Tháng 12/2021, dentsu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong môi trường sáng tạo qua báo cáo "Xu hướng sáng tạo 2022: Trật tự thế giới mới" (Creative Trends 2022: New Worlds Order).


Theo dentsu, các thương hiệu và doanh nghiệp có thể đóng vai trò kết nối mạnh mẽ không chỉ với người tiêu dùng mà còn với cộng đồng sáng tạo. Các chiến lược gia từ các agency dentsuMB, Isobar, 360i và dentsu trên khắp thế giới đã cùng phân tích và tìm hiểu thêm về sự phát triển nhanh chóng của văn hóa và thương mại.


5 chủ đề chính mà thương hiệu và doanh nghiệp cần chú ý


1. Thực tế thay thế (Alternate Realities)


Các công cụ trò chơi và tiền điện tử (cryptocurrency) như Lidar, Unreal,... đã mang đến một không gian nơi các thương hiệu, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm ảo cho người tiêu dùng.


Các thương hiệu thời trang cao cấp đã nhanh chóng chiếm lĩnh không gian ảo bằng việc "game tiến" và sáng tạo các NFT. Louis Vuitton đã ra mắt Louis: The Game để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà sáng lập thương hiệu này.


Hình ảnh từ Louis: The Game


Tiếp đó, gã khổng lồ ngành thời trang, phụ kiện thể thao Nike đã hợp tác cùng nền tảng trò chơi Roblox ra mắt vũ trụ kỹ thuật số NIKELAND. Người dùng có thể trang bị hình đại diện của mình trong trang phục Nike ảo, sử dụng chuyển động thật để điều khiển nhân vật bằng cảm biến gia tốc trong điện thoại. 


Hình ảnh từ NIKELAND


Thế giới ảo cho phép người dùng khám phá và thể hiện bản thân thông qua phụ kiện, quần áo, hình đại diện,... phù hợp với họ. Bên cạnh đó, mô hình cung và cầu truyền thống đã thay đổi khi công nghệ ngày càng phát triển. Người dùng có thể khám phá các sản phẩm ảo trước khi đặt hàng tại thế giới thực, góp phần gia tăng doanh thu cho thương hiệu. 83% các giám đốc Marketing được khảo sát cho biết họ sẽ cung cấp nhiều trải nghiệm ảo hơn đến người tiêu dùng trong tương lai.


2. Phân phối quyền sở hữu (Redistributed Ownership)


Sự phát triển của công nghệ blockchain và tiền điện tử làm xuất hiện mô hình sở hữu mới, làm mờ đi ranh giới giữa người sáng tạo, doanh nghiệp và cộng đồng. Các thương hiệu đã mang đến cho khách hàng cơ hội sở hữu cổ phần, góp phần mở rộng phạm vi phân phối của doanh nghiệp. Năm 2019, Isobar Trung Quốc đã cùng KFC tạo ra KFC Pocket Store trên nền tảng WeChat, cho phép khách hàng trở thành chủ sở hữu cửa hàng ảo. Sự hợp tác này đã mang về những con số ấn tượng: 560,000 cửa hàng được mở trên ứng dụng trong ngày đầu tiên; 2,6 triệu người dùng hằng ngày; tổng doanh thu vượt 900%,... góp phần đưa KFC trở thành thương hiệu nhà hàng có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc.


Những “cửa hàng bỏ túi” đã mang về doanh số đáng kinh ngạc cho KFC


Bên cạnh đó, livestream cũng đang tạo ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh. Các streamer cá nhân tại Trung Quốc có thể bán hàng tỷ sản phẩm chỉ trong một ngày. Đơn cử như “ông hoàng son môi” Li Jiaqi. Theo dữ liệu sơ bộ của chuyên gia dữ liệu thương mại điện tử Taosj.com, Li Jiaqi đã bán được khoảng 1,9 tỷ USD cho các sản phẩm kem dưỡng da từ thương hiệu mỹ phẩm Shiseido trong ngày đầu tiên của lễ hội bán hàng thường niên của Alibaba.


Theo Taosj.com, doanh số của Li Jiaqi là kỷ lục livestream bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử trực tuyến Taobao của Alibaba


Doanh số phát trực tiếp tại Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt 423 tỷ đô la vào năm 2022 so với mức 171 tỷ đô la vào năm 2020. Phân tích gần đây của McKinsey Consulting cho thấy doanh số bán hàng do phát sóng trực tiếp có thể chiếm tới 10 đến 20% tổng thương mại điện tử vào năm 2026.


3. Tách rời ý thức (Conscious Decoupling)


Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy sự chuyển dịch kinh tế là tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu. Các doanh nghiệp đang nghiêm túc xem xét cách họ có thể ngăn chặn sự tác động của chúng. Theo dentsu, 27% doanh nghiệp thời trang cung cấp nền tảng tái chế quần áo trong khi 49% người tiêu dùng quan tâm đến việc sử dụng nền tảng cho thuê thời trang trực tuyến. 


Hướng đến việc kéo dài tuổi thọ của hàng may mặc, H&M Canada đã ra mắt nền tảng bán lại quần áo H&M Rewear. Nền tảng sẽ bao gồm các dịch vụ giúp người dùng thanh lý quần áo cũ như tư vấn giá cả cho người bán thông qua thuật toán, giúp người bán xác định mức giá cạnh tranh tốt nhất và tối ưu hóa cơ hội bán hàng thành công.


H&M hướng đến xu hướng thời trang bền vững với H&M Rewear


Thay đổi bền vững đòi hỏi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Trong nỗ lực thúc đẩy các hoạt động bền vững trong ngành thời trang, tập đoàn bán lẻ khổng lồ H&M của Thụy Điển đã ra mắt Treadler - dịch vụ B2B mang đến cơ hội tiếp cận các mối quan hệ đối tác với nhà cung cấp, chuyên môn và chuỗi cung ứng toàn cầu đáng kể của tập đoàn.


Renata Cardetas, Senior Planner tại dentsuMB Brazil cho biết: "Không dừng lại ở việc bán hàng, nhiều thương hiệu đã mang đến một số giải pháp bền vững và có tác động đến môi trường."


4. Thế hệ "Cũng là tôi" (Generation "Also Me")


Thế hệ “Cũng là tôi” là thế hệ đa văn hóa nhất trong lịch sử, họ thoải mái nhất với các yếu tố giới tính và bản sắc. Một nghiên cứu của YouGov cho biết, 48% khách hàng gen Z xem trọng các thương hiệu không phân loại sản phẩm theo giới tính.


Gen Z thể hiện sự thoải mái trong cách giao tiếp, kết nối và tương tác với các nội dung trên mạng xã hội. Đây cũng là thế hệ chào đón sự hợp tác và đồng sáng tạo. Do đó, người tiêu dùng kỳ vọng các thương hiệu sẽ thích ứng với những thay đổi, đồng thời theo đuổi những ý tưởng mới. Đơn cử như sự kết hợp giữa McDonald's với nhóm nhạc BTS ra mắt “The BTS Meal” và bộ sưu tập merchandise giới hạn.


Bộ sưu tập giới hạn của BTS x McDonald’s 


Theo báo cáo từ trang Edaily, hơn 1,2 triệu bộ "The BTS Meal" được bán ra tại Hàn Quốc chỉ trong vòng 25 ngày, mang về doanh thu gần 9 tỷ won (khoảng 170 tỷ VNĐ). Một số cửa hàng McDonald's thậm chí đã bán được 1000 set ăn này mỗi ngày. Các sản phẩm trong bộ sưu tập cũng nhanh chóng “sold-out”, được rao bán lại với giá cao ngất ngưởng từ 600 USD (13.8 triệu đồng) đến 5000 USD (115 triệu đồng). 


5. Bong bóng cá nhân (Personal Bubbles)


Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mang đến sự kết nối rộng rãi hơn, song một số người tiêu dùng lại tìm cách "rút lui" vào không gian cá nhân và an toàn hơn, đặc biệt là khi dịch bệnh hoành hành.


Người tiêu dùng có xu hướng dành nhiều thời gian ở nhà, biến ngôi nhà của mình trở thành văn phòng, rạp chiếu phim, nhà hàng và thậm chí là phòng tập thể dục. Doanh số bán các thiết bị tập thể dục tại nhà đã tăng mạnh tại Mỹ, đạt 2,3 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 10/2020. 


Các doanh nghiệp có thể tập trung cung cấp các tương tác thú vị thông qua bao bì sản phẩm, trải nghiệm từ xa hay các nội dung độc quyền để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.


Oreo Thins ra mắt bao bì phiên bản giới hạn giúp “ngụy trang” sản phẩm


Đọc báo cáo chi tiết tại dentsu.


Kim Ngọc / Advertising Vietnam