Thời trang là ngành công nghiệp phát triển rực rỡ, đa dạng và tốc độ thay đổi nhanh chóng đã được cho là có mức sử dụng và ô nhiễm nước ngọt cao nhất. Phải mất khoảng 2.700 lít nước để làm một chiếc áo phông cotton và 17-20% ô nhiễm nước công nghiệp xuất phát từ việc nhuộm và xử lý dệt may. Xu hướng thời trang bền vững ra đời như lời cam kết “lột xác” cho ngành thời trang tương lai, biến nó thành một ngành công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường. 



Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) đã và đang là một bước tiến mới trong ngành thời trang. Theo Orsola De Castro – đồng sáng lập của Fashion Revolution, chúng ta xem “thời trang bền vững” như một xu hướng là vì chúng ta chỉ nhận thấy nó như một tình trạng nhất thời. “Chúng ta cần làm thời trang một cách thông minh hơn. Đây là vấn đề về sự sống còn và tồn tại của loài người”. Orsola cho rằng thời trang là ngành nhiều tiềm năng, bởi vì nó hầu như ảnh hưởng và có liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác từ nông nghiệp đến truyền thông. 


Thời trang bền vững không có đích đến, mà là hành trình học hỏi, tìm tòi và sáng tạo không ngừng nghỉ. Nếu như "thời trang nhanh" chỉ nhấn mạnh vào "gu" nhất thời, thì thời trang bền vững không chỉ dừng lại ở một vòng đời sử dụng mà còn thể hiện sự thông minh, khôn khéo, trách nhiệm của các thương hiệu đối với môi trường và con người.



Thời trang bền vững là từ khóa thịnh hành nhất năm 2018. Nguyên nhân khiến những từ khóa liên quan tới chủ đề này trở nên phổ biến như vậy nằm ở thế hệ của những người trẻ hiện tại. Thế hệ trẻ ngày nay đang ngày một nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề môi trường. Hàng loạt các dự án, tổ chức được thành lập để bảo vệ môi trường là một minh chứng hết sức rõ ràng. Họ bắt đầu nhìn thấy những tác hại của các hành vi xâm phạm tới Trái Đất của con người, từ đó xây dựng cho mình một lối sống xanh hơn. Điều này cũng mở ra cơ hội mới cho các thương hiệu mới và đặt ra một khúc ngoặt quanh co cho các thương hiệu lâu năm trên thị trường, buộc họ phải trở mình thay đổi nhằm sống sót trên đường đua bán lẻ ngành thời trang trong tương lai.


Ưu tiên các chất liệu thân thiện từ thiên nhiên; hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn nhiên liệu, năng lượng trong sản xuất; đối xử công bằng với người lao động... Thời trang bền vững hứa hẹn sẽ là một yếu tố cạnh tranh quyết định đối với các doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững, là làn sóng văn hoá tốt đẹp truyền tải tới công chúng trong tương lai gần.



Sống ở thời hiện đại nhưng việc chúng ta theo đuổi, ủng hộ thời trang truyền thống không có nghĩa là lỗi thời, mà nó mang lại mang đến một "vibe" rất riêng, rất hay. Thời trang thời thượng không có nghĩa là những trang phục thời thượng, cập nhật xu hướng mà nó mang một ý nghĩa rộng lớn hơn: những sản phẩm được đầu tư công sức và sự tỉ mẩn trong từng công đoạn tạo ra nó.


Quá trình dệt lụa được thực hiện trên các khung cửi gỗ, sử dụng sức đạp của người thợ, cùng các thao tác con thoi để dệt nên lụa. Trong quá trình dệt, người thợ cần chăm chú theo dõi các sợi tơ để kịp thời chỉnh sửa, nối tơ nếu bị đứt, tránh lỗi xuất hiện nhiều trên bề mặt sản phẩm.



Nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng biệt của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc của nền văn hóa Việt Nam.


Bền vững là một khái niệm bao gồm cả giá trị môi trường và con người.Những sản phẩm bên khung cửi không chỉ hạn chế sự can thiệp của máy móc, sử dụng nguyên liệu tự nhiên mà người làm ra chúng cũng chính là một yếu tố của bền vững.


Các sản phẩm thủ công truyền thống nên được mọi người nhìn nhận như một giá trị văn hóa tốt đẹp cũng như là những sản phẩm thời trang bền vững. Xu hướng mới của thời trang bền vững sử dụng các sản phẩm vải dệt tay được làm ra từ những chiếc khung cửi mộc mạc cũng chính là một sự kết hợp tuyệt vời giữa giá trị văn hóa, truyền thống, để các sản phẩm thời trang có tiếng nói, thể hiện sâu sắc, đúng nghĩa hai từ “bền vững”.


Lấy ý tưởng từ Empower Women Asia

Thực hiện: Kim Ngọc