Ngày nay, vị trí tại công ty không quyết định bởi số tuổi của nhân sự. Một nhân sự trẻ vẫn có thể ngồi ở vị trí quản lý, đào tạo và giám sát những người thậm chí còn lớn tuổi hơn mình. Thế nhưng, theo ý kiến của những "vị" quản lý, lãnh đạo trẻ tuổi, trải nghiệm tưởng chừng như mơ trong mắt người khác này lại chứa đựng nhiều nỗi khổ riêng. 


“Năm 2020, ở độ tuổi 21, tôi quản lý một đội ngũ thiện chiến gồm 44 con người (39 nhân viên bán hàng và 5 giám sát). Đây là thử thách cực lớn vì tôi phải vừa học quản lý nhân sự, vừa hiểu rõ bộ máy vận hành nội bộ, tìm hiểu thị trường, xây dựng các mối quan hệ với nhiều đối tác lớn cũng như tạo sức ảnh hưởng trong đội ngũ”, anh Nguyễn Vũ Hoàng, Area Sales Manager tại British American Tobacco cho biết. 


Bắt đầu đi làm từ năm nhất đại học, chị Nguyễn Minh Nguyệt, Account Supervisor tại Biz-eyes đã có 8 năm kinh nghiệm tính đến thời điểm hiện tại. “Tôi trải qua khá nhiều công ty khác nhau ở các cấp bậc như Intern, Cộng tác viên, Freelancer, Account Executive, Account Supervisor/ Account Manager", chị Minh Nguyệt nói. 


Những "vị" quản lý/lãnh đạo trẻ tuổi, trải nghiệm tưởng chừng như mơ trong mắt người khác này lại chưa đựng nhiều nỗi khổ riêng. 


Hay có những trường hợp chưa muốn làm "sếp" như anh Lê Đức, Art Director tại PHIBIOUS. “Đó là câu chuyện của 2 năm trước. Tôi đang là Graphic Designer và không hề có dự định chuyển hướng qua Art Director. Tôi không tự tin mình đã có đủ khả năng để nhận vị trí đó. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi chọn thử sức làm ‘sếp’ xem sao", anh Lê Đức chia sẻ. 


Dù có định hướng từ trước hay bỗng dưng được đề xuất làm lãnh đạo, những nhân sự trẻ tuổi này đều đồng ý rằng, ngồi ở vị trí quản lý người khác khi còn quá trẻ phải chịu những nỗi khổ khó nói. 


Hoài nghi năng lực 


Tính chất công việc của quản lý và nhân sự cấp dưới là khác nhau. “Nhiệm vụ không còn đơn giản như chỉ làm tốt những việc được giao. Khi ngồi ở vị trí quản lý, tôi phải đưa ra định hướng, hướng dẫn nhân viên, hiểu rõ thị trường để đảm bảo thành công lâu dài. Tất cả những kỹ năng đó đều cần sự trưởng thành, thứ người ta thường đo bằng độ tuổi", anh Vũ Hoàng nói. 


Kể cả khi nhiều người tung hô rằng "tuổi tác không là vấn đề" hay “đánh giá nhân sự bằng độ tuổi là lạc hậu", trên thực tế những nhân sự trẻ nhưng ngồi ở vị trí cao vẫn sẽ không tránh khỏi hoài nghi năng lực. “Khi làm ‘sếp' của một nhân viên lớn tuổi, tình huống hay xảy ra nhất là nhân viên sẽ nghi ngờ năng lực. Họ sẽ kiểm tra chéo với các quản lý cấp cao hơn hoặc đồng nghiệp về lý lịch của sếp trẻ", chị Minh Nguyệt nói. Ngoài ra, khi còn trẻ nhưng đã ngồi ở những vị trí quản lý, trưởng ban và giám đốc, độ tuổi lúc này không chỉ dùng để đo đếm năng lực mà còn là “nơi đổ tội” cho mọi lỗi lầm. “Đứng trước bất cứ vấn đề gì làm chưa tốt, lỗi sai của chúng tôi sẽ là vì còn quá trẻ, chưa đủ kinh nghiệm”, chị Minh Nguyệt cho biết thêm.  


Không chỉ "người trong nhà" thiếu tin tưởng, ngay cả đối tác cũng sẽ dò chừng trước những "vị" quản lý trẻ tuổi này. “Bản thân tôi là một người trẻ ngồi ở vị trí Director, tôi đã từng nhận nhiều nghi hoặc, những lời bóng gió từ phía khách hàng. Không thể chối bỏ rằng việc dùng tuổi tác và kinh nghiệm để cân đo năng lực vẫn còn tồn tại trong hệ tư tưởng cũ. Nhưng một khi đã làm sếp thì nhân sự sẽ phải thường xuyên phải gặp gỡ, đi thuyết trình bán ý tưởng và thuyết phục khách hàng, do đó những định kiến này có lẽ sẽ là rào cản ban đầu với nhiều người”, anh Lê Đức cho biết. 


Anh Lê Đức, Art Director tại PHIBIOUS cho biết không chỉ “người trong nhà" thiếu tin tưởng, ngay cả đối tác cũng sẽ dò chừng trước những "vị" quản lý trẻ tuổi.


Trong khi đó, anh Vũ Hoàng lại chỉ ra 3 cơn đau đầu khác của những người làm quản lý khi còn trẻ. 


  • Lệch pha trong suy nghĩ: Khi ở cấp quản lý, nhân sự không chỉ chịu trách nhiệm với nhân viên mà còn phải đối diện với những người có chức vị cao hơn, và tất nhiên là khoảng cách tuổi tác cao hơn. Chính khoảng cách này sẽ gây ra sự lệch pha trong suy nghĩ, dẫn đến nhiều trường hợp không hiểu ý nhau. 


  • Đấu đá ngầm: Sẽ có tình huống, nhân sự trẻ được đề xuất làm trưởng nhóm và trong nhóm có nhiều anh chị khác vốn cũng nhắm đến chức vụ này. “Khi đó sẽ có những sự bè phái không cần thiết hoặc họ sẽ đưa các vị ‘sếp' trẻ vào thế phải làm những nhiệm vụ lạ lẫm chưa có nhiều kinh nghiệm", anh Vũ Hoàng nói. 


  • Dễ tự phụ: Ngồi ở vị trí cao hơn người khác khi tuổi còn trẻ dễ khiến nhân sự quá huyễn hoặc vào bản thân mình. “Làm ‘sếp' khi còn quá trẻ giống như Icarus bay gần mặt trời, nhiều khi vì tham vọng mà thành ra gây hại cho chính mình", anh Vũ Hoàng chia sẻ.  


Chưa kể, những vị quản lý/lãnh đạo trẻ tuổi còn không tránh khỏi những lời đàm tiếu về gia cảnh. Những tin đồn “sinh ra ngậm muỗng vàng", “ô dù", “con ông cháu cha" không phải hiếm gặp. Trên thực tế, để ngồi ở vị trí quản lý hoặc thậm chí cao hơn thế nữa, những nhân sự trẻ này đã trải qua những gì? 


Minh oan cho quản lý trẻ


Các ý kiến cho rằng, hoài nghi năng lực của quản lý/lãnh đạo trẻ có lẽ là không cần thiết, vì không phải cứ trẻ thì người đó không có kinh nghiệm. “Có những người làm nhiều năm vẫn chững ở một chỗ, cũng có những người chỉ 1-2 năm đã tiếp thu, học hỏi và phát triển rất nhanh. Nếu chỉ dùng số năm kinh nghiệm để đánh giá là không công bằng với những bạn phát triển với tốc độ nhanh hơn người khác”, anh Lê Đức nói. 


Trong khi đó, anh Vũ Hoàng cho rằng, sếp trẻ cũng bỏ công sức trau dồi như người khác. “Cũng phải mất gần 2 năm để được vị trí như bây giờ nên tôi không nghĩ sẽ có trường hợp mới ra trường là đã được làm quản lý”, anh Vũ Hoàng nói. Từ trải nghiệm của mình, anh rút ra ba tư tưởng cần phải điều chỉnh về tốc độ thăng tiến của một nhân sự: 


  1. Trong thời đại đầy biến động, nơi mà kinh nghiệm nhiều năm chưa chắc đã có thể đương đầu được với tình thế chóng mặt của thị trường → Tuổi nghề chưa chắc đã quan trọng.
  2. Quản lý/lãnh đạo cũng phải có thời gian nhất định để hiểu rõ vận hành và chắc tay trong công việc → Không phải mới vào chưa quen việc nghĩa là sếp không có năng lực. 
  3. Tốc độ phát triển và học hỏi nhanh → Không cần thiết phải thăng tiến dần dần theo từng cấp một. 


Chị Nguyễn Minh Nguyệt, Account Supervisor tại Biz-eyes nói rằng: "Người trẻ sẽ được thăng tiến nếu họ chứng minh được năng lực vượt trội hơn phần đông những người khác.


Mặc dù độ tuổi là đặc điểm nhận nhiều bàn tán nhất, thế nhưng đây không phải yếu tố tác động đến kết quả thăng tiến. Kể cả vẫn còn rất trẻ, nhân sự vẫn phải đáp ứng đủ mọi yêu cầu như những bậc tiền bối lão làng. Theo đó, chị Minh Nguyệt cho rằng phần lớn người trẻ sẽ được bổ nhiệm làm cấp cao hơn quản lý khi:


  • Họ chứng minh được năng lực vượt trội hơn phần đông những người khác, bao gồm năng lực trong công việc chuyên môn và năng lực quản lý. 


  • Họ phù hợp với vị trí được bổ nhiệm: Trong doanh nghiệp hiện nay có rất nhiều vị trí phù hợp với người trẻ hơn là những người nhiều kinh nghiệm hay đã lớn tuổi. Lúc này, nhân sự trẻ có nhiều lợi thế về sức khoẻ, thời gian, nhiệt huyết, sự quyết tâm…. 


Anh Lê Đức cho rằng, sẽ có hai kiểu nhân sự dễ làm quản lý/lãnh đạo khi còn trẻ. “Một là người đi làm sớm và có trải nghiệm từ sớm. Hai là người có năng lực vượt trội, tương xứng với vị trí sếp mặc cho độ tuổi của họ". 


Một đặc điểm nữa được anh Hoàng Vũ tiết lộ, đằng sau một vị quản lý trẻ tuổi luôn có những người hướng dẫn vĩ đại hơn. “Tôi theo đuổi hai giá trị “Empowered - Trao quyền” và “Resilience - Không bỏ cuộc”. Và sẽ chẳng có ích gì nếu các Line Manager của tôi không tạo cơ hội để tôi được thể hiện 2 giá trị đó”, anh Vũ Hoàng nói. Hay như câu chuyện của anh Lê Đức, “Ví mà lúc đó không có 1 người đồng nghiệp cũ (lúc đó đang là Creative Lead tại 1 agency) nhận thấy tiềm năng và hứa rằng sẽ tận tình chỉ bảo thì chắc tôi đã không làm Art Director”, anh Lê Đức cho biết. 


Nguyên tắc quản lý nhân sự lớn tuổi hơn


Theo anh Lê Đức, mặc dù các "sếp" trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý nhân sự, nhưng không phải là không có cách giải quyết. “Gây dựng mối quan hệ tốt, tạo được niềm tin với đồng nghiệp cấp dưới và để các bạn thể hiện bản thân là một cách tôi đang làm để quản lý nhóm tốt hơn. Nếu bạn làm cho đồng nghiệp dù hơn tuổi vẫn cảm thấy mình đủ khả năng dẫn dắt các bạn, biết cương biết nhu đúng lúc đúng chỗ để mọi người có sự thoải mái nhất định trong công việc thì sẽ giảm đi những ngờ vực hay mâu thuẫn trong công việc”, anh Lê Đức nói. 


Đồng thời, khi làm quản lý, việc để nhân viên được tự chủ trong sản phẩm của mình và tự do thể hiện quan điểm cũng là điều quan trọng. “Tôi sẽ tôn trọng ý kiến của các bạn, can thiệp khi cần thiết và định hướng cho các bạn, như vậy mỗi người sẽ cảm thấy giống như trong mối quan hệ đồng nghiệp hơn là mối quan hệ sếp - cấp dưới và có thể tự do chia sẻ quan điểm hơn”, anh Lê Đức chia sẻ. 


Anh Nguyễn Vũ Hoàng, Area Sales Manager tại British American Tobacco cho rằng làm việc chuyên nghiệp sẽ giúp quản lý trẻ lấy được niềm tin của nhân viên.


Trong khi đó, anh Vũ Hoàng lại có 5 nguyên tắc khi quản lý nhân sự: 

  1. Làm việc chuyên nghiệp.
  2. Luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người.
  3. Tận dụng những thế mạnh về Technical/ Code/ Excel vì đó là lợi thế của người trẻ.
  4. Luôn có định hướng trong mọi việc.
  5. Luôn chuyên nghiệp trong tác phong (ăn mặc/ giờ giấc làm việc).


Một trong những điểm lưu ý khi làm quản lý trẻ chính là biết vạch ranh giới nhất định trong công việc. “Trong đời sống bình thường, bạn có thể là người nhỏ tuổi hơn, có thể sử dụng ngôn từ thoải mái miễn vẫn tôn trọng nhau. Nhưng trong công việc thì sẽ phải tuân theo quy trình chuẩn chỉnh nhất, theo thứ tự cấp bậc rõ ràng", chị Minh Nguyệt nói. 


Hằng Trần/Advertising Vietnam