Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Shopee, Tiki, Lazada và Sendo, các gương mặt mới như Postmast và Voso cũng đang mạnh mẽ tiến vào “sân chơi” thương mại điện tử mảng Marketplace.


Marketplace là sàn giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, kết nối người bán và người mua. Mô hình kinh doanh “chợ online” này xuất hiện từ năm 2013 tại Việt Nam với sự ra mắt của Lazada, đánh dấu bước chuyển từ mô hình B2C (Business to Customer) được nhiều doanh nghiệp theo đuổi trong thời kỳ đầu của thương mại điện từ sang mô hình C2C (Customer to Customer).


Cùng tìm hiểu các thông tin cơ bản về 6 sàn thương mại điện tử theo mô hình Marketplace nổi bật tại Việt Nam trong bài viết dưới đây.


1. Shopee 



Giới thiệu: “Chào sân” tại Việt Nam cùng 6 thị trường lớn khác trong khu vực vào năm 2015, Shopee là nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore và trực thuộc công ty SEA (sở hữu các thương hiệu như: Garena , Foody, Now, Airpay). 


Tại Việt Nam, ‘Ngày hội khuyến mãi Shopee’ hàng tháng đã trở nên quen thuộc với các tín đồ mua sắm. Mỗi đợt khuyến mại sẽ kéo dài đến một tuần trước các ngày 1.1, 2.2,... và “Sinh nhật Shopee” 12.12, người dùng sẽ được hưởng những ưu đãi hấp dẫn khi mua sắm trên ứng dụng. 


Mô hình: Mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C Marketplace, đóng vai trò trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân. Hiện nay Shopee triển khai mô hình lai giữa C2C và B2C, thực hiện thu phí “hoa hồng” và phí đăng bán sản phẩm. 


Ngoài ra, Shopee còn xây dựng nền tảng con như Shopee Mall (gian hàng chính hãng từ các thương hiệu và nhà bán hàng uy tín trên thị trường như Samsung, Xiaomi, Oppo, Maybelline, Unilever,…), Shopee 4H (dịch vụ giao hàng hỏa tốc trong 4 tiếng tại 1 số quận nội thành Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) và dịch vụ giao vận Shopee Express


Lượng truy cập website: Theo báo cáo của iPrice Group, trong quý 1/2021, Shopee dẫn đầu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam với 63,7 triệu lượt truy cập mỗi tháng, tăng trưởng 34,5% so với quý 1/2020 trong khi các đối thủ lớn đi xuống hoặc đi ngang. 


Mới đây, ứng dụng thanh toán số Airpay đã đổi tên thành ShopeePay, ứng dụng đặt món Now đổi tên thành ShopeeFood, khẳng định vị thế là doanh nghiệp thương mại điện tử toàn diện dẫn đầu.của Shopee Việt Nam.  


2. Tiki 



Giới thiệu: Từ một trang bán sách tiếng Anh trực tuyến thành lập vào tháng 3/2010, Tiki (viết tắt của Tiết Kiệm và Tìm Kiếm) đã chuyển mình thành một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam.  


Mô hình: Khởi điểm với mô hình thương mại điện tử B2C với thế mạnh là kiểm soát chất lượng hàng hóa chặt chẽ, Tiki đã chuyển sang mô hình Marketplace từ năm 2018 để giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí đầu tư kho bãi, mua hàng và quản lý tốt vốn lưu động. Tuy nhiên, nền tảng của Tiki chỉ làm việc với người bán và doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh để duy trì quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt vốn có. 


Bên cạnh đơn vị bán lẻ Tiki Trading và sàn giao dịch, Tiki còn sở hữu dịch vụ cung ứng logistics đầu cuối TikiNOW Smart Logistics dịch vụ bán vé xem phim, sự kiện TicketBox. 


Lượng truy cập website: Trong quý 1/2021, lượng truy cập của Tiki đạt trung bình 17.95 triệu lượt/tháng. Mặc dù giảm 7,3 triệu lượt/tháng so với quý 1/2020 nhưng Tiki vẫn giữ vững vị trí số 2 sau Shopee trong 2 năm trở lại đây. 


Sắp tới, Tiki kỳ vọng lớn vào dịch vụ giao hàng 2 giờ nhờ chuỗi cung ứng đầu cuối và mạng lưới trung tâm xử lý hàng hóa trên cả nước. Trong năm 2020, Tiki ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu với Sacombank, thể hiện tham vọng không dừng lại ở lĩnh vực thương mại điện tử của thương hiệu. 


3. Lazada 



Giới thiệu: Thành lập vào năm 2011, Lazada là một trong những địa chỉ mua sắm và bán hàng trực tuyến hàng đầu trong khu vực. Năm 2012, Lazada Việt Nam trực thuộc Lazada Group ra đời tại Việt Nam, cung cấp mạng lưới thanh toán và logistics lớn nhất trên thị trường thương mại điện tử vào thời điểm đó. Hình thức “Ngày Siêu Sale” 11.11 và 12.12 cũng lần đầu xuất hiện trên Lazada. Từ năm 2016, Lazada được tập đoàn Alibaba mua lại, hướng tới mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng trên toàn Đông Nam Á vào năm 2030. 


Mô hình: Ngoài việc áp dụng mô hình Marketplace hỗn hợp, Lazada còn cung cấp cho nhà bán hàng các dịch vụ khác như quy trình thanh toán đơn giản qua ví điện tử eM, dịch vụ vận chuyển Lazada Express và kênh bán hàng chính hãng LazMall.


Lượng truy cập website: Trong quý 1/2020, lượng truy cập của Lazada Việt Nam giảm 7,3 triệu lượt/tháng, đẩy Lazada xuống vị trí số 3 sau Tiki. Đến quý 1/2021, số lượt truy cập tiếp tục giảm xuống còn 17,9 triệu lượt, theo iPrice Group. 


Để cạnh tranh với đối thủ, tháng 11/2020, Lazada bắt tay với Grab Việt Nam nhằm tận dụng tập khách hàng và mạng lưới tài xế của Grab. Lazada sẽ thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng của Grab, ngược lại, Grab gợi ý người dùng sử dụng Lazada. Hình thức hợp tác này được đánh giá là có tiềm năng nhân rộng ở các thị trường khác. 


 4. Sendo 



Giới thiệu: Xuất thân là một dự án thương mại điện tử do FPT Online phát triển, ứng dụng mua sắm Sendo ra mắt vào năm 2012, sau đó được chuyển về cho công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ trực thuộc Tập đoàn FPT từ năm 2014 đến nay. Sendo ghi dấu ấn với người dùng bằng các quyền lợi đặc biệt như miễn phí đổi trả 24h, miễn phí vận chuyển toàn quốc. 


Mô hình: Sendo áp dụng mô hình Marketplace C2C lai B2C và sở hữu kênh mua sắm chất lượng cao SenMall.


Lượng truy cập website: Trong quý 1/2021, Sendo ghi nhận trung bình 8,14 triệu lượt truy cập mỗi tháng, giữ vị trí thứ 4 theo iPrice Group. 


5. Voso



Giới thiệu: Được phát triển bởi Viettel, Voso (Vỏ Sò) là sàn thương mại điện tử đầu tiên chú trọng vào đặc sản vùng miền. Dưới sự bảo trợ của ViettePost, Voso được thừa hưởng hệ sinh thái rộng lớn từ tập đoàn Viettel, bao gồm: mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp 63 tỉnh thành với hơn 1.800 bưu cục, 6.000 điểm giao dịch, 25.000 cửa hàng, 18.000 nhân viên bán hàng trực tiếp,... 


Ngoài ra, Voso còn có thể tiếp cận cộng đồng khách hàng lớn mạnh của Viettel (50 triệu thuê bao di động Viettel và 12 triệu khách hàng chuyển phát Viettel Post), khám phá kết nối người mua và bán ở thị trường TP hạng 2, nông thôn, vùng xa. 


Mô hình: Voso áp dụng mô hình Marketplace hỗn hợp, triển khai theo 4 mô hình hợp tác: mô hình tự vận chuyển; mô hình qua kho Voso và Viettel Post vận chuyển; mô hình hợp tác bán hàng và mô hình lưu kho Voso kết hợp đại lí kí gửi.


Lượng truy cập website: trung bình khoảng 150,000 trong quý 1/2021, theo SimilarWeb.


6. Postmart



Giới thiệu: Ra mắt năm 2019, Postmart là sàn giao dịch thương mại điện tử được sáng lập bởi Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) và vận hành bởi Công ty Phát hành báo chí TW, chuyên về các sản phẩm, hàng hóa đặc sản. 


Tháng 10/2019, VNPost kết hợp cùng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã chính thức giới thiệu sàn thương mại điện tử ocop.postmart.vn dành riêng cho những sản phẩm nằm trong chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).


Mô hình: Postmart áp dụng mô hình Marketplace hỗn hợp gồm cả hình thức B2B, B2C và C2C. 


Lượng truy cập website: trung bình 40,000 trong quý 1/2021, theo SimilarWeb. 


Tổng hợp

Hiền Phương / Advertising Vietnam