“Lương của đồng nghiệp" được ví như một dạng taboo chốn công sở, nghĩa là điều tối kỵ không nên bàn tán công khai. Tuy nhiên, phải phản ứng thế nào nếu lỡ biết đồng nghiệp cùng vị trí, có khối lượng công việc ngang nhau nhưng lại hưởng mức lương cao hơn mình? 


Không tiết lộ lương thưởng để giữ “hoà khí” công ty


“Lương bao nhiêu" là một trong những câu hỏi phổ biến đối với nhân sự ở mọi ngành nghề. Kể cả khi thảo luận lương thưởng tại chỗ làm chưa có quy định rõ ràng về việc được phép hay không được phép, các nhân viên cho rằng họ vẫn sẽ hạn chế bàn tán công khai. Chị Hương Phan, Former Account Executive tại Dentsu Redder cho biết, sẽ có trường hợp nhân sự nói thấp hơn hoặc cao hơn mức lương thực tế của họ khi bị bắt phải trả lời. “Lý do có thể là (1) họ không muốn đồng nghiệp ghen tị khi biết về mức lương thực nhận hoặc (2) họ cảm thấy việc chia sẻ mức lương thực tế là không cần thiết”, chị Hương Phan nói. 


Việc đặt câu hỏi về mức lương, nếu không khéo léo, có thể khiến nhân sự mất điểm trong mắt đồng nghiệp. “Đó là tài chính cá nhân và nhân sự chỉ có nghĩa vụ trung thực với Pháp Luật thôi. Hỏi không khéo sẽ thành vô duyên, tọc mạch", chị Thục Uyển, Senior Copywriter cho biết.  


"Đó là tài chính cá nhân và nhân sự chỉ có nghĩa vụ trung thực với Pháp Luật thôi. Hỏi không khéo sẽ thành vô duyên, tọc mạch", chị Thục Uyển, Senior Copywriter nói.


“Cá nhân mình thấy không cần thiết phải tiết lộ công khai lương thưởng với đồng nghiệp. Do lương thưởng là vấn đề khá nhạy cảm và riêng tư nên mọi người sẽ tránh tiết lộ số tiền mình nhận được để đảm bảo ‘hòa khí’ trong công ty. Nếu không sẽ dễ xảy ra tình huống 2 người cùng 1 vị trí, khối lượng công việc tương tự nhau mà nhân sự A lại có mức lương thực nhận cao hơn nhân sự B. Dù không nói thẳng ra, nhân sự sẽ khó tránh khỏi suy nghĩ toxic như ghen tị hoặc thấy bất mãn với công ty”, chị Hương Phan nói. 


“Chỉ hỏi khi thật sự thân thiết”


Không có quy định rõ ràng nào về việc “cấm nhân sự trao đổi lương bổng tại công ty". Và mặc dù được ví như một taboo, hay còn gọi là điều tối kỵ không nên bàn tán công khai, chị Thục Uyển cho rằng nhân sự vẫn có thể tiết lộ tuỳ vào đối tượng hỏi là ai. “Sẽ có những nhóm đồng nghiệp coi nhau như bạn bè thân thiết và rất chân thật về lương bổng với nhau. Nếu thu nhập ít hơn thì có thể cùng ngồi tìm cách kiếm thêm thu nhập, nếu thu nhập người đó cao hơn thì có thể mừng cho họ. Tiết lộ cũng được. Không tiết lộ cũng không sai. Quyết định nói ra lương bổng là quyết định của từng cá nhân. Nhưng việc bạn hỏi ai, người đó có phù hợp để bạn đặt câu hỏi đó không mới là chuyện đáng lưu ý. Bạn có quyền giữ kín, hoặc công khai, hoặc nói dối. Bảng lương như bảng đồ sao vậy đó, nó sẽ nói lên được rất nhiều điều về một cá nhân. Bạn sẽ công khai/giữ kín điều đó với ai?


Việc đặt câu hỏi về mức lương, nếu không khéo léo, có thể khiến nhân sự cảm thấy đồng nghiệp bối rối khó xử


Một câu hỏi nhân sự thường thắc mắc là, nếu không tiết lộ lương thưởng với đồng nghiệp dường như đã trở thành một “quy luật ngầm", vậy thì một nhân sự tò mò có bị coi là thiếu chuyên nghiệp hay không? Chia sẻ quan điểm về điều này, chị Thục Uyển cho rằng: “Chuyên nghiệp hay không thì nên đặt trong hoàn cảnh. Thường chỉ những người thân thiết với nhau mới hỏi về lương. Người không quen biết thì họ sẽ ý tứ không hỏi đâu. Chỉ có HR công ty này hỏi mức lương của ứng viên ở công ty cũ để ép giá thì mới bị gọi là thiếu chuyên nghiệp”.


Đối đáp thế nào nếu đồng nghiệp thắc mắc về lương?


Đối diện với những câu hỏi về lương, nhân sự có quyền tiết lộ hoặc từ chối trả lời. Tuy nhiên, chị Hương Phan cho rằng tốt nhất là không nên chia sẻ quá sâu để tránh những bất cập. “Thường khi có ai đó hỏi tôi về lương, tôi sẽ hay trả lời là ‘vừa đủ sống’ hoặc ‘khá ổn’. Nếu họ tiếp tục hỏi sâu hơn như ‘vừa đủ sống’ hay ‘khá ổn’ là như thế nào thì tôi sẽ từ chối trả lời, vì đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân và họ không thật sự cần thiết phải biết”, chị Hương Phan nói. 


"Thường khi có ai đó hỏi tôi về lương, tôi sẽ hay trả lời là vừa đủ sống hoặc khá ổn", Chị Hương Phan, Former Account Executive tại Dentsu Redder cho biết.


Ngoài ra, nếu lỡ biết đồng nghiệp cùng vị trí, có khối lượng công việc ngang nhau nhưng lại có mức lương cao hơn mình thì cũng không “than ngắn thở dài hay lo sợ mình đang bị đối xử bất công”. Thay vào đó, để những lo lắng trở nên có ý nghĩa hơn thì nhân sự nên trao đổi trực tiếp với người quản lý. “Chỉ có người trả lương mới biết chính xác lí do tại sao có sự chênh lệch, mình thắc mắc thì mình đi hỏi. Thấy khó hiểu quá thì tìm cách gặp sếp để deal lương cao lên. Quyết định trao lương là quyết định đến từ rất rất nhiều yếu tố. Nhưng, mình mong rằng nhân sự công sở khi có trong tay một con số, thì đó là con số mà bạn cảm thấy xứng đáng với những gì mình sẽ bỏ ra. Những người khác, dù có cùng vị trí, khối lượng công việc, chất lượng công việc, dù cao hơn hay thấp hơn, cũng chẳng quan trọng gì đến cuộc sống công sở của bạn lắm đâu”, chị Thục Uyển cho biết. 


Minh hoạ: Huy Mai

Nội dung: Hằng Trần