Dựa vào dữ liệu mua hàng tại Trung Quốc năm 2003, các nhà nghiên cứu dự đoán việc thay đổi hành vi tiêu dùng có thể mang đến những thách thức và cơ hội mới cho ngành FMCG trong nạn dịch Corona năm nay.


Một trung tâm mua sắm vắng vẻ ở Thành Đô (Trung Quốc) vào ngày 30/1/2020


Theo đánh giá của công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel, đại dịch SARS - Hội chứng hô hấp cấp nặng bùng nổ vào năm 2003 đã tác động đáng kể đến ngành hàng FMCG ở Trung Quốc. Cụ thể, doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh ở 15 thành phố của Trung Quốc suy giảm mạnh vào tháng 4, tháng 5 năm 2003 - đây cũng là lúc các ca nhiễm SARS đạt đỉnh điểm. Đến tháng 6, thị trường đã quay trở lại mức tăng trưởng bình thường.



Trong thời gian chiến đấu với SARS, người dân có xu hướng tích trữ thực phẩm tại nhà, điều này khiến doanh số của các cửa hàng ăn uống bị giảm rõ rệt. Ngoài ra, lượng tiêu thụ các chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân cũng tăng vọt.



“Cơn ác mộng” SARS cũng mang lại lợi ích cho các siêu thị lân cận và cửa hàng tiện lợi.



Phía Kantar Worldpanel cũng nhận định rằng, năm 2003 được xem là “bước đà” cho ngành thương mại điện tử non trẻ tại Trung Quốc. Ngày 10/5/2003, Jack Ma đã sáng lập ra trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao giữa bối cảnh khủng khiếp của đại dịch SARS, giúp người dân yên tâm hơn khi mua sắm tại nhà. Từ tác động mạnh mẽ của đại dịch SARS đến ngành FMCG tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã đưa ra dự đoán trong thời thế khủng khoảng của dịch Corona: "Năm 2020 sẽ có một sự chuyển đổi lớn từ mua sắm trực tiếp sang các kênh thương mại điện tử. Mô hình phân phối “No Physical Contact” (Không tiếp xúc thân thể) dường như rất phù hợp với tâm lý của người tiêu dùng khi phòng bệnh tại nhà hiện nay."


Ngọc Anh / Advertising Vietnam Theo Campaign Asia