Thought Leadership Marketing (tạm dịch: Tiếp thị bằng tư duy dẫn đầu) là một chiến lược tiếp thị mà các doanh nghiệp và cá nhân sử dụng để xây dựng và thể hiện chuyên môn, sự hiểu biết sâu sắc và cái nhìn đột phá về một lĩnh vực cụ thể. Chiến lược này tập trung vào việc chia sẻ thông tin giá trị, quan điểm độc đáo và giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lòng tin, tạo sự tín nhiệm và sự ảnh hưởng đối với khách hàng và đối tác.


Thought Leadership Marketing được triển khai nhằm xây dựng hình ảnh của một doanh nghiệp/cá nhân là người dẫn đầu trong mắt khách hàng và người tiêu dùng, đồng thời là nguồn tài nguyên đáng tin cậy và có giá trị trong lĩnh vực hoạt động của họ. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc xuất bản nội dung chất lượng, như bài viết, bài phát biểu, bài đăng trên blog, podcast, video và chia sẻ thông tin kiến thức và kinh nghiệm thông qua các kênh truyền thông xã hội và sự kiện chuyên ngành.


IBM xây dựng kênh IBM Think Leadership để chia sẻ thông tin về công nghệ và kinh doanh


Thought Leadership Marketing mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và cá nhân, bao gồm tạo dựng uy tín, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút khách hàng tiềm năng, tạo ra cộng đồng ủng hộ và tăng cường giá trị thương hiệu bằng cách tập trung vào việc xây dựng và chia sẻ kiến thức ngành, thông tin về sản phẩm và cái nhìn về tổ chức của cá nhân hoặc tổ chức, cụ thể:


  • Nội dung về ngành: Đây là những nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp B2B. Các bài viết, bài phát biểu, nghiên cứu và thông tin chuyên môn được chia sẻ để mang lại cái nhìn sâu sắc và thông tin giá trị về ngành.
  • Nội dung về sản phẩm: Đây là những thông tin liên quan đến sản phẩm hoặc giải pháp doanh nghiệp B2B cung cấp. Các bài viết, bài phát biểu, tư vấn và thông tin chi tiết về sản phẩm được chia sẻ để thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và cung cấp giải pháp đáng tin cậy cho khách hàng.
  • Nội dung về tổ chức: Đây là những thông tin về chính tổ chức, văn hóa, giá trị và phương pháp làm việc của doanh nghiệp B2B. Chia sẻ về cách tổ chức hoạt động, tầm nhìn đột phá và cách tiếp cận độc đáo giúp xây dựng lòng tin và tạo sự tín nhiệm từ khách hàng và đối tác.


Mỗi loại nội dung này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, cung cấp thông tin chất lượng và tạo sự ảnh hưởng sâu sắc đối với khách hàng trong môi trường B2B.


Tại sao Thought Leadership Marketing quan trọng trong môi trường B2B?


LinkedInEdelman gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát với những người giữ vai trò ra quyết định trong kinh doanh nhằm hiểu rõ tác động thực sự của thought leadership trong môi trường B2B. Trong nền kinh tế năm 2023 với nhiều sự thay đổi, 62% các nhà lãnh đạo cấp cao dự đoán sẽ có một giai đoạn suy thoái kinh tế trong năm nay. 61% trong số các nhà lãnh đạo cho biết thought leadership có thể hiệu quả trong việc mang đến lợi ích cho một tổ chức. Trong khi đó, 50% các nhà lãnh đạo cấp cao cho biết trong thời gian suy thoái kinh tế, thought leadership có tác động lớn hơn đối với quyết định mua hàng. 


HubSpot tạo trang HubSpot Blog với hàng nghìn bài viết và tài liệu hướng dẫn về tiếp thị và phát triển kinh doanh


Trong môi trường B2B, quyết định mua hàng đòi hỏi sự tin tưởng tuyệt đối từ phía khách hàng. Khách hàng cần có đầy đủ thông tin và tự tin trong giải pháp và doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định. Vì vậy, Thought Leadership Marketing đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng lòng tin và uy tín cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Dưới đây là những lí do nên áp dụng Thought Leadership Marketing trong B2B:


Tạo sự tin cậy: Trong quyết định mua hàng B2B, sự đáng tin cậy là yếu tố cốt lõi. Khách hàng kỳ vọng rằng nhà cung cấp sẽ có kiến thức chuyên môn và sự hiểu biết sâu sắc về ngành công nghiệp và giải pháp của mình. Thought Leadership Marketing cho phép thương hiệu trở thành một nhà lãnh đạo về tư duy, cung cấp nội dung giá trị và quan điểm sâu sắc, từ đó xây dựng niềm tin và độ tin cậy của khách hàng.


Tạo sự khác biệt:. Thought Leadership Marketing cho phép một thương hiệu nổi bật và được nhận diện bằng cách chia sẻ quan điểm sáng tạo, cung cấp thông tin chất lượng cao và đưa ra giải pháp đáng tin cậy. Điều này giúp thương hiệu nổi bật và trở thành lựa chọn ưu tiên cho khách hàng.


Cisco mang đến Cisco Blogs cho chuyên gia và nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ mạng


Xây dựng mối quan hệ và tương tác: Bằng cách chia sẻ nội dung mang tính giáo dục và cung cấp thông tin giá trị, thương hiệu có thể tạo ra sự tương tác và gắn kết với khách hàng. Điều này không chỉ giúp tăng cường lòng trung thành của khách hàng mà còn tạo điều kiện cho việc thiết lập hợp tác và cộng tác dài hạn.


Tính bền vững: Trong thời kỳ kinh tế không ổn định, Thought Leadership Marketing có thể giúp thương hiệu vượt qua khó khăn và duy trì sự ổn định. Việc chia sẻ quan điểm, cung cấp giải pháp và tư vấn thông qua nội dung thought leadership có thể giúp thương hiệu tạo niềm tin và tin tưởng từ khách hàng, giúp duy trì và tăng cường quan hệ kinh doanh.


Phân biệt Corporate Thought leadership và Personal Thought leadership 


Corporate Thought Leadership: Corporate thought leadership tập trung vào việc xây dựng và truyền tải những quan điểm, ý kiến ​​và kiến thức từ góc nhìn của doanh nghiệp. Nó được xem như một phần của chiến lược marketing và quảng bá khi một thương hiệu xác định mình là một chuyên gia, có tư duy dẫn đầu trong ngành. 


Personal Thought Leadership: Ngược lại, personal thought leadership liên quan đến cá nhân và việc chia sẻ quan điểm, ý kiến ​​và kiến thức cá nhân. Các cá nhân sẽ trở thành những cá nhân có tư duy dẫn đầu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ xây dựng uy tín và sự tín nhiệm thông qua việc chia sẻ tri thức và kinh nghiệm cá nhân, thường thông qua việc viết blog, tham gia diễn đàn, thuyết trình hoặc tham gia các hoạt động chuyên ngành.


McKinsey Digital Insights là chuyên trang của McKinsey về xu hướng và tiếp cận kỹ thuật số trong kinh doanh


Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, corporate thought leadership và personal thought leadership có mối liên hệ chặt chẽ. Các cá nhân trong một doanh nghiệp có thể đóng góp vào corporate thought leadership thông qua việc chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, trong khi doanh nghiệp cũng có thể xây dựng sự lãnh đạo suy nghĩ bằng cách phát triển và thúc đẩy quan điểm của mình thông qua các nhân viên và nguồn lực nội bộ.


Lưu ý khi triển khai Thought Leadership Marketing trong B2B


Để triển khai thành công Thought Leadership Marketing trong lĩnh vực B2B, các thương hiệu cần lưu ý các yếu tố sau:


Xác định đúng đối tượng và nhu cầu: Thương hiệu cần nắm bắt rõ đối tượng khách hàng mục tiêu và hiểu rõ nhu cầu, thách thức cũng như vấn đề mà họ đang đối mặt. Điều này sẽ giúp tạo nội dung và thông điệp phù hợp, tăng tương tác và tạo niềm tin với khách hàng.


Tối ưu quy trình nghiên cứu và sáng tạo nội dung: Hãy tạo ra một quy trình nghiên cứu kỹ lưỡng để thu thập thông tin mới nhất về lĩnh vực thương hiệu đang hoạt động và tìm hiểu về xu hướng, phân tích thị trường, và những câu chuyện thành công. Dựa trên những thông tin này, hãy tạo ra nội dung chất lượng cao, sáng tạo và có giá trị để chia sẻ với khách hàng mục tiêu.


Trang Intel AI Academy cung cấp tài liệu và khóa học về trí tuệ nhân tạo


Xây dựng và phát triển mạng lưới: Thương hiệu có thể tìm kiếm các chuyên gia trong lĩnh vực bao gồm cả nhân viên nội bộ và những người ngoài công ty. Từ đó, khuyến khích họ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thông qua viết blog, tham gia diễn đàn, tham gia diễn giả tại các sự kiện ngành, hoặc trở thành khách mời trong các bài phỏng vấn. Điều này giúp xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp và tăng cường vị thế chuyên gia trong ngành.


Sử dụng các kênh truyền thông phù hợp: Xác định các kênh truyền thông phù hợp để chia sẻ nội dung với đúng đối tượng khách hàng. Điều này có thể bao gồm viết blog trên trang web công ty, xuất bản bài viết trên các trang web uy tín, sử dụng mạng xã hội, tham gia vào các diễn đàn ngành, tổ chức webinar hoặc podcast, và tham gia sự kiện của ngành để tạo mối quan hệ và tương tác với khách hàng.


Deloitte thiết lập Deloitte Insights cung cấp nội dung phân tích và báo cáo về kinh doanh và tài chính


Đo lường và theo dõi hiệu quả: Thương hiệu cần thiết lập các chỉ số hiệu suất để đo lường hiệu quả của chiến dịch Thought Leadership Marketing. Theo dõi lượng truy cập, tương tác, tăng trưởng danh sách email, hoặc doanh số bán hàng từ các khách hàng tiềm năng mới. Dựa trên dữ liệu thu thập được, thương hiệu có thể đánh giá và điều chỉnh chiến lược để đạt được kết quả tốt hơn.


Đồng bộ với chiến lược marketing chung của doanh nghiệp: Thought Leadership Marketing không tồn tại độc lập mà cần đồng bộ và tích hợp với chiến lược tiếp thị tổng thể của doanh nghiệp. Vì thế, thương hiệu đảm bảo rằng các hoạt động Thought Leadership phù hợp với những yếu tố khác trong chiến lược chung.


Bằng cách tuân thủ các yếu tố chiến lược trên, thương hiệu có thể triển khai Thought Leadership Marketing thành công trong lĩnh vực B2B, xây dựng vị thế chuyên gia, tăng cường lòng tin từ khách hàng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.


Quan Dinh H.