Vừa qua, trang blog Hubspot đã khảo sát 1.283 marketer trên toàn cầu để phân tích xu hướng và kế hoạch mà họ sử dụng cho các kênh mạng xã hội trong năm 2023. Theo khảo sát, có đến 90% các marketer đồng ý rằng việc xây dựng một cộng đồng (community) tích cực là yếu tố rất quan trọng tạo nên sự thành công của một chiến lược Social Media Marketing. Trong đó, Instagram và TikTok là những nền tảng có tiềm năng phát triển cao nhất vào năm 2023, trong khi Facebook và YouTube vẫn là các nền tảng quan trọng trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội.


Nhằm hỗ trợ cho các marketer trong việc lựa chọn nền tảng để xây dựng cộng đồng, báo cáo của Hubspot còn đưa ra những số liệu liên quan đến mức độ sử dụng, tỷ lệ hoàn vốn (ROI) và tiềm năng phát triển của các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng:



Lợi ích của việc xây dựng Social Media Community


1. Thúc đẩy mua hàng


Mỗi thành viên trong cộng đồng đều là micro-influencer chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến ​​thực tế có thể ảnh hưởng đến các thành viên khác. Đặc biệt, trong thời đại mà có đến 90% người tiêu dùng sẽ quyết định mua sản phẩm sau khi đọc các bài review, vai trò của những micro-influencer này là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng một cộng đồng bao gồm những khách hàng thân thiết sẽ giúp thương hiệu tận dụng nội dung do người dùng tạo ra một cách tốt hơn. Trong trường hợp xuất hiện những đánh giá tiêu cực về sản phẩm/dịch vụ, thương hiệu có thể tận dụng cộng đồng trung thành đã có để giải quyết mọi vấn đề hoặc khiếu nại.


2. Tiết kiệm chi phí cho thương hiệu


Những cộng đồng hoạt động năng nổ có thể trở thành một “trung tâm” để khách hàng hỏi đáp về sản phẩm/dịch vụ, nhờ đó giúp giảm bớt áp lực cho các nhóm hỗ trợ khách hàng của thương hiệu. Một nghiên cứu cho thấy trả lời câu hỏi thông qua cộng đồng sẽ giúp marketer tiết kiệm hơn 72 so với gửi yêu cầu cho nhóm hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc sở hữu một cộng đồng đủ mạnh sẽ giúp các marketer tiết kiệm chi tiêu quảng cáo trên mạng xã hội bởi họ có thể tiếp cận đúng tệp khách hàng trong một không gian có sẵn mà không cần tốn quá nhiều chi phí.  


3. Tạo ra sự tham gia tích cực với thương hiệu


Việc giữ chân một khách hàng cũ được đánh giá là rẻ và dễ dàng hơn so với chuyển đổi và thu hút khách hàng mới. Đây là lý do tại sao việc ủng hộ và duy trì thương hiệu là rất quan trọng đối với bất kỳ chiến lược marketing nào.


New Tools to Empower Community Builders in Facebook Groups | Meta

Các marketer có thể tạo ra những tương tác thực với thành viên trong cộng đồng, qua đó hình thành niềm tin và sự gắn kết với thương hiệu


Các thương hiệu có thể củng cố mối quan hệ với các thành viên trong cộng đồng bằng cách khuyến khích sự tham gia tích cực thông qua các cuộc thăm dò ý kiến, khảo sát, cuộc thi và nội dung do người dùng tạo ra,… Bằng cách này, marketer có thể tạo ra nhiều tương tác tích cực và đưa khách hàng đến gần hơn với thương hiệu.


4. Cung cấp cái nhìn sâu sắc về người tiêu dùng


Các cộng đồng hiệu quả nhất được xây dựng một cách có chiến lược để bắt đầu cho các cuộc trò chuyện giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Marketer có thể tận dụng tối đa những cuộc trò chuyện này bằng cách theo dõi các khiếu nại phổ biến, ý tưởng cải tiến và những cách độc đáo mà khách hàng sử dụng sản phẩm để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc thương hiệu cho khách hàng biết mỗi khi thực hiện các thay đổi dựa trên phản hồi của các thành viên của cộng đồng cũng thể hiện khả năng lắng nghe và tiếp thu các đề xuất của khách hàng một cách nghiêm túc.


Tips on Managing Customer Reviews and Feedback - Ferrera Tech Spot

Lắng nghe và thực hiện những thay đổi dựa trên phản hồi của người dùng là một cách giúp các thương hiệu tạo sự gắn kết với khách hàng


Những lưu ý khi xây dựng Social Media Community


Dưới đây là một số gợi ý giúp các thương hiệu trong việc xây dựng cộng đồng lớn mạnh và phát triển bền vững trên mạng xã hội:


Giao tiếp là chìa khoá để xây dựng một cộng đồng lớn mạnh


Nếu muốn xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, thương hiệu không thể mong đợi khách hàng của mình luôn bắt đầu cuộc trò chuyện. Hãy là người chủ động trong việc đăng tải nội dung, đặt câu hỏi, trả lời nhận xét và tạo ra sợi dây gắn kết với khách hàng. 


Khán giả là ưu tiên hàng đầu


Cộng đồng là một công cụ có giá trị để thương hiệu quảng bá trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ tập trung vào việc truyền tải thông tin thương hiệu có thể khiến khách hàng cảm thấy không gắn bó với cộng đồng. Một cộng đồng hiệu quả sẽ cung cấp giá trị về mặt giáo dục, giải trí và giải quyết vấn đề cho khán giả. Nói cách khác, nếu thương hiệu muốn xây dựng ý thức cộng đồng thực sự, hãy cung cấp giá trị thông qua những nội dung có ích cho khán giả.


Ưu tiên nội dung do người dùng tạo ra (UGC)


Một cách tuyệt vời để gia tăng mức độ tương tác trong cộng đồng là khuyến khích nội dung do người dùng tạo ra. Đây có thể là nội dung ở bất kỳ hình thức nào, như văn bản, video hoặc bài đánh giá, mà các thành viên thuộc cộng đồng tạo ra. Sau đó, thương hiệu có thể tận dụng và chia sẻ những nội dung này trên các nền tảng xã hội của mình. 

How to Create a UGC Strategy on TikTok | inBeat

UGC là hình thức Marketing hiện đại giúp các doanh nghiệp thu hút và tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu


Làm cho cộng đồng dễ tiếp cận với người dùng


Xây dựng một cộng đồng gần như là không thể nếu mọi người không biết đến sự tồn tại của cộng đồng đó. Dưới đây là một số cách giúp các thương hiệu quảng bá cộng đồng và giúp tiếp cận khách hàng một cách tốt hơn:

  • Nhúng các biểu tượng mạng xã hội vào website thương hiệu
  • Mời gia đình, bạn bè và đồng nghiệp theo dõi và chia sẻ cộng đồng
  • Sử dụng các hashtag để hiển thị nội dung đặc trưng của thương hiệu cho khán giả mới
  • Quảng cáo chéo cộng đồng trên các kênh khác nhau của thương hiệu
  • Chạy quà tặng hoặc giảm giá độc quyền cho các thành viên cộng đồng


How to Get the Most out of User Generated Content - Placeit Blog

Coca-Cola tận dụng UGC và hashtag #shareacoke để lan toả sản phẩm và thông điệp của thương hiệu


Đừng để cộng đồng của thương hiệu “đóng bụi”


Tính nhất quán là một thành phần quan trọng tạo nên sự thành công của các cộng đồng truyền thông mạng xã hội. Nếu thương hiệu để cộng đồng của mình “đóng bụi”, các thành viên sẽ bỏ đi. Lời khuyên cho các marketer là hãy chủ động trong việc sắp xếp lịch phân bổ nội dung để giữ cho cộng đồng hoạt động sôi nổi.


Các thương hiệu cũng cần lưu ý trong việc quản lý cộng đồng, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho việc thiết lập các quy tắc và kiểm soát hoạt động của các thành viên để ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng việc xây dựng một cộng đồng lớn mạnh sẽ đóng góp vào tỷ lệ ROI và mục tiêu kinh doanh của thương hiệu.


Theo Hubspot

Thảo Vy