Trong những năm gần đây, việc sử dụng influencer cho các chiến dịch marketing đã trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến. Influencer Marketing được xem là một trong những hình thức hiệu quả nhất cho các chiến dịch nâng cao nhận thức thương hiệu (brand awareness) hoặc tăng doanh số bán hàng, đặc biệt là đối với các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và du lịch.


Theo một báo cáo mới nhất từ Influencer Marketing Hub, thị trường influencer marketing đã đạt giá trị 13,8 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt giá trị 22,3 tỷ USD vào năm 2025. Số liệu này cho thấy Influencer Marketing đang trở thành một phần quan trọng của chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp.


Tuy nhiên, không phải bất kì Influencer nào cũng có thể trở thành đối tượng hợp tác của các nhãn hàng. Để có một chiến dịch thành công, thương hiệu cần tìm hiểu về Influencer thông qua các chỉ số cụ thể. Hãy cùng tìm hiểu cách đo lường chúng qua bài viết dưới đây. 


6 chỉ số đo lường các thương hiệu cần cân nhắc trước khi hợp tác với Influencer


Trước khi hợp tác với Influencer, thương hiệu cần xác định những tiêu chí đánh giá Influencer thông qua các chỉ số cụ thể. Việc xác định rõ các chỉ số này giúp thương hiệu xác định khả năng tương tác của Influencer, từ đó có cơ sở để lựa chọn chính xác Influencer nào là có giá trị nhất cho chiến dịch của thương hiệu. 


1. Lượt tiếp cận và số lần hiển thị (Reach and Impressions) 


Quy mô nhóm khán giả của Influencer có thể giúp các thương hiệu xác định họ là người có sức ảnh hưởng theo cấp độ vĩ mô hay vi mô. Tổng số lượng khán giả của Influencer có thể được tính ở một hoặc nhiều kênh tùy theo chiến dịch các thương hiệu muốn được triển khai ở các kênh nào. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thật sự đủ để đánh giá tiềm năng của những người ảnh hưởng. Thay vào đó, các thương hiệu còn cần phải xem xét lượt tiếp cận và số lần hiển thị của Influencer.


Rihanna pays homage to her Fenty Beauty brand during epic Super Bowl LVII  Halftime performance | Daily Mail Online

Lượt tiếp cận và số lần hiển thị giúp thương hiệu ước tính về quy mô tiếp cận của thông tin sản phẩm


Lượt tiếp cận: cho biết số người đã xem một bài đăng, một story hoặc một video. Con số đó có thể lớn hơn quy mô đối tượng vì nội dung có thể được xem, chia sẻ, trích dẫn, gắn thẻ và nhận xét bởi những người không phải là người theo dõi.


Số lần hiển thị: bao gồm số lần một bài đăng, video, story xuất hiện trên kênh của người dùng. Số lần hiển thị cung cấp thông tin cho các thương hiệu về được mức độ cộng hưởng của nội dung với đối tượng mục tiêu.


2. Sự tương tác của khán giả (Audience engagement) 


Mức độ tương tác của khán giả cho biết mức độ quan tâm của những người theo dõi dành cho những nội dung mà Influencer tạo ra, đồng thời phản ánh năng lượng, sự sáng tạo và nỗ lực của Influencer trong việc xây dựng và phát triển kênh. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng và đề xuất những nội dung phổ biến nhất trên nền tảng truyền thông mạng xã hội.


gen z lam dai su thuong hieu cartier khu vuc bac my tung bo hoc tro thanh you tuber noi tieng sau 2 nam - anh 1

Thương hiệu có thể tính toán được tỷ lệ tương tác giữa nhóm khán giả và Influencer


Khi so sánh Influencer theo mức độ tương tác của khán giả, hãy tính tổng số liệu của tương tác dưới mọi hình thức, bao gồm lượt thích, lượt chia sẻ và nhận xét. Tỷ lệ tương tác có thể được tính dựa vào công thức dưới đây: 


Tỷ lệ tương tác = (tổng số lượng tương tác trong một bài đăng)/(tổng số người theo dõi trên kênh của Influencer)*100


3. Mức độ tăng trưởng khán giả (Audience growth) 


Trước khi quyết định cộng tác lâu dài với một Influencer, điều quan trọng là các thương hiệu cần có sự đo lường và đánh giá chỉ số tăng trưởng khán giả. Mặc dù việc đánh giá hiệu quả có thể tốn nhiều thời gian, nhưng đây là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp các thương hiệu đánh giá mức độ thu hút và phát triển các kênh của Influencer.


Các thương hiệu có thể đánh giá mức tăng trưởng khán giả bằng cách theo dõi sự thay đổi trong số lượng khán giả (người theo dõi) khi mỗi bài đăng mới của Influencer xuất hiện. Nếu lượng khán giả có sự gia tăng đột biến thì có thể kiểm tra lịch bài đăng hôm đấy có gì đặc biệt. 


4. Đề cập đến thương hiệu (Brand mentions)


Khi làm việc với một Influencer, số lượt đề cập đến thương hiệu trong bài đăng là một trong những yếu tố cần thiết nhất, cho thấy số lần thương hiệu được nhắc đến bởi Influencer và những người theo dõi họ trên các nền tảng truyền thông xã hội.



Hình thức mà Influencer đề cập đến sản phẩm cũng là một yếu tố nên được bàn bạc để đảm bảo thương hiệu thật sự có được sự chú ý


Các doanh nghiệp nên theo dõi số lần Influencer đề cập đến thương hiệu cả trước và sau khi tổ chức một chiến dịch tiếp thị. Số liệu này sẽ giúp doanh nghiệp ước tính hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị và cách chúng ảnh hưởng đến nhận thức về thương hiệu.


5. Lưu lượng truy cập từ mạng xã hội (Traffic from social) 


Chỉ đề cập đến thương hiệu trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội thì vẫn chưa đủ lý do để doanh nghiệp thực hiện hợp tác với một Influencer. Hơn hết, các doanh nghiệp nên nhắm vào mục tiêu tạo ra tỷ lệ chuyển đổi từ các nội dung do Influencer chia sẻ về thương hiệu. Đó cũng là lý do vì sao các Influencer thường thêm vào lời kêu gọi hành động (CTA), khuyến khích những người theo dõi truy cập vào trang web và tương tác với thương hiệu. 



Image

Các Influencer luôn phải có lời kêu gọi nhóm khán giả của họ tìm hiểu thêm thông tin sản phẩm của thương hiệu


Nếu chỉ sử dụng CTA với một liên kết duy nhất cho Influencer, doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ đề cập của họ về thương hiệu và đo lường tỷ lệ chuyển đổi thành lưu lượng truy cập cho thương hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp thương hiệu không sử dụng một liên kết duy nhất để đo lường, doanh nghiệp có thể xem phân tích trang web của mình để đánh giá lưu lượng truy cập từ phương tiện truyền thông xã hội xem liệu nó có phải đến từ các chiến dịch của những Influencer trên mạng xã hội hay không. 


6. Chuyển đổi từ mạng xã hội (Convert from social)


Tỷ lệ chuyển đổi từ người theo dõi của Influencer sang khách hàng của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định hợp tác với một Influencer cụ thể, vì yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của chiến dịch và mức chi phí mà khách hàng bỏ ra cho Influencer Marketing. Khi người theo dõi chuyển đến trang web hoặc ứng dụng của thương hiệu, các doanh nghiệp nên bắt đầu theo dõi hành vi của họ. 


Thương hiệu muốn khách truy cập thông qua kênh của Influencer làm gì? Mục tiêu là nhận newsletter thường kỳ của thương hiệu hay mua sản phẩm, dịch vụ có trong website?


Bằng cách xác định (các) mục tiêu chuyển đổi, các thương hiệu có thể sử dụng các công cụ phân tích để đánh giá xem chiến dịch của Influencer có tác động mong muốn hay không.


Gợi ý: Các thương hiệu có thể sử dụng hình thức theo dõi ID người dùng để theo dõi tỷ lệ chuyển đổi đến từ đâu. 


Một số công cụ hữu ích để phân tích Influencer


Theo dõi tất cả các số liệu và phân tích hiệu suất của từng Influencer theo cách thủ công có thể là một “cơn ác mộng” đối với các thương hiệu. Dưới đây là năm công cụ đắc lực hỗ trợ các marketer trong việc đánh giá mức độ tương tác của Influencer để từ đó tạo nên một chiến lược Influencer Marketing hiệu quả.


Awario


Awario là công cụ theo dõi phạm vi tiếp cận, số lần đề cập và đồng thời liệt kê danh sách những bài đăng có đề cập đến thương hiệu đã nhận được lượt tiếp cận cao nhất của Influencer.


Để giúp người dùng theo dõi rõ hơn các thông tin trên, công cụ này còn cho phép người dùng phân chia các bài đăng theo các hạng mục như nền tảng, hashtag, ngày đăng tải…


Hyper Auditor


HypeAuditor cho phép thương hiệu tìm kiếm những Influencer trên Instagram, YouTube và TikTok phù hợp với nhu cầu của các chiến dịch tiếp thị. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm những Influencer từng đề cập đến thương hiệu và/hoặc những người có những người theo dõi phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các chuyên gia trong lĩnh vực thích hợp và những người tạo nội dung xác thực để tìm đối tác Influencer tốt nhất.


Affable.ai


Affable.ai là một nền tảng cho phép thương hiệu đánh giá những Influencer trong danh sách đối tác tiềm năng của mình bằng cách hiển thị các thông tin của nhóm khán giả của Influencer như tuổi, vị trí, số lượng người theo dõi, ngôn ngữ sử dụng… Công cụ này hoạt động được trên cả Facebook, Instagram, Tiktok. 


Sử dụng các công cụ đo lường có thể giúp các thương hiệu đưa ra quyết định tốt hơn trong việc lựa chọn Influencer trong chiến dịch Marketing


Affable.ai cũng đóng vai trò là nền tảng để xây dựng, tối ưu hóa và thực hiện các chiến dịch Influencer Marketing. Công cụ này quản lý mối quan hệ với người ảnh hưởng, theo dõi nội dung họ, cung cấp các báo cáo và so sánh hiệu suất của những Influencer tiềm năng hợp tác với các thương hiệu.


GRIN


Công cụ hữu ích của GRIN cung cấp thông tin chi tiết nhất về hiệu suất của bài đăng trên mạng xã hội thông qua các số liệu như tỷ lệ tương tác, số lần nhấp và chuyển đổi. Thông tin này sẽ giúp thương hiệu nhanh chóng đánh giá xem chiến dịch Influencer Marketing có thành công hay không.


Ngoài theo dõi người ảnh hưởng, GRIN còn có thể theo dõi các KPI khác nhau cho các chiến dịch tiếp thị của thương hiệu, bao gồm ngân sách, doanh thu, chuyển đổi và giá trị truyền thông.


Emplifi.io


Emplifi.io (trước đây là SocialBakers) là một công cụ dựa trên A.I giúp đơn giản hóa việc quản lý và phân tích đối tượng trên mạng xã hội. Nền tảng đa tính năng này có thể phân tích từng hồ sơ người theo dõi và Influencer, tiết lộ các ý tưởng và chiến lược để thực hiện trong các chiến dịch tiếp thị của thương hiệu.


Theo Content Marketing Institute

Trần Thanh Thanh