Vào cuối tháng 10, Amazon đã giới thiệu trợ lý AI mới mang tên Rufus, một cái tên không khỏi khiến nhiều người bất ngờ bởi yếu tố gì đã tác động đến sự lựa chọn tên kỳ lạ này. Và sự hiếu kỳ này cũng đã mở ra một đề tài thảo luận vô cùng sôi nổi trên mạng xã hội: Các AI được đặt tên lấy cảm hứng từ đâu?  


Trong lịch sử, "Rufus" từng là một biệt danh phổ biến ở La Mã cổ đại dành cho những người có mái tóc đỏ. Cái tên này cũng được gắn liền với William II của Anh, con trai thứ ba của William the Conqueror. Ngày nay, tại Vương quốc Anh, Rufus thường được coi là một cái tên thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng cũng rất phổ biến trong cộng đồng yêu chó, nhờ âm thanh gần giống tiếng sủa dễ thương của những chú cún.


Việc Amazon chọn tên Rufus cho trợ lý AI mới của mình khiến nhiều người ngạc nhiên. Tên gọi này đánh dấu cột mốc đúng 10 năm kể từ khi Amazon giới thiệu Alexa, trợ lý thông minh kích hoạt bằng giọng nói đầu tiên của họ. Trong khi cái tên Alexa được lấy cảm hứng từ Thư viện Alexandria cổ đại của Ai Cập, thì Rufus lại xuất phát từ một hình ảnh gần gũi hơn nhiều – chú chó cưng đầu tiên có mặt ở văn phòng Amazon.


Amazon đặt tên cho trợ lý AI mới nhất của mình theo tên của chú chó đầu tiên "làm việc" tại công ty


Chú chó Rufus thuộc giống Welsh Corgi đáng yêu đã gắn bó với Amazon từ năm 1996, khi Amazon còn là một startup hai năm tuổi trong thời kỳ bùng nổ dot-com. Lúc đó chủ của Rufus là Eric và Susan Benson luôn mang theo chú chó hai tuổi của mình, và chú nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu ở văn phòng. Công việc hàng ngày của chú bao gồm đuổi bắt bóng, xin đồ ăn vặt, ngủ ngon lành trong các cuộc họp và thậm chí "giúp" ra mắt các tính năng trang web. Rufus còn là gương mặt đầu tiên xuất hiện trên trang lỗi của Amazon để nhắc nhở người dùng khi có trục trặc. Từ đó, văn hóa thân thiện với thú cưng này tiếp tục phát triển tại Amazon, nơi hơn 10,000 chú chó được "đăng ký làm việc." Dù Rufus gia nhập danh sách những AI có tên kỳ lạ nhất của các gã khổng lồ công nghệ, nhưng cái tên có ý nghĩa ấy lại chiếm được tình cảm của rất nhiều người dùng. 



Ngoài ra, còn có dự án Gemini của Google, vốn từng được đặt tên là "Titan" nhưng sau đó được đội ngũ DeepMind đổi thành "Gemini" biểu trưng cho sự hợp tác giữa DeepMind và Google Research, cũng như ý nghĩa của cung Song Tử trong chiêm tinh học. Còn Siri – người bạn đồng hành quen thuộc của các thiết bị Apple lại có một câu chuyện thú vị đằng sau đó: được đặt theo tên đồng nghiệp người Na Uy của Dag Kittlaus, nhà đồng sáng lập công ty phát triển Siri. Tên này trong tiếng Na Uy có nghĩa là người phụ nữ xinh đẹp dẫn bạn đến chiến thắng và được chọn cũng một phần vì dễ phát âm trên toàn thế giới.



Trường hợp đặt tên kỳ lạ của ChatGPT


Có lẽ trường hợp trớ trêu lớn nhất trong lĩnh vực đặt tên AI là ChatGPT, sản phẩm đã thúc đẩy cuộc Cách mạng AI đang bùng nổ, lại có cái tên bị nhiều người phản đối.


Theo Hampton Bridwell, CEO của công ty tiếp thị Tenet Partners, trước hết, từ "chat" trong tên thương hiệu "khá hạn chế - nó thực sự không thể hiện được toàn bộ nội dung về cách nó mang lại giá trị. Đó là một cái tên tệ hại. Theo thời gian, OpenAI thực sự nên nghĩ đến việc đổi tên thương hiệu".


Ngay cả CEO của OpenAI, Sam Altman cũng đồng ý rằng đó không phải là cái tên lý tưởng. Trong một podcast gần đây do diễn viên hài Trevor Noah dẫn chương trình, Altman cho biết ChatGPT là "một cái tên khủng khiếp, nhưng nó đang quá phổ biến nên khó có thể thay đổi".



Cái tên không tối ưu của ChatGPT có thể xuất phát một phần từ thực tế là nhóm OpenAI ban đầu không có nhiều kỳ vọng vào tiềm năng phát triển phổ biến của ứng dụng này. Nó thậm chí được gọi nội bộ coi là “low-key research preview” (bản nghiên cứu xem trước không phô trương) và được thiết kế như một công cụ để công chúng có thể tương tác với mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. Mục đích chính là thu thập phản hồi từ người dùng nhằm cải thiện và tinh chỉnh công nghệ.


Trớ trêu rằng, nhiều người trong nhóm OpenAI đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi ChatGPT thu hút được một triệu người dùng đầu tiên chỉ sau năm ngày, trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.


Xu hướng đặt tên cho AI và lời khuyên từ các chuyên gia


Jonathan Bell, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Want Branding, cho biết: "Mỗi công ty, dù là nhà sản xuất bánh kẹo hay công ty phần mềm, dường như đều phải chứng minh rằng họ đang làm gì đó để tận dụng AI. Và điều đó thường đòi hỏi có một cái tên".


Một số thương hiệu đã đơn giản thêm 'AI' (hoặc '.AI') vào cuối tên của họ. Cụ thể là Stability AI, Spot AI, Mistral AI, Shield AI, People.ai, Otter.ai, Arize AI, Crowd AI, Toggle AI,... Và tất nhiên, có OpenAI, công ty đã trở thành một công ty hàng đầu cho toàn bộ làn sóng đổi mới AI hiện đang diễn ra sau khi ra mắt ChatGPT vô cùng thành công vào cuối năm 2022 và có lẽ đã giúp thiết lập hậu tố "AI" thành tên gọi thịnh hành cho các thương hiệu mới nổi muốn tạo dựng tên tuổi cho mình trong ngành.


Bell cho biết việc thêm "AI" vào cuối tên thương hiệu hoặc sản phẩm "là một cách dễ dàng để giải thích chức năng của sản phẩm mà không cần suy nghĩ nhiều". Với dự báo đó, việc thêm "AI" vào cuối tên "có thể gây bất lợi cho việc xây dựng bản sắc thương hiệu theo thời gian, vì thị trường sử dụng AI đang trở nên đông đúc". Theo Hampton Bridwell, CEO của công ty tiếp thị Tenet Partners. "Có rất nhiều tên có âm thanh hoặc phong cách tương tự và điều đó vô tình khiến người nghe không cảm nhận được sự khác biệt và giảm khả năng ghi nhớ tên thương hiệu".


David Placek, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Lexicon Branding cũng cho biết: “Chúng ta có thể sớm đạt đến một thời điểm mà AI dường như đã rất phổ biến trong xã hội, chúng sẽ được tích hợp toàn diện vào các thiết bị cũng như các phương thức làm việc và giao tiếp với nhau, đến mức việc thêm "AI" vào tên thương hiệu hoặc sản phẩm sẽ trở nên lỗi thời.”


Vì vậy, hãy cân nhắc xem liệu công nghệ này chỉ đơn thuần sánh ngang với các đối thủ là đáp ứng trải nghiệm cơ bản, hay thực sự tạo ra sự khác biệt đột phá so với những gì AI hiện có mang lại. Nếu là trường hợp trước, hãy xem xét các phương pháp tiếp cận xây dựng thương hiệu tinh tế hơn, chẳng hạn như sáng tạo một câu slogan thể hiện đầy đủ thông điệp "(Thương hiệu sản phẩm) được nâng cao mới bằng AI". Trong khi nếu thuộc trường hợp sau thì đây chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp cân nhắc việc xây dựng một cái tên độc đáo đại diện cho thương hiệu.


Ngoài ra, việc thiết lập tông điệu là một bước thiết yếu trong quy trình đặt tên thương hiệu AI. Tông điệu phải phản ánh các giá trị, tính cách và định vị của thương hiệu. Ví dụ, một thương hiệu công nghệ có thể cần một cái tên gợi ý về sự đổi mới và hiệu quả, trong khi một thương hiệu chăm sóc sức khỏe có thể thích một cái tên gợi lên sự tin tưởng và lòng trắc ẩn. Âm điệu phù hợp sẽ giúp thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với đối tượng mục tiêu và phân biệt doanh nghiệp của bạn với đối thủ cạnh tranh. Thuật toán AI có thể giúp khám phá nhiều sự kết hợp giọng điệu khác nhau để tạo ra những tên thương hiệu độc đáo mà không bị giới hạn bởi các quy ước đặt tên chuẩn.


Diệu Anh


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!