Vào ngày 19/04 vừa qua, Apple thông báo đã sử dụng 20% vật liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm của hãng vào năm 2021, đánh dấu cột mốc cao nhất trong nỗ lực bảo vệ môi trường của tập đoàn (theo Báo cáo Tiến độ Môi trường 2022 của Apple).


Cụ thể, trong năm 2021, Apple thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo vệ môi trường như:

- 13% coban tái chế được chứng nhận sử dụng trong pin iPhone.

- 30% thiếc tái chế được sử dụng. Các thiết bị iPhone, iPad, AirPods và Mac mới của hãng sử dụng 100% thiếc tái chế trong bảng mạch.

- 45% nguyên tố đất hiếm tái chế được sử dụng trong các thiết bị Apple.

- 59% tổng lượng nhôm trong các sản phẩm của Apple đến từ các nguồn tái chế. Nhiều sản phẩm có vỏ nhôm tái chế 100%.


Vỏ nhôm tái chế 100% của Apple


iPhone 13 ra mắt vào năm 2021 là “thiết bị sinh thái nhất” của tập đoàn ở thời điểm hiện tại. Đây là sản phẩm đầu tiên của Apple sử dụng vàng tái chế trong lớp vỏ của bảng mạch cũng như dây cáp của camera trước và sau, đồng thời là sản phẩm đầu tiên không chứa vật liệu đóng gói bằng nhựa. Theo Apple, “cột mốc quan trọng” này sẽ tạo điều kiện cho tập đoàn thiết lập chuỗi cung ứng vàng được tạo thành hoàn toàn từ các vật liệu tái chế.


Thiết bị iPhone 13 là thiết bị sinh thái nhất của Apple ở thời điểm hiện tại


Bên cạnh đó, tập đoàn đã giảm 75% nhựa trong bao bì sản phẩm từ năm 2015 và chỉ có 4% nhựa được sử dụng trong bao bì vào năm 2021. Apple hướng đến mục tiêu loại bỏ tất cả nhựa khỏi bao bì vào năm 2025.


Trong nỗ lực bảo vệ môi trường, tập đoàn đã chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho hệ sinh thái các văn phòng, cửa hàng và trung tâm dữ liệu kể từ năm 2018. Bằng cách loại bỏ bộ sạc và tai nghe khỏi iPhone của mình vào năm 2020 để giảm rác thải điện tử, chiến lược này đã tiết kiệm cho tập đoàn gần 6 tỷ USD.


Theo AppleGizChina

Kim Ngọc / Advertising Vietnam