Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, việc mở rộng chuỗi cửa hàng đã trở thành một chiến lược tất yếu cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp các công ty tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn mang lại cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc tiếp cận nhiều thị trường và phân khúc khách hàng khác nhau.
Mỗi khi mở thêm một cửa hàng mới, thương hiệu có cơ hội xuất hiện trước mắt nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng hơn, qua đó tạo điều kiện để triển khai các chiến dịch quảng cáo "bản địa hóa," từ đó dễ dàng thu hút và tạo sự gắn kết với khách hàng địa phương.
Mở rộng kinh doanh sang nhiều khu vực có thể tăng độ nhận diện thương hiệu từ đó mang đến lợi nhuận
Việc mở rộng chuỗi cửa hàng không chỉ đơn giản là đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng mà còn giúp tăng cường độ phủ sóng của thương hiệu trong cộng đồng. Khi một thương hiệu có mặt tại nhiều địa điểm, tần suất xuất hiện của nó trong tâm trí khách hàng cũng gia tăng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nơi mà độ phủ sóng rộng rãi có thể quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp.
Nổi bật là thương hiệu trà sữa MayCha của nhà sáng lập Phạm Thế Anh, ông cho biết tính đến hiện nay thương hiệu đã có 80 cơ sở trên khắp Việt Nam. Chia sẻ trong sự kiện Vietnam F&B Summit 2024, ông tập trung vào việc phát triển cửa hàng vật lí hơn bởi vì cửa hàng vật lí vẫn có thể đem đến lợi nhuận tốt hơn và dễ dàng phục vụ khách hàng với sản phẩm chất lượng hơn.
Nhờ việc mở rộng chi nhánh cửa hàng ra nhiều khu vực, thương hiệu trà sữa MayCha trong một năm có thể có lợi nhuận lên đến 555 tỷ và có nhiều chi nhánh mỗi ngày đều có thể bán được từ 3000 cho đến 4000 ly trà sữa.
Một lợi thế khác của việc mở rộng chuỗi cửa hàng là khả năng tăng cường sự trung thành của khách hàng. Khi thương hiệu hiện diện ở nhiều nơi, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ hoặc sản phẩm của doanh nghiệp mà không cần phải di chuyển xa. Điều này tạo ra sự tiện lợi, và theo thời gian, sẽ giúp xây dựng lòng trung thành với thương hiệu. Các chương trình khách hàng thân thiết cũng có thể dễ dàng triển khai và duy trì hiệu quả hơn khi hệ thống cửa hàng mở rộng, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng khi họ mua sắm tại các chi nhánh khác nhau.
Mở rộng chuỗi cửa hàng còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược tại địa phương hoặc trên toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng kết hợp với các nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc các công ty khác trong khu vực để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ đặc biệt, từ đó thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên. Đối với các doanh nghiệp lớn như KFC hay Nestlé, việc hợp tác với các đối tác tại địa phương không chỉ giúp họ nắm bắt tốt hơn văn hóa bản địa mà còn tạo ra những sản phẩm mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường.
Nổi bật là trung tâm thương mại AEON Mall vừa được khai trương tại Huế và được mệnh danh là khu trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung. Chiến lược này cũng giúp cho một số doanh nghiệp có thể hợp tác với AEON Mall để mở rộng khu vực kinh doanh.
Uniqlo là một trong những cái tên được mong chờ nhất khi hợp tác với AEON Mall triển khai chi nhánh đầu tiên tại Huế. Phát biểu về kế hoạch khai trương cửa hàng, ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam, chia sẻ: "UNIQLO tự hào vì luôn nhận được sự tin yêu của khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương. Tại khu vực miền Trung, chúng tôi cũng nhận được những lời nhắn nhủ và mong đợi từ khách hàng để chào đón thương hiệu tại đây. Vì vậy, việc mở cửa hàng mới không chỉ là cột mốc quan trọng với doanh nghiệp mà còn là cách chúng tôi đáp lại sự yêu thương của khách hàng trên cả nước”.
Mở ra cơ hội thực hiện các chiến lược truyền thông ‘Bản địa hoá’ để có thể ‘làm thân' với người tiêu dùng địa phương
Mở rộng chuỗi cửa hàng còn mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong việc triển khai chiến lược truyền thông "bản địa hóa". Các thương hiệu toàn cầu như KFC, Coca-Cola, Nestlé hay IKEA thường áp dụng chiến lược này trong các dịp lễ lớn của từng quốc gia, nhằm kết hợp sản phẩm với văn hóa địa phương và gia tăng sức hút.
Đáng chú ý là trong những dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thực hiện các chiến dịch lớn dành riêng cho thị trường Việt Nam. Nestlé là một trong những cái tên quen thuộc với thị trường Việt Nam, vào dịp Tết Nguyên Đán năm 2024, Nestlé đã thực hiện chiến dịch ‘Cầu Đủ Là Được’ lồng ghép văn hoá chúc Tết của người Việt Nam vào chiến dịch. Thông qua những hoạt động truyền thông ấn tượng, chiến dịch ‘Cầu đủ là được’ của Nestlé đã ghi nhận gần 45.000 lời chúc được tạo trên website Gia đình Nestlé. Từ đó cho thấy được chiến lược ‘bản địa hoá' trong chiến dịch quảng cáo dành riêng cho thị trường Việt Nam của Nestlé.
Ngoài ra, thương hiệu bán lẻ đồ gia dụng iKEA cũng là một thương hiệu nổi bật trong việc triển khai những chiến dịch quảng cáo dành riêng cho từng khu vực. Trong chiến dịch quảng bá sản phẩm nhà bếp vào năm 2017, hình ảnh được thể hiện trong quảng cáo có sự khác biệt giữa văn hóa thiết kế nhà bếp của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo đó, khu vực bếp của Hoa Kỳ thường được thiết kế rộng rãi hơn so với khu vực bếp của Trung Quốc. Chính vì thế, iKEA đã thực hiện một số thay đổi nhỏ trong thiết kế để có thể phù hợp với văn hoá của các quốc gia. Điều đó cho thấy rằng, thương hiệu từ lâu đã quan tâm đến văn hoá của từng quốc gia mình chọn để đầu tư, đảm bảo sản phẩm của thương hiệu đều được mang đến cho đúng đối tượng khách hàng.
Việc mở rộng chuỗi cửa hàng không chỉ là một chiến lược tăng trưởng quy mô, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Thông qua việc có mặt tại nhiều địa điểm, thương hiệu không chỉ tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng mà còn tạo cơ hội hợp tác chiến lược, khai thác dữ liệu để tối ưu hoạt động và triển khai các chiến dịch bản địa hóa, từ đó gia tăng lòng trung thành của khách hàng và tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp.
Kim Yến
Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!