Tại sự kiện trực tuyến “Bước vào tương lai MillennialZ cùng Instagram và Stories” vừa qua, Facebook đã chia sẻ những hiểu biết thú vị về hành vi đặc trưng của thế hệ Millennials (25-38 tuổi) và Gen Z (18-24 tuổi), gọi chung là MillenialZ. Phóng viên Advertising Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc mảng Doanh nghiệp đang phát triển, thị trường Việt Nam tại Facebook xung quanh chủ đề này.


Ông Nguyễn Tường Huy, Giám đốc mảng Doanh nghiệp đang phát triển, thị trường Việt Nam tại Facebook


Ông có thể chia sẻ về những hành vi đặc trưng nổi bật của thế hệ MillennialZ so với các thế hệ trước, và vì sao các doanh nghiệp hiện nay cần đẩy mạnh thu hút những thế hệ này?

 

Tại Việt Nam, MillennialZ hiện chiếm tới 47% dân số cả nước (45 triệu người) và đang trở thành nhân tố chính đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng và hành vi của MillenialZ để chinh phục đối tượng khách hàng đầy tiềm năng này.

 

Khác với thế hệ trước, MillennialZ được sinh ra trong thời đại Internet và là thế hệ di động chính hiệu. Chính sự xuất hiện của họ trên mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta từng biết về việc xây dựng thương hiệu thông qua quảng cáo.

 

Gen Z có tốc độ nhận biết và xử lý thông tin quảng cáo di động đáng kinh ngạc, trung bình chỉ còn 4 mi-li giây - so với tốc độ nhận biết quảng cáo truyền hình là 5-7 giây hay trên máy tính là 2-3 giây. Gen Z là thế hệ lướt trên di động nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước, và có tới 55% số họ dành nhiều hơn 5 giờ mỗi ngày sử dụng các thiết bị di động. 

 

MillennialZ là một thế hệ giao thoa, cởi mở, thích sự linh hoạt và nói có với tất cả mọi thứ, có thể thu nạp vào trong mình những thứ không tương thích với hành vi của họ. Họ am tường công nghệ, nắm bắt xu hướng, thích mua sắm trực tuyến và chịu ảnh hưởng lớn từ những người nổi tiếng.

 

Ngoài ra, phần đông MillennialZ lựa chọn Instagram để kết nối với mọi người hay biểu đạt sở thích hay cái tôi nghệ thuật của mình. Họ thích cập nhật thông tin qua Stories và ưa chuộng tính năng này bởi sự riêng tư và tính duy nhất.

 

Nhưng cũng tương tự các thế hệ khác, họ thích những nội dung hài hước và mang tính giải trí hay nhấn mạnh giá trị gia đình.

 

Vậy đâu là những cơ hội và thách thức khi tiếp cận đối tượng khách hàng này thưa ông? Và doanh nghiệp cần làm gì để có thể chinh phục nhóm đối tượng này một cách hiệu quả?

 

Như tôi đã chia sẻ, họ hiện là nhóm đối tượng đông nhất hiện nay, nên tất nhiên, là một thị trường vô cùng tiềm năng cho tất cả các doanh nghiệp. Họ cởi mở và sẵn lòng trải nghiệm những thương hiệu mới, am tường công nghệ, thích nắm bắt xu hướng và thích sử dụng Instagram, Stories. Những điểm này giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận với họ nếu biết tận dụng những điểm chạm mạng xã hội (social touchpoint), những nội dung theo thời gian thực một cách khéo léo. Các doanh nghiệp có thể lan tỏa khả năng tiếp cận của những chiến dịch quảng cáo tới Millennials và Gen Z thông qua việc tạo lập những quảng cáo ưu tiên cho môi trường di động (theo khổ 1:1 hoặc 9:16, thương hiệu xuất hiện trong 3 giây đầu, thiết kế cho điều kiện tắt âm thanh), vốn đã phù hợp với Facebook, để quảng cáo cũng sẽ được hiển thị thêm trên Instagram - nơi tập trung đông đảo MillennialZ - hoặc xây riêng những chiến dịch quảng cáo trên Instagram, nhắm tới đối tượng này, nếu như có điều kiện.

 

Ngoài ra, theo Nghiên cứu về thế hệ Millennials và Gen Z Việt Nam được thực hiện hởi Decision Lab vào tháng 12 năm 2020, hiện 92% Gen Z Việt Nam đang sử dụng Instagram để theo dõi người nổi tiếng, và 9/10 MilennialZ sẵn sàng sẵn sàng thực hiện một hành động thương hiệu như mua sản phẩm/dịch vụ, gợi ý bạn bè người thân mua hàng, hay thử nghiệm sản phẩm,... nếu như được kêu gọi cùng thực hiện hành động ấy với một nhà sáng tạo nội dung uy tín hoặc có chuyên môn liên quan. Chính vì thế, Influencer Marketing đặc biệt quan trọng với việc tiếp cận đối tượng khách hàng này, và Instagram là một cầu nối thích hợp.

 

Bên cạnh influencer marketing, doanh nghiệp nên sử dụng Branded Content (Nội dung được tài trợ) trên Instagram để tiếp cận nhiều đối tượng hơn và nhắm đến chính xác nhóm đối tượng mục tiêu cũng như đo lường được hiệu quả influencer marketing, vốn không thể đạt được với Tiếp thị người nổi tiếng truyền thống.

 

Tuy nhiên, đối tượng này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp. Đầu tiên, để thu hút đối tượng này đòi hỏi thương hiệu phải bao hàm đa dạng nhiều mối quan tâm của họ như: âm nhạc, nghệ thuật, văn hoá cho tới các vấn đề toàn cầu. Họ có những tiêu chuẩn cao cho sáng tạo, họ kỳ vọng sự tương tác và giải trí từ thương hiệu, do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho phát triển nội dung sáng tạo và đổi mới.

 

Và vì họ cởi mở cho nhiều thứ mới, thương hiệu mới, nên các thương hiệu cũng phải lưu ý tới cho các chiến lược giữ chân và chăm sóc khách hàng thường xuyên.

 

Thấu hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như cơ hội và thách thức mà họ đang đối mặt trong kỷ nguyên số khi tiếp cận với đối tượng khách hàng MillenialZ, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp với các sản phẩm của mình, đồng thời giúp họ tận dụng tối đa những nền tảng được MillenialZ ưa chuộng nhất. Chúng tôi tin rằng một chiến lược kênh đúng đắn, kết hợp đồng thời thế mạnh của cả Facebook và Instagram sẽ giúp các nhà quảng cáo và doanh nghiệp có thể chinh phục được khách hàng tiềm năng này.

 

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về lời khuyên để doanh nghiệp có thể thu hút MillennialZ và tăng doanh thu trong dịp Tết 2021 đã gần kề?

 

Trong dịp Tết này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chúng ta có thể nhận thấy một sự chuyển dịch lớn trong hành vi của người tiêu dùng: mọi người có xu hướng ở nhà nhiều hơn. Nếu có những sự kiện hoặc ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nên cân nhắc về cách thức kết nối với nhóm người tiêu dùng đang ở nhà. Livestream trên Facebook kết hợp Instagram có thể là một giải pháp cho việc này.

 

MillennialZ Việt vẫn cho rằng Tết vẫn là thời điểm dành cho gắn kết với gia đình và bạn bè, do đó những nội dung nhấn mạnh giá trị gia đình vẫn sẽ chiếm được cảm tình của đông đảo MillennialZ Việt. Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp muốn xây dựng những nội dung đặc biệt nhắm tới MillennialZ, có thể cân nhắc tạo những nội dung mang tính truyền cảm hứng, cho thấy những góc thực của mùa Tết và nhấn mạnh tình bạn.

 

Instagram được MillennialZ xem là một trong những kênh truyền cảm hứng quan trọng, không chỉ cho khám phá xem Tết này nên làm gì, xem gì, mà còn cho việc mua sắm mùa lễ Tết. Vì thế, để thu hút sự chú ý của nhóm khách hàng này, Instagram rất phù hợp cho chiến dịch tìm kiếm khách hàng mới hay nâng cao nhận biết thương hiệu mới. Bên cạnh niềm yêu thích với Stories, thì sự kết hợp giữa Instagram và Stories sẽ mang lại hiệu quả đáng kể với những chiến dịch hướng đến đối tượng MillennialZ này.

 

Ngoài ra, đối với MillennialZ, Tết cũng là thời điểm để đi du lịch vòng quanh đất nước. Những nội dung quảng bá về một Tết không ở nhà cũng sẽ thu hút đối tượng này.

 

Một yếu tố nữa mà doanh nghiệp có thể cân nhắc, đó là MillennialZ có xu hướng chơi video games nhiều hơn vào dịp Tết, vì thế doanh nghiệp có thể nghĩ tới việc trò chơi hoá các khuyến mãi thương hiệu để thu hút sự chú ý của đối tượng này.


Về mặt format, video vẫn là định dạng số 1. Tuy nhiên, mỗi một ngành hàng nên cân nhắc khai thác video với những cách thức khác nhau, nhằm thúc đẩy doanh thu. Những video được tạo ra bởi người nổi tiếng có khả năng giúp thúc đẩy quyết định mua bán dịch vụ cao nhất trong ngành du lịch. Trong khi đó, khách hàng của ngành F&B, quần áo phụ kiện, sức khoẻ và làm đẹp lại yêu thích những video có yếu tố AR.

 

Xin cảm ơn ông!