Thay vì học hỏi thông qua việc thử và sai, ngày nay, có rất nhiều nhân sự trẻ chủ động tìm kiếm cơ hội và phát triển sự nghiệp thông qua các chương trình mentorship (cố vấn). Một nghiên cứu kéo dài 5 năm của Gartner về chương trình cố vấn của Sun Microsystems đã chỉ ra rằng các nhân sự tham gia mentorship có khả năng được thăng chức cao gấp 5-6 lần so với những người không tham gia cố vấn hoặc nhận được sự cố vấn từ người khác.


Các chương trình mentorship mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên, từ mentee (người được cố vấn), mentor (người cố vấn) cho đến cả doanh nghiệp. Vậy cụ thể những lợi ích đó là gì? Doanh nghiệp cần làm gì để xây dựng một chương trình mentorship hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!


Lợi ích của chương trình mentorship 


Mục đích của mentorship là kết nối một cá nhân có nhiều kinh nghiệm với một nhân sự trẻ chưa có nhiều hiểu biết, trải nghiệm trong công việc và cuộc sống. Về phía các mentee, việc tham gia chương trình mentorship sẽ giúp họ dễ dàng thích nghi văn hoá công ty, nâng cao kỹ năng chuyên môn, mở rộng mạng lưới và tạo ra những kết nối có ích cho quá trình phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ vào những “tấm gương sáng” là những người có nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm trong ngành, các nhân sự mới sẽ hình thành những kỹ năng mềm như phân tích, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, kỹ năng thuyết phục và đàm phán,... Kết quả là những nhân sự này có thể học hỏi và phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng trong công việc lẫn cuộc sống.


Viewpoint: How to Formalize Mentoring

Bất kể trong công việc hay cuộc sống, việc sở hữu một "người dẫn đường" là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và trưởng thành của mỗi cá nhân


Đối với các mentor - những người đã từng “chinh chiến” một thời gian dài trong ngành, việc tham gia cố vấn sẽ trui rèn kỹ năng lãnh đạo của họ xuyên suốt quá trình đào tạo, động viên và đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng cho các nhân sự trẻ. Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích vấn đề cho một đứa trẻ sáu tuổi thì chính bạn cũng không hiểu được vấn đề đó”. Tương tự, hướng dẫn nhân sự chưa có nhiều trải nghiệm trong ngành sẽ giúp các mentor nâng cao kỹ năng lắng nghe, phân tích vấn đề và truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả. Tham gia vào chương trình mentorship cũng là một cách để các nhân sự lâu năm cống hiến cho công ty cũng như góp phần tìm kiếm và phát triển tài năng mới.


Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai các chương trình mentorship sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều nhân tài, giữ chân nhân viên có thành tích xuất sắc, gia tăng sự gắn kết giữa các nhân viên đồng thời thúc đẩy văn hoá nơi làm việc. Nhờ đó, các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự, thúc đẩy hiệu suất làm việc và tạo ra một môi trường phát triển bền vững.


Các bước xây dựng một chương trình mentorship thành công


Xác định mục tiêu


Một chương trình mentorship hiệu quả, trước hết, cần phù hợp với mục tiêu kinh doanh tổng thể của công ty. Trước đây, các doanh nghiệp thường tổ chức các khoá đào tạo để các nhân sự cấp cao có cơ hội truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm làm việc của mình với cấp dưới, nhằm gia tăng tỷ lệ phát triển và thăng chức trong doanh nghiệp. Các chương trình mentorship theo thời gian đã không ngừng phát triển và mở rộng để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của doanh nghiệp. Dưới đây là một số mục tiêu phổ biến các doanh nghiệp có thể tham khảo: 



Khởi động chương trình


Để bắt đầu một chương trình mentorship, doanh nghiệp cần tập trung vào việc thu hút các nhân sự cấp cao và lãnh đạo công ty. Sự kêu gọi từ những người này có tác động rất lớn đến với phần còn lại của tổ chức, tạo ra hiệu ứng truyền miệng và sự hào hứng về chương trình.


Nhiều chương trình mentorship hiện nay được bắt đầu bằng một bữa tiệc kick-off (khởi động). Tại đây, các nhân viên trong công ty có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những mentor tiềm năng, từ đó khuyến khích họ kết nối và duy trì mối quan hệ.


The Relaunch of the MBA Mentorship Program Kicks Off - CUHK MBA

Thông qua buổi kick-off, các mentee có cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu những mentor tiềm năng hỗ trợ cho quá trình sự nghiệp của mình


Kết nối mentor - mentee


Tìm kiếm và kết nối mentor - mentee là bước quan trọng nhất tạo nên sự thành công của một chương trình mentorship. Đối với những doanh nghiệp có quy mô và số lượng người tham gia lớn, sử dụng công cụ và các thuật toán dựa trên mức độ phù hợp trong việc trả lời các câu hỏi liên quan đến tính cách, quan điểm cá nhân, mục tiêu và phong cách làm việc có thể giúp quá trình kết nối được trở nên dễ dàng và chính xác hơn. Ngoài ra, các cặp mentor - mentee cùng sở hữu những đặc điểm dưới đây sẽ dễ dàng xây dựng nên mối quan hệ tốt đẹp, đôi bên cùng có lợi: 

  • Khao khát thành công
  • Thái độ tích cực
  • Kỹ năng quản lý thời gian tốt
  • Cởi mở để học hỏi và tiếp thu quan điểm mới
  • Rõ ràng trong giao tiếp 
  • Thể hiện sáng kiến cá nhân 
  • Kỹ năng hoặc năng lực lãnh đạo


Hỗ trợ quá trình mentoring


Để xây dựng một mối quan hệ tích cực giữa mentor và mentee, điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu rõ, tập trung vào mục tiêu của từng cá nhân và những gì họ mong muốn được trải nghiệm. Chẳng hạn, nếu mentee có nguyện vọng chuyển sang bộ phận mới từ marketing sang sales, doanh nghiệp có thể kết nối mentee đó với quản lý hoặc các nhân sự cấp cao thuộc team sales và thúc đẩy mối quan hệ của họ. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị sẵn các câu hỏi giúp gắn kết mentor và mentee vào buổi đầu gặp gỡ có thể khiến quá trình mentoring của họ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. 

 The Intern review – humdrum dramedy | The Intern | The Guardian

Một buổi chia sẻ về định hướng cá nhân giúp quá trình kết nối của mentor - mentee trở nên hiệu quả hơn


Báo cáo hiệu quả chương trình


Cuối cùng, việc tổng hợp và báo cáo về hiệu quả của chương trình mentorship là vô cùng cần thiết, giúp các nhân sự đánh giá những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình đã có được thông qua chương trình. Từ đó, cấp quản lý cũng như ban lãnh đạo có cái nhìn tổng thể hơn về tính hiệu quả của chương trình mentorship đối với sự phát triển của doanh nghiệp.


The Intern 'review' – A Film Utopia

Đo lường tính hiệu quả của chương trình mentorship là một yếu tố cần thiết ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp


Thảo Vy