Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 7 năm nay đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2%, thấp hơn so với mức dự báo 3,6% được đưa ra từ tháng 4. Đại diện IMF còn đưa ra cảnh báo thế giới “đang trên bờ vực suy thoái toàn cầu”. Lúc này, việc cắt giảm chi tiêu và thu hẹp ngân sách quảng cáo là việc làm cần thiết nhằm giúp các nhãn hàng thắt chặt tối đa các chi phí trước khủng hoảng có thể xảy ra. 


Tuy nhiên khi cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo, các nhãn hàng có thể phải đối mặt với việc tạm bị “quên lãng” về truyền thông. Đây là một bài toán khó mà các nhãn hàng cùng agency trên toàn thế giới đang tìm cách giải quyết. Sau đây là những ý kiến của chuyên gia đầu ngành quảng cáo về vấn đề chi tiêu cho quảng cáo trong giai đoạn khủng hoảng.


James Fox - Giám đốc khách hàng, Havas London


“Bây giờ là thời điểm thích hợp để trò chuyện và tâm sự với các đối tác. Hãy lắng nghe và đồng cảm với những khó khăn họ đang gặp phải khi lạm phát đang xảy ra trên toàn cầu. Các doanh nghiệp phải hiểu những khó khăn mà khách hàng hoặc đối tác đang gặp phải để cả hai có thể cùng nhau thiết lập một lộ trình tốt nhất, nhằm đối phó kịp thời với những bất ổn có thể xảy ra trong tương lai”.


Paulo Salomao - Lãnh đạo doanh nghiệp và đồng sáng lập, The Or


“Vấn đề không phải là tiền, câu hỏi cần trả lời ở đây là liệu doanh nghiệp có chấp nhận ‘tạm biến mất’ về mặt truyền thông trong thời kỳ suy thoái và liệu doanh nghiệp đó có khả năng kết nối lại với khách hàng khi mọi khủng hoảng đã trôi qua?


Hãy nhớ rằng không phải nhãn hàng nào cũng ‘ngủ đông; trong thời kỳ suy thoái này, các đối thủ cạnh tranh vẫn có khả năng cao duy trì hoạt động truyền thông. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn cách cắt giảm hoạt động truyền thông, nhưng hãy suy nghĩ thật kỹ về những cơ hội mà nhãn hàng có thể bỏ lỡ khi các đối thủ khác vẫn tiếp tục hoạt động truyền thông trong thời kỳ kinh tế bất ổn”.


Ben Allison - Phó Chủ tịch Truyền thông Toàn cầu, VaynerMedia London


“Đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào sự chi tiêu tăng cao của khách hàng trong dịp lễ, cụ thể hơn là thể thao và World Cup 2022, thời điểm hiện tại là cơ hội rất tốt để chi tiền cho quảng cáo. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp có nguồn thu phụ thuộc vào hành vi mua hàng của người tiêu dùng, đây không phải là một dịp tốt để tăng chi tiêu quảng cáo, thay vào đó hãy ‘tạm lùi’.


Budweiser tung phiên bản chai giới hạn nhân dịp World Cup 2018.


Với những doanh nghiệp tập trung vào việc thúc đẩy hiệu suất và doanh số bán hàng trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện lớn về tỷ lệ ‘chốt đơn’ khi truyền thông trên các nền tảng của Meta. Đối với các thương hiệu có liên quan đến World Cup, hãy sử dụng các nền tảng video dạng ngắn (TikTok, Instagram Reels hoặc YouTube Shorts) để phát triển nội dung. Đây là một định dạng nội dung đang có lượng tiếp cận người dùng tăng mạnh qua từng ngày”.


Hannah Johnson - Giám đốc tiếp thị toàn cầu và quan hệ đối tác, Blue State


“Đừng quá tập trung vào khía cạnh ngân sách, thay vào đó hãy tập trung vào những chỉ số đo lường sự hiệu quả. Điều quan trọng là khách hàng phải hiểu rõ ngân sách của họ sẽ mang về những KPI gì, và đảm bảo rằng các KPI này gắn với các mục tiêu kinh doanh nhằm giúp họ hiểu rõ vì sao họ không nên cắt giảm chi tiêu quảng cáo trong thời kỳ này. Vì khi khách hàng chi tiêu quảng cáo ít lại, doanh thu sẽ tụt giảm và rất khó để vực lên nếu tình trạng này kéo dài”.


Duncan Wood - Quản lý đối tác, Ingenuity


“Hãy nhìn lại về đại dịch vừa qua: Những thương hiệu có chi tiêu quảng cáo trong đại dịch đã vực dậy nhanh hơn rất nhiều so với những thương hiệu không chi tiêu.


Mark Ritson (nhà tư vấn thương hiệu và cựu giáo sư chuyên ngành marketing) đã đúng, Thương hiệu nên tiếp tục chi tiêu cho quảng cáo”.


P&G chi thêm 575 triệu USD cho quảng cáo trong đại dịch COVID-19.


Luke Willbourn - Giám đốc khách hàng, Talon Outdoor


Hãy đẩy mạnh hoạt động chi tiêu cho quảng cáo trước khi giai đoạn kinh tế bất ổn diễn ra trong tương lai. Trong giai đoạn này, ngân sách truyền thông của khách hàng sẽ phải được xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo các chiến dịch mang lại mức ROI (Return On Investment, tạm dịch: tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư) cao nhất có thể. Các số liệu còn cho thấy quảng cáo trong thời kỳ suy thoái có thể giúp các công ty phục hồi một cách mạnh mẽ, ngược lại nếu không quảng cáo có thể sẽ phải mất thị phần vào tay đối thủ. 


Các thương hiệu nên đẩy mạnh chi tiêu quảng cáo.


Loại hình quảng cáo ngoài trời (Out Of Home - OOH) từ lâu đã là một giải pháp đáng tin cậy nhằm xây dựng lòng tin thương hiệu. Giáng sinh và World Cup 2022 là những dịp thích hợp để các thương hiệu có thể chi tiền cho quảng cáo trên OOH”.


Benedict Buckland - Giám đốc Sáng tạo, Alan


“Bằng chứng từ thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2008/2009 cho thấy những công ty tăng gấp đôi mức chi tiêu quảng cáo thương hiệu đã tăng gấp 4 lần thị phần trong giai đoạn phục hồi, so với những công ty tạm dừng đầu tư vào quảng cáo.


Tất nhiên chỉ nhìn số liệu thôi vẫn chưa đủ thuyết phục các nhãn hàng chi tiền cho quảng cáo trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần phải ‘chinh phục’ trái tim của họ. Cụ thể, doanh nghiệp cần truyền đạt những lợi ích của quảng cáo và những tác động tích cực mà quảng cáo mang lại trong thời kỳ suy thoái”.



Nguồn The Drum

Tân Phan