Tháng 5 vừa qua, Nike thông báo mua tên miền tiền mã hóa (crypto domain) có tên “dotwoosh.eth” với giá 19,72 ETH tương đương 38.000 USD tiền thực. Ngạc nhiên là trong vòng 3 tháng trở lại đây, các thương hiệu như Puma, Gucci và Budweiser cũng đã lần lượt “tậu” cho mình ít nhất một tên miền đuôi “.eth”, giá dao động từ 30.000 USD cho tới đỉnh điểm là 160.000 USD. Độ chịu chi này khiến các thương hiệu khác phải đặt câu hỏi, miền tiền mã hóa là gì và hiệu quả chúng tạo ra có đáng với số tiền chừng ấy? 


NFT thoái trào - Miền ENS lên ngôi


Miền tiền mã hóa hay còn gọi là miền ENS do hệ thống Ethereum Name Service (nền tảng tiền số lớn nhất thế giới) cung cấp. Nếu trong Web2, một tên miền cho phép người dùng tạo địa chỉ website, thì trong Web3 thương hiệu sẽ dùng miền ENS để tạo địa chỉ ví tiền điện tử. Địa chỉ ban đầu của ví điện tử thường là một chuỗi hệ số dài khó nhớ bắt đầu bằng ký tự “0x” như “0xffF067E7ebe". Với dịch vụ ENS, thương hiệu có thể đổi sang địa chỉ ngắn hơn chẳng hạn như apple.eth hay google.eth.  


Với dịch vụ ENS, thương hiệu có thể đổi sang địa chỉ ngắn hơn chẳng hạn như apple.eth hay google.eth.  


Chức năng chính của miền ENS là làm tăng độ tin cậy của ví điện tử. Trong Web3, toàn bộ mọi giao dịch sẽ được tiến hành giữa các ví với nhau vì vậy việc chứng minh ví điện tử này rõ ràng, minh bạch và an toàn là rất quan trọng. Mark Soares, Giám đốc tiếp thị của Blokhaus cho rằng các thương hiệu nên cân nhắc mua nhiều địa chỉ ENS trên các blockchain khác nhau để tăng độ nhận diện ví điện tử. “Có một cái tên thống nhất giữa nhiều hệ sinh thái sẽ giúp người dùng dễ nhận ra thương hiệu, biết thương hiệu là ai và cảm thấy yên tâm khi tiến hành giao dịch tài chính”


Trong khi NFT đang tới giai đoạn thoái trào, mất gần 50% giá trị so với giai đoạn đạt đỉnh diễn ra vào tháng 11/2021 và chỉ còn giữ mức giá 2.500 USD/token, thì miền ENS lại đang rơi vào cơn “sốt” giá. Hiện nay, “Axe.eth” có giá niêm yết 120.000 USD và “adidas.eth” là khoảng 18.500 USD trên OpenSea. Thậm chí tên miền 555.eth còn được bán đấu giá với giá giao dịch cuối cùng là 160.000 USD, chính thức trở thành tên miền .eth đắt đỏ nhất từ trước đến nay.


Địa chỉ “adidas.eth” đang được niêm yết với giá khoảng 18.500 USD. 


Mặc dù chi phí khá “chát”, cuộc chạy đua tên miền ENS lại có vẻ không hạ nhiệt trong 2 tháng trở lại đây, với hơn 139.000 địa chỉ mới được đăng ký trong tháng tư, và tổng chi tiêu cho crypto domain đã chạm đến mức kỷ lục là 2,8 triệu USD. Sự bùng nổ này, kì lạ thay, lại diễn ra cùng thời điểm cơn sốt NFT đang tới giai đoạn thoái trào, khối lượng giao dịch trên sàn NFT lớn nhất thế giới OpenSea thậm chí còn giảm sâu 80% chỉ trong vòng một tháng. 


Nhiều người tin rằng "mùa đông" của NFT đã đến. Vậy vì lí do gì mà miền ENS (về bản chất vẫn là một tài sản NFT) lại tránh được “mùa đông”? 


Cơ hội tiếp thị dành cho doanh nghiệp trong thế giới tiền số


Về bản chất, tên miền ENS sẽ có chức năng tiếp thị giống như một địa chỉ email trong thời đại Web2. Vì ví điện tử này có thể gửi thông tin cho ví điện tử khác nên các thương hiệu có thể dùng tên miền ENS để gửi các thông tin truyền thông, quảng bá sản phẩm dưới dạng NFT vào ví của khách hàng. Nhưng để họ thực sự chú ý và muốn xem qua thông tin đó, thương hiệu trước tiên cần có một tên miền ngắn, dễ đọc, dễ nhớ và tạo cảm giác tin cậy với người dùng. Dù gì, tâm lý người tiêu dùng vẫn là thích mở một NFT do địa chỉ adidas.eth gửi đến hơn là 0x4b26bdf… 


Ngoài ra, sở hữu một tên miền ENS sẽ giúp thương hiệu tăng doanh thu trong thị trường số. Nếu Puma muốn bán thiết bị đeo tay ảo, hãng có thể đăng ký miền phụ của “puma.eth” với tên “shopwearables.puma.eth”. Như vậy hãng sẽ tạo ra được một hệ thống ENS liền mạch và đáng tin cậy cho người tiêu dùng nếu muốn mua sắm “ảo”.


Puma gia nhập metaverse, cùng với tên miền PUMA.eth lọt top 13 tên miền được theo dõi nhiều nhất. 



Sở dĩ các thương hiệu lần lượt đăng kí tên miền ENS là vì họ gấp rút muốn có được quyền kiểm soát với ví tiền điện tử. Một khi đã sở hữu tên miền, thương hiệu có thể tạo ra các cơ hội tiếp thị phù hợp với Web3, tạo độ nhận diện với người dùng và nhanh chóng xây dựng Độ tin cậy thương hiệu (Brand Trust) trên nền tảng mới. “Các thương hiệu nên mua tên miền điện tử vì nó giống như bước đệm đầu tiên đưa bạn vào thế giới Web3. Sẽ thật ngớ ngẩn nếu muốn vào Web3 mà lại khoanh tay đứng ngoài cơn sốt miền ENS”, Gregg Lester, Giám đốc kỹ thuật số của Công ty tư vấn thương hiệu Troika Labs nói. 


Mặc cho những lợi ích kể trên, cơn sốt tên miền ENS vẫn ít nhiều làm người ta nhớ tới sự lên ngôi - thoái trào diễn ra vỏn vẹn trong vòng mấy tháng của NFT. Từ giá niêm yết 91,8 triệu USD trong thời đỉnh lưu, NFT xuống dốc thảm hại khi chỉ còn giữ được 2.500 USD giá trị. Các dự án lớn đối mặt với nguy cơ thua lỗ, còn các nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro mất trắng. ENS cũng giống NFT, đều đang ở giai đoạn chớm nở với rất nhiều vấn đề bên trong. Nhìn lại kết cục của NFT thì có lẽ các thương hiệu cần cân nhắc nhiều hơn trước khi đâm đầu vào cơn sốt mang tên miền tiền mã hóa. 


Cẩn thận với cơn sốt


Không giống như tên miền website, nhà cung cấp ENS sẽ không thông báo cho chủ sở hữu khi tên miền bị hết hạn. Đồng nghĩa các thương hiệu sẽ có nguy cơ mất tên miền mà không hay biết, và thậm chí nó còn bị bán lại cho chủ sở hữu mới và mọi giao dịch sẽ thuộc quyền xử lý của người chủ đó. 


Chưa kể, loại tiền mã hóa hiện nay đang bị mang tiếng là “không có giá trị”. Bởi vì tiền thực sự sẽ có 3 loại chức năng chính: phương tiện trao đổi, đơn vị kế toán và lưu giữ giá trị. Người ta không dùng Bitcoin để trả tiền cà phê vì giao dịch tốn thời gian, tốn tiền điện và tốn phí, cũng không thể là đơn vị kế toán vì giá cả lên xuống bất thường, vậy nên nó chỉ giữ được chức năng “lưu giữ giá trị”. “Nếu vậy, tiền mã hóa chỉ có thể xem là một loại tài sản chứ không phải tiền đúng nghĩa nữa. Và tôi cũng từng nói rất nhiều lần, các loại tiền ‘ảo’ là một loại tài sản rất rủi ro. Tôi nghĩ nó không có giá trị gì hết. Vì tiền ảo thì không dựa trên bất kỳ cái gì, không hề có tài sản làm nền để đóng vai trò neo giữ an toàn”, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu nói. Với một loại tài sản “vô nghĩa” như thế, các thương hiệu có tạo thêm địa chỉ cũng chỉ như bỏ thêm công để thành công cốc. 


Mặc dù có rất nhiều nhà cung cấp, đồng tiền mã hóa vẫn bị mang tiếng là “không có giá trị”. 


Tên miền ENS về bản chất cũng giống như một loại tài sản NFT có thể mua đi bán lại trên thị trường. Thứ làm cho NFT, ENS có giá cao chưa hẳn là do tính cấp thiết của nó hay do nhu cầu của thương hiệu, mà chỉ đơn giản như Bill Gates từng nói, “cơn sốt này vận hành 100% dựa trên lý thuyết Kẻ ngốc hơn”. Theo đó, một nhà đầu tư sẽ mua ENS với bất kì mức giá nào mà không cần quan tâm đến chất lượng của chúng và nhanh chóng bán chúng với mức giá cao hơn cho những kẻ “có cùng kế hoạch” như vậy. Hiểu nôm na theo ý Bill Gates, cơn sốt NFT, hay cơn sốt ENS cũng chỉ là cuộc mua đi bán lại giữa những kẻ ngốc này với những kẻ ngốc kia. ENS có mức giá tăng đột biến một cách vô lí và không bền vững, vì vậy đến một thời điểm nào đó chúng sẽ nhanh chóng lao xuống như cách NFT đã rơi thảm hại. 


Chính vì vậy, trước mọi cơn sốt mà chưa thể đo lường được hiệu quả, các thương hiệu cần nên tỉnh táo trước khi quyết định vung tiền đầu tư. Cần gượm lại, và tự hỏi tên miền ENS sẽ là “cánh cửa dẫn tới Web3” hay thực ra là… không dẫn tới nơi nào cả? 


Hằng Trần