"Trong suốt thời gian dài, Tiffany là cái tên nằm trong tầm ngắm của tôi bởi vì nó thật sự hoàn hảo khi nằm trong bộ sưu tập xa xỉ của LVMH" - Bernard Arnault, chủ tập đoàn LVMH kể về thương vụ thâu tóm Tiffany&Co.


Nghệ thuật đàm phán của “gã khổng lồ” thời trang nước Pháp


Công ty mẹ của Louis Vuitton, LVMH vừa “chốt deal” mua lại thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany&Co với giá 16,3 tỷ USD (135 USD/cổ phiếu). Câu chuyện sáp nhập diễn ra hồi tháng 10 khi Louis Vuitton khai trương xưởng sản xuất tại Texas (Mỹ). Bernard Arnault đã cử một người thân cận tới New York để mời Alessandro Bogliolo - giám đốc của Tiffany ăn trưa. Đi kèm với buổi gặp gỡ, LVMH mở lời mua lại công ty với giá 14,9 tỷ USD, tức 120 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, đại diện phía Tiffany tỏ ra không hài lòng với mức giá quá thấp, và bởi lẽ họ cũng nhận được nhiều lời đề nghị từ các tập đoàn đối thủ khác.


Đến đầu tháng 11, LVMH chính thức đề nghị mức giá cao hơn, 130 USD cho một cổ phiếu khiến Tiffany cảm thấy hứng thú. Sau đó vào hôm Chủ nhật (24/11), Hội đồng quản trị của hai công ty đã đồng ý với mức giá “thuận mua vừa bán” 135 USD/cổ phiếu.


Sau khi hai bên thỏa thuận xong xuôi, Arnault đã gọi điện cho Tổng thống Donald Trump để thông báo: "Mục tiêu của tôi với Tiffany tương tự Louis Vuitton và Dior trước đây. Tiffany sẽ trở nên đáng giá hơn nữa trong 10 năm tới, kéo theo lợi nhuận và tăng trưởng". Đối với Bernard Arnault, người được gọi là “kẻ săn mồi” trong làng M&A thì Tiffany được nhắc đến là "thương hiệu xa xỉ thực sự duy nhất của Mỹ có sức sống lâu bền". Với tầm nhìn xa trông rộng, việc mua lại Tiffany sẽ giúp LVMH đứng đầu bảng xếp hạng về thị phần thương hiệu trang sức, mảng kinh doanh được dự đoán tăng trưởng 7% trong năm 2019. Các nhà phân tích tại Credit Suisse và Cowen cũng cho biết cổ phiếu Tiffany có thể đạt 140–160 USD.


Lại một thương vụ “cá lớn nuốt cá bé”?


LVMH từ lâu được biết đến là tên tuổi hàng đầu của trong lĩnh vực bán lẻ cao cấp. Công ty có trụ sở tại Paris, được kiểm soát và lãnh đạo bởi tỷ phú Bernard Arnault, người giàu nhất nước Pháp. Hãng này sở hữu hàng chục thương hiệu nổi tiếng, trong đó bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari, Fendi…


Ngược lại, Tiffany phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài các khoản thuế quan do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, việc thuế bán hàng nội địa tại Trung Quốc thấp hơn cũng góp phần làm giảm sâu doanh số bán hàng. Tiffany có trụ sở tại New York và nổi tiếng với những chiếc nhẫn đính hôn kim cương đắt tiền với hơn 300 cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Không hẳn là màn “cá lớn nuốt cá bé”, sự kiện M&A lớn nhất ngành hàng xa xỉ mở ra một tương lai đầy hứa hẹn. LVMH vừa có thể giúp Tiffany&Co thoát khỏi việc báo cáo hàng quý tại thời điểm thị trường xa xỉ đang có dấu hiệu chậm lại, vừa sở hữu thêm một viên kim cương đầy quyền lực trên vương miện của mình.


Cụ thể, “về cùng một nhà” với Tiffany, LVMH sẽ tăng gấp đôi thị phần trang sức lên 18,4%, vượt xa Richemont - đối thủ sở hữu nhãn hiệu Cartier và Van Cleef&Arpels vốn thống trị mảng trang sức xa xỉ (14,8%).


Ngọc Anh | Advertising Vietnam Tổng hợp