Công nghệ đang thay đổi và vai trò của các designer trong lĩnh vực này cũng thay đổi. Chẳng hạn như khi tương tác với các bot trò chuyện, người dùng sẽ yêu cầu cao hơn về nội dung, tính năng hơn là về thiết kế. Có thể nói, Thiết kế trực quan (Visual design) không còn “nắm đằng chuôi” trong việc thu hút mọi người sử dụng các dịch vụ công nghệ.


Để đánh giá một thiết kế tốt, chúng ta không chỉ chú trọng đến vẻ ngoài mà còn xem xét cách nó đáp ứng kỳ vọng của thương hiệu và cảm giác mang lại cho người dùng. Mặc dù sự quan tâm của người dùng dành cho thiết kế trực quan ngày càng ít đi nhưng designer vẫn có thể tìm cách thích nghi để bảo đảm tầm quan trọng của mình.


Thấu hiểu “pain point” của khách hàng


Thiết kế hướng về con người, không phải công nghệ. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, designer hãy đồng cảm với khách hàng và tìm kiếm “pain point” - một vấn đề cụ thể mà họ đang gặp phải. Giống như designer, người viết nội dung luôn nỗ lực để thấu hiểu nhu cầu của người đọc. Họ thực hiện nghiên cứu của riêng mình để đảm bảo cốt truyện và sự phát triển nhân vật đáng tin cậy, trọn vẹn và không có lỗ hổng. Hơn thế nữa, họ đặt bản thân vào vị trí của các nhân vật chính để đồng cảm và hiểu rõ diễn biến trong cảm xúc.


Sự tương đồng rõ nét nhất giữa viết và thiết kế là cách xây dựng bối cảnh. Cả người viết và designer đều đòi hỏi phải có sự nhạy bén, nắm bắt mọi tình huống hợp lý. Giống như sáng tạo nội dung, quá trình thiết kế cũng cần xem xét các mức độ phức tạp trong khi tạo dựng bối cảnh qua những câu hỏi sau:

Sự khác nhau giữa bối cảnh thiết kế cho một người làm vườn và một nhà khoa học


Bối cảnh về cảm xúc


Mọi người cảm nhận như thế nào về sản phẩm của bạn, không chỉ khi họ đã trở thành khách hàng, mà cả giai đoạn trước và sau đó? Họ sử dụng sản phẩm của bạn để khuây khỏa tinh thần hay trong trường hợp cần thiết?


Bối cảnh về môi trường


Họ ở đâu khi sử dụng sản phẩm của bạn? Điều gì khác đang thu hút sự chú ý của họ? Họ có hạn chế về thời gian không?


Bối cảnh xã hội


Khi họ sử dụng sản phẩm của bạn, người khác sẽ nghĩ như thế nào? Điều đó có khiến họ cảm thấy thoải mái hay tự hào? Liệu họ có muốn chia sẻ sản phẩm của bạn với mọi người?


Trả lời được những câu hỏi trên, designer đã phần nào xác định được sản phẩm sẽ được thiết kế như thế nào và được sử dụng ra sao. Điều quan trọng nhất là designer phải duy trì bối cảnh đó trong suốt vòng đời phát triển sản phẩm. Bằng cách liên kết thiết kế của sản phẩm với câu chuyện của khách hàng sẽ giúp thương hiệu chạm đúng vào “pain point”. Một designer tài năng là người có khả năng sáng tạo những câu chuyện rõ ràng, hấp dẫn để giúp khách hàng giải quyết vấn đề họ đang gặp phải. Giống như việc kể chuyện (storytelling), mỗi dự án thiết kế đều có một hoặc nhiều nhân vật chính, bối cảnh, cốt truyện, xung đột và giải quyết. Cả người viết và designer đều đi đến giải quyết theo những cách tương tự.


Tóm lại, đối tượng mà các công ty đang săn đón ngay lúc này cũng như trong tương lai gần là những designer, vừa là người viết nội dung, vừa là người kể chuyện qua thiết kế của mình. Bên cạnh năng khiếu về thẩm mỹ, kỹ năng viết tốt sẽ giúp designer truyền tải câu chuyện đến khách hàng một cách toàn diện và đáng nhớ. Kết quả là họ có thể tạo ra những sản phẩm có chiều sâu và được mọi người yêu thích.

Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Medium