


Đầu tiên, nhà sáng tạo có thể tham khảo ý tưởng từ các tác phẩm trước đó nhưng cần phải hoàn thiện sản phẩm bằng phong cách, định hướng cá nhân. “Các chủ thể khi sáng tạo sản phẩm có thể tham khảo ý tưởng các tác phẩm có sẵn để từ đó xây dựng và hoàn thiện tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của riêng mình, nhưng không nên sao chép y nguyên một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác. Trong trường hợp sao chép tác phẩm có sẵn, chủ thể sáng tạo phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó” - luật sư cho biết. 


Cuối năm 2021, ekip một chương trình truyền hình thực tế đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận hành vi vi phạm bản quyền khi chưa xin phép tác giả sở hữu bức ảnh "thành phố 3D" trước khi sử dụng để thiết kế poster


Ngoài ra, để bảo vệ tác phẩm của mình, nhà sáng tạo có thể ghi thông tin tuyên bố sở hữu quyền tác giả trên tác phẩm để cảnh báo cho người tiếp nhận tác phẩm, đồng thời nêu rõ cách thức liên hệ để xin phép trong trường hợp có người muốn sao chép, trích dẫn tác phẩm. Khi phát hiện quyền tác giả của mình bị xâm phạm, nhà sáng tạo có thể lựa chọn một trong các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền tác:

  • Cách 1: Gửi thư khuyến cáo cho chủ thể xâm phạm, yêu cầu chấm dứt hành vi sao chép, xin lỗi, cải chính công khai thông tin về tác giả, và bồi thường thiệt hại (nếu có).
  • Cách 2: Gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả. 
  • Cách 3: Khởi kiện chủ thể vi phạm ra tòa án nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai thông tin về tác giả, và bồi thường thiệt hại.


Lý Tú Nhã