Thăng tiến ở agency: Đủ năng lực nhưng không đáp ứng tiêu chí của công ty, nhân sự nên làm gì?

Để đạt được vị trí tốt và mức lương cao, nhân sự cần phải chứng tỏ được năng lực của bản thân và vạch ra lộ trình thăng tiến phù hợp. Vậy làm thế nào để nhân sự phát triển đến những vị trí cao hơn tại agency?


Hãy cùng các nhân sự từ agency Ogilvy & Mather Vietnam, ZEE Agency, Biz-Eyes, TBWA\Group Vietnam, CHI Communications CMH Saigon phân tích về chủ đề này!



“Không có một cột mốc thời gian cụ thể cho việc thăng tiến”


Sau khi đã gia nhập vào thị trường lao động, bất kỳ cá nhân nào cũng sẽ mong muốn được thăng tiến nhanh chóng. Thế nhưng, cụ thể thì bao lâu nhân sự mới được “lên chức”? Chị Lan Nguyễn - Senior Project Manager tại Biz-Eyes bày tỏ: “Việc thăng tiến tùy thuộc vào mô hình vận hành của mỗi agency. Sẽ có agency tổ chức review xem xét thăng tiến cố định mỗi 6 tháng/lần. Tuy nhiên, mỗi công ty sẽ dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ năng lực mà còn cả nỗ lực của cá nhân đó thông qua các dự án để quyết định (có thể là 6 tháng hoặc 1-2 năm tùy vào vị trí được cân nhắc và các đề xuất của leader).”


Tuy nhiên, anh Nhật Minh - Associate Creative Director tại TBWA\Group Vietnam lại cho rằng: “Không có một mốc thời gian ‘thông thường’ và cố định nào để nhân sự thăng tiến trong giới agency. Có người đi làm 1, 2 năm đã được đề bạt chức vụ cao hơn, cũng có người phải đến 5 năm, 7 năm. Điều này phụ thuộc vào năng lực và quá trình phấn đấu của mỗi người”, anh Nhật Minh cho biết.



Vậy công ty sẽ dựa vào những tiêu chí nào để xét thăng tiến cho nhân sự? Từ góc nhìn của mình, chị Vy Nguyễn - Senior Social Media Executive tại CHI Communications chia sẻ: “Khi đưa ra quyết định thăng tiến cho một nhân viên, theo mình công ty thường sẽ phải dành thời gian đánh giá lại quá trình làm việc của nhân sự. Vài yếu tố có thể được xem xét là: Hiệu suất công việc (performance) thể hiện qua mức độ hoàn thành công việc, những giá trị bạn đã tạo ra và đóng góp cho dự án, cho công ty; thái độ trong công việc; những kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu,.. Bật mí là công ty sẽ có một form đánh giá với các tiêu chí được liệt kê cụ thể (có thể sẽ thay đổi tuỳ vào từng công ty và yêu cầu vị trí công việc).”


“Mỗi công ty sẽ có cho họ những tiêu chí và định hướng phát triển nhân viên khác nhau. Tuy nhiên điểm chung ở hầu hết các agency mà mình đã có cơ hội làm việc qua thì ‘thái độ’ vẫn là tiêu chí tiên quyết và chiếm phần trăm cao nhất trong quyết định của các cấp lãnh đạo/leader về việc thăng tiến cho nhân viên. ‘Thái độ’ ở đây sẽ gồm việc cá nhân đó đã sẵn sàng cho việc sẽ đảm đương trách nhiệm ở vị trí mới và đủ bản lĩnh để đón nhận những thử thách ở mức độ cao hơn hay chưa. Sau đó, năng lực mới là tiêu chí tiếp theo để xem xét. 


Tại sao thái độ lại được cân nhắc trước rồi mới đến năng lực? Ngày nay có một hiện trạng rất dễ nhìn thấy là có không ít cá nhân có đủ năng lực để đảm đương các vị trí Senior hoặc Leader nhưng họ lại chưa sẵn sàng để nhận thử thách hay trở thành người ‘đứng đầu tàu’, hoặc các bạn có định hướng công việc khác biệt – chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Với những trường hợp này thì thông thường công ty sẽ xem xét và đánh giá để tăng mức lương định kỳ dựa trên performance/KPI mà chưa cân nhắc việc đề bạt thăng tiến cho cá nhân đó”, chị Lan Nguyễn - Senior Project Manager tổng kết.



Từ những tiêu chí trên, nhân sự có thể tự xây dựng một lộ trình thăng tiến cho bản thân, hay còn được gọi là Career Path. Chị Phương Dung - Senior Account Executive tại Ogilvy & Mather Vietnam chia sẻ: “Với những trải nghiệm của Dung trước đây tại các tập đoàn lớn thì lộ trình thăng tiến được vạch rõ từ những tháng đầu đi làm. Không chỉ công ty đưa ra những tiêu chí hay những gạch đầu dòng về KPI mà đó còn là sự trao đổi từ phía sếp, team nhân sự và chính bản thân. Theo mình, chính bản thân nhân sự phải là người đặt ra những mục tiêu mà mình muốn đạt được trong công việc trong vòng 6 tháng - 1 năm, từ đó tự hoạch định kế hoạch để đạt mục tiêu đó (Development plan). Các bạn cần trao đổi với sếp về hai điều trên vì sếp sẽ là người hướng dẫn bạn thực hiện hoá mục tiêu kèm theo những KPI từ sếp như lợi nhuận, thành tích,…. Chúng ta cần có những con số cụ thể để xác định việc đạt được mục tiêu đề ra một cách chính xác và dễ dàng hơn.”


Nhân sự nên chứng minh năng lực của bản thân như thế nào để được thăng tiến?


Để có thể nhận được mức lương hấp dẫn cũng như vị trí cao hơn, nhân sự cần phải thể hiện được năng lực và giá trị của bản thân trong công việc. Anh Đức An - Senior Account Executive tại ZEE Agency chia sẻ: “Đầu tiên, nhân sự phải làm tốt những yếu tố chuyên môn trong vị trí của mình: ví dụ Creative thì phải sáng tạo/ viết hay, Account thì phải hiểu khách hàng/ quản lý dự án hiệu quả,... Sau đó thì mỗi cá nhân có thể phát triển những thế mạnh riêng để hỗ trợ công việc, đơn cử như một Account có thể tham gia đóng góp vào quá trình sáng tạo, hiểu về ngôn ngữ thiết kế, brainstorm ý tưởng cùng Creative thì dấu ấn của Account đó sẽ có sức ảnh hưởng hơn. Ngoài ra, nhân sự cũng có thể chứng minh năng lực bằng kết quả công việc như sự hài lòng của khách hàng, vượt được KPI, sự ghi nhận từ đồng nghiệp, dấu ấn cá nhân trong từng dự án,...”



Chị Vy Nguyễn bày tỏ: “Theo mình, khi tham gia một dự án bất kỳ nào đó (đặc biệt là dự án lớn), nhân sự đã có 50% cơ hội để thể hiện bản thân rồi - 50% còn lại là chứng mình năng lực của mình ra sao để những người có vai trò quyết định cơ hội thăng tiến của bạn thấy được điều đó. Với mình, điều kiện tiên quyết vẫn là tinh thần trách nhiệm đi cùng kỹ năng chuyên môn, cứ làm đúng trước là đã tạo ra hiệu quả. Ai mà không ưng việc một bạn nhân viên luôn làm theo yêu cầu chứ? Ở những level như Intern/ Junior thì thường cấp trên sẽ mong muốn bạn làm đúng trước đã, sáng tạo bay bổng cao xa từ từ chưa vội. Còn những vị trí cao hơn như Senior, Supervisor,.. ngoài việc làm đúng thì nhân sự cũng cần phải ‘pro’ hơn về mặt ý tưởng, cách thực thi công việc, kỹ năng tư duy sâu khi giải quyết một vấn đề. Tất nhiên là càng lên cao, những yêu cầu cũng sẽ càng ‘dừ’ hơn để xem bạn có đủ năng lực để xử lý chúng không, đặc biệt là kỹ năng làm việc với con người và quản lý con người.” 


Ngoài ra, chị Vy Nguyễn cũng chia sẻ thêm rằng: “Một người hướng nội, hướng ngoại hay hướng về lương đều được, nhưng phải có tính kỷ luật (với bản thân) và tinh thần trách nhiệm. Ngay cả những việc nhỏ hay đơn giản nhưng nếu mình làm với sự nhiệt huyết thì sẽ tạo ra mức độ ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, trang bị cho mình những kỹ năng về lãnh đạo (leadership và self-leadership), năng lực quản trị (management-skill) và kỹ năng làm việc với ‘con người’ là điều không thể thiếu.”



Và khi thời gian đã “chín muồi”, tức là nhân sự cảm thấy bản thân đã đủ năng lực để đảm nhận một vị trí cao hơn, nhân sự có thể mạnh dạn đề xuất với công ty về việc thăng tiến. Chị Lan Nguyễn chia sẻ: “Cá nhân mình sau hơn 10 năm chinh chiến qua nhiều agency thì mình nghĩ các bạn nên mạnh dạn đề xuất khi tự nhìn nhận thấy bản thân đủ năng lực và sự tự tin cho vị trí mong muốn. Việc này còn là động lực cho các bạn cố gắng nhiều hơn mỗi ngày và cũng là một cách để thể hiện màu sắc, cá tính riêng ở nơi mà các bạn đang cống hiến. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mà mình góp nhặt được thì việc nhân sự tự nhận biết được bản thân và bày tỏ một cách chân thành, từ tốn thì khả năng thăng tiến sẽ cao hơn, đồng thời nhân sự cũng tạo được ấn tượng tốt cho mọi người.” Anh Đức An cũng cho biết thêm rằng nhân sự nên tự xác định mục tiêu cho bản thân. “Sau 6 tháng hoặc 1 năm, nhân sự có thể tự ‘review’ lại bản thân. Nếu thấy mình đã cố gắng đủ và mang lại kết quả tốt thì nhân sự có thể tự đề xuất việc thăng tiến trong trường hợp chưa nhận được offer từ công ty. Còn nếu bản thân chưa tự tin và chưa thấy công ty offer thì có lẽ nhân sự nên cố gắng thêm một thời gian nữa”, anh bày tỏ. 


Tuy nhiên, nhân sự cũng cần hiểu được rằng không phải lúc nào làm tốt cũng sẽ được thăng tiến. Có rất nhiều trường hợp nhân sự hoàn toàn đủ khả năng để lên một vị trí mới nhưng công ty không phê duyệt. Anh Đình Hiển, Head of Creative tại CMH Saigon lý giải: “Drama này thì ai cũng dính dù ở cấp bậc Junior hay Senior. Có nhiều câu trả lời từ phía công ty khi từ chối offer thăng tiến của ai đó nhưng bạn có thể hiểu đơn giản đó là bài toán cung - cầu. Năng lực bạn cực tốt và bạn yêu cầu offer lên chức có nghĩa là bạn đang chào hàng công ty mua năng lực đó. Tuy nhiên, công ty có cần năng lực ở mức độ đó hay không? Có thể là công ty đã có người có năng lực đó rồi, không cần thêm. Hoặc cũng có thể là do thị trường khó khăn nên công ty không cần hoặc không đủ ngân sách cho nhu cầu đó. Đơn giản là vậy!”


Từ góc nhìn của bản thân, anh Đức An lý giải: “Ngoài vấn đề về khả năng tài chính của công ty (mỗi công ty có một năng lực tài chính khác nhau), trường hợp nhân sự không được phê duyệt có thể là vì nhân sự đó có năng lực nhưng thiếu kỹ năng quản lý. Việc thăng tiến đồng nghĩa với việc trách nhiệm sẽ cao hơn, khi đó ở dưới bạn sẽ có nhiều nhân sự level thấp hơn, bạn sẽ phải quán xuyến và hỗ trợ các bạn ấy nhiều hơn. Ngoài ra, lý do cũng có thể đến từ văn hoá của doanh nghiệp (chế độ thưởng, đánh giá chưa rõ ràng, khả năng giữ chân nhân sự không tốt,...).



Chị Kim Ngân - Senior Concept Developer tại Biz-Eyes cũng cho biết: “Thực ra lý do để công ty không phê duyệt việc thăng tiến thì có rất nhiều. Có thể là do không có headcount và thậm chí còn phụ thuộc vào cả chiến lược của công ty nữa. Nếu nhân sự cảm thấy bản thân đủ khả năng nhưng công ty không phê duyệt, nhân sự có thể trao đổi thẳng thắn để biết được nguyên nhân và cùng quản lý của mình tìm hướng giải quyết. Còn nếu không thể giải quyết thì mình có thể… nghỉ việc.”


Tuy nhiên, việc nhân sự tự nâng cao năng lực bản thân không nên vì công ty mà nên vì chính bản thân mình. Chị Phương Dung chia sẻ: “Thật ra đối với Dung, nhân sự không phải chứng minh khả năng bản thân cho ai khác mà là khám phá khả năng của mình có thể đạt tới đâu, nếu tự bước ra vùng an toàn của bản thân thì đó đã là thành công. Mình nghĩ khi các bạn nhìn nhận theo hướng này thì sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn, đồng thời cảm thấy thoải mái, tự do hơn trong việc đạt được mục tiêu. Sau cùng thì những người xung quanh như các sếp cũng sẽ nhìn thấy và đánh giá các bạn qua những điều bạn làm được.”


“Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ”


Chuyên gia Giáo dục kiêm nhà hùng biện nổi tiếng Lí Yên Kiệt đã viết lời ngỏ của quyển sách "Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ" như sau: "Trong xã hội thông tin hiện đại, sự im lặng không còn là vàng nữa, nếu không biết cách giao tiếp thì dù là vàng cũng sẽ bị chôn vùi. Trong cuộc đời một con người, từ xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị cho đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc,… không thể không cần đến kỹ năng và khả năng giao tiếp. Khéo ăn khéo nói thì đi đâu, làm gì cũng gặp thuận lợi. Không khéo ăn nói, bốn bề đều là trở ngại, khó khăn." Và cũng như một nhà triết học phương Tây cũng đã nhận định: "Trên thế gian có một kỹ năng giúp con người thành công rất nhanh và được mọi người công nhận, đó chính là khả năng nói chuyện và giao tiếp"



Anh Đình Hiển cho biết: "Theo tôi, nhân sự sẽ dễ được thăng tiến hơn nếu như biết cách khéo léo xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên. Chẳng ai làm việc suôn sẻ nếu như nhân viên suốt ngày 'mặt nặng mày nhẹ' với bộ phận quản lý, lúc này chắc hẳn nhân sự chẳng còn muốn đi làm chứ đừng nói là chứng minh năng lực. Trên thực tế, nhân sự có quyền lựa chọn và tìm hiểu sếp trực tiếp của mình ở vòng phỏng vấn. Hãy cố gắng 'stalk' thông tin về sếp để hiểu phần nào tính cách, quan điểm và đánh giá xem mình có thể làm việc tốt với họ hay không. Nhưng điều quan trọng nhất để được thăng tiến vẫn là năng lực."


Anh Nhật Minh nhận định: "Trước hết, mình cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên (theo một nghĩa tích cực). Trên thực tế, không chỉ riêng cấp trên, bạn cần xây dựng quan hệ tốt với cả đồng nghiệp nói chung nữa. Bởi tất cả những mối quan hệ này có thể sẽ đem đến cho bạn các kiến thức, kỹ năng mới mà bạn chưa có, hoặc giúp bạn hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Mình thấy việc này không có gì sai, thậm chí còn tạo nên một môi trường làm việc thoải mái, thân thiện."



Chị Phương Dung cũng đồng ý rằng khéo léo xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên và đồng nghiệp sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nhân sự: "Khéo xây dựng mối quan hệ thì bạn không chỉ tạo được niềm tin yêu từ mọi người mà còn là tạo dựng được những tình bạn, tình chị em và tình cảm gia đình tại chốn làm việc. Từ đó, bạn sẽ có thêm niềm vui trong công việc, tinh thần thoải mái để tập trung phát triển và đạt được mục tiêu mình đề ra để thăng tiến. Chứ không phải cứ ‘thân’ với sếp là sẽ được ưu ái đâu nhé!"


Các bạn có thể xem các bài viết cùng series tại đây


Thăng tiến ở agency: Đủ năng lực nhưng không đáp ứng tiêu chí của công ty, nhân sự nên làm gì?

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

15 Thg 10 2022

Lưu

Cùng chuyên mục