Hiện nay, việc mua bản quyền các chương trình truyền hình từ nước ngoài để Việt hóa đã trở thành một xu hướng phổ biến trong ngành truyền thông giải trí. Tuy điều này mang lại nhiều lợi thế về mặt thương hiệu và dễ dàng thu hút khán giả, nhưng không phải chương trình nào cũng có thể kéo dài và duy trì thành công qua nhiều mùa phát sóng. Để chương trình không bị lãng quên, các công ty truyền thông phải đối mặt với những bài toán về việc làm mới format và giữ chân khán giả.



Nếu như nhiều năm về trước có các chương trình truyền hình đình đám được mua lại bản quyền phát sóng như So You Think You Can Dance, The Voice, MasterChef,... thì hiện nay cũng có nhiều chương trình truyền hình đang được mua bản quyền từ nước ngoài và được nhiều người xem hưởng ứng như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, 2 Ngày 1 Đêm, Street Woman Fighter, Our Song Việt Nam,... 


Các chương trình từ nước ngoài đã có sẵn độ nhận diện nên khi Việt hoá sẽ dễ dàng thu hút khán giả hơn 


Nổi bật là chương trình Running Man đến từ Hàn Quốc đã được Việt hoá thành Chạy Đi Chờ Chi phát sóng trên Đài truyền hình HTV. Bản thân bản gốc đã xây dựng được cộng đồng người hâm mộ vững chắc từ Hàn Quốc vươn ra đến toàn cầu và luôn là chương trình thực tế có rating cao tại Hàn Quốc.


Chính vì thế, khi có thông tin Việt Nam sẽ mua bản quyền Running Man để Việt hoá thì cộng đồng người hâm mộ Running Man bản gốc tại Việt Nam đã có nhiều bài đăng mong chờ. Trong đó, có nhiều bài đăng về việc dự đoán dàn cast của chương trình và nhiều bài đăng bày tỏ sự mong chờ khác khiến cho chương trình chưa phát sóng tại Việt Nam là đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. 



Phát sóng tập đầu tiên vào năm 2019, Chạy Đi Chờ Chi đã không làm khán giả thất vọng với sự đầu tư tỉ mỉ trong từng khung hình của công ty Madison Media Group và ekip của đài truyền hình SBS Hàn Quốc. Running Man phiên bản Việt được nhiều khán giả đón nhận và có nhiều nhận xét rằng không thua kém bản gốc khi các trò chơi được khai thác một cách sáng tạo, dàn cast hài hước. Lượt view trên YouTube tính đến hiện tại là hơn 24 triệu lượt xem và tỷ suất lượt xem tập đầu tiên trên kênh HTV7 là 2,4%. 


Gần đây, chương trình Nữ Hoàng Vũ Đạo Đường Phố được Việt hoá từ chương trình Street Woman Fighter của đài truyền hình Mnet, Hàn Quốc cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả trẻ, đặc biệt là cộng đồng những người đam mê nhảy múa. Tại Hàn Quốc, chương trình đã thực hiện được 3 mùa, bao gồm 2 mùa dành cho vũ công nữ và một mùa dành cho vũ công nam. Tuy đã trải qua 3 mùa phát sóng, nhưng chương trình này vẫn luôn được nhiều khán giả yêu thích và viral đến toàn cầu. 



Với phiên bản Việt Nam, dù chỉ mới trải qua 7 tập phát sóng ở mùa đầu tiên nhưng chương trình đã nhận được nhiều sự chú ý từ khán giả. Những điệu nhảy trong chương trình cũng được nhiều bạn trẻ cover lại và tạo ra một làn sóng trên TikTok. Không những thế, vì chương trình đã có sẵn độ nhận diện từ Hàn Quốc nên không ít những bài đăng trên mạng xã hội sẽ so sánh giữa các nhóm nhảy của hai phiên bản. Từ đó, tạo ra độ thảo luận cao cho chương trình, làm cho chương trình ngày càng được nhiều người biết đến. 



Kể từ khi chương trình Nữ Hoàng Vũ Đạo Đường Phố phát sóng, mạng xã hội Threads đã là một nơi quy tụ cộng đồng người hâm mộ của chương trình. Hàng loạt những bài đăng về phân tích phần thi và cảm nhận chương trình xuất hiện trên nền tảng này và nhiều người còn cho rằng ‘Threads chính là mạng xã hội dành riêng cho chương trình’. 


Giữ chân khán giả là bài toán khó mà các chương trình truyền hình phải tìm ra lời giải 

 

Mặc dù các chương trình bản quyền có thể thu hút người xem trong những mùa đầu tiên nhờ độ nổi tiếng của bản gốc, nhưng thách thức lớn nhất là làm thế nào để giữ chân khán giả lâu dài. Để thực hiện được điều này, các đơn vị sản xuất cần phải liên tục sáng tạo và cập nhật format của chương trình sao cho phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt Nam mà vẫn không mất đi tinh thần của bản gốc. 


Đáng chú ý là chương trình 2 Ngày 1 Đêm hiện đang phát sóng từ năm 2022 đến hiện tại, được mua bản quyền từ chương trình cùng tên của đài truyền hình KBS Hàn Quốc. Trải qua 3 mùa phát sóng, 2 Ngày 1 Đêm phiên bản Việt vẫn luôn được nhiều khán giả ở mọi lứa tuổi ủng hộ và các tập phát sóng luôn nằm trong top trending trên nền tảng YouTube.  



Tuy nhiên, trái ngược với 2 Ngày 1 Đêm, chương trình Running Man phiên bản Việt lại dừng sản xuất sau 2 mùa phát sóng khiến nhiều khán giả tiếc nuối. Lý do lớn nhất là ở mùa 2 chương trình đã thay đổi một số gương mặt trong dàn khách mời trong khi khán giả vẫn còn mong muốn dàn cast ở mùa 1 tiếp tục xuất hiện, đồng thời có những tranh cãi của khách mời xảy ra. Lý do tiếp theo đó chính là ở mùa 2, việc sản xuất chương trình được thực hiện bởi toàn bộ ekip Việt, các trò chơi không còn mới mẻ nên khiến cho chương trình dần không còn được thu hút như mùa 1.


Keep Running những mùa đầu tiên (trái) và mùa 13 (phải)


Trong khi đó, đất nước mua bản quyền từ Running Man đầu tiên để bản địa hoá lại chính là Trung Quốc, nay được gọi với tên ‘Keep Running’ liên tiếp thực hiện được tổng cộng 16 mùa tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm mùa đặc biệt. Dù thay đổi gần hết dàn cast qua nhiều mùa phát sóng, nhưng Keep Running vẫn giữ được sự đón nhận của khán giả nhờ kịch bản trò chơi được thiết kế sáng tạo và đầu tư. 


Một trong những khó khăn lớn nhất khi Việt hóa chương trình nước ngoài chính là sự khác biệt về văn hóa và thẩm mỹ giữa các quốc gia. Dù có sẵn một format thành công, không phải lúc nào các yếu tố này cũng phù hợp với khán giả Việt Nam. Các nhà sản xuất cần hiểu rõ văn hóa địa phương để điều chỉnh nội dung và cách thức thể hiện sao cho vừa đảm bảo tính giải trí, vừa giữ được tinh thần của bản gốc. 



Chương trình truyền hình đã thực hiện được điều này đó chính là ‘Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai' khi lồng ghép chất liệu truyền thống Việt Nam vào các Công diễn hay với chương trình 2 Ngày 1 Đêm, chương trình đã khéo léo kết hợp các trò chơi với lịch sử, văn hoá Việt Nam. Những yếu tố này không những giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn mang tính chất giáo dục giới trẻ về một Việt Nam có bề dày lịch sử, văn hóa đáng tự hào. 



Đáp ứng sự mong chờ từ khán giả cũng là một bài toán nan giải dành cho bộ phận sản xuất. Khán giả ngày nay không chỉ dừng lại ở việc theo dõi nội dung, khán giả còn quan tâm đến chất lượng sản xuất của chương trình. Những chương trình có sự đầu tư mạnh mẽ về mặt hình ảnh, âm thanh và kỹ thuật thường dễ dàng ghi điểm với khán giả hơn. Tuy nhiên, việc duy trì chất lượng này trong suốt nhiều mùa phát sóng là một thách thức không nhỏ. Các nhà sản xuất không chỉ phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà còn cần có đội ngũ sáng tạo linh hoạt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ khán giả. 


Ngoài ra, theo dữ liệu từ Kompa, sức thảo luận của 2 Ngày 1 Đêm mùa 2 tăng gấp 3 lần so với mùa 1. Cho thấy được sự đón nhận của khán giả đối với chương trình và cũng là sự khẳng định của họ trong việc đáp ứng được kỳ vọng về kịch bản, chất lượng chương trình. 



Chiến lược mua bản quyền chương trình truyền hình từ nước ngoài để Việt hóa tuy mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất. Việc duy trì sự mới mẻ, giữ chân khán giả và đáp ứng kỳ vọng về chất lượng sản xuất đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ và đầu tư bài bản. Nếu được thực hiện khéo léo, không chỉ chương trình mà cả các thương hiệu tài trợ đều sẽ hưởng lợi từ sự thành công của các chương trình Việt hóa.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!